Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

CHÂU Á: “KẾ HOẠCH” CỦA MỘT ẢO TƯỞNG CỦA VATICAN

Note: do bài gốc quá dài nên mạn phép cắt để bạn đọc có thể theo dõi mà cũng đỡ ngán

Ngô triệu Lịch
ntrlich@yahoo.com 

PHẦN II
NHẬN ĐỊNH VỀ TÔNG HUẤN GIÁO HỘI TẠI CHÂU Á
1. CHÂU Á: “KẾ HOẠCH” CỦA MỘT ẢO TƯỞNG

Ngay trong phần nhập đề văn kiện “Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á” (Ecclesia in Asia), Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Thật vậy, chính tại Châu Á, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã mặc khải và thực hiện ý định cứu độ của Ngài… Ngài sai con duy nhất của mình xuống, là Đức Giêsu Cứu Thế mang hình hài người Châu Á!” (S1). Cái gọi là: kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa khi chọn Châu Á để “khởi sự kế hoạch” cứu độ của mình, là một luận cứ rất vụng về của những nhà hộ giáo ở Vatican. Cụm từ “ngay từ đầu” xác định thời điểm Giêsu sinh ra đã có một thực tại địa lý với tên gọi “Châu Á”.
Về một thực tại địa lý với tên gọi “Châu Á”
Vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất, đế quốc Rôma đã đặt ách thống trị lên toàn bộ khu vực bao quanh Địa Trung Hải, trong đó khoảng 2/3 thuộc Âu Châu ngày nay. Phạm vi thống trị của Rôma rộng lớn như thế nên hoạt động của các nhóm Kitô nguyên thủy dù ở đâu, Jêrusalem hay Rôma cũng đều nằm trong bờ cõi đế quốc La Mã. Các khái niệm địa lý mà ngày nay người ta gọi là “Châu Á, Châu Âu, Châu Phi…” hoàn toàn không tồn tại vào thời La Mã thống trị vùng đất này. Vào thời đó, ý niệm về thế giới rất hạn hẹp, vùng Địa Trung Hải được xem là trung tâm thế giới, địa cầu là một mặt phẳng mà bầu trời là chiếc lồng bàn úp lên! Với vũ trụ quan thô thiển của người La Mã thời đó không thể có hiểu biết về một thực tại địa lý mà ngày nay người ta gọi là “Châu Á”. Địa danh “Tiểu Á” cũng chỉ là một địa phận nhỏ nằm bên bờ Địa Trung Hải, thuộc lãnh thổ đế quốc La Mã, không thể lầm lẫn với Châu Á ngày nay. Do đó, khi nói: “Giêsu sinh ra tại Châu Á, là người Châu Á”, là một kiểu gắn kết “xưa và nay” nhằm muốn chứng minh một điều không quan trọng và không cần thiết về sự có mặt của một đạo “cứu rỗi” tại Châu Á. “Giêsu là người Châu Á và vì vậy Công Giáo La Mã cũng là đạo của người Châu Á?…” Cái logíc này mới nghe có vẻ hợp lý, nhưng có nhiều điều không ổn. Nó ngây ngô như khi có người muốn cố gắng chứng minh tổ tiên của người da đỏ ở Bắc Mỹ là người Mỹ. Họ lập luận rằng: Tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày nay, nơi mà ngày xưa tổ tiên của những người da đỏ đã sinh ra, do đó tổ tiên của dân da đỏ là người Mỹ!?… Đành rằng có một lục địa cổ nằm giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, là quê hương của thổ dân da đỏ. Nhưng lục địa đó chỉ mới được người Âu Châu biết đến từ năm 1492, do Kha Luân Bố tìm ra. Miền đất này được người Âu Châu gọi là “tân thế giới” về sau này ta gọi là Mỹ Châu. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là một quốc gia sinh sau đẻ muộn, chỉ mới được thành lập cách nay khoảng 300 năm. Quốc gia non trẻ ấy lại có thể sản sinh ra tổ tiên của người dân da đỏ bản địa cách nay mấy ngàn năm?… Đúng là chuyện tiếu lâm!
Giả sử con người Giêsu lịch sử có muốn sử dụng “bản tinh Thiên Chúa” mà nền thần học Kitô giáo đã gán cho ông, ít nhất, bằng “quyền năng Thiên Chúa” của mình, ông phải phân định rạch ròi biên giới địa lý một châu lục với tên gọi “Châu Á”, báo cho các tác giả cựu ước thời đó biết, để họ có thể “tiên tri” trước về một vùng đất mang tên “Châu Á”, nơi Đấng Cứu Thế giáng sinh, trước khi ông được sinh ra trên mảnh đất đó… Tiếc rằng điều này lại không xảy ra, thế nhưng tác giả Tông huấn cứ viết: “Chúa Thánh Thần đã từng hoạt động tại Châu Á vào thời các tổ phụ và ngôn sứ (?), rồi hoạt động mạnh hơn nữa vào thời Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh sơ khai (?), nay vẫn đang hoạt động giữa các Kitô hữu Châu Á để củng cố việc làm chứng đức tin của họ giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo của châu lục…” (S18)
Giêsu là người Châu Á hay Tây Phương?
Ngày nay khi ranh giới các châu lục Âu, Á, Phi… được phân định rõ ràng (sự phân định này không hề có thời Đế quốc Rôma chiếm cứ vùng Địa Trung Hải). Quốc gia Do Thái thuộc về Châu Á nên Giêsu là người Châu Á (mặc dù cái gọi là “Châu Á” hoàn toàn không có ở thời điểm Giêsu được sinh ra). Nhưng đó là Giêsu Nazaret, “vua dân Do Thái” bị kết án tử hình tại quê hương của ông, chứ không phải Giêsu của Constantine được “khai sinh” trong lãnh địa đế quốc Rôma. Do vậy, khi Tông huấn Giáo hội tại Châu Á viết: “Thật nghịch lý khi đại đa số người Châu Á có khuynh hướng coi Đức Giêsu, một người sinh ra trên chính mảnh đất Châu Á, là một người Tây Phương hơn là A Châu” (S20) là một cách đánh lừa rất vụng về của tác giả bản tông huấn. Chúng ta biết rằng, 97% dân chúng Châu Á không phải là người Kitô giáo nên họ không biết Giêsu là ai, họ cũng chẳng quan tâm đến giáo chủ của đạo này là người Tây Phương hay Châu Á. Nên nói: “đại đa số người Châu Á…” chỉ là cách đánh động, gây sự chú ý của quần chúng Châu Á nhằm mục đích muốn giới thiệu “Giêsu cũng là người Châu Á…” Đằng khác, người ta đã cố tình nhầm lẫn “Giêsu lịch sử”“Giêsu thần học”.
- Giêsu lịch sử
Đối với Giêsu lịch sử, lý lịch trích ngang của ông thật đơn giản: Người Do Thái, nguyên quán Nazaret, tín đồ Do Thái giáo (đã chịu phép cắt bì và phép rửa với Gioan Tẩy Giả trên sông Giođan theo giáo điều Do Thái giáo), sinh thời tuyên truyền một giáo thuyết về “tình yêu” được nhiều người ngưỡng mộ. Theo truyền thuyết, ông đã thực hiện nhiều “phép lạ” trong lúc thuyết giảng. Chuyện “làm phép lạ” vào lúc những “đấng cứu thế” (Mêsia) nhiều như “sao trên trời” cũng là chuyện bình thường trong bối cảnh xã hội Do Thái đang trông đợi “Vị Cứu Tinh” đến giải phóng dân tộc ra khỏi xiềng xích nô lệ của đế quốc La Mã. Ngay khi Giêsu đang hoạt động rao giảng, cũng không thiếu kẻ tự nhận mình là “đấng cứu thế”. Thời đó, để chứng tỏ mình là “vị cứu tinh”, người này thường dùng thủ đoạn ma thuật phù phép như chữa bịnh, trừ qủy, làm phép lạ v.v nhằm lôi kéo, thuyết phục người khác. Hiện tượng nhiều người tự nhận mình là “đấng cứu thế” làm pháp thuật đã được Maccô nhắc đến trong Mc 9:39. Vào những thế kỷ đầu công nguyên đã có những tư tưởng chống lại truyền thuyết về Giêsu. Trong cuốn “Nói sự thật” Celsô cho rằng Giêsu là con người bịp bợm, phép lạ của ông ta chỉ là sự bịa đặt, người ta theo đạo chỉ vì sợ hỏa ngục… Linh mục Origen (158-225) điều hành học viện Alexanđria đã phải làm công việc “hộ giáo” bằng cách viết cuốn “chống lại Celsô”(178) phi bác các luận điểm của Celsô…
Giêsu bị kết án tử hình năm 33 tuổi. Cho dù sau chết, Giêsu đã “hồi dương”, về trời ngự bên hữu “Đức Chúa Cha”, thì cũng chẳng phải là chuyện lạ đối với nhiều dân tộc Châu Á, như truyền thuyết về Phù Đổng Thiên Vương “cởi ngựa sắt bay về trời…” trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
- Giêsu thần học
Ngược lại, “Giêsu thần học” được thai nghén từ Phaolô, 300 năm sau, được Constantine “cho phép sinh ra” và được St. Augustine “nuôi dưỡng khôn lớn”…
Phaolô (còn gọi là Saolô) gốc Do Thái, quốc tịch La Mã, thuộc phái Pharaseô. Ông là người hoạt động tích cực ngăn chặn các phong trào quần chúng ảnh hưởng Giêsu. Chính ông là người “giữ áo” cho đội thi hành án ném đá đối với Stephan, người đệ tử đầu tiên của Giêsu bị kết án tử hình. Sau đó ông nhận thấy phong trào quần chúng chống qúy tộc Do Thái và đế quốc Rôma ngày càng mạnh, tác động sâu rộng trong toàn xã hội. Ông đã quyết định bỏ phái qúy tôc Pharisêo đứng về phía quần chúng bị áp bức. Đó là bước ngoặc lớn nhất của chính đời ông. Truyền thuyết kể rằng: Trên đường đi Đamas, cùng với một đội quân võ trang của Công nghị Do Thái do Phaolô chỉ huy đi tiêu diệt các nhóm “phiến loạn”. Trên đường đi, ông đã bị sét đánh té ngựa. Trong lúc mê man, ông đã nghe có tiếng: “Saolô, sao ông bắt tôi?” – “ông là ai?” – “Tôi là Giêsu, người ông đang tìm bắt…” Khi Phaolô tỉnh dậy, mở mắt ra không thấy gì cả. Từ đó ông từ bỏ giai cấp qúy tộc của mình, trở thành “môn đồ gián tiếp” của Giêsu. Nhờ vỏ bọc “quốc tịch La Mã” bên ngoài giúp Phaolô hoạt động khá thành công trong phạm vi đế quốc Rôma… Khi Constantine thành lập Công giáo La Mã, tôn giáo này nghiễm nhiên trở thành quốc giáo, Augustine là người làm hoàn thiện các học thuyết như: Chúa Ba Ngôi, thuyết Tội Nguyên Tổ, thuyết Đức Mẹ Đồng Trinh, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội v.v… Những học thuyết này vốn là sản phẩm của công đồng Nikêa. Ngày nay, thần học Kitô giáo nói chung, Công giáo La Mã nói riêng đều lấy thần học của Augustine là nền tảng căn bản. Tóm lại: Phaolô chỉ là đệ tử gián tiếp, chưa bao giờ gặp mặt Giêsu, ông chỉ thấy Giêsu bằng ảo giác trong một tai nạn. Constantine vốn là một “kẻ ngoại giáo” lại là cha đẻ của công đồng Nikêa, còn Augustine, người được thừa nhận là một Giáo phụ nổi tiếng nhất của Giáo hội Latinh cũng là người “vô đạo”, có một quá khứ ăn chơi trụy lạc, đến năm 387 ông mới chịu phép Rửa để gia nhập giáo hội Rôma. Cả ba nhân vật này, từ Phaolô chỉ thấy Giêsu bằng ảo giác mà chưa từng gặp mặt, đến kẻ “ngoại giáo” Constantine, sau đó là người “tân tòng” Augustine đã xây dựng nên một “giáo hội”, biến Giêsu lịch sử thành Giêsu thần học như ta biết ngày nay.
Cứ cho rằng: “Giêsu lịch sử” là người Châu Á, vì Do Thái là một quốc gia Châu Á. Nhưng “Giêsu thần học” lại đích thị là “người Tây Phương”, điều này hiển nhiên vì nó được nhào nặn từ nền thần học Phương Tây bằng chính chất liệu triết học Phương Tây. Có thể thấy được điều đó qua các dữ liệu lịch sử.
2. CÔNG GIÁO LA MÃ VÀ SỰ HY-LA HÓA KITÔ GIÁO NGUYÊN THỦY
Từ Kitô giáo nguyên thủy đến Công giáo La Mã
Ngay từ buổi đầu sơ khai, khi Công giáo La Mã chưa hình thành, Kitô giáo nguyên thủy bao gồm nhiều nhóm nhỏ hoạt động độc lập, Kitô giáo nguyên thủy còn là di sản Do Thái giáo, còn mang sắc thái văn hóa Do Thái. Đạo Kitô nguyên thủy hoạt động trong lãnh thổ đế quốc Rô Ma, dù phải đối mặt với với văn hóa Hy Lạp cũng vẫn giữ được sắc thái văn hóa Do Thái. Mãi 300 năm sau, hoàng đế La Mã lúc đó là Constantine muốn tập hợp tất cả các giáo phái Kitô nguyên thủy thành một giáo phái thống nhất. Mục đích của việc thống nhất các giáo phái Kitô nguyên thủy là nhằm tạo sức mạnh về quân sự và chính trị của Constantine để bảo vệ đế quốc La Mã dưới chiêu bài một tôn giáo. Vì thế, Constantine ra lệnh tiêu diệt tất cả những giáo phái Kitô nguyên thủy nào muốn chống lại việc thống nhất này. Kể từ đây, Kitô giáo nguyên thủy đã biến dạng thành Kitô giáo La Mã. Năm 340, một lần nữa, Kitô giáo của Constantine lột xác để biến thành Công giáo La Mã, tôn giáo mới này đã được công nhận là quốc giáo kể từ đó.
Tôn giáo mới - Ý hệ mới
Việc xây dựng một ý hệ tôn giáo mới được bắt đầu bằng việc sử dụng các ý niệm triết học Hy Lạp sẳn có để giải thích các tín điều của tôn giáo mới, tức Công giáo trên cái nền của đạo Kitô nguyên thuỷ.
Buổi đầu sơ khai chưa có thần học, nhưng đã bắt đầu xuất hiện những lý thuyết mới. Một trong những lý thuyết mới đó là lý thuyết “Ba ngôi”. Lý thuyết này đã được giải thích bằng các ý niệm Hy Lạp. Quan hệ biện chứng Ba Ngôi dựa trên ý niệm “ngôi vị” của triết học Hy lạp là cái mà trong truyền thống văn hóa Do Thái không hề có. Lớp trí thức (giáo phụ, tiến sĩ…) của giáo hội thời đó tận dụng triệt để các ý niệm trong văn hóa Hy-La, biến các tín điều Kitô giáo thành một hệ thống lý luận mang sắc thái Hy-La, dần loại trừ văn hóa Do Thái.
Sự vận hành các phạm trù Hy Lạp vào Thần học Kitô giáo
Triết học Hy Lạp vốn là nền tảng của triết học Tây phương. Triết học Tây phương lại là một công cụ được giới trí thức giáo hội như các giáo phụ, tiến sĩ tận dụng làm chất liệu để xây dựng ngôi nhà Thần học của họ. Vì vậy không thể tách được thần học Kitô giáo ra khỏi các phạm trù Hy Lạp. Một số danh từ chỉ về Thượng đế trong truyền thống văn hóa Do Thái như: El Shaddai, El’Elyôn, Yahvéh, Elohim v.v… cũng đã được Hy Lạp hóa bằng các từ Theos, Deus, Dieu vốn là những từ dùng để chỉ các vị thần trong thần thoại Hy Lạp như Zeus, Jupiter, Hercule … Theos vốn là một danh hiệu chỉ vị thần tối cao trong văn hóa Hy Lạp thuộc hệ thống tín ngưỡng đa thần. Aristote, Plato dùng khái niệm Theos để chỉ một nguyên lý trừu tượng, siêu hình có tính chất phiếm thần tức “nguyên lý tối thượng của vũ trụ”. Các nhà thần học lại vận dụng ý niệm Theos của Aristole để lồng ghép một nội dung mới nhằm chỉ một Thiên Chúa có Ngôi Vị hình thành một hệ thống mới mang tính độc thần…
Truyền thống văn hóa Do Thái nói đến một Messiah (Mêsia) có nghĩa là “kẻ đưọc xức dầu” Một nghi thức chỉ áp dụng cho giới quý tộc, nghi thức “xức dầu” được thực hiện trong việc phong vương cho vua chúa Do thái. Messiah còn có nghĩa là “vị cứu tinh”, người anh hùng dân tộc có thể lãnh đạo nhân dân Do Thái chống lại kẻ thù của họ. Quần chúng bị áp bức Do Thái tôn vinh Giêsu là Mêsia chính là vì họ tin tưởng ông có thể lãnh đạo nhân dân đứng lên dành lại độc lập từ tay đế quốc La Mã. Về sau Mêsia đã biến tướng thành một vị “Chúa Cứu Thế” để gán cho Giêsu. Khi Công giáo được hình thành tại Rôma, Mêsia vốn là di sản văn hóa Do Thái cũng đã bị đồng hòa bởi văn hóa Hy-La. Từ “Messiah” biến thành “Christus” (Latinh), “Christos” (Hy Lạp), phiên âm là “Kitô”. Kitô khi được La-Hy hóa đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa gốc của từ Mêsia. Ngày nay người ta gọi Giêsu là “Chúa Giêsu Kitô” chứ chẳng ai gọi “Chúa Giêsu Mêsia”. Điều đó chứng tỏ rằng: Giêsu Nazaret, tức “Giêsu lịch sử” chỉ là một con người bình thường muốn làm “anh hùng dân tộc” tự nhận là Mêsia dù ông chưa một lần được “xức dầu”. Hoàn toàn khác với “Chúa Giêsu Kitô”, sản phẩm của khoa thần học của giáo hội Rôma, ngay cả việc chọn ngày 25/12 là ngày sinh của Giêsu cũng đã không đúng, không ai có thể biết chính xác ngày sanh của Giêsu là ngày nào, người ta chỉ biết rằng ngày 25/12 là ngày mà nhiều dân tộc ở Phương Tây chọn làm ngày thờ thần Mặt trời theo truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của người Phương Tây.
Chính vì vậy khi tác giả tông huấn viết “Thật nghịch lý khi đại đa số người Châu Á có khuynh hướng coi đức Giêsu, một người sinh ra trên chính mảnh đất Châu Á, là một người Tây Phương hơn là Á Châu” (S20) là chẳng nghịch lý chút nào…. Khuôn mặt của “Giêsu thần học” cũng được biến đổi dần theo năm tháng… Nền thần học Kitô giáo ngày nay đã “cho phép” Giêsu biến thành “món quà” mà giáo hội Công giáo La Mã là người độc quyền “ban tặng” cho mọi dân tộc, đặc biệt là các dân tộc Châu Á!?…(xem chương bốn, Tông huấn GH tại Châu Á)