Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

SÁCH KINH CÔNG GIÁO VÀ TÁC HẠI CỦA NÓ 3

3. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KINH NGUYỆN & KINH THÁNH



Ai cũng biết các sách Kinh Thánh (Books of the Bible) là cái gốc của các đạo độc-thần và được các tín đồ coi là cuốn sách cao quý nhất trên hết các sách ở trên đời, nhưng trong thực tế hầu như tuyệt đại đa số giáo dân không đọc Kinh Thánh bao giờ. Các sách Kinh Thánh thường rất dày như những cuốn tự điển, in trên giấy mỏng đặc biệt (biblical paper) chữ in nhỏ với lối văn dịch nhiều chỗ ngô nghê và khó hiểu. Trước đây, sách Kinh Thánh thường được những người Công Giáo lớn tuổi gọi là Sách Sấm Truyền, ngày nay người ta thường gọi Kinh Thánh là Sách Phúc Âm hay sách Tin Mừng (do tiếng Hy Lạp Gospels có nghĩa là Good News). Thông thường vào mỗi buổi lễ ngày Chủ nhật, các cha cố thường trích một đoạn nào đó trong Thánh Kinh để thuyết giảng cho giáo dân nghe sau khi đã chọn lọc và nghiên cứu kỹ càng. Do đó giáo dân có ảo tưởng Thánh Kinh gồm toàn những lời hay ý đẹp cả. Trong các lễ ngày Chủ nhật hiện nay, một vài giáo dân được đề cử để đọc một vài đoạn Thánh Kinh nào đó. Sau khi đoạn sách được đọc xong, người đọc nâng cao sách Thánh Kinh lên rồi kính cẩn nói : "Đó là Lời Chúa" và mọi người trong nhà thờ cùng đáp : "Tạ ơn Chúa !".



Sự thật trong cái gọi là Thánh Kinh không thiếu gì những điều nhảm nhí và vô luân. Ngược lại, có nhiều điều rất hợp lý và bổ ích nhưng các cha cố đã cố tình tránh né không dám mang ra giảng cho giáo dân nghe vì những điều này có hại cho nghề nghiệp của họ. Chẳng hạn như lời của Jesus dạy về sự bình đẳng: "Mỗi người trong anh em đều là Thầy của nhau. Tất cả đều là anh chị em của nhau" (For one is your Master and all ye are brethen – Matt.23: 4-10). Lời của giáo chủ dạy về sự bình đẳng rõ ràng như thế nhưng các tu sĩ Công Giáo chẳng bao giờ coi giáo dân là những người bình đẳng với họ. Họ luôn luôn cao ngạo tự xưng mình là CHA thiên hạ, các đấng Bề Trên, Đức Cha, Đức Ông, Đức Thánh Cha... Các giáo chủ lập đạo là nhữung tâm hồn yêu thương toàn nhân loại và quý trọng giá trị của mọi người dù bé nhỏ đến đâu. Các vị đó chỉ muốn giúp đỡ phục vụ con người chứ không lên mặt làm Thầy của bất cứ ai. Trái lại, tu sĩ Công Giáo đa số rất tự phụ, cao ngạo, ích kỷ, tham lam và đạo đức giả. Bởi lẽ trí óc của họ rất hẹp hòi và trình độ tâm linh rất thấp kém nên họ đã không hiểu đạo. Các giáo chủ càng đạo đức và khiêm tốn bao nhiêu thì đệ tử của các ngài lại càng hư đốn và kiêu căng láo xược bấy nhiêu.



Phúc âm Tông đồ Công Vụ dạy rằng : "Thánh Linh Thiên Chúa không ngự trong các đền thờ được xây dựng bởi bàn tay con người" và "Anh em là đền thờ của Chúa, Thánh Linh Thiên Chúa ngự trong anh em" (The Holy Spirit of God no longer dwelt in temples made with men’s hands – Act.17:24 – Ye are the temples of God, the Spirit of God dwelt in you – Corinth 3:16). Chúa cũng như Phật đều xác nhận tâm linh con người mới đích thực là các đền thờ thật. Đức Phật dạy "Phật tại tâm" chứ không hề dạy "Phật tại Chùa" bao giờ. Nhưng nhiều tu sĩ của các tôn giáo đã biến các nơi thờ tự thành những nơi buôn thần bán thánh, làm hủy hoại chân lý của các giáo chủ. Chính chúng đã làm cho các vị giáo chủ mất hết chỗ đứng trong những ngôi đền thật là tâm hồn của mọi người. Một sự thật hiển nhiên là các tu sĩ chỉ lo xây dựng những ngôi đền giả vì những động lực ích kỷ thấp hèn của chúng và chúng ra sức phá hủy các ngôi đền thật quý giá vô cùng là lòng người. Thay vì dùng tôn giáo để giải phóng con người, các tu sĩ đã biến các tôn giáo thành những nhà tù tư tưởng để giam hãm đồng loại và biến đồng loại thành nô lệ phục vụ cho quyền lợi ích kỷ của chúng. Bởi vậy chúng chỉ trích dẫn từ Kinh Thánh những gì có lợi cho chúng mà thôi, những điều tốt lành nhưng bất lợi cho chúng thì chúng hoàn toàn dấu nhẹm !



Kinh Thánh là một bộ sách rất phức tạp gồm nhiều cuốn sách do nhiều người viết trong những thời đại khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của Công Giáo La Mã thì Thánh Kinh gồm có hai phần : Các sách Kinh Thánh của đạo Do Thái được người Công Giáo công nhận là Cựu Ước gồm có 46 cuốn được viết bằng tiếng Hebrew trong khoảng thời gian từ 1000 TCN đến 400 TCN. Các chuyện kể trong những sách này đều là những chuyện dân gian truyền khẩu được góp nhặt lại, trong đó có rất nhiều chuyện thần thoại được sáng tác ở Babylon từ nhiều thế kỷ trước đó. Các giáo phái Tin lành chỉ công nhận 39 cuốn trong tổng số 46 sách Cựu Ước nói trên mà thôi. Sáu cuốn khác, trong đó có cuốn Wisdom of Salomon, bị họ coi là những chuyện bịa đặt nhảm nhí !



Các sách kể chuyện về cuộc đời hoạt động của Jesus và các môn đệ gọi là Tân Ước gồm 27 cuốn do nhiều người viết bằng tiếng Hy Lạp trong 60 năm (từ năm 40 đến cuối thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên). Chúng ta cần chú ý một số điểm là cả Jesus và đồng bạn đều là người Do Thái nhưng không nói tiếng Do Thái (Hebrew) mà nói tiếng Aramaic là ngôn ngữ của người Syria. Không một cuốn sách Tân Ước nào được viết bằng tiếng Aramaic là tiếng mẹ đẻ của Jesus. Ông giảng đạo và chết tại Do Thái vào khoảng năm 29 sau Công Nguyên, tới 11 năm sau mới có cuốn sách đầu tiên kể chuyện về ông và người ta tiếp tục viết cái gọi là Thánh Kinh Tân Ước tại Hy Lạp dài dài cho tới hơn 70 năm sau để làm chứng cho những phép lạ mà Jesus đã làm tại một nơi xa xôi là Jerusalem !



Vào đầu thế kỷ thứ 7, tại thành phố Mecca thuộc xứ Ả Rập Seoudite, một thương gia giàu có là Mahomet đã lập ra đạo Hồi với sự cộng tác của Zayd là một tín đồ Do Thái Giáo và của Waraqua là một tín đồ Ki-tô Giáo. Do đó, đạo Hồi là một sự tổng hợp của hai đạo nói trên. Đạo Hồi công nhận một phần Thánh Kinh Cựu Ước và một phần Thánh Kinh Tân Ước. Họ tin tổ tông loài người là Adam và Eva, họ nhận Baraham là tổ phụ và là người sáng lập Đạo Thiên Chúa (Monotheism). Người Hồi Giáo thù ghét Do Thái Giáo và Ki-tô Giáo vì họ cho đó là những tà đạo phỉ báng Thiên Chúa (blasphemous). Họ hết sức khinh bỉ giáo lý "Thiên Chúa Ba Ngôi" của Ki-tô Giáo. Nhưng họ lại rất tôn trọng các tiên tri Do Thái từ Abraham, Isaac, Jacob, Moses, Isaiah cho đến Jesus. Đối với người Hồi Giáo chỉ có Mahomet là tiên tri cuối cùng và cao hơn hết thảy. Kinh Thánh Coran do Mahomet viết liên tục trong 23 năm là sách Thánh Kinh đúng đắn nhất. CORAN (tiếng Ả Rập là Quran) có nghĩa là Sự Thuật Lại (Recitation) vì Mahomet không nhận mình là tác giả mà chỉ nhận là người ghi chép lại những điều thiên thần Gabriel đọc cho ông ta viết mà thôi. Mahomet viết : "Abraham là tín đồ Hồi Giáo đầu tiên biết tuân phục Đức Chúa Trời. Đức tin của chúng ta là đức tin của Abraham. Chúng ta tin Thiên Chúa và những điều đã được Ngài truyền cho Abraham, Isaac, Jacob, Ismael và dòng dõi của các vị đó. Chúng ta tin vào những điều đã được làm chứng bởi Moses và Jesus" (Abraham had been the first Muslim to surrender to God. Ours is the creed on Abraham. We believe in God and in that which has been bestowed upon Abraham, Isaac, Jacob, Ismael and their descendants and that which has been vouched to Moses and Jesus – Koran 2:135-136).



Nói tóm lại, các đạo thờ Chúa gồm có Do Thái Giáo, Ki-tô Giáo và Hồi Giáo gọi chung là Thiên Chúa Giáo hay Độc Thần Giáo (Monotheism) đều coi Thánh Kinh là bộ sách quan trọng nhất. Tuy nhiên, mỗi tôn giáo có những quan niệm riêng về thành phần của Bộ Thánh Kinh : Do Thái Giáo chỉ công nhận Cựu Ước. Ki-tô Giáo công nhận phần lớn các sách Cựu Ước nhưng Tân Ước là chủ yếu. Đạo Hồi công nhận một phần các sách trên nhưng kinh Coran là chủ yếu. Chỉ vì những chi tiết khác biệt nhỏ nhặt mà ba tôn giáo thờ cùng một Chúa và có chung các thánh tổ phụ đã chém giết nhau trong nhiều thế kỷ làm thiệt mạng hàng trăm triệu người ! Đó là hậu quả của nền văn hóa du mục bắt nguồn từ Babylon. Chính Kinh Thánh Khải Huyền cũng phải công nhận : "Huyền thoại Babylon vĩ đại là mẹ của những con điếm và những chuyện khủng khiếp trên thế giới !" (Mystery Babylon the Great, mother of harlots and abominations of the earth. Rev.17:1-6).



Nội dung của các Sách Kinh Nguyện Công Giáo (Catholic prayer-books) trên nguyên tắc phải phù hợp với nội dung của các sách Kinh Thánh bao gồm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Trong thực tế có nhiều bài kinh nguyện (prayers) đã phản lại tinh thần Thánh Kinh (antiscriptural) hoặc không có căn bản Thánh Kinh (Unscriptural). Theo Thánh Kinh Cựu Ước thì mọi người chỉ có thể cầu nguyện với Thiên Chúa mà thôi chứ không được cầu nguyện với bất cứ ai khác vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống. Việc cầu nguyện các thánh bị coi là nói chuyện với những người đã chết bị Cựu Ước lên án (All attempts to communicate with the dead are condemned – Isaiah 8:19-20). Trong các sách kinh nguyện Công Giáo có rất nhiều bài kinh dùng để cầu nguyện với các thánh đã chết, như vậy là đã chống lại Thánh Kinh.



Những bài kinh dùng để lần chuỗi Mân Côi được người cầu kinh lặp đi lặp lại nhiều lần là trái với lời dạy của Jesus : "Khi anh em cầu nguyện đừng lặp đi lặp lại như những kẻ ngoại vì họ lầm tưởng rằng cứ nói nhiều thì sẽ được nghe nhiều". (When ye pray, use not vain repititions as the heathen do for they think that they shall be heard for their much speaking -–Matt. 6:7-13).



Những bài kinh ca ngợi Đức Mẹ Đồng Trinh là trái với Cựu Ước vì Cựu Ước chỉ nói rằng Chúa Cứu Thế sẽ được sinh ra bởi một người mẹ "Trẻ" chứ không phải là "Đồng Trinh". Sách của Matthew là sách duy nhất trong bộ Tân Ước nói Đức bà Maria đồng trinh bằng cách trích dẫn sách của Isaiah trong Cựu Ước, nhưng các nhà nghiên cứu Thánh Kinh đã phát giác ra sự ngụy tạo của Matthew vì Isaiah dùng chữ Hebrew "ALMAH" có nghĩa là trẻ (young) chứ không hề có nghĩa là Đồng Trinh (virgin). Ngoài ra còn rất nhiều điều ngụy tạo trong bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng La Tinh của Jerôme (Vulgate) so với chính bản Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp hoặc những điều ngụy tạo trong các bài kinh nguyện so với Thánh Kinh sẽ được trình bày ở những đọan sau.