Source: Wikipedia
Trong thời gian tại vị của mình, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng đưa ra nhiều lời xin lỗi về những tội của Giáo hội Công giáo Rôma đối với người Do Thái, Galileo, phụ nữ, các nạn nhân của Tòa án Dị giáo, những người Hồi giáo bị giết trong các cuộc Thập Tự chinh và phần lớn những nạn nhân chịu những thiệt hại có liên quan đến hành động của Giáo hội trong lịch sử.[1] Ngay trước khi ông trở thành Giáo hoàng, Gioan Phaolô II đã là một trong những người soạn thảo và ủng hộ việc ban hành Thư Hòa giải của các Giám mục Ba Lan gửi tới các Giám mục Đức vào năm 1965. Sau khi trở thành Giáo hoàng, ông đã công khai xin lỗi hơn 100 lần về những hành động sai trái của Giáo hội Công giáo, trong đó bao gồm:[2][3][4][5]
- Việc kết án oan nhà khoa học Ý Galileo Galilei trong khi bản thân ông là một tín đồ ngoan đạo (xin lỗi vào ngày 31 tháng 10 năm 1992).[2][3][4][5]
- Sự dính líu của Giáo hội trong việc buôn bán nô lệ châu Phi (ngày 9 tháng 8 năm 1993).[2][3][4][5]
- Vai trò của Giáo hội trong việc thiêu sống những tín đồ dị giáo và các cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra sau cuộc cải cách Kháng cách (tháng 5 năm 1995, tại Cộng hòa Séc).[2][3][4][5]
- Sự đối xử bất công đối với phụ nữ, sự vi phạm quyền phụ nữ cũng như việc bôi xấu, gièm pha, phỉ báng vai trò của phụ nữ (viết trong một bức thư gửi cho toàn bộ giới phụ nữ trên hoàn cầu vào ngày 10 tháng 7 năm 1995).[2][3][4][5]
- Sự im lặng của nhiều chức sắc Công giáo trước các hành động diệt chủng của chế độ phát xít (16 tháng 3 năm 1998)[2][3][4][5]
- Thừa nhận sai lầm của Giáo hội trong việc xử tử Jan Hus (18 tháng 12 năm 1999 tại Praha).[2][3][4][5]
- Tội của Giáo hội Công giáo trong việc vi phạm quyền lợi chính đáng của các nhóm sắc tộc cũng như sự xâm phạm nền văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc khác. (12 tháng 3 năm 2000, trong sự kiện xin lỗi tập thể trước đám đông tại Vatican).[2][3][4][5] Trong sự kiện ngày 12 tháng 3 năm 2000, giáo hội La Mã đã xưng thú 7 tội[6] bao gồm:
- Tội chung.
- Tội gây ra nhân danh "chân lý".
- Tội về việc gây ra chia rẽ giữa các tín đồ đạo Thiên Chúa.
- Tội trong việc bách hại người Do Thái.
- Tội trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển.
- Tội về việc kì thị phụ nữ.
- Tội về việc vi phạm nhân quyền.
- Xin lỗi về tội của quân Thập Tự chinh trong việc xâm lược và tàn phá thành phố Constantinoplis. (4 tháng 5 năm 2001, trong cuộc gặp gỡ với Thượng phụ Đại kết của Constantinopolis Vartholomaíos I).[2][3][4][5]
- Ngày 20 tháng 11 năm 2001, Giáo hoàng đã gửi thư điện tử đầu tiên của mình có nội dung xin lỗi về các tội của Giáo hội đối với các vụ án lạm dụng tình dục trong giới Công giáo, đối với thế hệ bị đánh cắp trong cộng đồng người bản địa ở Úc, và đối với những hành động tàn ác của các nhà truyền giáo tại Trung Quốc trong quá khứ.[7]
“ | Một lời biện hộ còn tệ hơn cả một lời dối trá, vì lời biện hộ là một lời dối trá được bảo vệ. | ” |
— Giáo hoàng Gioan Phaolô II, [8]
|