Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Thần thoại về biểu tượng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ

Mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao 5 cánh thường xuất hiện trên quốc kỳ của các quốc gia Hồi giáo nên nhiều người tin rằng đây là biểu tượng của đạo Hồi. Thật ra, biểu tượng này không liên quan gì đến đạo Hồi mà nó có nguồn gốc từ rất xa xưa, từ thời người Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại ở vùng Trung Á. Họ đã bắt đầu thờ phụng các vị thần trên bầu trời. Trăng lưỡi liềm tượng trưng cho thần mặt Trăng Ay Ata còn ngôi sao tượng trưng cho thần Mặt trời Gun Ana.
Trong thực tế, các cộng đồng Hồi giáo nguyên thủy từ thời Nhà tiên tri Muhammad đã không sử dụng bất kỳ một biểu tượng nào. Biểu tượng trăng lưỡi liềm và ngôi sao chỉ xuất hiện sau này vào thời đế quốc Ottoman, chứ biểu tượng này không phải là của đạo Hồi. Tuy nhiên, trong hàng trăm năm, Đế chế Ottoman đã thống trị thế giới Hồi giáo và qua hàng thế kỷ chiến đấu với cây Thánh giá của Thiên chúa giáo, biểu tượng trăng lưỡi liềm đã trở nên gắn liền với đạo Hồi và xuất hiện rất nhiều trên quốc kỳ của các quốc gia theo đạo Hồi để đối lập với biểu tượng chữ thập của các nước Thiên Chúa giáo.
Năm 339 TCN, quân đội Macedonia hùng mạnh dưới quyền chỉ huy của Vua Phillip II (cha của Alexander Đại đế) đã nhiều lần đào đường hầm bao vây đánh Byzantium (sau gọi là Constantinople, nay là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ), thủ phủ của Đế quốc La Mã thần thánh Byzantine, nhưng đều bị đẩy lùi. Một đêm nọ, quân đội Macedonia quyết định tập trung binh lực lợi dụng đêm tối đột kích vào thành. Nhưng suốt đêm đó, trên bầu trời bỗng có một vầng trăng lưỡi liềm rực sáng khác thường, làm lộ ra sự bố trí của quân đội Macedonia nên nhân dân Byzantine lại một lần nữa đẩy lùi quân địch, bảo vệ được thành trì. Người ta cho rằng, vầng trăng đó chói sáng là bởi được nữ thần Mặt trăng Diana (thường được tạo hình là một thiếu nữ xinh đẹp với vầng trăng lưỡi liềm cài trên mái tóc hay vầm trên tay một chiếc liềm tượng trưng cho vầng trăng khuyết) trợ giúp. Để bày tỏ lòng biết ơn của mình, nhân dân Byzantine đã lấy hình trăng lưỡi liềm làm biểu tượng cho thành phố.
Nữ thần Diana (trong tiếng La Mã có nghĩa là ‘trên trời’ hoặc ‘thiên thần’) là một nữ thần trong thần thoại La Mã, Diana là nữ thần săn bắn đồng thời là nữ thần Mặt Trăng và tượng trưng cho sự sinh sản. Diana thường được cho là bản sao của nữ thần săn bắn Artemis trong thần thoại Hy Lạp. Nữ thần này thường xuất hiện cùng các loài động vật hoang dã và trong các khu rừng, nàng có sức mạnh siêu nhiên, có thể nói chuyện với các loài động vật và kiểm soát chúng. Diana cùng với Minerva (nữ thần trí tuệ Athena) và Vesta (nữ thần gia đình Hestia) được biết đến như những nữ thần đồng trinh, những người đã thề không bao giờ kết hôn và là một trong biểu tượng của phụ nữ.
Vào thời kỳ Đế quốc Ottoman, còn gọi là Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ – một trong những đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và nhân loại nói chung, biểu tượng trăng lưỡi liềm một lần nữa đóng một vai trò quan trọng: Theo truyền thuyết, một đêm nọ Sultan Osman I đã nằm chiêm bao thấy một vầng trăng lưỡi liềm đi qua bầu trời từ Đông sang Tây chiếu sáng khắp trần gian. Cho rằng đây là điềm lành báo rằng đế quốc do ông tạo dựng sẽ trở thành một đế chế vĩ đại, ông bèn dùng trăng lưỡi liềm làm biểu tượng của đế quốc Ottoman, đồng thời cũng mang biểu tượng này chế định làm quốc kỳ của vương quốc. Đến năm 1453, Sultan Mehmed II cuối cùng cũng chinh phục được thành Constantinople. Trăng lưỡi liềm trở thành biểu tượng cho Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, cùng đội quân xâm lược của Đế chế Ottoman đi chinh phục khắp thế giới.
Vầng trăng lưỡi liềm và ngôi sao trên quốc kỳ ngày nay của Thổ Nhĩ Kỳ mang ý nghĩa là đất nước này kế thừa các truyền thống và sức mạnh của Đế quốc Ottoman thuở xưa. Một số quốc gia theo đạo Hồi khác cũng sử dụng hình ảnh mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao làm biểu tượng quốc gia của mình.
-SS-