Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

NGUY CƠ LÀM “BỐC HƠI” ĐỨC TIN CÔNG GIÁO VÀ TUYÊN NGÔN DOMINUS JESUS

Note: do bài gốc quá dài nên mạn phép cắt để bạn đọc có thể theo dõi mà cũng đỡ ngán

Ngô triệu Lịch
ntrlich@yahoo.com


2. NGUY CƠ LÀM “BỐC HƠI” ĐỨC TIN CÔNG GIÁO VÀ TUYÊN NGÔN DOMINUS JESUS
Hồng Y Ratzinger, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Đức Tin của Vatican, trong bài viết "Niềm tin vào Đức Kitô trước sự thách đố của các nền văn hoá” được tải đi trên mạng Internet, Website vietcatholic, có một đoạn như sau: “Chính Âu châu mới là tác giả đầu tiên khai sinh ra khái niệm văn hoá, coi văn hoá là một thực tại tách biệt với tôn giáo hay thậm chí đi ngược lại tôn giáo”. Ở đây, tôi không có ý phê bình, phân tích các giá trị “đúng-sai” về quan niệm “văn hóa” của tác giả. Tôi chỉ muốn tìm hiểu về hoàn cảnh, động lực nào để tác giả có nhận định như trên.
Tại Âu Châu, lục địa được mệnh danh là “lục địa Kitô giáo” với sự tồn tại của các hệ phái Kitô giáo mà nổi bật nhất phải kể đến Công giáo La Mã. Tôn giáo này đã có một thời làm bá chủ Châu Au, vua chúa các nước Châu Âu đều phải thần phục! Đương nhiên văn hóa Châu Âu nói chung là văn hóa Kitô giáo. Đến thế kỷ 14-17, nổi lên một trào lưu văn hóa mới: Phong trào Phục Hưng. Đại diện cho phong trào này là Petrarch (1304-1374). Phong trào Phục Hưng đã thẩm định lại toàn bộ giá trị văn hóa Kitô giáo. Đến thế kỷ 18, với phong trào Khai Sáng. Một trong những con chim đầu đàn của phong trào này là Voltaire, với câu nói nổi tiếng: “Nói thật rồi chạy!” (Tell the truth and run!). Chính họ đã làm đức tin Kitô giáo lung lay đến tận gốc rễ. Các phong trào Phục Hưng và Khai Sáng thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh của những nhà “bảo vệ đức tin” ở Vatican. Ảnh hưởng của chúng vẫn còn phát huy tác dụng đến tận hôm nay, chúng không những chỉ ảnh hưởng trong lĩnh vực xã hội mà còn tác động đến cả những nhà thần học có khuynh hướng cấp tiến, khiến nguy cơ làm “bốc hơi” đức tin Kitô giáo ngày càng trở nên hiện thực hơn. Đặc biệt, khi văn hóa Phương Tây giao lưu với văn hóa Châu Á, nguy cơ phá vỡ các cơ cấu “văn hóa đức tin” của Vatican tăng lên bội phần. Đây là lý do khiến những nhà “bảo vệ đức tin Công giáo” ở Vatican không ngừng nỗ lực tìm “thuốc giải”. Tuyên ngôn Dominus Jesus được ban hành không ngoài mục đích đó.
Tuyên ngôn Dominus Jesus được Hồng Y Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican ký ban hành ngày 6/8/2000 với sự phê duyệt của Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã là một đề tài mang tính thời sự trong thời gian gần đây.
Nội dung Tuyên ngôn Dominus Jesus nhằm khẳng định lại vấn đề “Giêsu là đấng cứu độ phổ quát duy nhất và Giáo hội Công giáo La Mã cũng là Giáo hội cứu độ phổ quát duy nhất!”. Chính từ căn bản này, Tuyên ngôn Dominus Jesus nêu lên một số vấn đề cơ bản như: Xác tín Thiên Chúa là điều không thể lãnh hội và diễn tả bằng trí năng con người. Cảnh cáo các khuynh hướng tương đối hóa “Ngôi Lời Nhập thể”, qua việc chọn lựa các phạm trù Đông phương trong suy tư thần học nhằm biện minh cho thuyết đa nguyên tôn giáo. Theo đó, các thần học gia phóng khoáng đã trình bày lý thuyết cứu độ của các tôn giáo khác như là hệ thống song song hoặc tương đương với lý thuyết cứu độ của Công giáo La Mã. Điều này dẫn đến nguy cơ làm phá sản tính “cứu độ phổ quát và tuyệt đối duy nhất” của Giêsu và của Giáo hội Rôma…
Tuyên ngôn Dominus Jesus mang tính chất “hộ giáo” vì nó không đưa ra một tín lý giáo điều nào mới mà chỉ khẳng định lại một điều đã được nói nhiều từ công đồng Vatican II và mới đây nhất là Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, đó là “tính phổ quát và duy nhất của Giêsu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và giáo hội Công giáo La Mã là phương tiện duy nhất để đạt được sự cứu độ”.
Mặc dù đối tượng mà Tuyên ngôn Dominus Jesus nhắm đến là các Giám mục, các nhà Thần học và tín đồ Kitô giáo và mục đích Tuyên ngôn chỉ là sự khẳng định lại giáo lý đức tin Công giáo dựa trên những văn kiện đã được Vatican ban hành trước đây như Thông điệp Redemptoris Missio, Sắc lệnh Ad Gentes, Tuyên ngôn Nostra Aetate v.v… nên có thể xem Tuyên ngôn Dominus Jesus là một hoạt động nội bộ của Vatican. Nhưng với thời đại “bùng nổ thông tin” hiện nay, với phương tiện truyền thông Vatican hiện nắm trong tay, những điều gọi là “nội bộ” của Vatican đã trở thành “thông tin đại chúng”. Đó là chưa nói đến Internet. Con người dù ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này, thông qua mạng thông tin toàn cầu Internet, chỉ cần một cú “click chuột”, người ta có thể biết được tất cả… Do đó, “chuyện nội bộ” mà Vatican cố tình “bỏ ngỏ” trên các phương tiện truyền thông đại chúng khiến người ta không thể ngó lơ. Hơn nữa, Tuyên ngôn lại là một văn kiện mang tính pháp lý của Vatican do Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã ký ban hành với sự duyệt y của Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nội dung chuyển tải những điều hạ thấp học thuyết, xúc phạm những vị sáng lập các tôn giáo khác nhằm đề cao Giáo hội Công Giáo La Mã như: không thể chấp nhận quan điểm cho rằng Giáo hội Công giáo La Mã chỉ là một phương thế trong nhiều phương thế “cứu độ” như các tôn giáo khác. Không thể có sự tương đương giữa các con đường cứu độ của các tôn giáo khác với Giáo hội. Vì thế không thể có sự bình đẳng trên bình diện giáo lý và nhất là không thể xem Chúa Giêsu ngang bằng với các giáo chủ của các tôn giáo khác.
Chẳng những đối với các tôn giáo phi Kitô giáo, các hệ phái Kitô giáo khác như Anh giáo, Chính Thống, Tin Lành v.v… đều lên tiếng phản đối, phẩn nộ trước một tam đoạn luận mà tuyên ngôn đã vận dụng: Tất cả những ai chịu phép Rửa đều được sát nhập vào Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Giáo hội Công giáo La Mã là Nhiệm thể Chúa Kitô. Vậy tín đồ trong các hệ phái Anh giáo, Chính Thống, Tin Lành v.v… không thuộc Giáo hội Công giáo La Mã, tất nhiên không thể sát nhập vào Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô một cách trọn vẹn được. Nghĩa là không thể hiệp thông một cách hoàn hảo như Giáo hội Công giáo La Mã, vì Vatican là “Hội thánh duy nhất thánh thiện, Công giáo và tông truyền!?”
Trong lúc Vatican đang ra sức kêu gọi “hiệp thông, đại kết” với các “giáo hội anh em”, thì Hồng Y Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin lại ban hành Tuyên ngôn Dominus Jesus làm sống lại châm ngôn đã lạc hậu của Cypriano “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (Extra Ecclesiam nulla salus). Giám mục George Carey, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo. Mục sư Peter Sulston thuộc Giáo hội Methodist cho rằng Vatican đã mưu toan “xoá sổ” các hệ phái Kitô giáo ngoài Giáo hội Công giáo La Mã…
-- o0o --
THAY LỜI KẾT
Châu Âu từng được mệnh danh là lục địa Kitô giáo trong suốt hai thiên niên kỷ qua. Công giáo La Mã là một thực thể tôn giáo quan trọng nhất trên lục địa này. Cũng tại Châu Âu, mảnh đất của sự tiến bộ, chính tại nơi đây các phong trào Phục Hưng (thế kỷ 14-17), phong trào Khai Sáng (Thế kỷ 18) đã làm lung lay đức tin Kitô giáo đến tận gốc rễ. Châu Au cũng là nơi khai sinh ra các ngành khoa học, các học thuyết Tiến hóa, big bang v.v… đã đẩy tín lý Kitô giáo đến bờ vực phá sản. Trên lĩnh vực xã hội, tín đồ Kitô giáo Châu Âu nói chung ngày càng ít đi. Lớp trẻ ngày nay gần như không biết nhà thờ là gì! Nhiều người tự thú trong suốt cuộc đời, họ đến nhà thờ ba lần, Chỉ có một lần khi lập gia đình, họ tự đến để nhận “phép bí tích hôn phối”. Hai lần kia hoàn toàn không biết gì, đó là lúc mới sinh người ta mang họ đến nhà thờ “rửa tội”, và khi chết người ta lại đưa họ vào nhà thờ trước khi đưa ra nghĩa trang!… Ngày nay, Vatican luôn phải đương đầu với các vấn đề xã hội mà thường là những vấn đề chống lại tín lý Kitô giáo như: ngừa thai, ly dị, tình dục ngoài hôn nhân và mới đây nhất, một vấn đề được xem là thời sự nóng hổi: nhân bản vô tính. Con người bắt đầu cướp quyền sáng tạo của Thiên Chúa... Trong nội bộ giáo hội cũng không lấy gì làm sáng sủa, nhiều linh mục bỏ nghề, nhiều linh mục khác đòi quyền … lấy vợ. Chính tại nơi được mệnh danh là lục địa Kitô giáo này đã dần lấy lại thế chủ động khiến quyền uy của Vatican ngày càng thu hẹp, tất nhiên không loại trừ nguy cơ mất hẳn ảnh hưởng của mình tại Châu Au. Đó là lý do giải thích vì sao thời gian gần đây Vatican muốn chuyển hướng sang Châu Á.
Văn kiện Tông huấn Giáo hội tại Châu Á là sự khởi đầu cho một kế hoạch dài hơi của Vatican tại Châu Á trong thiên niên kỷ thứ ba. Mặc dù Vatican đã thấy trước được những khó khăn mà họ gọi là “thách đố” khi phải đối mặt với các thực tại văn hóa, tôn giáo Châu Á. nhưng họ vẫn không tránh được vết xe đã đổ trong quá khứ, vẫn cứ tiếp tục phong cách vốn có của mình, vẫn khoa trương ngạo mạn, đánh giá thấp các nền văn hóa Châu Á. Dự đoán về những thất bại của Vatican tại Châu Á trong thiên niên kỷ thứ ba là hoàn toàn có cơ sở.
Người Châu Á với truyền thống bao dung, rộng lượng sẵn sàng góp tiếng nói của mình với mong muốn Vatican phải có một thái độ nghiêm túc hơn nếu muốn đối thoại chân thành với các thực tại văn hóa Châu Á.