Câu “phúc cho những ai không thấy mà tin” đã nô lệ hóa tâm linh những người ham hố cái bánh vẽ trên trời. Họ chấp nhận ba là một, một là ba, nhưng không giải thích được tại sao. Họ bảo nhờ có đức tin mà họ hiểu, nhưng chẳng biết phải giải thích như thế nào. Hiểu mà không giải thích được thì đó là cái hiểu không mang tính thuyết phục, bởi vì nếu đã hiểu rồi thì đâu cần đức tin.
Vậy chúng ta hãy thử dùng lý trí của một con người bình thường, đã trưởng thành, có đầu óc suy nghĩ tự do, thay vì cứ nhắm mắt bị dẫn dắt như một con chiên, để có thể nhận ra ngay những điều nghịch lý, phản khoa học, không thể chấp nhận được, về những gì họ dạy chúng ta.
Người ta dạy chúng ta rằng đức tin là ân sủng hay tặng phẩm của Thiên Chúa. Ngài chỉ tùy tiện ban cho những ai mà Ngài muốn. Lối giải thích này như một lá bùa hộ mệnh để gỡ thế bí cho những vấn đề đối nghịch với lý trí mà họ gọi một cách văn hoa là mầu nhiệm. Đó cũng là lý do tại sao họ muốn các tín đồ cứ nhắm mắt theo họ như những đứa con nít, chẳng cần phải suy nghĩ. Một khi đã vướng vào tròng rồi thì chúng ta sẽ không dễ gì tự tìm ra được lối thoát.
Họ đâu có biết rằng nếu chấp nhận như vậy thì phần thưởng thiên đàng hay hình phạt địa ngục sẽ trở thành vô nghĩa. Nếu Chúa không ban cho tôi đức tin thì lấy cớ gì để phạt tôi vào địa ngục vì cái tội, nếu có thể gọi được là tội, không tin Chúa? Còn nếu tin Chúa vì Chúa đã ban cho tôi một đức tin thì công trạng của tôi ở chỗ nào để xứng đáng lãnh phần thưởng thiên đàng?
Có người còn lý luận chống chế rằng Chúa ban cho hết mọi người, nhưng vấn đề là tại chúng ta không chịu nhận. Ô hay! Có cha mẹ nào tặng con cái một vật gì mà lấy súng dí vào đầu nó rồi bảo, nếu con không nhận thì ba mẹ sẽ bắn bể đầu con? Hình phạt bị bắn vào đầu chưa dã man thấm thía gì so với hình phạt đời đời kiếp kiếp trong lửa địa ngục.
Ân sủng hay tặng phẩm là một quyền lợi, chứ chẳng phải là một bổn phận, nên ai ai cũng có quyền từ chối. Người cho không có lý do gì để phạt người từ chối nhận bằng cách quăng họ vào biển lửa đời đời. Ở điểm này, lòng bao dung và nhân từ của Thiên Chúa kém xa lòng bao dung và nhân từ của một con người còn đầy thú tính, gian ác, và phàm tục. Cho thiên hạ được quyền tự do chọn lựa nhưng lại đe dọa họ về một hình phạt khủng khiếp, do hậu quả từ sự lựa chọn của họ. Đó là quyền chọn lựa tự do sao?
Rồi người ta lại lên tiếng trịch thượng nguyền rủa những ai dám dùng lý trí của một con người đã trưởng thành để suy luận, tìm hiểu về đức tin là kiêu ngạo, là phạm đến Chúa Thánh Thần, một tội không thể được tha thứ, cho dù đã đi xưng thú với một vị linh mục. Nhưng người ta lại cố tình quên rằng cũng chính mình đã từng dạy thiên hạ rằng con người chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng, có cả phần lý trí để được coi trọng hơn những con vật không có lý trí. Từ bỏ tặng phẩm lý trí do Chúa ban thì được ca tụng lên tận mây xanh là khiêm nhường, ngây thơ như trẻ con; nhưng từ bỏ tặng phẩm hay ân sủng đức tin, cũng do Chúa ban, thì bị nguyền rủa là kiêu ngạo, bị đày xuống địa ngục đời đời kiếp kiếp.
Thực ra, đức tin chỉ đơn giản là kết quả của một nền giáo dục, chứ chẳng phải là ân sủng hay tặng phẩm do ai trao ban cả. Người ta có thể dễ dàng làm người khác tin điều người ta muốn nếu cứ giáo dục họ theo cách nhồi sọ ngay từ khi mới chào đời. Nếu bạn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo thì bạn sẽ là một Phật tử. Còn nếu bạn được sinh ra từ một gia đình Công giáo thì bạn sẽ là một tín đồ Công giáo. Chỉ có những người dám sử dụng lý trí của một con người đã trưởng thành, có đầu óc suy nghĩ tự do, thì họ mới có thể tin vào những điều tự họ cảm nhận là đúng nhất.
Hơn nữa, đâu phải cứ muốn tin thì sẽ tự nhiên tin dễ dàng. Đó không phải là một quyết định chọn lựa của ý chí tự do, nhưng là một trạng thái tự động của một nhận thức dựa trên sự suy luận có lý trí.
Và có gì khác biệt giữa một đức tin tôn giáo và sự mê tín dị đoan, ngoài sự việc đức tin tôn giáo thì được hỗ trợ, cổ động, và tuyên truyền bởi một tổ chức tôn giáo có thế lực; trong khi niềm tin được cho là mê tín dị đoan thì không, ai tin cũng được, không tin cũng chẳng sao? Như vậy, đức tin, trong bản chất, thì cũng hoàn toàn đồng nghĩa với những niềm tin mê tín dị đoan trong dân gian.
Sự khôn khéo của các tác giả biện giải cho đức tin Công giáo còn nằm ở chỗ họ diễn tả một trạng thái xa vời thực tế của cuộc đời. Chẳng hạn, trong bài viết Như Trẻ Thơ của Linh mục Nguyễn Công Đoan, SJ, Việt Nam, tác giả diễn tả rằng:
“Có cha mẹ, trẻ thơ chẳng sợ gì cả, vì tin là cha mẹ không bao giờ bỏ mình và cũng không có ai mạnh hơn cha mẹ. Mẹ dắt đi đâu bé cũng dám theo, mẹ bảo làm gì bé cũng dám làm. Mẹẵm trên tay, bảo bé gọi máy bay bé cũng dám gọi, bảo bé giơ tay vời cánh chim hay chú bướm bé cũng vời. Mẹ bảo bé nói gì bé cũng nói theo, mẹ hứa gì bé cũng tin.” (Hết trích)
Ôi, một bức tranh vân cẩu như thế thì tuyệt đẹp! Nhưng thực tế của cuộc đời lại nhiều khi trái ngược. Tác giả đã cố tình bỏ quên sự kiện có từ 6.000 tới 7.000 ông linh mục, những người mà các tín hữu Công giáo phải gọi là cha, là Chúa thứ hai, đã phạm tối ấu dâm đến nỗi Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa khẳng định, ngày 5 tháng 2, năm 2014, rằng “Vatican đã nuôi dưỡng một cách có hệ thống những chính sách cho phép các linh mục hiếp dâm và quấy nhiễu tình dục hằng chục ngàn ấu nhi trong nhiều thập niên. Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đòi hỏi Tòa Thánh phải công bố các hồ sơ về những người phạm tội ấu dâm và về các giám mục đã che dấu các tội phạm của họ.” (Nguồn: UN committee blasts Vatican on sex abuse, abortion). Và các báo chí ở Ý đã công bố rằng “bản đúc kết tường trình điều tra về vụ rò rỉ của Vatican (Vatileaks) đã tìm thấy chứng cớđầy đủ về một tổ chức tham nhũng, làm tiền và giao cấu đồng tính, và bản tường trình đãđưa đến việc Giáo Hoàng Benedict 16 quyết định thoái vị.” (Nguồn: Việc Giáo Hoàng Tuyên Bố Phải Giữ Bí Mật Cuộc Điều Tra Vụ Rò Rỉ Của Vatican Làm Tăng Thêm Tình Tiết Trong Những Ngày Cuối By Erin McClam/ NBC News Trần Tiên Long chuyển dịch).
Đó là những thực tế phủ phàng vẫn còn đầy rẫy trong cuộc đời, những sự kiện có thực, không thể chối cãi, bắt nguồn từ sự liên hệ mật thiết giữa tình cha con mà Linh mục Nguyễn Công Đoan đã cố tình bỏ quên, không dám nhắc đến. Và đó cũng là hệ quả của một niềm tin tưởng ngây thơ của trẻ con, không cần dùng lý trí để suy luận, bị người ta xỏ mũi dẫn dắt như những con cừu. Những chuyện đó thì rõ ràng như ban ngày, nhưng nếu ai đã tự nguyện nhắm mắt rồi thì ban ngày cũng như ban đêm.
Trần Tiên Long