Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Một sự nhảm nhí - Jesus và Jihad (*) Tác giả Nicholas D. Kristoff

Nếu tin vào những gì mà loạt bài viết vừa giật gân vừa li kì về tôn giáo Bỏ lại sau lưng ("Left Behind"), Chúa Jesus sẽ tái xuất hiện trên trần gian, bắt hết những người không theo đạo Thiên chúa đứng bên trái của ngài và ném tất cả vào hỏa ngục: 

"Jesus chỉ cần đưa một tay lên vài phân và với một cái ngáp miệng, Ngài mở toang cánh cửa trần gian, kéo dài và rộng đủ cho tất cả chúng nó vào. Chúng nó ngã nghiêng, đổ nhào, gào thét thất thanh, nhưng tiếng la khóc ngay sau đó bị dập tắt, trả lại không gian yên lặng khi cánh cửa trần gian khép lại." 

Trên đây là một đoạn trong cuốn tiểu thuyết thuộc vào hạng bán chạy nhất (best-seller) ở Mĩ. Tính đến nay, nhà xuất bản đã bán hơn 60 triệu cuốn trên toàn thế giới. Cuốn tiểu thuyết mới nhất có tựa đề là "Glorious Appearing" (tạm dịch: Vinh quang giáng trần), mà trong đó, tác giả mô tả sự tái xuất hiện của Chúa Jesus trên trần gian để quét sạch tất cả những ai không theo đạo Kitô giáo trên trái đất. Hành động tội ác diệt chủng được ca ngợi như là một đỉnh cao của niềm tin tôn giáo. 

Thử tưởng tượng: nếu một người Hồi giáo nào đó viết một cuốn tiểu thuyết như thế và xuất bản ở Saudi Arabia, hân hoan mô tả những cuộc tàn sát hàng triệu người không theo đạo Hồi, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Chắc chắn chúng ta sẽ ngất xỉu. Chúng ta sẽ tố cáo đây là một chủ trương tàn bạo của những tên tín đồ cuồng tín Hồi giáo do Hồi giáo dung dưỡng, và chúng ta nhất định sẽ đòi hỏi phải trừ khử chúng khỏi thế giới này. 

Trong Vinh quang giáng trần, tác giả cho biết chỉ cần Jesus mở miệng nói, thân thể của kẻ thù liền bị xé toạc ra từng mảnh. Các tín đồ Kitô giáo phải cẩn thận lái xe để tránh đụng chạm vào xác chết của hàng triệu đàn ông, đàn bà và ngựa. 

Cuốn tiểu thuyết viết tiếp: "Những người cưỡi ngựa nhảy xuống ngựa và cố gắng nắm lấy giây cương, nhưng dù cố gắng cách mấy, thịt da của chúng bị tan rã, mắt mũi chúng tan ra, và lưỡi chúng tiêu tan như nước chảy ... Vài giây phút sau, cũng một cơn dịch như thế tấn công vào những con ngựa, thịt da, mắt mũi và lưỡi chúng cũng tan rã ra như nước, để lại những bộ xương thô thiển đứng trơ vơ trước khi hấp hối ngả xuống mặt đường." 

Có lẽ có người nghĩ rằng Chúa Jesus là một người yêu mến thú vật. 

Những cảnh tượng như thế đặt câu hỏi về thuyết tận thế: Những người theo đạo Kitô triệt để thực sự thích thú thiên đường trong khi bạn bè, thân nhân, và láng giềng của họ bị cho vào hỏa ngục? 

Như ông bạn đồng nghiệp của tôi David Kirkpatrick (làm việc cho tờ Time) nhận xét trong một bài báo, mô tả một cách đẫm máu về sự trở lại của Chúa Jesus trong ngày phán quyết cuối cùng phản ảnh một sự thay đổi của người Mĩ trong cái nhìn của họ về Jesus, từ một người hiền lành biến thành một vị cứu tinh hùng dũng ngự trị trên một biển máu lửa. Nó phản ảnh sự nổi dậy của giới quân phiệt Kitô giáo nhằm chạm trán với giới quân phiệt Hồi giáo. 

Xu hướng này cũng không khác mấy trong thực tế, nhất là thái độ của các tín đồ Hồi giáo cuồng tín ở Saudi Arabia mà chúng ta thấy gần đây. Bất cứ dạng cuồng tín nào cũng có thể sản sinh ra một biên giới đạo đức như trắng với đen, giữa những người “tốt” ngoan đạo và những người ngoại đạo. Người tốt thì lên thiên đường; kẻ ngoại đạo xuống hỏa ngục. 

Không, tôi không nghĩ rằng độc giả của Vinh quang giáng trần sẽ đâm máy bay vào các tòa cao ốc. Nhưng chúng ta bắt bỏ tù hàng ngàn tín đồ Hồi giáo tại đây và ở nước ngoài sau ngày 11/9/01, và có những người Mĩ bình thường đã tham dự vào những hình thức tra tấn dã man tại nhà tù Abu Ghraib. Họ tra tấn tù nhân vì họ ghét tù nhân. Họ ghét tù nhân Hồi giáo vì họ nhìn những tù nhân này như những kẻ ngoại đạo và mong muốn Jesus biến da thịt, mắt mũi và lưỡi của chúng tan rã thành nước. 

Tôi ngần ngại viết những dòng chữ này, bởi vì tôi không muốn nói móc niềm tin tôn giáo của bất cứ ai, và tôi không tin người Mĩ hiểu những gì mô tả trong Vinh quang giáng trần là những ý muốn của Thượng đế. Song, nói cho cùng, tôi nghĩ không nên cấm đoán người dân bàn về tôn giáo dù ở Mĩ hay ở nước nào khác. Đề tài tôn giáo không phải gì là cái gì cấm kị cả. 

Tôi thường viết về tôn giáo, chỉ vì niềm tin có một ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Tôi đã từng ca ngợi các công tác từ thiện của Kitô giáo tại các nước đang phát triển (như công tác nhân đạo tại Sudan trong lúc cả thế giới chẳng ai động móng tay trước cuộc diệt chủng tại đây), và vì thế tôi cảm thấy cũng nên có trách nhiệm phản đối những bất khoan dung đang diễn ra tại Mĩ. 

Chúng ta có nên lờ đi sự bất khoan dung vì nó xuất phát từ niềm tin tôn giáo hay không? 

Nhiều tín đồ Kitô giáo từng đọc Kinh thánh để muốn hiểu theo ý họ rằng người Mĩ da đen (gốc Phi châu) là những người đang chịu quả báo, như hậu duệ của con trai ông Noah, và bị Thượng đế trừng phạt để bây giờ phải làm nô lệ cho người da trắng. Vào thế kỉ 19, hàng triệu người Mĩ thành thật tin như thế, và lấy Kinh thánh để biện minh cho những hành động tàn ác của họ đối với người da đen. Nếu cho rằng vì đó là niềm tin tôn giáo và vì thế chúng ta không nên đụng đến hay không nên chỉ ra những sai trái và hành động kì thị chủng tộc, thì quả là một suy nghĩ vô trách nhiệm và vô duyên. 

Con người có quyền tin vào một Thượng đế kì thị chủng tộc, hay một Thượng đế sẽ thiêu đốt hàng triệu kẻ ngoại đạo. Tôi không tin rằng chúng ta nên tẩy chay những cuốn sách viết như thế. Nhưng chúng ta nên xấu hổ khi một trong những quyển sách bán chạy nhất tại Mĩ lại cung kính tôn thờ sự kì thị tôn giáo, ca ngợi lòng bất khoan dung và bạo động chống lại những người ngoại đạo. 

Điều đó không phải là điều nước Mĩ dung thứ, và tôi cũng không tin rằng đó cũng là điều mà Thượng đế đại diện.


(*) Nguyễn Văn lược dịch từ bài viết Jesus and Jihad của Nicholas D. Kristoff, đăng trên tờ New York Times, số ra ngày 17 tháng 7 năm 2004.