"Tôi là một người vô thần. Tôn giáo tin vào phép lạ, nhưng phép lạ thì không tương hợp với khoa học" ... Hawking cho biết trong cuộc hội thảo năm 2006, Giáo hoàng John Paul II đã khuyên răn các khoa học gia không nên nghiên cứu về sự sáng lập vũ trụ vì đó là việc của Chúa
Giáo sư Stephen Hawking tự giao cho sứ mạng của đời ông là giải thích sự huyền bí vĩ đại của vũ trụ - và hình như không có sự huyền bí nào vĩ đại hơn là sự sáng lập của vũ trụ.
Hawking qua đời ngày 14 tháng 3 năm 2018, hưởng thọ 76 tuổi của gần suốt một cuộc đời bị bệnh xơ cứng teo cơ ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis) mà bác sĩ đã chẩn đoán năm ông 21 tuổi. Khi đó, các bác sĩ cũng dự đoán là ông chỉ sống thêm được vài năm, vậy mà ông đã sống thêm hơn nửa thế kỷ thì phải coi như một phép lạ - nếu không là một phép lạ của y khoa hiện đại như lời tuyên bố năm 2015 với báo The Telegraph, của Jane Hawking, bà vợ đầu của ông, một người theo đạo Chúa.
“Khi tôi nghĩ đến 52 năm mà Stephen vẫn sống sau khi bị bệnh thì tôi phải cho đó là một phép lạ. Vâng, có thể đó là một phép lạ của y khoa hiện đại cộng với lòng can đảm và kiên trì của Stephen nhưng dù sao thì cũng có thể nói đơn giản rằng đó là một phép lạ.”
Dù vậy, chính ông Hawking thì hoàn toàn không tin đó là một phép lạ và xác nhận trong một bài phỏng vấn quan trọng với nhật báo Tây Ban Nha El Mundo năm 2014 rằng ông là một người vô thần.
Trước đó thì quan điểm của ông về sự hiện hữu của Chúa được coi như hơi mơ hồ giữa hai chủ thuyết bất khả tri và vô thần. Trong tác phẩm “Một Lược Sử về Thời Gian” (“A Brief History of Time”), ông Hawking đã viết rằng khi “nguyên lý về vạn vật” được hoàn tất thì có thể coi như tư duy loài người đã đạt được thành quả tối hậu vì khi đó con người hiểu biết được trí óc của Chúa.” Điều này mâu thuẫn với cuốn “Đại Thiết Kế” (“The Grand Design”) xuất bản năm 2010, trong đó Hawking viết khái niệm về Chúa là “không cần thiết” để giải thích nguồn gốc của vũ trụ vì luật của vật lý học đã giải thích đầy đủ. Câu nầy được coi như một thay đổi so với quan điểm trước đây của ông về Chúa và vũ trụ trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm 2007. Trong đó ông nói: “Tôi tin rằng vũ trụ vận hành theo những định luật của khoa học”, nhưng ông thừa nhận thêm rằng “có thể Chúa ban ra những định luật nầy, nhưng Chúa không can dự vào để vi phạm những luật đó.”
Sau đó, Hawking chấp nhận có thể coi Chúa như luật của thiên nhiên. Nhưng ông không chấp nhận Chúa như một thực thể “giống như con người” mà ta có thể có một mối liên hệ cá nhân. Ông nói với phóng viên Diane Sawyer trong phần tin tức của đài ABC năm 2010, vài tháng trước khi cuốn “Đại Thiết Kế” được xuất bản: “Khi bạn nhìn vào kích thước mênh mông của vũ trụ và sự tầm thường của một mạng người tình cờ nằm trong đó thì bạn sẽ thấy mối liên hệ cá nhân đó gần như không thể xảy ra.”
Cũng trong dịp đó, ông biện giải sự ưu việt của khoa học so với tôn giáo : “Có một khác biệt căn bản giữa tôn giáo, dựa trên uy quyền, và khoa học, dựa trên quan sát và lý trí. Khoa học sẽ thắng vì khoa học làm có kết quả.”
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Guardian năm 2011, Hawking cũng trình bày ý kiến của ông về đời sống, cái chết và sau cái chết. “Tôi không sợ chết, nhưng tôi cũng không vội vã gì để chết. Có quá nhiều chuyện tôi muốn làm trước khi chết. Tôi coi bộ óc như một máy vi tính. Máy nầy sẽ ngưng chạy khi các cơ phận của nó hỏng. Với một máy vi tính đã hỏng thì không có thiên đường mà cũng không có cõi vĩnh hằng. Đó là những chuyện hoang tưởng cho những người sợ bóng tối.”
Cuối cùng thì câu trả lời của Hawking với báo El Mundo đã đánh tan những thắc mắc về niềm tin của ông. “Trong thời xa xưa, trước khi chúng ta có hiểu biết về khoa học, tin vào chuyện Chúa sáng lập vũ trụ có vẻ hợp lý. Nhưng bây giờ thì khoa học đã cho ta một giải thích đầy tính thuyết phục. Khi tôi nói ta biết được trí óc của Chúa là tôi muốn nói ta biết được tất cả những gì Chúa có thể hiểu biết nếu Chúa hiện hữu. Nhưng Chúa không hiện hữu.”
Hawking nói: “Tôi là một người vô thần. Tôn giáo tin vào phép lạ, nhưng phép lạ thì không tương hợp với khoa học”.
Với tư cách là một hội viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học của Giáo Hoàng, Hawking đã trình bày những ý kiến của ông về nguồn gốc của vũ trụ tại các cuộc hội thảo khoa học được tổ chức từ nhiều năm qua tại Vatican và ông đã có cơ hội gặp các Giáo hoàng John Paul II, Benedict XVI, và đương kim Giáo hoàng Francis.
Hawking cho biết trong cuộc hội thảo năm 2006, Giáo hoàng John Paul II đã khuyên răn các khoa học gia không nên nghiên cứu về sự sáng lập vũ trụ vì đó là việc của Chúa. Hawking cũng nói đùa thêm là Giáo hoàng đã quên là ông vừa trình bày lý thuyết của ông trên chính đề tài này tại cuộc hội thảo: “Tôi đã không tưởng tượng là sẽ bị đưa ra Toà án Dị giáo giống như ông Galileo”.
Mười năm sau tại Vatican, Hawking vẫn tiếp tục nói về đề thuyết (vũ trụ) không-biên cương để giải thích sự sáng lập của vũ trụ. “Đặt câu hỏi cái gì đến trước Big Bang (Vụ Nổ Lớn) là vô nghĩa vì trước Big Bang thì không có khái niệm về thời gian.” Ông nói như vậy tại Viện Hàn Lâm Khoa Học của Giáo hoàng năm 2016.