Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

SÁCH KINH CÔNG GIÁO VÀ TÁC HẠI CỦA NÓ 9

PHỤ LỤC

Câu Chuyện Ly Kỳ về Một Thánh Tích 2000 Năm Lịch Sử:

TẤM VẢI LIỆM XÁC CHÚA



Hai thuyết quan trọng bậc nhất làm rường cột cho Kitô Giáo là thuyết Tạo Dựng và Cứu Rỗi.



Theo thuyết Tạo Dựng, Thượng đế sinh ra vũ trụ và con người khoảng 6-10 ngàn năm trước đây. Thuyết này đã bị khoa học bác bỏ qua thuyết "Big Bang", và các khám phá của môn khảo cổ học cho biết con người có mặt trên quả địa cầu từ khoảng trên 150 ngàn năm, mà độc giả sẽ thấy trong bài của Nguyễn Hồng Ngọc.



Về thuyết Cứu Rỗi nói rằng Chúa Jesus (Giê-su) được Chúa Cha phái xuống trần gian chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội cho nhân loại, sau đó Ngài sống trở lại và bay về trời với Chúa Cha. Nhưng qua tấm vải liệm mà các nhà khoa học quốc tế giảo nghiệm ngày 8-10-1978 cho thấy : "Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự nhưng không chết, chứ không phải đã chết và sống trở lại rồi bay về trời” qua bài sưu tầm dưới đây của Charlie Nguyễn : (Lời giới thiệu trong cuốn "Kitô Giáo Từ Thực Chất Đến Huyền Thoại").



Cuối tháng 5/96 vừa qua, đài phát thanh VOVN Houston có loan một tin ngắn : Tấm vải liệm xác Chúa Jesus là một thánh tích rất nổi tiếng qua nhiều thế kỷ đã bị Tòa Thánh La Mã xác nhận là một vật giả mạo. Thực ra đây không phải là một tin mới mẻ vì cách đây 8 năm, vào tháng 10/1988, Tòa Thánh đã tổ chức một cuộc họp báo tại London chính thức công bố thánh tích tấm vải liệm xác Chúa đã bị "ngụy tạo" trong khoảng thời gian từ 1250 đến 1390.



Sự công bố trên của Tòa Thánh La Mã đã gây ngạc nhiên cho nhiều giới khoa học, học giả và ký giả từng quan tâm đến thánh tích này vì sự công bố của La Mã hoàn toàn trái ngược với kết quả cuộc giảo nghiệm của Ủy Ban Khoa Học Quốc Tế được tổ chức tại Turin (Ý) vào tháng 10/1978. Kết quả cuộc nghiên cứu năm 1978 đã xác nhận tấm vải liệm xác Chúa Jesus là thật.



Do đó, nhiều học giả và ký giả đã tự động mở cuộc điều tra để tìm hiểu ngọn nguồn sự việc, trong số đó có hai học giả Đức là Holger Kersten và Elma R. Gruber. Sau nhiều năm nghiên cứu lịch sử và tiếp xúc với các nhà khoa học đã từng tham dự các cuộc giảo nghiệm năm 78 và 88 nói trên, họ đã tường trình kết quả của cuộc điều tra riêng của họ trong một cuốn sách được viết bằng tiếng Đức. Cuốn sách này do chính các tác giả chuyển ngữ sang tiếng Anh với tựa đề The Jesus Conspiracy, 337 trang, Element Co, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1994.



Để độc giả Việt Ngữ hiểu rõ hơn về thánh tích rất nổi tiếng tại các nước Âu Mỹ trong nhiều thế kỷ qua, chúng tôi xin tóm lược phần nói về TẤM VẢI LIỆM trong cuốn sách nói trên một cách ngắn gọn.



I. XUẤT XỨ TẤM VẢI LIỆM



Dưới đề mục Bí Mật Núi Sọ (The Secrets of Golgotha) Elma R. Gruber đã kể chuyện xuất xứ của tấm vải liệm như sau : Năm 29 sau Công Nguyên, Jesus 33 tuổi, người xứ thuộc địa Galilee đã bị quan Toàn Quyền La Mã Pilatus tuyên án tử hình về một tội chính trị : "Âm mưu gây bạo loạn chống chính quyền". Một toán lính La Mã đã dẫn Jesus lên núi Sọ Golgotha ở Jerusalem xử tử bằng cách đóng đinh vào thập giá. Lúc đó là buổi chiều thứ sáu. Ngày hôm sau là ngày Lễ Vượt Qua (Passover) nhằm ngày thứ bảy (Sabbath). Theo tục lệ Do Thái thì mọi tử tội đều phải được chôn cất trước ngày Sabbath vì Thánh Kinh đã dạy : "Mặt trời không chiếu trên xác tử tội vào ngày Sabbath". Hai người bạn thân của Jesus là Joseph Arimathea và Nicodemus là những người rất giàu có và quyền thế. Cả hai đều là thành viên của hội đồng tối cao Do Thái (Sanhedrin) là một chính quyền bản xứ do La Mã lập ra để trông coi mọi việc về tôn giáo và luật lệ Do Thái, hai người này cũng đều quen biết Pilatus (Pilate). Joseph và Nicodemus biết trước từ lâu việc chính quyền La Mã đã quyết định xử tử Jesus. Tuy họ không thể cứu Jesus thoát khỏi án tử hình nhưng họ đã cố gắng tìm mọi cách can thiệp với Pilatus (Pi-la-tớt) cho phép họ tháo xác Jesus xuống càng sớm càng tốt để kịp thời cứu sống. Joseph đã mua sẵn một khu vườn nằm sát bên núi Sọ, xây sẵn một ngôi mộ lớn có nhiều phòng, chung quanh có cây cối che khuất. Nicodemus (Ni-cô-đe-mớt) mua một số lượng thuốc men rất lớn mà theo kinh Phúc Âm của John (19:30) kể rằng : Nicodemus đến với Chúa vào ban đêm mang theo dầu myrrh và aloe (lô hội) nặng 100 stones" (tương đương 100 pounds). Đó là chất thuốc có tác dụng gây mê, tẩy uế và chữa trị vết thương. Trong lúc còn bị treo trên thập giá, Jesus kêu khát nước. Một sĩ quan La Mã đã dùng một miếng bọt biển (sponge) thấm dấm rồi lấy cây giáo đưa miếng bọt biển đó lên miệng cho Jesus uống. Viên sĩ quan đó là thuộc hạ của Pilatus, cấp bậc như Đại Úy, chỉ huy toán hành hình Jesus nhưng lại là một tín đồ bí mật của Ngài. Phúc Âm của Mark [Thánh Kinh Tân Ước có tên là Mác.] ghi rõ (15 39-27:54) : "Viên sĩ quan này là người đã từng ngợi khen Chúa là con của Đức Chúa Trời." Sau khi uống dấm xong, Chúa nói : "Công việc đã hoàn tất", rồi Ngài cúi xuống trút linh hồn (bất tỉnh).



Tại sao Jesus chết giả ngay sau khi uống dấm ? Và có phải là dấm thật không ? Có thể đó là rượu nho pha myrrh và aloe là hai chất Nicodemus mang lên núi Sọ rất nhiều. Sau này các nhà khoa học đã phân chất khám phá ra trong aloe (lô hội) có chất phenol là chất có tác dụng gây ra tình trạng hôn mê (coma). Dầu myrrh lấy từ cây Commiphora được ông tổ y khoa Hippocrate ca ngợi là một thần dược tẩy uế, ngăn ngừa bệnh dịch và chữa trị vết thương. Cũng không loại trừ giả thuyết cho rằng trong nước "dấm" đó có pha thêm thuốc phiện vì vào thời Jesus ở Palestine, việc xử dụng thuốc phiện rất phổ biến. Do đó, uống "dấm" xong, Jesus ngất xỉu. Chỉ sau đó vài giờ, vì đã được phép của Pilatus, Jesus được Joseph và Nicodemus tháo xuống khỏi thập giá và đưa ngay vào nhà mộ kín đáo trong vườn riêng của Joseph. Tại nhà mộ này, Joseph và Nicodemus đã trải sẵn một tấm vải trắng trên ghế dài bằng đá. Vì tấm vải rất dài (4,36 m, rộng 1,10 m) nên chỉ cần một nửa tấm vải cũng đủ phủ lên mặt ghế đá. Nicodemus rắc các thứ dầu và thuốc đó trước khi đặt thân xác Jesus nằm lên trên. Do toàn thân của Jesus lúc đó đẫm máu nên tấm vải trắng in rõ các vết roi rướm máu ở lưng, mông, đùi và chân. Cũng nhờ các vết máu này, người ta đã đo được chiều cao của Jesus là 1m82 và ước lượng thân xác Ngài nặng khoảng 79 Kg. Với tuổi 33, Ngài là một thanh niên khá cao lớn lực lưỡng !



Phân nửa tấm vải còn lại được trùm qua đầu, qua mặt, ngực, bụng xuống tới hai bàn chân. Lúc đó hai tay của Jesus được đặt vắt chéo nhau trên bụng. Phân nửa tấm vải này in rõ các vết tròn nhỏ do gai nhọn đâm vào trán. Một số lỗ gai đâm từ lâu trước đó nên máu đã khô đen. Bấy giờ, người ta tháo đinh gai ra khỏi đầu Jesus nên máu tươi bật chảy ra làm ướt cả mặt. Jesus được thoa hỗn hợp dầu myrrh và aloe khắp thân thể. Những chất dầu này hòa lẫn với máu đã in khuôn mặt của ngài lên tấm vải phủ phía trên thân xác, hai cánh tay vắt chéo với lỗ đinh trên hai bàn tay, hai ống chân với hai lỗ đinh trên hai bàn chân. Buổi tối hôm đó là đêm thứ Sáu rạng ngày thứ Bảy cũng là ngày lễ Vượt Qua. Đó là ngày đại lễ của Do Thái kỷ niệm ngày thánh Moses (Môi-se), tương truyền Môi-se hóa phép cho nước Hồng Hải rẽ ra và thánh đã dẫn toàn dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai Cập để đến miền đất hứa Palestine (Pa-lét-tin). Vào thời kỳ đó, người Do Thái dùng Âm lịch và ngày lễ Vượt Qua trùng vào dịp trăng tròn rất sáng ban đêm. Mọi người dân Jerusalem (Rê-ru-sa-lem), thủ phủ của nước Do Thái, đều lo sửa soạn ăn mừng ngày lễ lớn nhất của họ, không có ai để ý đến người tử tội đã bị xử tử hồi chiều qua. Người tử tội Jesus lúc này đã tỉnh dậy vì chất "dấm" gây mê đã hết tác dụng. Đêm đó, dưới ánh trăng rằm, Joseph, Nicodemus và các "thiên thần mặc áo trắng" đã đưa Jesus từ nhà mồ của Joseph đến một nơi bí mật an toàn hơn để tiếp tục chữa trị các vết thương cho Ngài. Về sau, do sự khám phá từ hơn trên một trăm cuốn sách cổ tại Qumran gần Biển Chết (Dead Sea), người ta mới biết các "thiên thần mặc áo trắng" đó là các tu sĩ kiêm y sĩ thuộc giáo phái Essene, một giáo phái xuất phát từ đạo Do Thái nhưng đã được biến cải thành "Kitô Giáo trước Jesus". Trước đó ba năm, một tu sĩ nổi tiếng của giáo phái này là Gioan Baotixita đã làm phép rửa tội cho Jesus trên sông Jordan (Róc-đan), chỉ cách Qumran có 5km. Các tu sĩ thuộc giáo phái này luôn luôn mặc áo dài trắng, thường hay chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo trên khắp nước Do Thái thời ấy. Sau khi đưa Jesus đến một nơi an toàn hơn, họ đã để lại ở ngôi mộ tấm vải liệm xác Chúa Jesus. Sáng hôm Chủ Nhật (Do Thái gọi là ngày đầu tuần), một nữ tín đồ thân thiết của Jesus là Mary Magdelene đến thăm mộ Chúa. Phúc Âm (Kinh Thánh) của John (20: 1-18) kể chi tiết như sau : Magdelene đến thăm mộ Chúa trong buổi sáng ngày đầu tuần. Lúc ấy trời hãy còn tối. Bà thấy hòn đá chắn cửa hang đã dời đi nơi khác. Bà vô cùng hoảng hốt bèn đi tìm Peter và John, than khóc với hai người rằng : "Không biết ai đã mang xác Chúa ra khỏi mộ rồi !" (Peter là Thánh Phêrô, John là Thánh Gioan tông đồ và cũng là một trong bốn vị thánh viết sách Phúc Âm). Phúc Âm của John (20: 4-7) kể tiếp : "Peter và John cùng chạy đến hang mộ Chúa nhưng John chạy nhanh hơn nên tới trước. John nhìn vào hang thì thấy tấm vải liệm cuộn lại cùng chiếc khăn che mặt của Chúa."



Xin lưu ý là tác giả Phúc Âm đã dùng động từ thì hiện tại (present tense) để kể chuyện này, muốn chứng tỏ sự việc trên do tác giả chứng kiến.



II. TỘT ĐỈNH VINH QUANG CỦA THÁNH TÍCH SUỐT CHIỀU DÀI LỊCH SỬ BỊ KẾT THÚC BẰNG MỘT DIỄN BIẾN BẤT NGỜ.



Trong phần lớn cuốn sách The Jesus Conspiracy, học giả Holger Kersten đã tường thuật cuộc hành trình từ Đông sang Tây của thánh tích và một biến cố bất ngờ năm 1978 đã đưa thánh tích này từ tột đỉnh vinh quang xuống đáy vực của sự ô nhục.



Theo Phúc Âm của John thì Peter là người đầu tiên nhặt tấm vải liệm xác của Jesus lên. Đối với người Do Thái, không ai dám nhặt vải liệm xác người chết đem về nhà vì họ cho đó là thứ dơ bẩn. Nhưng đối với các tín đồ tin Chúa và với các môn đệ thì tấm vải liệm xác Chúa là một thánh tích vô cùng quý giá cần phải được bảo tồn. Theo một tài liệu của Thánh Nino (chết năm 335) thì tấm vải liệm xác Jesus có một thời gian lọt vào tay vợ của Pilatus. Bà này rất có cảm tình với Jesus và chính bà đã khuyên chồng đừng giết ông ta. Do đó, Pilatus đã rửa tay tuyên bố không liên can đến vụ án và giao Jesus cho người Do Thái muốn làm gì thì làm. Sau đó tấm vải này được các cộng đồng tín đồ Kitô Giáo ở Palestine kế tiếp nhau lưu giữ và truyền lại từ đời này qua đời khác. Tới năm 670, giám mục người Pháp Arcurf de Périgueux đến Palestine hành hương. Ông đi theo một đám đông người đến một thánh đường tại đây để viếng tấm vải liệm xác Chúa. Ông trở về Pháp thuật lại chuyện này và kể chính ông ta đã hôn lên tấm vải liệm đó.



Năm 944, tấm vải liệm được đưa về lưu giữ tại một nhà thờ ở Constantinople. Tháng 8/1203, nó được đưa về nhà thờ ở Blachernal ở Hy Lạp. Nhà thờ này mở cửa vào các ngày thứ sáu hàng tuần cho dân chúng đến chiêm bái và cầu nguyện.



Năm 1418, tấm vải liệm được đưa về pháo đài Monfort (Pháp) thuộc quyền sở hữu của dòng họ Charny. Năm 1452, Margaret Charny đem triển lãm thánh tích này tại lâu đài Germolles. Cuối cùng, bà hoàng này quyết định đem tấm vải thánh tích tặng cho Quận Công Savoy. Quận công vô cùng cảm kích đã tặng lại bà hoàng Margaret tòa lâu đài Varambon ở Geneve và tất cả tiền lợi tức bất động sản của quận công ở Lyon. Từ đó, tấm vải liệm thánh tích được lưu giữ và tôn thờ tại một thánh đường riêng của dòng họ này tại Chambery.



Năm 1506, Giáo Hoàng Julius II ra đạo luật công nhận tấm vải liệm là một thánh tích của Chúa Jesus và Ngài quyết định chọn ngày 4 tháng 5 hàng năm là ngày lễ chính thức của giáo hội tôn kính thánh tích này. (The Feast Day of The Holy Shrout). Từ đó, các vua chúa, các nhà quí tộc, các giám mục, tu sĩ và các tín đồ giàu có từ khắp nơi trên thế giới lũ lượt kéo đến Chambery hành hương để được cầu nguyện "trước mặt Chúa" (tấm vải liệm).



Ngày 17/9/1578, Quận Công Emmanuel Philibert de Savoy dời thủ đô về Turin (thuộc nước Ý ngày nay). Thánh tích tấm vải liệm của Chúa được đặt trong lồng kiếng khung vàng dựng ở phía trên bàn thờ tại nhà thờ Turin. Từ đó người ta gọi thánh tích này là "khăn liệm Turin" (The Turin Shrout).



Vào tháng 5/1931, nhân dịp đám cưới của Hoàng Tử Umberto, sau này trở thành Vua nước Ý, tấm vải liệm được đưa ra triển lãm trong 22 ngày để cho dân chúng khắp nơi đến chiêm bái. Trong cuộc Thế Chiến Thứ Hai, thánh tích được di chuyển đến tu viện Vergine ở Avellino để được cất giữ an toàn.



Tuy giáo phận Turin có nhiệm vụ bảo quản thánh tích vải liệm của Chúa đã hơn 400 năm nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc dòng họ Savoy (Xa-voi). [Ngày 2 tháng 3 năm 1983, Giáo Hoàng John Paul II đích thân đến Lisbone (Bồ Đào Nha) gặp Cựu Hoàng Umberto đang tĩnh dưỡng tại đây để xin ông này chuyển nhượng quyền sở hữu tấm vải liệm. Cựu Hoàng lúc đó đã rất yếu, bằng lòng tặng cho Tòa Thánh. Hai tuần sau, ông qua đời. Từ nay, Vatican hoàn toàn làm chủ nên dễ "uyển chuyển" lúc bị thế giới đem ra mổ xẻ Tấm Vải Liệm lần khác]



Năm 1978, thành phố Turin tưng bừng làm lễ kỷ niệm 400 năm thành phố này có vinh dự được lưu giữ một thánh tích thiêng liêng và duy nhất của giáo hội Kitô. Thánh tích được đưa ra triển lãm trong sáu tuần lễ, từ ngày 28/8/78 đến 8/10/78. Các phương tiện truyền thông thế giới loan báo rộng rãi tin tức này. Chỉ trong sáu tuần lễ có tới trên 3 triệu tín đồ từ khắp nơi kéo về Turin hành hương. Mọi người xếp hàng để lần lượt được đi ngang qua chiêm bái Nhan Thánh Chúa in trên tấm vải liệm. Dư luận thế giới lúc đó bắt đầu bàn tán không biết thánh tích khăn liệm của Chúa có thật hay không. Nhiều nước Âu Mỹ lập các hội khoa học để điều tra vụ này. Tòa Thánh Vatican cũng hoan nghênh Ủy Ban Quốc Tế gồm các nhà khoa học ưu tú trên thế giới đến Turin giảo nghiệm vào ngày cuối cùng của cuộc triển lãm tức là ngày 8/10/1978. Riêng Hoa Kỳ gửi đến Turin một phái đoàn 25 nhà khoa học với hàng tấn dụng cụ máy móc trong đó có một số máy dùng vào việc giảo nghiệm thánh tích này. Phái đoàn của Tòa Thánh có ba nhà bác học : nhà vật lý học Luigi Gonella, chuyên gia về kính hiển vi Giovani Riggi và giáo sư bệnh lý học Peerluigi Baina Bollone. Những nước Anh, Pháp, Đức cũng gửi một số nhà khoa học của họ đến tham dự cuộc giảo nghiệm vô cùng quan trọng này.



Trước hết, tấm vải liệm được đem đến tòa nhà Palazzo Reale cạnh nhà thờ Turin và được đặt trên một cái bàn rất lớn, chung quanh được bao vây bằng những tấm kiếng chắn an toàn. Các nhà khoa học chia tấm vải thành 60 khu vực nghiên cứu. Họ lần lượt khám nghiệm, chụp hình, phân chất từng inch (phân) vuông của tấm vải liệm. Những tiến bộ khoa học về các môn học mới như tử thi học, phạm tội học đã giúp ích rất nhiều cho cuộc thử nghiệm này. Sau hai tuần lễ làm việc miệt mài với tinh thần vô tư, các nhà khoa học đã đi đến kết luận như sau :



Tấm vải liệm làm bằng sợi bông Ai Cập, được dệt tại Syria là một xứ thuộc địa La Mã vào thời Jesus, ở phía bắc Palestine. Tuổi thọ của tấm vải khoảng 2000 năm. Vào thời kỳ này, dân Âu Châu chưa biết cây bông là gì và phải đợi đến thế kỷ 14, dân Âu Châu mới học được kỹ thuật dệt vải hình xương cá trích (herring bone pattern). Các vết máu in trên vải đúng là máu người. Hình mặt người in trên tấm vải là do phản ứng hóa học và sự oxýt hóa của chất nhờn da mặt (skin oil), mồ hôi, dầu aloe và dầu myrrh dính trên mặt và thân thể thấm vào sợi vải nhiều ngày mà thành. Cuộc thử nghiệm cũng cho biết đã có một người bị thương nặng đang ở trong tình trạng hôn mê (coma) nhưng vẫn còn sống nằm trên tấm vải. Chiều cao của người đó là 1m82 và nặng khoảng 79 kg. Có người thắc mắc : "tại sao tấm vải liệm này có thể tồn tại lâu như vậy ?". Các nhà khoa học xác nhận vải bông có thể tồn tại rất lâu không hư. Hiện nay tại Cairo (Ai Cập) còn lưu trữ nhiều mẫu vải bông có tuổi thọ từ 3 000 đến 5 000 năm ! Các nhà khoa học đã phân biệt được những vết máu khô trước đó và những vết máu tươi chảy ra khi "người đó" được đặt nằm trên tấm vải. Các vết máu tươi có vành huyết tương viền chung quanh. Nhưng nếu một người đã chết cứng thì không chảy thứ máu tươi này. Hơn nữa, các vết máu của lưng, mông, đùi, chân đều nằm trên một mặt phẳng. Đó là tư thế nằm dài của một người còn sống. Người chết trên thập giá, hai chân gập lại ở đầu gối (ảnh tượng Jesus mà chúng ta thấy thờ ngày nay), không thể có tư thế nằm thẳng như vậy và có máu chảy được. Cuộc xét nghiệm năm 1978 đã đi tới kết quả như trên, phần lớn do công lao của các nhà khoa học Mỹ. Khám phá này phù hợp với kết quả cuộc điều tra kéo dài trên 200 năm qua (khởi đầu từ phong trào Enlightenment thế kỷ 18 ở Âu Châu) của các học giả nghiên cứu lịch sử. Sự thật lịch sử là : Jesus đã thoát chết sau khi bị đóng đinh trên thập giá tại núi Sọ (Golgotha) vì tội "âm mưu gây bạo loạn chống chính quyền", không có chuyện Chúa chịu chết để chuộc tội cho nhân loại và cũng chẳng có chuyện sống lại (phục sinh) rồi trở về thiên đàng với Chúa Cha nào cả. Hai tín điều này là căn bản cốt yếu của đạo Kitô. Tấm vải liệm xác Chúa Jesus đã được coi là một thánh tích thiêng liêng duy nhất của Thiên Chúa Giáo bỗng một sớm một chiều biến thành ‘Con ngựa thành Troy" có nguy cơ phá hoại giáo hội từ căn bản giáo lý. Nhiều ký giả của các hãng thông tấn nổi tiếng Âu Mỹ e sợ Tòa Thánh có thể tiêu hủy thánh tích này. Đã mấy lần Reuter và UPI loan tin có mật báo cho biết Vatican có âm mưu thủ tiêu thánh tích. Mỗi lần như thế, Vatican lại phải lên tiếng cải chính là thánh tích vẫn còn ở Turin. Thực ra vì thánh tích này đã quá nổi tiếng và nhiều triệu người trên thế giới đã từng hành hương chiêm ngưỡng nó nên Tòa Thánh cũng khó có thể tiêu hủy nó được.



III. DƯỚI TIÊU ĐỀ VỤ LỪA BỊP CỦA THẾ KỶ (FRAUD OF THE CENTURY)



HOLGER KERSTEN VIẾT TIẾP : Cuối cùng Tòa thánh cũng tìm ra được một giải pháp để vô hiệu hóa kết quả giảo nghiệm của Ủy Ban Khoa Học Quốc Tế năm 1978 (nhằm bào chữa cho thuyết Cứu Rỗi và Phục Sinh).



Trong năm 1988, Tòa Thánh triệu tập một ủy ban khoa học hạn chế gồm toàn những người do Tòa Thánh chọn lựa. Ủy ban này dùng phương pháp Radiocarbon để định tuổi tấm vải liệm. Kết cuộc, ủy ban "gà nhà" nói rằng tấm vải liệm đã được ngụy tạo vào thời trung cổ, khoảng từ 1260 đến 1390. Tòa Thánh tổ chức cuộc họp báo tại London trong tháng 10/88 để công bố kết quả trên.



Mấy tháng sau, vào ngày 28/4/1989, ký giả Ý Orazio Petrosillo tháp tùng Giáo Hoàng John Paul II trong chuyến công du Madagascar. Trên máy bay, ký giả có dịp phỏng vấn Giáo Hoàng về tấm vải liệm. Giáo Hoàng trả lời "Tấm vải đó hiển nhiên là một thánh tích" (The Cloth was definitely a relic). Về câu hỏi thánh tích đó có xác thực không, Ngài trả lời : "Nếu đã là một thánh tích thì nó phải có tính cách xác thực". Việc ký giả Petrosillo phỏng vấn Giáo Hoàng trên máy bay được thuật lại trên báo của Tòa Thánh là tờ Observatore Romano ngày 3/5/89. Nhưng các ý kiến nói trên của Giáo Hoàng thì lại bị tờ báo đục bỏ. Chẳng qua vì kết quả giảo nghiệm của Uy Ban Khoa Học Quốc Tế năm 1978 tại Turin đã phát giác một sự thật lịch sử là "Chúa Jesus đã thoát khỏi nạn chết trên núi Sọ" nên buộc lòng Tòa Thánh phải phủ nhận tính cách xác thực này để thuyết Cứu Rỗi và Phục Sinh được tồn tại. Tuy nhiên, khi phủ nhận tính cách xác thực của tấm vải liệm, Tòa Thánh đã mặc nhiên phủ nhận "tính cách không thể sai lầm" của ngôi vị Giáo Hoàng, người thay mặt Chúa. Trong lúc Giáo Hoàng Julius II năm 1506 đã ra đạo luật công nhận thánh tích này là thật, nay Tòa Thánh nói ngược lại tức đã công khai xác nhận Giáo Hoàng Julius II sai lầm ! Nói khác đi, Tòa Thánh đã tự phủ nhận "sự không thể sai lầm" về các vấn đề tín lý của chính mình. Tín điều "Đức Mẹ Đồng Công" (Co-Redemptrix) và tín điều "Giáo hoàng không sai lầm" (dogma) sẽ đưa CGLM đến chỗ chết : Tận thế ! Đây cũng là một điều rất đáng buồn cho Tòa Thánh nhưng dầu sao cũng ít nguy hiểm hơn là sự công nhận tính cách xác thực của thánh tích này (mà phái đoàn khoa học đã thử nghiệm năm 1978).



Sau tháng 10/88, lễ Kính Thánh Tích hàng năm vào ngày 4 tháng 5 đương nhiên bị bải bỏ. Thành phố Turin vĩnh viễn mất đi một nguồn lợi kếch sù thu được của khách thập phương đến hành hương chiêm bái thánh tích hàng năm. Kể từ ngày 4/5/1990, nhà thờ Turin được lệnh đóng cửa vô hạn định. Những thế kỷ vinh quang của tấm vải liệm lịch sử đã chính thức cáo chung. Điều Tòa Thánh mong muốn là thánh tích và những câu chuyện liên quan đến nó sẽ chìm vào sự quên lãng của nhân loại. [*]



Charlie Nguyễn

7/1996

đã sửa lại lần chót 09/24/01



[*] Tuy vậy, vì cần móc túi những con chiên khờ khạo, nên ngày 22/8/2000, Tòa Thánh Vatican đem tấm vải liệm khác ra triển lãm. Theo tờ nhật báo uy tín lớn LA Times, tấm vải liệm nầy mới chỉ có 13 thế kỷ tuổi mà Jesus thì đã chết cách đây 20 thế kỷ. Xin xem thêm cuốn Vatican Thú Tội và Xin Lỗi, GĐ 2000.