Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Tôn giáo ở Nhật Bản

Theo truyền thống Nhật Bản, tôn giáo không phải là một tổ chức tách biệt với cuộc sống hàng ngày mà gắn liền với mọi khía cạnh trong cuộc sống kinh tế và xã hội. Các lễ nghi theo suốt cuộc đời một con người, từ lúc sinh ra đến lúc lập gia đình và xuống cõi âm. Tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực như tư tưởng, kiến trúc, văn hóa-nghệ thuật của người Nhật.


Ba tôn giáo lớn của Nhật Bản là Thần đạo, Phật giáo và Thiên chúa giáo. Theo niên giám tôn giáo năm 1997 do Cục văn hóa soạn, tổng số người theo các đạo lên tới 207 triệu 758 nghìn người. Số người theo Thần đạo là 102 triệu 213 nghìn, chiếm 49,2%, số người theo đạo Phật là hơn 91 triệu 583 nghìn, chiếm 44,1%, theo đạo Thiên chúa 3 triệu 168 nghìn, chiếm 1,5%, 5,2% còn lại theo các tôn giáo khác. Nhìn vào số lượng tín đồ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì cao gần gấp đôi dân số Nhật. Niên giám tôn giáo nêu lý do rằng, dựa trên cơ sở truyền thống lịch sử và tính dân tộc, việc 1 người được coi là tín đồ của 2 đạo rất phổ biến.


Thần đạo là tôn giáo độc đáo của Nhật Bản. Thời xưa, người Nhật có quan niệm rằng trên đất nước mình có nhiều vị thần. Họ coi tất cả những vật chất hay hiện tượng mang tính thần bí, đáng kính sợ đều là những vị thần. Ngoài ra, người Nhật tin rằng mỗi dòng họ, mỗi xã đều có vị thần tổ tiên, vị thần xã riêng. Vì vậy, trong tiếng Nhật có cụm từ “tám trăm vạn vị thần”. Cách suy nghĩ này hiện nay vẫn còn tồn tại.


Trên toàn Nhật Bản, nơi đâu cũng có đền Ujigami. Ujigami vốn là vị thần dòng họ và đền Ujigami vốn là đền của 1 dòng họ riêng vì ngày xưa ở Nhật Bản, những người thuộc 1 họ sống tập trung ở 1 khu vực. Xã hội Nhật Bản đã thay đổi nhiều và ít có trường hợp những người cùng dòng họ sống tập trung. Trong bối cảnh đó, Ujigami biến thành vị thần của từng xã, khu vực. Nếu trong một khu vực nào đó có người dân tộc Nhật sinh sống thì đền Ujigami đương nhiên coi họ là tín đồ của đền này. Chính vì vậy, số lượng tín đồ Thần đạo tương đương với dân số Nhật Bản.


Giống như các dòng họ khác, Hoàng gia cũng có vị thần riêng. Đó là Amaterasu-o-mi-kami – thần Mặt trời. Trong thần đạo, vị thần của Hoàng gia được coi là vị thần của dân tộc Nhật Bản. Thần đạo có nhiều vị thần quan trọng khác như Ameno-minakanushino-kami là vị thần xuất hiện đầu tiên trên thế giới, Izanagi-no-mikoto và Izanami-no-mikoto là hai vợ chồng vị thần sinh ra đất đai Nhật Bản. Thần đạo có đặc điểm coi cái gì đáng kính sợ, thần bí đều là thần, nên có các vị thần liên quan đến thiên nhiên như thần gió, thần sấm. Gió thổi là do vị thần gió sử dụng bao gió, sấm động là do vị thần sấm đánh trống, v,v… Núi Phú sĩ và các núi cao khác cũng được coi là thần. Có một số trường hợp, những người có cống hiến lớn, sau khi qua đời trở thành thần. Cách suy nghĩ này hơi giống như ở Việt Nam.


Từ “Thần đạo” được đề cập đến trong sách sử đầu tiên là “Nhật Bản Thư Kỷ”, được soạn vào thế kỷ 8, trong đó ghi rằng: ”Thiên Hoàng tin Phật pháp, tôn Thần đạo”. Cũng từ câu này, có thể hiểu từ thời xa xưa tại Nhật Bản, 2 tôn giáo lớn là Thần đạo và Phật giáo đã tồn tại cùng nhau. Năm 552 (hoặc theo một giả thuyết khác là năm 538), Thánh Minh Vương của nhà nước cổ đại tại bán đảo Triều Tiên (Bách Tế) cử phái bộ sang triều kiến Nhật hoàng, tặng tượng Phật cùng một số cuốn kinh Phật giáo. Tại triều đình Nhật Bản lúc bấy giờ, Nhật Hoàng và các dòng họ lớn bàn cãi xem có nên đưa Phật giáo vào hay không. Trong cuộc bàn cãi này, 2 dòng họ lớn là Soga và Mononobe có ý kiến đối lập: dòng họ Soga kêu gọi nên theo vì các nước xung quanh đã theo rồi, còn dòng họ Mononobe cho rằng không nên theo vì Nhật có nhiều vị thần riêng và không cần tôn giáo khác nữa. Tranh cãi không đi đến kết luận được nên Nhật Hoàng ra lệnh cho dòng họ Soga thử thờ Phật giáo. Từ khi đó, nhà nước Nhật Bản vừa theo Thần đạo vừa theo Phật giáo.


Phật giáo được chính thức chấp nhận sau chiến thắng về chính trị và quân sự của dòng họ Soga trước dòng họ Mononobe. Dưới thời trị vì của Thiên hoàng Suiko, nhiếp chính Shotoku-taishi cho xây dựng nhiều chùa chiền, trong đó có chùa Horyu-ji và Shitenno-ji. Chùa Horyu-ji là kiến trúc gỗ cổ nhất trên thế giới còn lại đến đời nay. Trong thời Nara (thế kỷ 8), Phật giáo bắt đầu phát triển mạnh mẽ và nhiều đền chùa được dựng lên nhờ sự ủng hộ của Nhật Hoàng. Nhật Hoàng Shomu (701-756) lên ngôi vua năm 724 quy định lấy Phật giáo là “tôn giáo nhà nước” và xây dựng chùa Todai-ji, trong đó có đặt tượng Đại Phật Nara cao 15m, đồng thời xây dựng các chùa Kokubun-ji và Kokubunni-ji tại từng xứ trên toàn quốc. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, trong khi đó Hoàng gia vẫn cúng vị thần tổ tiên, tức vẫn theo Thần đạo. Vì vậy hầu hết các đền Thần đạo có chùa phụ thuộc còn các chùa Phật giáo lớn cũng có đền phụ thuộc.


Ở Nhật Bản hiện có 13 tông phái Phật giáo chính. 6 phái được đưa từ Trung Quốc sang Nhật vào thời Nara, trong đó phải kể đến 3 phái là Kegon (Hoa Nghiêm), Hosso (Pháp Tương) và Ritsu (Luật). Trong thời Heian, lần đầu tiên có 2 phái Phật giáo do các nhà sư Nhật Bản thành lập là phái Tendai (Thiên Đài) và phái Shingon (Chân Ngôn).


Từ cuối thời Heian đến thời Kamakura có thêm 7 tông phái nữa là phái Yuzu-nenbutsu, phái Jodo, phái Jodo-shin, phái Ji, phái Nichiren, cùng 2 phái thiền lớn của Nhật Bản Rinzai và Soto. Vào đầu thời Edo, xuất hiện 1 phái thiền khác là phái O-baku, được đưa từ Trung Quốc vào Nhật Bản.


Khi Phật giáo được đưa sang Nhật từ Triều Tiên và Trung Quốc, tại Nhật Bản đã có Thần đạo nên các nhà sư gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền đạo. Để 2 tôn giáo Thần đạo và Phật giáo cùng tồn tại, các nhà sư xây dựng hệ thống tư tưởng “thần phật tập hợp”. Theo tư tưởng này, các vị thần của Thần đạo là hóa thân của các đức phật trong Phật giáo. Ví dụ, vị thần Amaterasu-o-mikami (vị thần chính của thần đạo) là hóa thân của Đức Phật Như Lai mà tên tiếng Nhật là Birushana-butsu hoặc Dai-nichi Nyo-rai (Bì Lô Già Na Phật hoặc Đại Nhật Như Lai). Tư tưởng này tiếp tục đến cuối thời Edo, trước khi chính phủ Minh Trị quy định Thần đạo là tôn giáo nhà nước và đàn áp Phật giáo. Nhưng sau đó, chính phủ Minh Trị cho phép Phật giáo cùng tiếp tục tồn tại vì trong khoảng 1200 năm, Phật giáo đã đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và không thể nào xóa bỏ được ảnh hưởng của Phật giáo.


Trước khi 2 phái Tendai và Shingon được thành lập, Phật giáo chỉ được coi là tôn giáo của nhà nước và nhà nước ủng hộ các phái chứ không phổ biến trong dân chúng. Tuy nhiên, hai phái Tendai và Shingon không nhận sự ửng hộ của chính quyền mà cố gắng truyền đạo trong dân. Rồi nhiều phái kế tiếp được thành lập trong bối cảnh liên tiếp xảy ra chiến tranh. Từ cuối thời Heian đến thời Kamakura, thế lực của triều đình dần dần yếu đi còn giới võ sĩ tranh giành nhau để mở rộng thế lực và lãnh thổ của mình, gây nhiều cuộc chiến đe dọa đời sống của người dân. Nhiều phái được thành lập nhằm mục đích cứu độ dân chúng.


Nói riêng về Phật giáo Nhật Bản, Thiền tông (hay Zen) là một tông phái khá đặc biệt. Việc đưa thiền vào Nhật Bản là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử tôn giáo của Nhật Bản. Thiền được nuôi dưỡng trong những nền văn hóa vĩ đại của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, đạt tới đỉnh cao ở Nhật Bản để rồi lan sang các nước phương Tây. Khi kỹ thuật đe dọa thống trị thế giới, thiền thức tỉnh nhiều người về những giá trị tinh thần cần thiết cho cuộc sống của con người.


Thiền tông, với giáo lý chủ yếu là tham thiền nhập định để chứng ngộ Phật tính, vốn do nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma khởi xướng. Khi Bồ Đề Đạt Ma 60 tuổi, ngài sang Trung Quốc để truyền bá thiền nhưng vua chúa Trung Quốc bấy giờ không hiểu được nên ngài tới chùa Thiếu Lâm và dạy thiền cho các nhà sư tại chùa đó. Hai phái thiền của NB, tức phái Rinzai (Lâm Tể) và phái Soto (Tào Đỗng), cũng là do nhà sư Trung Quốc sáng lập ra trong thời Đường, rồi đầu thế kỷ 13 du nhập vào Nhật Bản.


Điểm khác nhau giữa 2 phái thiền này với các tông phái Phật giáo khác ở Nhật là gì? Phật giáo là một tôn giáo tìm cách đắc đạo để ra khỏi kiếp luân hồi. Các phái như Jodo, Jodo-shin và Ji đi theo giáo lý “Ta riki” (Tha Lực), tức tín đồ được Phật A Di Đà giúp đỡ để đạt tới điều kể trên. Nói cụ thể, tín đồ chỉ cần niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” thì sau khi chết được sẽ đầu thai tại “Cực Lạc Tịnh Độ”, nơi cuộc sống không có đòi nghèo, đau khổ, ai cũng đi tu để trở thành phật được. Trong lịch sử Nhật Bản, các phái “Ta riki” được rất nhiều nông dân theo.


Nhưng hai phái thiền thì hoàn toàn khác. Để “giác ngộ” và trở thành phật, bản thân tín đồ phải tịnh tu trong cuộc sống hiện tại. Vì thế, hai phái này được gọi là “Ji riki” (Tự Lực). Một phương pháp chính để tu là ngồi thiền. 2 phái thiền được đưa từ Trung Quốc sáng đúng vào lúc chính quyền Kamakura vừa mới được xây dựng và thế lực của tầng lớp võ sĩ đã được phát triển rất mạnh. Tư tưởng “tự tu để thành chính quả” của 2 phái này được tầng lớp võ sĩ ủng hộ nhiệt liệt. 2 phái này đã phát triển cùng với sự phồn vinh của thời kỳ phong kiến, tức thời đại của tầng lớp võ sĩ trong thời Kamakura, Muromachi và Edo. Các phái thiền này thu hút nhiều người trong tầng lớp võ sĩ và thương nhân. Hiện nay, tại Nhật Bản có khoảng 9 triệu 370 nghìn người đi theo Thiền tông, chiếm khoảng 10% tổng số tín đồ Phật giáo.


Sau khi đất nước thống nhất, các chính quyền võ sĩ Kamakura, Muro-machi và Tokugawa ủng hộ Phật giáo, vừa để Phật giáo cùng chính quyền được tồn tại lâu dài, vừa để lợi dụng Phật giáo thống trị dân chúng. Trong thời Edo, tức chính quyền Tokugawa, chính quyền tích cực sử dụng hệ thống chùa chiền Phật giáo để quản lý hộ khẩu của người dân. Chính quyền buộc mọi người phải đăng ký thuộc một chùa nào đó và các chùa lập danh sách tín đồ thuộc chùa mình. Khi dân chúng cần phải làm lễ liên quan đến Phật giáo thì phải nhờ chùa mà mình đã đăng ký. Một mục đích khác là tránh không để dân chúng chạy theo Thiên chúa giáo. Chế độ này giúp số lượng tín đồ Phật giáo tăng lên và các chùa được kết hợp với xã hội rất chặt chẽ, nhưng mặt khác, các chùa đã có số tín đồ nhất định nên không cố gắng truyền đạo nữa. Vì vậy, sức hút về mặt tín ngưỡng của Phật giáo dần dần mất đi, Phật giáo dần dần trở nên hình thức hóa.


So với Thần đạo và Phật giáo, lịch sử của Thiên chúa giáo Nhật Bản tương đối trẻ. Năm 1549, nhà truyền giáo Francisco de Xavier, người Tây Ban Nha sang Nhật và lần đầu tiên giới thiệu tôn giáo này. Thời đó, cả triều đình và chính quyền Muromachi đều không có sức chi phối toàn quốc nữa, các sứ quân daimyo chia đất nước Nhật Bản thành nhiều khu vực và cai trị khu vực của mình. Những người truyền giáo Thiên chúa giáo thời đó không chỉ giới thiệu Thiên chúa giáo mà còn mang đến nhiều máy móc, kỹ thuật, ấn phẩm tiên tiến của phương Tây cũng như những điều mới lạ của các nước đông nam, tây nam Á. Vì vậy có một số sứ quân daimyo cho phép nhà truyền giáo hoạt động tại khu vực của mình để tranh thủ học hỏi kỹ thuật tiên tiến, giao dịch buôn bán, v,v…


Nhưng sau khi thống nhất đất nước, sứ quân Toyotomi Hideyoshi đã cấm các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo hoạt động trên lãnh thổ Nhật Bản vào năm 1587, khi đã có khoảng 150 nghìn người theo. Chính quyền Tokugawa sau đó cũng tiếp tục đẩy mạnh chính sách này, nghiêm cấm người Nhật theo Thiên chúa giáo. Năm 1637, tại vùng Shimabara-Amakusa (tỉnh Nagasaki hiện nay) cuộc chiến Shimabara bùng nổ, 37.000 tín đồ Thiên chúa giáo trong khu vực này chiếm thành lũy, giao chiến với quân đội chính quyền. Sau đó, chính quyền tăng cường đàn áp tín đồ Thiên chúa giáo tới mức những người theo đạo này phải che giấïu tín ngưỡng của mình. Sau Minh Trị Duy Tân, chính sách cấm Thiên chúa giáo được hủy bỏ. Nhiều nhà truyền giáo, hầu hết từ Mỹ, đã tới Nhật Bản để phổ biến Thiên chúa giáo và đặt cơ sở tại Nhật Bản.


Từ sau Minh Trị Duy Tân đến khi kết thức Thế chiến 2, vai trò của Thần đạo tăng lên. Trong thời kỳ đó, Thần đạo được coi là tôn giáo nhà nước vì Minh Trị Duy Tân có quan điểm lật đổ chính quyền võ sĩ để tái lập chính quyền của Nhật Hoàng, và như đã nói ở trên, vị thần tối cao của Thần đạo là vị thần tổ tiên của Hoàng gia. Tư tưởng này được sử dụng để tăng cường chi phối dân chúng dưới sự chỉ đạo của Nhật Hoàng. Nhưng, sau Thế chiến 2, chính sách “Thần đạo là tôn giáo của nhà nước” được bãi bỏ và Hiến pháp Nhật Bản hiện nay đảm bảo tự do tín ngưỡng, ai theo đạo nào cũng được.