Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Đầu Thai và Luân Hồi

Đầu thai
Có người hỏi tôi có tin chuyện “đầu thai” hay không. Câu trả lời của tôi là "Tôi không biết".
Trước hết, có những giả thuyết dựa trên nguyên lý bảo toàn năng lượng để cố gắng giải thích một phần nào về cái gọi là “linh hồn”. Nếu dựa vào đó thì chuyện đầu thai có thể xảy ra hoặc không xảy ra tùy vào những điều kiện và nghi vấn nằm trong giả thuyết trên.
Các giả thuyết về linh hồn nầy nói chung cho rằng mỗi người được cấu tạo bởi 2 phần: vật chất và phi vật chất. Phần vật chất là thể xác và phần phi vật chất là cái được gọi là “linh hồn”. Nếu dựa theo nguyên lý bảo toàn năng lượng thì sau khi một người chết đi, phần năng lượng phi vật chất của họ rất có thể tuy đã rời thân xác nhưng vẫn còn tồn tại đâu đó.
Vài điều kiện và nghi vấn chính dính liền với giả thuyết trên là:
1/ Không ai có thể xác định rằng cái khối năng lượng “linh hồn” nầy có còn chứa đầy đủ tri thức cũng như đặc tính cá nhân của một người trước khi chết để còn nhận biết nó là ai hay những điều gì đang xảy ra chung quanh nó hay không.
2/ Và ngay cả nếu điều kiện ở trên có xảy ra đi nữa thì cũng không ai có thể xác định rằng khối năng lương nầy sẽ bền vững bao nhiêu và bao lâu. Rất có thể là sau khi rời khỏi thân xác thì vì không có gì kềm giữ khối năng lượng nầy lại, nó sẽ bị phân tán ra và tan loảng dần trong vũ trụ; tri thức và những đặc tính cá nhân của cá thể nầy do đó cũng bị phai mờ dần và rồi biến mất. Không ai có thể xác định khoảng thời gian nầy là bao lâu: ngay tức khắc sau khi chết hay 3 ngày hay 100 ngày, v.v. sau đó?
3/ Hơn nữa, ngay cả nếu như linh hồn của một người còn tồn tại lâu đủ sau khi chết đi nữa thì cũng không có gì cho biết rằng nó có thể có khả năng hay cơ hội để được tái sinh dưới một hình dạng khác hay chuyển biến sang thành một cá thể khác.
Nói cách khác, theo tôi thì cần phải biết rõ tất cả những vấn đề trên trước khi có thể xác định rằng việc "đầu thai" có xảy ra hay không.
Tôi có đọc qua nhiều mẩu chuyện “chứng minh” là chuyện đầu thai đã xảy ra. Thí dụ như về đứa bé tự xưng mình là hiện thân của một người quá vãng đã từng sống ở một nơi xa lạ mà đứa bé đó chưa bao giờ đặt chân đến; đứa bé có thể kể chính xác nhiều chi tiết cá nhân của người chết và diễn tả tĩ mĩ căn nhà mà người ấy từng sống.
Tôi không có giả thuyết nào có thể giải thích được những hiện tượng đó, nếu những hiện tượng đó có thật.
Tôi không thể khẳng định rằng hiện tượng “đầu thai” là không có thật. Tôi không thể cho là tất cả các câu chuyện nầy đều có thể giả mạo. Tuy vậy tôi tin rằng có rất nhiều trường hợp mà toàn bộ câu chuyện đã được giàn cảnh tinh vi bởi thân hữu của nhân vật chính.
Tôi không biết có bao nhiêu trường hợp giả mạo. Tôi cũng không biết có phải tất cả mọi câu chuyện trên đều là giả mạo hay ít nhất được thêu dệt, thêm thắt ít nhiều hay không.
Phần lớn những vụ giả mạo trong vấn đề nầy là để vụ lợi. Hầu hết các mẩu chuyện nầy đều xảy ra ở một vùng quê hẻo lánh hay một thôn tỉnh vô danh nào đó. Nếu một sự kiện ly kỳ loại nầy xảy ra ở những nơi như vậy thì số du khách tò mò đến thăm viếng sẽ mang lại địa phương và các người trong cuộc những lợi tức không nhỏ.
Đã có nhiều người điều tra về các mẩu chuyện loại nầy. Tuy vậy các bài tường trình của họ (mà tôi đã đọc qua) vẫn không đủ sức thuyết phục để tôi có thể chấp nhận hoàn toàn mọi thứ mà không có một chút ngờ vực nào.
Nói chung cho đến nay không có bằng chứng gì khách quan và rõ ràng đủ để làm tôi tin rằng những chuyện về đầu thai đó đã có xảy ra. Và ngay cả nếu những câu chuyện đó đã có thật sự xảy ra đi nữa thì cũng không có gì chứng minh rằng đây là một quy luật chung cho tất cả mọi người.
Vì lý do nầy, tôi xem chuyện “đầu thai” chỉ có thể là một “giả thuyết” chớ không phải là một “định luật” đáng tin cậy đủ để được áp dụng vào đời sống thực tế.
Luân hồi
Lý thuyết về luân hồi gắn liền với lý thuyết về đầu thai.
Luân hồi là một khái niệm nói về sự luân chuyển của việc sinh ra, sống, rồi chết đi để rồi tái sinh trở lại, sống, rồi chết đi nữa vòng vòng mãi không bao giờ dứt.
Như đã nói ở trên, tôi cũng không có đủ dữ kiện và kiến thức về các vấn đề nầy để khẳng định hay phủ nhận tất cả mọi trường hợp. Nói cách khác, tôi vẫn có nhiều nghi vấn chưa được giải đáp ổn thỏa. Phần lớn có lẽ là vì tôi chưa bao giờ bỏ công ra thật sự tìm tòi, nghiên cứu về hiện tượng nầy.
Những nghi vấn của tôi về vấn đề "luân hồi" cũng tương tự như những nghi vấn đã nói ở trên về vấn đề "đầu thai". Hiện tượng nầy có thật sự xảy ra hay không? Nếu có thì có xảy ra trong tất cả mọi trường hợp, cho tất cả mọi người hay không? Ngay cả nếu việc “đầu thai” có thật thì việc “luân hồi” có thật hay không? Nếu có thật thì nó áp dụng cho tất cả mọi người hay không? Nó làm việc ra sao? Mỗi người có sự lựa chọn trong việc đầu thai đi đâu hay không? v.v. và v.v. 
Như đã nói, các khái niệm về “luân hồi”, “đầu thai”, “nghiệp quả”, v.v. đều liên quan và hoạt động chung với nhau. Có những lý thuyết dùng năng lượng học, nhiệt động học, v.v. để giải thích các khái niệm nầy.  Các lý thuyết nầy rất có thể không hoàn hảo và theo tôi có vẻ có phần đơn giản quá. 
Như đã nói, có thể dùng định luật bảo toàn năng lượng để cho thấy sự khả dĩ hiện hữu của linh hồn. Và sau đó thì Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học có thể dùng để gián tiếp xác định việc sự sống thành tựu rồi tan biến. Tôi xin nói rõ hơn một chút về lý thuyết nầy. 
Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học cho rằng mọi hệ thống năng lượng trong vũ trụ đều có khuynh hướng tự biến đổi từ trạng thái có trật tự cao xuống dần thành có trật tự thấp. Một con người khi còn sống là một hệ thống (năng lượng) có trật tự cao; khi một người chết thì linh hồn tách rời khỏi thể xác: đó là một hệ thống (năng lượng) có trật tự thấp hơn. Cái tử thi cũng là một hệ thống từ từ phân hủy và tan rã ra: trật tự cao biến đổi thành thấp. 
Tuy vậy, Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học cũng đưa đến một số câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng; thí dụ như:
1/ Ngay cả nếu cái gọi là “linh hồn” là một hệ thống, giả dụ như có thể hiện hữu độc lập một phần nào, nhưng theo Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học thì rồi cũng sẽ phải từ từ tiêu tan đi; và nếu như vậy thì linh hồn không vĩnh cửu hay sao?
2/ Khi linh hồn của một người biến đổi thành linh hồn của một cá thể khác, nó phải cần năng lượng để làm việc đó. Khi linh hồn “mới” muốn kết hợp vào một thân xác “mới”, đó là trường hợp một hệ thống có trật tự thấp đang biến đổi thành một hệ thống có trật tự cao; nó cũng cần năng lượng để làm việc đó. Vấn đề cần giải thích ở đây là những năng lượng cần thiết đó từ đâu mà có?
3/ Nếu cho rằng những năng lượng cần thiết để một linh hồn có thể kết hợp được với một thân xác mới đến từ vũ trụ thì điều gì cho phép (hay dẫn đến) sự di chuyển năng lượng từ một hệ thống (bao la như vũ trụ) đến một hệ thống khác (bé nhỏ như một cá thể)? v.v. 
Thật ra thì tôi có cảm tưởng cách nhìn nầy có phần đơn giản quá. Đó là vì nói chung thì hầu như bất cứ sự kiện hay hiện tượng nào trên đời cũng có thể được giải thích (ít nhất là một phần nào) bằng một giả thuyết hay định luật nào đó. Ở đây các lý thuyết nầy đang dùng những định luật khoa học có phạm vi rất tổng quát để cố giải thích cho những hiện tượng không kiểm chứng được. 
Đối với tôi thì chuyện “đầu thai” và “luân hồi” không quan trọng lắm. Tôi sống cho kiếp sống hiện tại. Nếu thật sự có chuyện đầu thai thì tốt, còn không thì cũng không sao. Tôi không lo sợ về chuyện nhân quả, tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện luân hồi. 
Tôi nói “nếu thật sự có chuyện đầu thai thì tốt” vì nếu vậy thì có sự sống còn tiếp diễn sau khi chết. Chinh phục được cái chết là nỗi ước vọng lớn nhất của loài người từ thời hồng thủy. Tôi cũng chỉ là một thành viên của nhân loại, sự sống rất quý báu và tuyệt vời đối với tôi. Tuy nhiên tôi không vì thế mà tự dối gạt tôi với cái ảo tưởng của sự sống vĩnh cửu nếu tôn phục một thần linh nào đó.
Tương tự, những cái gọi là "bằng chứng" cho vấn đề luân hồi cho đến nay theo tôi cũng chỉ rất mơ hồ nên tôi không thể nào dựa vào nó để làm nguyên tắc trong đời sống hàng ngày. 
Điều tôi than phiền nhất về nhiều tông phái Phật giáo là việc họ giảng dạy về các khái niệm đầu thai và luân hồi giống như những định luật khoa học tự nhiên trong khi họ không hề có một bằng cớ khách quan nào có thể kiểm chứng được.

Điểm Thất Lợi của sự Phổ Biến Khái Niệm Phi Tôn Giáo Phi Tín Ngưỡng

Tôi đã viết đăng nhiều bài tiểu luận đưa ra nhận xét và quan điểm của tôi về bản chất thật sự và giá trị của tôn giáo.
Nói chung, tôi cho rằng nền tảng tín ngưỡng của Thiên Chúa giáo chỉ là các nhu cầu và hiểu biết của một xã hội du mục hơn 2000 năm về trước ở Trung Đông, do đó rất thô thiển và không còn thích hợp với tiêu chuẩn đạo đức và kiến thức của nhân loại ngày nay.
Tôi cũng chưa thấy có bằng chứng nào khách quan và vững chắc đủ để làm cho tôi tin vào sự trường tồn của một cá thể sau khi chết hay tin vào các khái niệm nhân quả, nghiệp phước, luân hồi, v.v. như nhiều cơ sở Phật giáo ngày nay truyền giảng.
Tuy vậy, tôi tin rằng tôn giáo giữ một vai trò nhỏ trong việc gìn giữ an ninh trật tự trong xã hội, nhất là những xã hội với dân trí còn thấp kém.
Thí dụ như trong Thiên Chúa giáo, tín đồ được dạy rằng “nếu tuân theo mười điều răn thì sẽ được Thiên Chúa thương yêu cứu rỗi, còn ngược lại sẽ bị trừng phạt nặng nề”. Trong Phật giáo có những khái niệm như “nghiệp phước”, “luân hồi”, “nhân quả” cũng như ngũ giới cấm để gìn giữ Phật tử trong khuôn khổ đạo lý và đạo đức của họ.
Nhờ những hăm dọa và hứa hẹn trong các tín điều kể trên, tôi tin rằng có một số tín đồ vì sùng tín nên có cố gắng tránh làm việc ác hơn nếu họ không sùng tín. Và cũng có thể nhờ thế mà những người nầy trong một số trường hợp nào đó đã/sẽ thật sự ít làm ác hơn nếu họ không sùng tín.
(Xin chú ý: điều nầy không có nghĩa là tôi tin rằng người sùng tín ít làm ác hơn người không sùng tín.)
Trong những thập niên gần đây có một số tác giả (đa số là người Tây Phương) đã viết về các đề tài đả kích tôn giáo tín ngưỡng và những tệ nạn tai hại liên quan đến chúng. Số tác giả nầy ngày càng gia tăng cũng như số lượng các tác phẩm, trang mạng của họ ngày càng phổ biến rộng rãi hơn. (1)(2)
Khi đọc các bài viết của tôi, có tín đồ Thiên Chúa giáo hỏi nếu không tin rằng có một sự sống vĩnh cửu dành cho người hiền lành hay sự trừng phạt đời đời dành cho kẻ hung dữ thì biết đâu nhiều người từ nay sẽ không còn thấy cần phải sống một cách lương thiện, chính chắn nữa? Cũng có Phật tử hỏi nếu tin rằng không có nhân quả và luân hồi, tức là “gieo nhân” mà không sợ phải “hái quả” và “chết là hết”, thì liệu sẽ có nhiều người tha hồ làm điều ác vì không còn sợ bị quả báo hay không?
Nói chung, những người nầy cho rằng nếu không có các tín điều trên thì có thể không ai còn làm việc thiện nữa vì sẽ không có lợi ích cho họ, cũng như nhiều người sẽ làm nhiều việc ác vì họ sẽ không sợ hậu quả gì cả trong tương lai.
Tôi thật ra cũng đã từng có một thắc mắc tương tự.
Tôi đã có lần tự hỏi không biết việc phổ biến quan niệm phi tôn giáo tín ngưỡng của những tác giả kể trên (trong đó có tôi, dù là chỉ ở một mức độ nhỏ nhoi mấy đi nữa) có ích lợi hay tai hại nói chung cho xã hội và nhân loại. Tôi thường phân vân không biết có bao nhiêu người chịu ảnh hưởng của những tư tưởng nầy rồi tin rằng không có Thiên đàng Địa ngục hay nhân quả luân hồi nữa và sau đó chuyển qua một đời sống ích kỷ, tham lam, độc ác vì họ không còn sợ hậu quả của những hành vi xấu của họ nữa. 
Dưới đây là vài phân tích, lý luận có thể giải đáp ít nhiều cho thắc mắc và nỗi phân vân kể trên. Theo sự hiểu biết của tôi thì chưa ai bao giờ nghiên cứu hay làm thống kê về vấn đề nầy cả. Tôi chỉ dựa vào kiến thức tâm lý, sinh lý và nhân chủng học sẵn có để đưa đến một cách giải thích khả dĩ hợp lý.
Trước hết, như tôi đã nói trong nhiều bài khác, đạo đức là một sản phẩm phát xuất từ quá trình tiến hóa tự nhiên trong các chủng loại; tôn giáo không phải là nền tảng của đạo đức. Sự kiện nầy dựa vào định luật tiến hóa tự nhiên của chủng loại, một kiến thức khoa học tự nhiên đã được kiểm chứng và xác nhận qua những quan sát và thử nghiệm lâu dài khởi xuất từ khi Charles Darwin đưa ra một lý thuyết mang cùng tên vào đầu thế kỷ 19. (3)(4)
Con người và thú vật đều có những lề lối đạo đức riêng của mỗi chủng loại. Lề lối đạo đức nói chung là khi một cá thể làm những điều tốt đẹp cho các cá thể khác; nhất là khi những điều đó không mang đến ích lợi, hoặc có khi còn có hại, trực tiếp cho chính cá thể chủ động ấy.
Dĩ nhiên bản năng sinh tồn tự nhiên của một sinh vật lúc nào cũng thúc đẩy nó phải làm lợi cho chính nó càng nhiều càng tốt, ngay cả nếu cần phải làm hại các sinh vật khác để đạt được cái lợi trên. Tuy nhiên, những chủng loại nào có nhiều cá thể dạng nầy thì sẽ dễ tự phân rẽ, tự hũy hoại và cuối cùng sẽ tàn lụn mất dần đi. Trong khi đó, những chủng loại có càng nhiều cá thể làm nhiều điều tốt đẹp cho những cá thể khác thì sẽ thường càng vững chắc hơn, và do đó càng có nhiều cơ hội sống còn hơn.
Cái khuynh hướng làm những điều tốt đẹp trên nằm trong cấu trúc DNA của những chủng loại tồn tại qua hàng triệu triệu năm tiến hóa. 
Trong xã hội loài người từ thời sơ khai, cái đạo đức tự nhiên nầy nằm sẵn trong DNA của mỗi người và được truyền đi từ đời nầy sang đời khác. Một điều cần nhớ ở đây là những “DNA thiện ác” nầy không hoàn toàn giống nhau trong tất cả mọi người. Có nghĩa là mức độ tỉ lệ thiện ác nằm trong bản chất bẩm sinh của mỗi cá nhân đều mỗi khác nhau.
(Ở đây, chữ “ác” cần được hiểu là “việc làm có lợi cho người chủ động nhưng có hại cho người khác”. Một điều “ác” ở đây không nhất thiết phải là một điều nghiêm cấm bởi tôn giáo nào cả. Tương tự ngược lại cho chữ “thiện”.)
Kế nữa, dựa theo nhân văn và xã hội học thì bản chất đạo đức, cũng như tâm tính, của một người chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố: 1/ bẩm sinh (tức là từ cấu trúc “DNA thiện ác” của họ), và 2/ môi trường xã hội và kinh nghiệm thu nhập được từ đời sống chung quanh nhất là ở những năm đầu tiên trong đời họ.
Yếu tố nào có nhiều ảnh hưởng hơn yếu tố nào là tùy vào quốc gia, hoàn cảnh xã hội, điều kiện sinh sống, ảnh hưởng gia đình, trình độ giáo dục, v.v. Thí dụ như các tỉ lệ khuynh hướng “thiện ác” của dân chúng trong một quốc gia nghèo đói đang trải qua chiến tranh ở Phi Châu sẽ khác hẳn với một quốc gia giàu có, thanh bình ở Âu Châu.
Về mặt đạo đức tự nhiên kể trên, có thể tạm chia con người làm ba nhóm tổng quát: 1/ Nhóm người có bản năng toàn thiện, 2/ Nhóm người có bản năng toàn ác, và 3/ Nhóm người có bản năng pha trộn thiện lẫn ác dưới những tỉ lệ khác nhau.
Dựa vào nhận xét của các môn khoa học về xã hội và nhân chủng, cũng như thống kê tội phạm trong các quốc gia trên thế giới hiện nay, tính chất của những người trong mỗi nhóm ở trên có thể được diễn tả về như sau:
- Nhóm 1 là những người có khuynh hướng luôn làm điều thiện vì họ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi làm những điều tốt đẹp cho kẻ khác, ngay cả khi chính họ phải hy sinh ít nhiều khi làm những việc nầy. Sinh vật học cho thấy có những hóa chất gọi là endorphin tiết ra trong nội tạng của những người nầy mỗi khi họ giúp đỡ kẻ khác làm cho họ có các cảm giác trên. Số người nầy rất ít, có lẽ chỉ vài phần vạn trong toàn thể nhân loại (đây chỉ là một tỉ lệ phỏng đoán có giá trị tiêu biểu nhiều hơn là chính xác).
- Nhóm 2 là những người có khuynh hướng thường làm điều ác vì họ cảm thấy thỏa mãn khi làm hại người khác. Sinh vật học cũng cho thấy các chất endorphin trong những người nầy cũng là nguyên nhân của hiện tượng trên. May mắn thay, số người nầy cũng rất ít, có thể rất ít hơn cả nhóm 1 kể trên.
- Nhóm 3 là phần còn lại trong nhân số gồm những người có khi làm điều ác có khi làm điều thiện. Khuynh hướng làm nhiều hay ít bao nhiêu những điều thiện hay ác của mỗi người, như đã nói ở trên, tùy thuộc vào cấu trúc “DNA thiện ác” bẩm sinh và môi trường sinh sống của họ. Theo lý thuyết tiến hóa tự nhiên, vì con người là một chủng loại thành công trong việc sống còn nên có thể cho rằng tỉ lệ DNA “thiện” của nhóm người nầy nói chung có phần lớn hơn tỉ lệ “ác” của họ.
Một điều đáng kể cần nhận thấy ở đây là lịch sử xưa nay đã chứng minh rõ ràng rằng tôn giáo nói chung không có khả năng ngăn cấm hoàn toàn con người trở thành “ác”.
Như đã nói ở trên, hầu như trong bất cứ tôn giáo nào cũng có những giáo điều về đạo đức kèm theo những đe dọa và hứa hẹn thí dụ như “tuân lời Thiên Chúa sẽ được ơn lành”, “làm ác sẽ gặp ác”, “siêng năng tu hành sẽ được vào Niết Bàn”, v.v. Tôn giáo nói chung đóng một vai trò “cảnh sát lương tâm” khá hữu hiệu, nhất là trong các xã hội sơ khai khi đời sống khó khăn và đa số người ta thiếu thốn kiến thức khoa học lẫn khả năng lý luận.
Các tổ chức tôn giáo đã dồn nhét tín điều vào đầu nhiều người, có khi ngay từ thuở thơ ấu, để đào tạo ra những tín đồ có khi cực kỳ mù quáng trong niềm tín ngưỡng của họ. Tuy vậy các quá trình tẩy não trên vẫn không thành công trong việc hoàn toàn ngăn cản con người làm việc ác.
Ai cũng thấy rằng có vô số trường hợp ngay chính những tín đồ sùng đạo nhất cũng phạm các điều tội lỗi mà tôn giáo của họ đã nghiêm cấm. Theo tôi đó là vì ở những hoàn cảnh, những thời điểm nào đó thì cái cấu trúc “DNA thiện ác” trong mỗi người sẽ chiến thắng các giáo điều trên, và những quy chế xã hội khác, để điều khiển hành động của họ.
Nói cách khác, thông thường thì tôn giáo có thể kềm giữ đa số tín đồ trong khuôn khổ đạo đức nào đó trong đa số hoàn cảnh. Tuy vậy vẫn có những thời điểm, những hoàn cảnh mà một tín đồ sẽ gạt bỏ các tín điều và lề thói xã hội qua một bên để tuân theo bản năng tự nhiên của họ.
Như đã nói, điều nầy giải thích tại sao nhiều tín đồ làm việc ác phản lại tín điều dạy việc thiện. Thí dụ như nhiều tăng ni Phật tử vẫn vô tình hay cố ý thường xuyên phạm ngũ giới cấm. Tương tự, điều nầy cũng giải thích tại sao nhiều tín đồ làm việc thiện phản lại tín điều dạy việc ác. Thí dụ như nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo ngày nay không tuân theo lời dạy trong Kinh Thánh phải trừng phạt, tiêu trừ những kẻ ngoại đạo.
Diễn giải thêm từ đây, theo tôi thì:
- Những người có nhiều cấu trúc “DNA thiện” trong người sẽ thường có khuynh hướng làm nhiều điều thiện bất kể các giáo lý trong tôn giáo họ có dạy họ như vậy hay không. Nói cách khác, những người có khuynh hướng thiện sẽ thường làm thiện bất kể họ có theo tôn giáo gì hay không.
- Tương tự, những người có nhiều cấu trúc “DNA ác” trong người sẽ thường có khuynh hướng làm nhiều điều ác bất kể các giáo lý trong tôn giáo họ có nghiêm cấm bao nhiêu đi nữa. Nói cách khác, những người có khuynh hướng ác sẽ thường làm ác bất kể họ có theo tôn giáo gì hay không.
- Việc truyền bá khái niệm “phi tôn giáo tín ngưỡng” sẽ chỉ thuyết phục được và thay đổi vị thế tâm linh của một số ít người. Đó là vì tôn giáo tín ngưỡng luôn luôn có một sức quyến rũ vĩ đại vì có thể thỏa mãn các nhu cầu tâm linh của con người. Vì vậy, số người từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng sẽ luôn luôn rất nhỏ so với số người vẫn còn bám víu chúng.
- Trong số người từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng kể trên, rất có thể là khi nhận biết rằng không có Thiên đàng Địa ngục hay nhân quả luân hồi gì cả thì có một số người với cấu trúc “DNA thiện lẫn ác” sẽ có khuynh hướng làm nhiều điều ác hơn khi họ còn tin sợ vào các tín điều trên. Tuy vậy, rất khó có thể xác định chính xác được tỉ lệ số người nầy và ảnh hưởng của sự thay đổi của họ là bao nhiêu trên xã hội và nhân loại.
- Một ước đoán dựa theo lý thuyết tiến hóa tự nhiên đã đề cập đến ở trên (vì con người là một chủng loại thành công trong việc sống còn cho nên tỉ lệ DNA “thiện” của đa số nói chung có phần lớn hơn tỉ lệ “ác”) cho thấy tỉ lệ nầy sẽ khá nhỏ hơn 50%.
- Có nghĩa là chỉ một số nhỏ (khá ít hơn 50%) của một số người rất nhỏ vì ảnh hưởng của việc truyền bá phi tôn giáo tín ngưỡng mà từ bỏ niềm tin của họ có thể thay đổi khuôn cách sống từ “thiện” trở thành ra “ác”.
- Nói cách khác, các tác phẩm phổ biến khái niệm “vô tôn giáo tín ngưỡng” nếu có làm gia tăng số người có khuynh hướng làm ác thì sự gia tăng nầy cũng sẽ không đáng kể lắm so với các khuynh hướng chung sẵn có trong xã hội.
- Bù lại trong lúc đó, việc phổ biến khái niệm “vô tôn giáo tín ngưỡng” rất có thể đem lại một ích lợi rất thực tế và dài lâu; đó là sự hiểu biết cần thiết để hạn chế phần nào các tệ nạn tai hại như mê tín dị đoan, đàn áp, khống chế, kiểm soát, lừa gạt, lợi dụng, v.v. đang tràn lan trong mọi tôn giáo.
Tóm lại, theo sự phân tích và lý luận ở trên, tôi có khuynh hướng cho rằng việc phổ biến khái niệm “vô tôn giáo tín ngưỡng” một mặt có thể mang đến một tai hại với tính chất và tầm vóc khó xác định chính xác được, đồng thời ở mặt khác chắc chắn kèm theo một ích lợi với tính chất và tầm vóc có thể xác định rõ ràng.
Theo niềm hy vọng chủ quan của tôi, cái ích lợi vừa kể sẽ lớn hơn (hay tệ nhất cũng là sẽ ngang hàng và quân bình với) cái tai hại tương ứng.
Thêm một điều nữa, tất cả mọi sự việc và hiện tượng trong vũ trụ đều thay đổi không ngừng và trải qua các giai đoạn sinh, tiến, thoái, diệt; trong đó có nhân loại. Đây là một khái niệm cơ bản trong vũ trụ quan của Phật giáo. Đây cũng là một nhận xét có kiểm chứng được trong khoa học hiện đại.
Có nhiều quan điểm khác nhau về tình trạng tiến hóa của nền văn minh hiện tại của nhân loại. Có quan điểm cho rằng con người vẫn còn đang trên đường thăng tiến lên những đỉnh cao mới về mặt nhân văn lẫn khoa học kỹ thuật. Có quan điểm cho rằng dân số và áp lực môi sinh ngày càng gia tăng của con người trên địa cầu đang dẫn đường cho nhân loại đi dần vào ngõ cụt diệt vong. Có quan điểm cho rằng sự hiểu biết mở mang ngày nay về xã hội và thiên nhiên đang giải phóng con người ra khỏi những tệ nạn xuất phát từ định kiến và hủ tục. Có quan điểm cho rằng tư tưởng hưởng thụ vật chất đang đem đến sự suy đồi của đạo đức và cuối cùng là sự tự hũy hoại của nền văn minh hiện có.

Nói cách khác, dù muốn dù không thì nhân loại cũng vẫn luôn nằm trong một quá trình biến đổi không ngừng và hầu như không ai có thể điều khiển được. Cho nên nếu việc phổ biến các ý tưởng vô tôn giáo tín ngưỡng có thật sự đưa đến những thay đổi đáng kể trên tư duy và đời sống của con người thì đây cũng chỉ là một hiện tượng bé nhỏ trong chu kỳ tồn vong của nhân loại dưới định luật vận hành của vũ trụ.