Vài Lời Nói Đầu: Đây là bài giảng về Giáng Sinh nổi tiếng của Robert G. Ingersoll viết và đăng trên tờ Evening Telegram cách đây trên 1 thế kỷ, vào ngày 19 tháng 12, 1891.
Phản ứng trước bài giảng này, Mục sư Tiến sĩ J. M. Buckley, chủ biên tờ Christian Advocate, cơ quan truyền thông của hệ phái Tin Lành Methodist, viết một bài “phê bình” mạ lỵ Ingersoll và kêu gọi quần chúng tẩy chay tờ Evening Telegram vì đã đăng bài giảng như vậy về Giáng Sinh của Ingersoll.
Bài phê bình của Buckley có nhan đề “Những Lời Nói Láo Vĩ Đại”. Tờ Telegram chấp nhận sự đối thoại và ngay cùng ngày đó, đăng lên bài trả lời của Ingersoll. Bài trả lời của Ingersoll đã vang ra khắp nước Mỹ.
Sau đây là bài giảng về “Giáng Sinh” của Đại Tá, Luật Sư Robert G. Ingersoll và những điểm chính của ông trong bài trả lời Mục sư Buckley.
Trần Chung Ngọc
Một Bài Giảng Về Giáng Sinh: [A Christmas Sermon]
Cái điều hay của ngày “giáng sinh” là không phải của Ki Tô Giáo – đó là ngày lễ dân gian, nghĩa là, của con người và rất tự nhiên.
Ki-tô Giáo không đến với chúng ta với những Tin Mừng, mà là một thông điệp về sự đau khổ vĩnh viễn. Nó đến với sự đe dọa trên những bờ môi của nó về những cực hình bất tận.
Nó dạy vài điều hay – tình thương yêu và ưu ái trong con người. Nhưng là một ngọn đuốc soi sáng tâm linh, một nguồn hạnh phúc của nhân loại, nó đã là một sự thất bại. Nó đã đặt những hậu quả bất tận trên những hành động của con người, nghiền nát linh hồn của con người với một trách nhiệm quá lớn mà con người phải gánh chịu. Nó chất đầy tương lai với sự sợ hãi và ngọn lửa thiêu đốt, và dựng lên Thượng đế của nó như là một tên cai ngục của một nhà tù vĩnh viễn, một nhà tù giam hầu hết tất cả mọi người trên thế gian. Như vậy cũng chưa thỏa mãn, nó còn tước bỏ quyền năng tha thứ của Thượng đế.
Tuy vậy, nó cũng làm được một điều hay là mượn từ dân gian một ngày lễ cổ xưa và gọi đó là ngày lễ Giáng sinh.
Trước khi Giê-su sinh ra đời rất lâu, Mặt Trời đã là nguồn sáng thắng trên sự tối tăm. Vào khoảng thời gian mà chúng ta thường gọi là ngày giáng sinh, ngày bắt đầu dài ra. Tổ tiên xa của chúng ta là những người thờ Mặt Trời, và họ ăn mừng sự chiến thắng của Mặt Trời trên đêm tối. Một ngày lễ như vậy thật là đẹp đẽ và tự nhiên. Ki-tô Giáo vơ lấy ngày lễ này, mượn từ dân gian một ngày lễ hay nhất. [Thật ra thì Ki-tô Giáo đã vơ lấy ngày Đông Chí theo lịch Julian tính sai là ngày 25 tháng 12 để làm ngày “giáng sinh” (sic) của Giê-su, về sau lịch Gregory mà chúng ta dùng ngay nay tính lại thì ngày Đông chí phải là 21 tháng 12. Nhưng ngày 25 tháng 12 đã trở thành ngày lễ trong Ki-tô Giáo nên ngày nay Ki-tô Giáo vẫn tiếp tục ăn mừng “lễ Giáng Sinh” vào ngày 25 tháng 12, tuy không ai biết rõ ngày “giáng sinh” của Giê-su là ngày nào. TCN]
Tôi tin vào ngày giáng sinh cũng như bất cứ ngày nào khác mà chúng ta để ra để sống vui vẻ. Chúng ta trong nước Mỹ làm việc quá nhiều và không đủ thì giờ để vui chơi. Chúng ta giống như người Anh..
Ngày giáng sinh là một ngày vui để quên và tha thứ - một ngày tốt để vứt bỏ những thành kiến và sự sân hận – một ngày tốt để tỏa ánh sáng mặt trời trong tâm hồn và nhà cửa của chúng ta cũng như trong tâm hồn và nhà cửa của mọi người khác.
۞ Bài Trả Lời Mục Sư Tiến Sĩ Buckley:
Bất cứ khi nào mà một chủ biên bảo thủ Ki-tô tấn công một người không tin Chúa, chúng ta hãy cố tìm kiếm trong đó một chút tử tế, lòng thương yêu.
Người chủ biên hòa nhã của tờ Christian Advocate kết tội tôi là đã viết ba điều sai lầm vĩ đại, và ông ta đã vạch ra những điều đó như sau:
Thứ nhất - Ki-tô Giáo không đến với chúng ta với những Tin Mừng, mà là một thông điệp về sự đau khổ vĩnh viễn.
Thứ nhì - Nó chất đầy tương lai với sự sợ hãi và ngọn lửa thiêu đốt, và dựng lên Thiên Chúa của nó như là một tên cai ngục của một nhà tù vĩnh viễn, một nhà tù giam hầu hết tất cả mọi người trên thế gian.
Thứ ba - Như vậy cũng chưa thỏa mãn, nó tước bỏ quyền năng tha thứ của Thượng đế.
Bây giờ, chúng ta hãy xét theo thứ tự ba điều sai lầm vĩ đại trên xem chúng có phù hợp với Tân Ước hay không – và có phải là chúng đã được giáo hội Methodist ủng hộ qua giáo lý của họ.
Tôi nhấn mạnh là Ki-tô Giáo không đến với chúng ta với những Tin Mừng, mà là một thông điệp về sự đau khổ vĩnh viễn.
Theo giáo lý chính thống, Ki-tô giáo đã mang đến những “tin mừng” là nhân loại thì hoàn toàn xấu xa đồi bại (depraved), tội lỗi, và tất cả mọi người đều ở trong tình trạng đã mất đi sự ân sủng của Thượng đế, và những người nào bác bỏ hay không tin vào cái tôn giáo mới này, thì sẽ bị đau khổ trong ngọn lửa vĩnh hằng.
Đó không phải là những “tin mừng”.
Nếu những hành khách trên một chiếc tàu thủy lớn được bảo rằng con thuyền sắp chìm, chỉ có vài người được cứu, và tất cả mọi người khác đều phải chết chìm dưới đáy biển, họ có cho đó là những “tin mừng” hay không?
Chúng ta thường cho rằng đấng Ki-tô tất nhiên biết rõ nhiệm vụ của mình là gì và tới để hoàn thành nhiệm vụ đó. Ông ta nói:
“Đừng tưởng rằng ta xuống đây để mang lại hòa bình trên trái đất. Ta không tới để mang lại hòa bình mà là gươm giáo. Vì ta tới để làm cho con trai chống lại cha, con gái chống lại mẹ, con dâu chống lại mẹ chồng, và kẻ thù của con người ở ngay trong nhà hắn (Matthew 10: 34-36).”
Theo sự phán xét của tôi, đây không phải là những “Tin Mừng”.
Bây giờ đến thông điệp về sự đau khổ vĩnh viễn. Đấng Ki-tô nói:
“Rồi ta sẽ nói với những kẻ ở phía bên tay trái: “Hãy cút đi cho khuất mắt ta, hỡi những kẻ bị nguyền rủa, để đi vào ngọn lửa vĩnh hằng nhúm sẵn cho quỷ và những thiên thần của nó”[Tiếng Anh nguyên văn là, Mat. 25: 41: “Depart from me, you cursed, into the everlasting fire prepared for the devil and his angels” nhưng Kinh Thánh Tin Lành tiếng Việt đã dịch “devil and his angels” là “ma quỉ và những quỉ sứ (của) nó”. Dịch angel là quỉ sứ chắc là để tránh một điều hiển nhiên trong Kinh Thánh là Quỷ cũng có những thiên thần làm tay sai y như Thượng đế. TCN]
“Và những kẻ này sẽ bị trừng phạt vĩnh viễn, nhưng những kẻ công chính (nghĩa là những tín đồ Methodist) sẽ được sống đời đời.”
“Kẻ nào không tin thì sẽ bị đày đọa vĩnh viễn.”
“Kẻ nào không tin Chúa Con sẽ không thấy được sự sống, nhưng sẽ phải gánh chịu sự phẫn nộ của Chúa Cha giáng lên đầu chúng.”
Như chúng ta biết, rằng chỉ có một số nhỏ là những người tin (believers), rằng trong 18 thế kỷ qua, không tới 1 trên 100 người chịu chết cho đức tin, do đó hầu hết mọi người chết đều đi xuống hỏa ngục, chúng ta có thể nói không sai là: “Ki-tô Giáo đã đến với một thông điệp về sự đau khổ vĩnh viễn”.
Bây giờ đến điều “sai lầm vĩ đại” thứ hai: Ki-tô Giáo chất đầy tương lai với sự sợ hãi và ngọn lửa thiêu đốt, và dựng lên Thiên Chúa của nó như là một tên cai ngục của một nhà tù vĩnh viễn, một nhà tù giam hầu hết mọi người trên thế gian.
Trong Cựu Ước, không có chỗ nào nói về sự trừng phạt trong một đời sau, không có chỗ nào nói về những ngọn lửa thiêu đốt bất tận và sự đau khổ vĩnh viễn của con người dưới hỏa ngục. Khi Jehovah giết xong một kẻ thù ông ta cảm thấy thỏa mãn, sự trả thù của ông ta chấm dứt khi nạn nhân chết. Nhưng trong Tân Ước, chúng ta được bảo rằng sự trừng phạt trong một đời sau thì vĩnh viễn, và những làn khói của những sự đau khổ khi bị thiêu đốt thì sẽ bốc lên mãi mãi.
Cái giáo lý độc ác này, những đoạn văn đáng sợ này, đã chất đầy tương lai với sự sợ hãi, và ngọn lửa thiêu đốt. Căn cứ vào các đoạn trên thì Ki-tô Giáo đã xây một nhà tù, trong đó hầu hết mọi người trên thế gian bị giam và chịu sự đau đớn, và Thượng đế là viên cai tù. Những cánh cửa nhà tù này chỉ mở để nhận những tù nhân [và không bao giờ mở để cho người trong đó ra ngoài].
Giáo lý về sự trừng phạt này là sự ô nhục xấu xa của những ô nhục xấu xa [the infamy of infamies]. Như tôi thường nói, những người nào tin vào sự trừng phạt vĩnh viễn, vào công lý của sự tạo nên đau đớn vĩnh viễn, thì bị ít nhất là hai chứng bệnh: sự trai đá của trái tim và sự thối rữa của óc [the petrifaction of the heart and putrefaction of the brain].
Vấn đề tiếp theo là, có phải Ki-tô Giáo đã tước bỏ quyền tha thứ của Thượng đế?
Giáo hội Methodist cũng như các giáo hội Ki-tô khác đều dạy rằng, đời sống này chỉ là một thời kỳ tạm bợ [Điều này Ingersoll viết không sai, vì hàng ngày tín đồ Công Giáo Việt Nam thường cầu Kinh Nhựt Khóa trong đó có câu: “Xin Chúa làm cho tôi khinh dễ sự đời là chốn chim muông cầm thú. xin cho tôi đặng về quê thật hiệp cùng Vua Đa-Vít” mà không hề biết rằng Vua David chỉ là một tướng cướp, một bạo chúa, hoang dâm vô độ, vô đạo đức và cuồng sát. TCN], không có cơ hội nào để sửa đổi sau khi chết, vì Thượng đế không cho một cơ hội nào để hối lỗi trong một đời sau.
Đây là giáo lý về thế giới của Ki-tô Giáo. Nếu tín lý (dogma) này đúng thì Thượng đế sẽ không bao giờ thả một linh hồn ra khỏi hỏa ngục – không bao giờ xử dụng quyền tha thứ.
Thượng đế và những kẻ được cứu sẽ vui đến mức nào khi biết rằng hàng tỷ và hàng tỷ (billions and billions) con cái, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng bị kết tội giam vào nơi tù ngục tối tăm vĩnh viễn, và không bao giờ có thể nghe thấy một lời tha thứ. [Ingersoll viết bài này vào năm 1891, khi đó những văn phẩm đe dọa sự trừng phạt của Thượng đế còn tràn ngập trong Ki-tô Giáo. Ngày nay, rất ít khi các nhà truyền giáo nói đến hỏa ngục và chính Giáo hoàng John Paul II cũng đã thú nhận là không làm gì có hỏa ngục dưới lòng đất. TCN]
Nhưng đây chính là sự hứa hẹn trong Tân ước về nguồn hạnh phúc và sự vui sướng bất tận cho những người lìa xa cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, bây giờ và trong một đời sau.
Đối với tôi, thật rõ ràng là Ki-tô Giáo không mang lại những “tin mừng” mà là mang tới một thông điệp về sự đau khổ vĩnh viễn – và nó thực sự đã chất đầy tương lai với sự đau khổ, thực sự làm cho Thượng đế thành một cai tù của một nhà tù vĩnh viễn, nơi cư trú của hầu hết mọi người, và tước bỏ quyền tha thứ của Thượng đế. Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy vài đoạn về hòa bình và lòng nhân từ cũng như những đoạn về chiến tranh và những sự độc ác như là những răng nanh của một con dã thú (cruel as the fangs of a wild beast). Theo Giáo lý Ki-tô, Thượng đế có một nhà tù vĩnh viễn, trong đó có sự đau khổ vĩnh viễn, sự đau đớn cùng cực về tinh thần và vật chất (agony) vĩnh viễn.
Tôi nghĩ gì về những lời mà Tiến sĩ Buckley nói về tờ Telegram vì đã đăng bài giảng về Giáng sinh của tôi?
Chủ biên tờ Christian Advocate (Buckley) không có một ý niệm nào về sự tự do trí thức (intellectual liberty). Ông ta phải biết rằng không nên mạ lỵ người nào chỉ vì người đó không đồng ý với ông ta. [Đây là đạo đức của tuyệt đại đa số tín đồ Ki-tô, không đủ kiến thức và lý luận để bênh vực đạo mình, nên luôn luôn dùng những danh từ hạ cấp để mạ lỵ những người nói động đến đạo của họ, dù những lời này không sai sự thật]
Lấy quyền nào mà Tiến sĩ Buckley đã bất đồng ý kiến với Hồng Y Gibbons?, và quyền nào mà HY Gibbons đã bất đồng ý kiến với TS Buckley? Lấy cùng một quyền đó, tôi bất đồng ý kiến với cả hai.
Tôi không khuyên bất cứ ai đừng đọc những sách của Công giáo hay của giáo hội Methodist. Nhưng tôi bảo họ rằng hãy tự mình tìm hiểu – vững niềm tin vào những điều chân thật và loại bỏ những điều sai lầm, và trên hết là hãy gìn giữ khả năng suy tư của con người.
Tiến sĩ Buckley muốn hủy diệt tờ Telegram – muốn mọi người Ki-tô đoàn kết để trừng phạt tờ Telegram – vì tờ này đã đăng một bài mà Tiến sĩ Buckley không đồng ý, đúng ra là bài đó không đồng ý với ông ta.
Đã quá muộn rồi. Ngày đó đã đi vào quá khứ của Tây phương. Ngài Tiến sĩ thần học đã mất đi quyền lực của mình. Tiếng sấm thần học đã mất đi ánh sáng của tiếng sét – nó không còn gì nữa ngoài những tiếng ồn khó chịu, làm vui lòng những kẻ phát ra chúng, nhưng chỉ làm trò cười cho những người nghe.
Tờ Telegram không có gì phải sợ. Đó là một tờ báo theo nghĩa cao nhất – rất tỉnh thức, ra đúng giờ, tốt với bạn bè, hòa ái với kẻ thù, và chân thật đối với quần chúng.
Người ta có thể gọi tôi là một con quỷ, có thể bảo là tôi không đủ khả năng để nói lên sự thật, hay là tôi nói láo, nhưng tất cả đều không chứng tỏ gì. Những luận cứ của tôi không thể bị phản bác. Lý tưởng tôi trình bày (ở đây chỉ có một phần) vĩ đại, và thiêng liêng đến đỗi không thể bị hoen ố bởi một nhân vật thiếu hiểu biết và xảo quyệt.
Tôi biết rằng con người thường phải hành động với ánh sáng trí thức mà họ có, vì vậy tôi xin nói: Hãy có thêm nhiều ánh sáng nữa.