Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Thượng Đế và Thần Linh được tạo ra như thế nào ?

Bài này không bàn đến sự hiện hữu của Thượng Đế. Thượng Đế không cần có người « tin » hay không « tin » rằng Ngài hiện hữu để thực sự hiện hữu. Trong bài này tôi chỉ muốn nói đến cái mà con người gọi là « Thượng Đế ». « Thượng Đế » ấy được tạo ra bao giờ, như thế nào, để làm gì ? Và ai đã làm nên cái « Thượng Đế » ấy ?
Một nghiên cứu khoa học :
Vào tháng ba năm 2009, nhóm Bác Sĩ chuyên khoa Thần Kinh thuộc Đại Học Bethesda (Hoa Kỳ) đã chứng minh được sự hiện hữu của ý tưởng Thượng Đế, trong não bộ của mọi người , kể cả những người tuyên bố mình « vô thần ».
Để đi đến kết quả này, các nhà bác học đã thực hiện hai cuộc nghiên cứu.
Trong nghiên cứu đầu tiên, họ tuyển mộ 26 người thuận tay phải, trung bình 37,7 tuổi. Những người này phải trả lời 70 câu hỏi (1) liên quan đến tôn giáo, giựa trên thang phát biểu Likert, gồm 7 bậc (1), từ «hoàn toàn không đồng ý» đến «hoàn toàn đồng ý». Kết quả được phân tích theo những phương pháp hiện đại nhất (2) để nhận ra trong các yếu tố được phân tích, yếu tố nào hội đủ điều kiện để có thể được coi là phổ quát. Từ đó, Grafman và cộng sự mô tả ba cột trụ của tư tưởng tôn giáo. Đó là :
– Ý tưởng về sự hiện hữu của một thế lực siêu nhiên theo dõi và dẫn dắt mọi hành vi của chúng ta
– Quan niệm thế lực siêu nhiên này có thể phát biểu những tình cảm : thương, giận, đưa đến thưởng phạt
– Và các ý tưởng đến từ giáo dục, cũng như sự tìm tòi cá nhân, tùy môi trường sống của mỗi người.
Nghiên cứu thứ hai dựa trên kỹ thuật chụp cắt lớp «cộng hưởng từ trường» não bộ (functional magnetic resonance imaging). Bốn mươi người được chọn theo cùng tiêu chuẩn với 26 người của nghiên cứu thứ nhất. Họ phải trả lời các câu hỏi đã được tuyển chọn trong nghiên cứu trước. Các tác giả quan sát xem những mệnh đề liên hệ đến 3 cột trụ của tư tưởng tôn giáo vừa nói ở trên có khả năng làm « chạy » những vùng nào trong não bộ ? Kết quả là :
-Ý tưởng « một Thượng Đế ảnh hưởng vào đời sống của mỗi người » làm « chạy » vùng trán dưới (circonvolutions frontales inférieures).
– Ý tưởng « một Thượng Đế có khả năng yêu thương » làm « chạy » vùng trán giữa (circonvolutions frontales moyennes), cùng với vùng Brodmann số 11 của não phải. Nếu người ta nghĩ đến khả năng tức giận và trừng phạt của Thượng Đế, thì các vùng trán giữa và Brodmann 21 bên trái được bật lên.
– Các ý tưởng liên hệ đến giáo dục tôn giáo hay tìm tòi cá nhân, làm chạy quá nhiều vùng, không thể hệ thống hóa.
Điều đáng chú ý là dù cho đối tượng nghiên cứu có tự nhận mình là người vô thần đi chăng nữa, bộ óc của người ấy vẫn làm chạy các vùng liên hệ khi các ý tưởng cột trụ của tôn giáo được nêu lên, y hệt như những người có niềm tin tôn giáo. Như thế, quan niệm một một thế lực tối cao đã được in sẵn vào đầu óc của mỗi người chúng ta, từ một quá khứ rất xa xôi trong quá trình tiến hóa (3).
Ai làm nên Thượng Đế ?
Sự kiện quan niệm Thượng Đế, hay nói rộng hơn là quan niệm Thần Linh, đã được in sẵn trong não bộ của mọi người, kể cả những người vô thần, cho biết là quan niệm ấy đã khởi sự hiện hữu nơi tổ tiên chúng ta, ở một thời điểm đủ xa xưa để được lưu truyền rộng rãi. Đi tìm thời điểm ấy đem chúng ta chìm vào một quá khứ mơ hồ …
Có thể từ 160 ngàn năm trước, một anh chàng Australopithèque đã biết hình dung một đấng siêu nhiên khi nhặt và giữ bên mình một mảnh đá dẹp có hình dáng tương tự như mặt người ? Hay quan niệm siêu nhiên đã hiện hữu từ cách đây 100 ngàn năm, với những ngôi mộ của người Homo Sapiens và người Neanderthal ? Hoặc giả tìm cách liên hệ với những thế lực siêu nhiên chính là quan tâm chủ yếu của những người đã vẽ lên những bức tranh trong các động đá từ 33 ngàn năm trước ? Hay phải đợi đến đầu thời « Đá Mới » (néolithique) cách đây gần 10 ngàn năm, khi những hình tượng Thần Linh bắt đầu hiện hữu ? (4)
Một nhận xét quan trọng khác là dù trong bất cứ nền văn hóa nào, Thần Linh, hay Thượng Đế, cũng đều được tạo nên theo những mô hình rất chính xác. Mô hình ấy phản ảnh quan niệm của con người về chính mình đối lại với thiên nhiên.
Flying_Spaghetti_Monster_Icon_by_TestingPointDesign

Mô hình cấu tạo nên Thần Linh và Thượng Đế

Khi nhìn chính mình và đồng loại của mình (5), con người đặt ngay câu hỏi : « để làm gì », trong khi câu hỏi đặt ra khi đối diện với thiên nhiên là « cái gì đã làm ra nó». Sự hiện hữu, qua hành động, của con người lệ thuộc vào Chủ Ý của mình. Tại sao một người lại có thái độ, có hành vi như thế ? Người ấy muốn gì ? Có ý định gì ? Đối với thiên nhiên, người ta không đặt câu hỏi muốn gì, có ý định gì, mà câu hỏi thông thường là : nó từ đâu ra, cái gì đã làm cho nó như thế ? Cũng đều là « nguyên do », nhưng trong một trường hợp nguyên do ấy nằm ở quan hệ nhân quả (causalité), và trong trường hợp kia, nằm ở chủ ý (intentionnalité).
Việc Thượng Đế cũng như Thần Linh hoàn toàn được làm nên theo mô hình « chủ ý », tức hoàn toàn rập khuôn với quan niệm của con người về chính mình, trong căn bản không có gì đáng ngạc nhiên. Người ta có thể nói rằng : không ai tạo nên Thượng Đế, Thượng Đế không có nguyên nhân, vì là nguyên nhân đầu tiên, nên vấn đề nhân quả không đặt ra, chỉ có chủ ý. Thật ra, suy luận ấy không ảnh hưởng nhiều vào sự tác thành Thượng Đế. Điều cần nhận xét là Thần Linh hay Thượng Đế đều phải tuân theo những quy luật vô cùng chặt chẽ, khắt khe, về Chủ Ý.
Hành vi của Thượng Đế hay Thần Linh thì đương nhiên là siêu nhiên. Nhưng điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là nếu một Thần Linh (hay Thượng Đế) có hành động, dù siêu nhiên, nhưng trệch ra ngoài những quy định về chủ ý do con người đặt ra, thì sẽ lập tức bị loại trừ ngay. Thí dụ : Đức Mẹ thì phải khóc, khóc được ra máu thay vì nước mắt thì càng tốt. Một Đức Mẹ vui vẻ nhăn răng cười hề hề thì nhất định là … không chấp nhận được, sẽ lập tức bị loại trừ, mặc dù việc một bức tượng Đức Mẹ nhăn răng cười là một hiện tượng siêu nhiên rõ rệt ! Hình tượng một vị Thần có thể làm những phép lạ hiển nhiên như ợ, đánh rắm v.v… nhưng con người không thể cho phép những điều ấy xảy ra, mặc dù không có gì « thần thánh », siêu nhiên hơn những điều này. Thậm chí các vị Thần có những hành vi tương tự hoàn toàn không được phép hiện hữu, không được con người cho phép có mặt trên trần thế ! Con người chỉ cho phép Thần Thánh có một số chủ ý hạn hẹp, và nhất định không được có những hành vi không phù hợp với các chủ ý ấy.
Các « phụ tá » của Thần Linh (hay Thượng Đế) cũng phải chịu những ràng buộc tương tự. Giả sử một vị « pháp sư » giơ tay làm phép trước những tín đồ thành kính, và … Ôi nhiệm màu ! Một chai bia lạnh với đĩa tôm khô củ kiệu hiện ngay ra trên bàn thờ … Hay một một thày phù thủy niệm chú chữa trị cho một con bệnh ngặt nghèo, nhưng thay vì làm cho thân chủ đứng dậy vươn vai khỏe khoắn, thì lại làm chạy … TV, máy pha cà phê, hay máy giặt ! Những « thành quả » ấy là những phép lạ vô cùng nhiệm màu, không ai có thể phủ nhận được, nhưng chúng không tuân theo những quy định khắt khe về chủ đích mà con người đã đặt ra. Con người không thể cho phép chúng hiện hữu.
F-S-M-church-of-the-flying-spaghetti-monster-32010377-500-680
Chết là … khởi điểm ?
Một cộng đồng người tiền sử … Rồi, một người chết. Một người được kính trọng, yêu mến. Một người cha, người chồng, anh, chú, hay một người bạn thân quen … Qua kinh nghiệm tích tụ từ nhiều thế hệ, mọi người trong cộng đồng đều biết xác chết kia sẽ là một hiểm họa cho tất cả. Nó sẽ xình thối. Sẽ đem lại bệnh tật, chết chóc. Đó là « thảo trình hư thối », đã in sẵn trong não bộ của mỗi người. Thảo trình này khiến người ta kinh sợ xác chết, kiêng kỵ đụng chạm vào nó, hay đụng vào những gì đụng chạm đến nó, và nhanh chóng tìm cách loại bỏ nó.
Tuy nhiên trong não bộ của những người tụ tập chung quanh xác chết, còn có một thảo trình khác, vốn hoạt động từ lúc người chết còn sống, và vẫn tiếp tục chạy cùng lúc với thảo trình « hư thối ». Thảo trình này có thể được gọi là thảo trình « thân thuộc ». Các tín hiệu của nó cho những người hiện diện biết người quá cố chính là cha, mẹ, anh, chị, chú, bạn, của mình. Trên phương diện thuần lý thì thảo trình « thân thuộc » này phải ngưng chạy khi thảo trình « hư thối » được bật lên. Đống thịt đang sắp sửa chương phình rữa nát kia không thể là người thân thuộc, yêu mến, của mình. Nó chỉ có thể là một đống thịt đang sắp sửa chương phình rữa nát. Không ai có thể thân quen với một đống thịt đang sắp sửa chương phình rữa nát. Và người ta chỉ có thể đem hủy, chôn, đốt, đống thịt thối ấy một cách tự nhiên, không cần thắc mắc.
Vấn đề là thảo trình « thân thuộc » không chịu tắt đi khi thảo trình « hư thối » bắt đầu khởi động. Và những người tụ tập quanh xác chết phải đối đầu với một mặc cảm tội lỗi ghê gớm. Họ bị bắt buộc phải đem hủy diệt người cha, người chồng, người bạn của họ. Mặc cảm tội lỗi ấy khiến họ tự thấy phải « làm một cái gì » đền bù lại cho hành động hủy diệt một người thân thương kia. Đó có thể là một nguyên do của các nghi thức tống táng còn thịnh hành cho đến ngày nay.
Nghi thức tống táng tự nó bao hàm ý nghĩ về người chết như thể họ « còn sống ». Chúng ta thường nghe những câu như : « ông ấy sẽ hài lòng lắm với số người tham dự tang lễ, với bài giảng của cha sở, bài điếu văn của Đại Tá X., với nhạc bản được trình tấu trong nghi thức hạ huyệt, với lá cờ phủ trên quan tài v.v… ». Ngay cả nhiều năm sau, người ta cũng vẫn có thể quả quyết, « bà ấy chắc hãnh diện lắm trước sự thành công của cháu X hay Y …».
Làm thế nào để quan niệm được người chết « như thể còn sống », đồng thời biết rằng người chết chỉ là một đống thịt xương rữa thối ? Chỉ có một cách : đó là quan niệm người chết vẫn « sống », nhưng không còn gắn liền với thân xác hư thối của họ nữa. Ý tưởng một thực thể siêu nhiên, phi vật chất được hình thành. Thực thể này « như sống » với những đặc điểm tâm lý và những hành vi rập khuôn theo tâm lý và hành vi của đương sự trước khi chết. Thông thường, người chết che chở, giúp đỡ những người thân thương, và, ngược lại, là một đe dọa, có thể rất khủng khiếp đối với những kẻ bị oán ghét …
Rồi, đời này qua đời khác, những người có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng của họ, đến độ người ta còn nhớ đến họ sau nhiều chục hay nhiều trăm năm, trở thành những thực thể « đặc biệt », với những quyền năng đặc biệt, ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Họ trở thành những vị Thần … Các vị Thần này vượt khỏi liên hệ gia đình, để trở thành Thần Nhân của cả một dân tộc. Người ta thường phóng đại khả năng và việc làm của các vị này lúc sinh thời để gán cho họ những quyền phép nhiệm màu. Từ đó sinh ra những Thần Linh « chuyên ngành ». Mỗi vị Thần đặc biệt linh thiêng trong một lãnh vực của cuộc sống. Theo các dấu tích khảo cổ, có lẽ hình tượng thần linh xưa nhất là các Thần Nữ chuyên phù trợ cho việc thụ thai và sinh dưỡng con cái.
Joseph_Smith_Flying_Spaghetti_Monster

Thiên Nhiên Thần Thánh

Như thế, hai cái thảo trình « thân thuộc » và « hư thối », khi cùng chạy một lúc trước sự chết, đã đẻ ra quan niệm có những sự sống bên cạnh ta, có thể ảnh hưởng, tốt cũng như xấu, vào ta, mà ta không thể nhận biết được bằng giác quan. Một khi đã nghĩ được như thế thì cánh cửa hoàn toàn rộng mở cho sự hình thành của mọi Thánh, Thần, đủ loại. Trong tinh thần « cởi mở » ấy, một số súc vật được tôn sùng như Thần Linh, và một số Thần Linh xuất hiện dưới dạng súc vật hay nửa người nửa thú. Trong các trường hợp này, hiện tượng « chuyên ngành » cũng thường được nhận thấy, như đã nói ở trên, thí dụ Thần Bò Mộng gúp tăng cường dương tính. Việc mở rộng ý tưởng Thần Linh đến súc vật rất phổ quát. Người ta hiện còn nhận thấy những dấu tích của nó trong các tôn giáo vẫn thường được coi là chống lại việc này, như Ky Tô Giáo, với biểu tượng « Con Chiên Thiên Chúa » (Agnus Dei), hay chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần …
Không ngừng ở đó, người ta thần thánh hóa các hiện tượng thiên nhiên, gắn liền chúng với các Thần Linh. Thế là Thần Sông, Thần Biển, Thần Sấm, Thần Gió, Thần Lửa, v.v… hình thành. Đời sống của vị Thần ấy được kể lại trong những huyền thoại, thường là để cắt nghĩa thiên nhiên, hình dung sự tạo tác ra nó và sự vận hành của nó, ở dạng bình thường, cũng như ở dạng bất thường, như trong những lúc thiên tai. Dấu tích của thảo trình « thân thuộc » hay phiên bản « gia tộc » của nó, nhiều khi vẫn hiện diện nơi các vị Thần « thiên nhiên » này. Thí dụ như nhiều vị anh hùng trong các huyền thoại Mahabharatta và Ramayana chính là con cháu của các vị Thần thiên nhiên, như Thần gió, thần mặt trời, mặt trăng, lửa, sông Hằng v.v… (đọc trên trang nhà của người viết). Người Ấn tự coi mình như hậu duệ của các nhân vật trong những huyền thoại trên, nên có thể coi đó như ý thức về liên hệ « gia tộc » giữa con người với thiên nhiên. Tương tự như thế, trong Huyền Thoại Hy Lạp, các vị Thần đầu tiên (thuộc thế hệ « Titan ») cũng là những thành tố nguyên thủy của thiên nhiên, như trời, đất, biển v.v… Họ là con cháu của các vị Thần tạo ra vũ trụ và chính họ cũng sanh ra mọi sự vật trên đời này. Mặt khác, chúng ta đều biết là người Nhật, qua Hoàng Gia của họ, đều đến từ Nữ Thần Mặt Trời (Thiên Chiếu – Amaterasu) …
Chúng ta đã nhận ra là khi đã đi xâu vào ý thức về Thần Linh, thì thảo trình « thân thuộc » được cập nhật thành một phiên bản mới gọi là thảo trình « gia tộc ». Phiên bản « gia tộc » được áp dụng cùng lúc với Thần Thánh và với thiên nhiên, đưa đến ý thức con người và thiên nhiên thuộc về cùng một gia đình, dòng tộc. Điều khôi hài là ý thức này hoàn toàn phù hợp với khoa học hiện đại, đặc biệt là thuyết tiến hóa.
Mặt khác, thảo trình « gia tộc » cũng là một phương cách để tìm đến Thượng Đế.

Sự hình thành của Thượng Đế

Như đã nói, những đời sống linh thiêng đầu tiên là những người thân thuộc chết đi mà người ta không muốn cho chết thật, phải tạo ra cho họ một sự hiện hữu đặc biệt. Thử lấy thí dụ một người con vừa đem chôn cha mình xong, quay về lập bàn thờ tôn sùng người cha quá cố như một sự sống linh thiêng, vẫn tiếp tục hiện hữu đâu đó, có thể đến với mình, phù hộ cho mình, đồng thời cũng có thể là một đe dọa, gắt gao trừng trị mình, nếu có chuyện gì không vừa ý … Người cha ấy cũng có một người cha, rồi người cha của người cha kia cũng lại có một người cha v.v… Cứ như thế lần lần từ thế hệ này sang thế hệ khác, không những người ta có rất hiều linh hồn phải tôn thờ, phụng dưỡng, làm cho vừa ý, mà người ta cũng dần dần tìm đến gần một người Cha đặc biệt, người Cha của mọi người cha, Cha của mọi sự vật trên đời. Đấng Cha chung ấy chính là Thượng Đế.
Tuy thảo trình « gia tộc » áp dụng cho Thần Linh đưa đến một một Thần Linh tối thượng, nhưng trong điều kiện sống rải rác, ít trao đổi với nhau, các cộng đồng người chỉ đạt được đến khái niệm một vị Thần tối thượng … của riêng dân tộc mình ! Vị Thần ấy che chở hay trừng phạt dân của mình, tùy hành vi và thái độ của đám dân này hoặc của những người lãnh đạo họ.
Rồi, ngày kia, một sự ngờ vực lớn nảy sinh từ đáy lòng những người du mục Trung Đông …
Khi người du mục đi từ nơi này sang nơi khác, họ phải thờ cúng hết vị Thần địa phương này đến vị Thần địa phương khác, vị Thần nào cũng được “quảng cáo” là tối cao, quyền năng mạnh mẽ nhất. Đến một lúc nào đó, người du mục không còn tin nổi vào các vị Thần « đồng tối thượng » này nữa, và một ý niệm nảy sinh, ý niệm một vị thần tối thượng thật sự. Từ tối thượng, vị Thần ấy dần dần trở thành duy nhất, loại bỏ các thần địa phương như những hình tượng vô nghĩa. Các thần linh lặt vặt khác, gắn liền với thiên nhiên, như thần sông, thần núi, thần « cây đa », thần sấm, thần mưa, v.v.. cũng từ từ phải chịu chung một số phận.
Từ một Thượng Đế duy nhất đến thuyết Duy Vật và thuyết Tân Tiến
Một hệ luận bất ngờ của việc tin vào một Thượng Đế duy nhất là sự nảy sinh ra thuyết Duy Vật. Thật vậy, thuyết Duy Vật đến từ sự vứt bỏ các thần linh ra khỏi thế giới. Thượng Đế duy nhất khiến cho thiên nhiên không còn chút thần thánh nào trong đó, và không còn được giải thích bởi hành vi của thần linh nữa. Sấm chớp, mưa gió, bệnh tật không còn lệ thuộc vào sự vui buồn của các ông thần, bà thánh, và người ta buộc phải tìm cho chúng một giải thích khác, một giải thích giựa trên vật chất thuần túy. Thuyết duy vật từ đó ra đời. Cùng với óc khoa học.
Đồng thời người ta nhận thấy sự xuất hiện của thuyết tân tiến. Trong khi người dân định cư quan niệm thời gian như những chu kỳ xoay chuyển, hết gieo đến cấy, cấy xong đến gặt, gặt xong lại gieo … thì người du mục luôn mỗi ngày thức giấc trước một chân trời mới, luôn luôn đổi khác, trong dòng thời gian được nhìn như một đường thẳng. Thượng Đế, vị Thần duy nhất mà họ tôn thờ, lại có một giao ước với họ. Ngài hứa cho họ một tương lai tốt đẹp, một vùng “đất hứa” để dừng chân. Đó chính là định nghĩa của thuyết tân tiến : ngày mai không những sẽ là một ngày hoàn toàn mới, khác hẳn ngày hôm nay, mà ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, tương lai sẽ tốt hơn hiện tại. Gián đoạn triệt để giữa tương lai và hiện tại cũng chính là cội rễ của ý tưởng … Cách Mạng !
Dần dần chính Thượng Đế cũng bị loại ra khỏi lý trí của con người. Người ta cho rằng Thượng Đế « không thể nghĩ bàn ». Không một đầu óc nào có thể quan niệm được Thượng Đế. Ngay khi chúng ta nghĩ đến Thượng Đế, thì cái Thượng Đế mà chúng ta nghĩ đến ấy không còn là Thượng Đế nữa, vì Thượng Đế thật vượt trội hơn, khác biệt hơn cái Thượng Đế mà chúng ta có thể quan niệm được gấp bội phần. Nói cách khác, Thượng Đế vô hạn, không thể bị giam hãm trong đầu óc hạn hẹp của con người.
Thuyết tân tiến, cộng với óc khoa học, cộng với việc không thể nghĩ, không thể bàn đến Thượng Đế, bắt buộc con người phải tin vào chính mình, vào trí thông minh, khả năng tìm tòi, suy luận của mình, để không ngừng tiến bộ trong niềm tin vào thuyết tân tiến. Mặc dù có những lúc ngờ vực, đa số nhân loại hiện vẫn đang dấn bước trên con đường này.

Thượng Đế và thuyết vong thân

Khuynh hướng mời Thượng Đế ra khỏi tâm trí của mình, cũng giúp tạo ra … Tôn Giáo ! Con người có những lo lắng, sợ sệt, đồng thời cũng có những ước vọng, ham muốn, như ước vọng được thi đậu, làm ăn trúng mối, tình duyên suôi thuận, được lành bệnh, bình an, tránh tai nạn, v.v… Tất cả những yếu tố ấy được con người phóng ra trước mặt mình để tạo thành Thượng Đế và các Thần Thánh đủ loại. Khi một người quỳ trước một đấng « linh thiêng » để cầu xin chuyện này việc khác thì trong thực chất, người ấy chỉ quỳ trước những ước vọng, ham muốn của mình. Khi cầu nguyện để được những điều này, người ấy cúng bái chính mình, hay nói chính xác là thờ cúng cái phần tâm lý đầy ham muốn và lo sợ của mình. Nhưng, người ta hoàn toàn không ý thức được điều ấy, và vẫn nghĩ Thần Linh, cũng như Thượng Đế là những thực thể biệt lập với mính. Mặt khác, để cho Thượng Đế kia có thể chu toàn sứ mạng che chở mình, và đem lại cho mình những gì mình mong muốn, người ta có nhu cầu phải biến Thượng Đế nọ thành một đấng Toàn Năng, quyền phép vô biên. Rồi tính lo lắng cũng khiến người ta cảm thấy cần kết tụ những mảnh tâm lý đầy dục vọng và âu lo được phóng ra ngoài tâm hồn mình như vừa nói, thành một hệ thống bao gồm những nghi thức chính xác, những giáo điều phải tin theo v.v… Thế là Tôn Giáo hình thành !
Con người cũng có trong thân tâm mình những ý tưởng hướng thiện. Đây là một « thảo trình » từng hiện hữu trong tâm trí của cha ông chúng ta ngay từ giai đoạn hình thành các cộng đồng người. Có thể gọi thảo trình ấy là « thảo trình hợp tác ». Thật vậy, ý thức « thiện » được nảy sinh khi chúng ta đối diện với một người khác. Khi ấy, chúng ta lập tức cảm thấy mình có một trách nhiệm nào đó đối với người này. Trách nhiệm ấy khiến chúng ta tử tế chào hỏi, nói năng thân thiện, lịch sự, tránh làm mích lòng, và nếu người ấy gặp phải vấn đề gì, thí dụ như ngất xỉu, lạc đường v.v… thì chúng ta tự cảm thấy phải làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ người này. Tổng hợp những thái độ ấy được gọi là sự « thiện », tốt. Chúng ta cũng có thể chọn thái độ ngược lại, đó là những thái độ « bất thiện », xấu. Nguyên nhân của ý thức hướng thiện là nâng cao sự hợp tác, tương trợ, giao dịch tốt đẹp giữa các thành viên của một cộng đồng. Cộng đồng người nguyên thủy nào thiếu « thảo trình hợp tác » này trong cấu trúc tâm lý thì sẽ tàn lụi và biến mất một cách nhanh chóng. Các thành viên của cộng đồng ấy cư xử ích kỷ, lừa đảo, dối trá, khinh bạc, lạnh lẽo, thậm chí ác độc đối với nhau, chưa kể đối với người ngoài, và phủ lên môi trường sống của họ một không khí đối kháng, bạo lực, chia rẽ, đưa đến tàn phá, hủy diệt. Ngược lại, các cộng đồng hiện hữu và phát triển được trong dòng thời gian chính là những cộng đồng với nhiều thành viên mang « thảo trình hợp tác ». Họ truyền cho hậu duệ của họ, là chúng ta, thảo trình ấy. Vì thế đa số chúng ta đều có ý thức về cái tốt, về sự thiện, trong cấu trúc tâm lý của mình.
Tuy nhiên, với khuynh hướng mời Thượng Đế ra khỏi tâm trí mình, gắn liền với việc loại bỏ Thượng Đế ra khỏi thiên nhiên (chúng ta cũng thuộc thiên nhiên !), con người phóng cái ý thức hướng thiện trong thâm tâm ra ngoài mình để biến nó thành một thực thể không còn liên hệ gì với mình, và cho nó một sự sống biệt lập. Thượng Đế toàn thiện ra đời ! Những gì Thượng Đế ấy đòi hỏi, phán truyền qua những giáo sĩ của Ngài, chính là những gì đa số con người tự cảm thấy trong đầu óc mình, và đa phần là những điều cần thiết cho xã hội. Thật ra, cũng có những trường hợp, đấng Thượng Đế ấy bị « bắt cóc » bởi một giai cấp thần quyền, nhân danh Ngài phán dạy những điều thiên lệch, những « chân lý » bị uốn nắn theo những quyền lợi bè cánh, giai cấp, hay bị lu mờ bởi những tâm lý bệnh hoạn …
Việc phóng những gì thuộc về mình ra ngoài mình, rồi xem đó như một thực thể khác biệt với mình, chính là hiện tượng « vong thân », đánh mất chính mình.

Trở về với thiên nhiên : Thượng Đế làm hòa với khoa học

Làm sao đem được Thượng Đế trở lại với thiên nhiên và với chính mình ? Đó là một quan tâm của nhiều trào lưu tư tưởng. Thần học Ky Tô Giáo quan niệm một Thượng Đế « nhập thế », hiện diện ở khắp mọi nơi, đồng thời « nhập thể », làm một với con người, qua con người tiêu biểu là Đức Ky Tô, vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Tư tưởng này mang một ưu điểm lớn là không còn cần « nghĩ bàn » về Thiên Chúa như một thực thể biệt lập nữa, mà có thể cảm nghiệm Thiên Chúa như cảm nghiệm chính mình. Trở ngại được nói đến ở trên, rằng không thể nào quan niệm được Thượng Đế với tâm trí hạn hẹp của mình, tự nhiên bị dẹp tan. Người ta chỉ cần ý thức mình làm một với Chúa, qua « bí tích » nền tảng của Ky Tô Giáo là nghi thức « rước lễ » : « communion » (« comme un » nghĩa là « như một »). Spinoza cũng quan niệm Thiên Chúa ở trong mỗi sự vật (panthéisme). Ấn Giáo thì quan niệm không có gì hiện hữu ngoài Thiên Chúa, mọi sự vật đều là những thể hiện của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, tất cả các quan niệm này đều khởi đi từ một lập trường duy tâm thuần túy, không bắt rễ từ một thực tại cụ thể. Chúng ta thử quay về phía khoa học vật chất xem có cách nào quan niệm được Thượng Đế hay không ?
Nếu chấp nhận giả thuyết « Big Bang » thì khởi đầu của vật chất trong vũ trụ là một « điểm vật chất ». Mặt khác, có thể giả sử mỗi trình độ vật chất đều có một cái « Thức » riêng. Trình độ khởi đầu của vật chất, cũng có cái « Thức » của nó. Từ điểm khởi đầy ấy, vật chất tiến hóa, cho ra các ngôi sao, vi khuẩn, súc vật, rồi con người, với những trình độ « Thức » đặc biệt cho mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, trong mối giai đoạn tiến hóa, sự vật đều giữ lại những cái « Thức » của các giai đoạn trước, được lắng đọng trong một Siêu Thức, Vô Thức hay Tiềm Thức nào đó. Điều này có thể được chứng minh nơi các loài động vật. Thí dụ những cái thức của các giai đoạn trước con người như loài cá, loài có vú bốn chân … không còn được « Ý thức » một cách rõ rệt nơi con người nữa, nhưng vẫn không bị xóa đi mà vẫn còn hiện diện trong Vô thức, Tiềm thức hay Bản năng của con người. Cái « Thức » của giai đoạn khởi đầu của vật chất (khi chỉ có một điểm vật chất trong vũ trụ) có thể cũng vẫn còn hiện diện nơi con người và nơi tất cả sự vật trong vũ trụ. Vì thế, đi vào đến một độ sâu nào đó của Tâm Thức, người ta sẽ tìm thấy một Siêu Thức chung cho toàn thể loài người, và đi sâu hơn nữa, người ta sẽ tìm thấy Siêu Thức chung cho con người và các động vật, rồi chung cho con người, động và thực vật, cứ như thế, càng đi vào sâu thêm, thì cái Siêu Thức ấy càng mở rộng để trở thành Siêu Thức chung của toàn thể vạn vật.

Định nghĩa « khoa học » của Thượng Đế

Thế nhưng, cái Thức của giai đoạn trước « Big Bang », trước khi có điểm vật chất nguyên thủy, thì là gì ? Trước khi có điểm vật chất nguyên thủy thì chưa có vật chất. Cái Thức của giai đoạn đó là « Thức » của một cái gì « phi vật chất ». Nói cách khác, đó là Ý Thức Thuần Túy, hoàn toàn tách khỏi vật chất và hoàn toàn không lệ thuộc vật chất. Đó phải chăng chính là định nghĩa của Thiên Chúa : một Ý Thức thuần túy, phi vật chất, quy định vật chất, quy định sự tiến hóa của vật chất, quy định toàn thể vũ trụ này và tiềm tàng nơi mọi sự vật ?  
Thế nhưng nếu con người và phần còn lại của thiên nhiên đều cùng chung một căn bản vật chất và cùng được quy định bởi một Ý Thức Thuần Túy, thì tại sao lại có sự khác biệt nền tảng giữa thiên nhiên và con người, ở chỗ sự hiện hữu, qua hành động, của con người tùy thuộc vào Chủ Ý (intentionalité) của mình, trong khi thiên nhiên chỉ biết phục tùng quan hệ Nhân Quả (causalité) ? Chúng ta đã đề cập đến điều này ở phần đầu bài viết.
Nhà toán học Whitehead tìm cách giải thích sự tách biệt ấy giữa thiên nhiên và con người bằng cách quan niệm rằng trong mọi trình độ của vật chất, từ hạt điện tử đến con người, đều có một « thần khí sáng tạo» thúc đẩy và chủ trì những chọn lựa biến hóa và « hành động » của nó. Thật vậy, nếu ta lấy thí dụ một hạt điện tử, thì ở mỗi thời điểm nó có một số chọn lựa, để vào thời điểm kế tiếp nó sẽ không còn là nó nữa, vì đã thay đổi vị trí, tốc độ, năng lượng v.v… Người ta có thể tính được xác suất của mỗi thay đổi, bằng phương trình Schrödinger chẳng hạn. Trong trường hợp con người, thì số lượng chọn lựa biến hóa và hành động trở nên nhiều vô số, không thể tiên liệu được qua một phương trình toán học. Tuy nhiên, đàng sau những hành động và thay đổi của con người vẫn có một « thần khí sáng tạo » thúc đẩy và chủ trì. Vì thế, việc con người có vẻ như thoát khỏi các quy luật nhân quả vật lý, trong khi các trình độ thấp của vật chất lại hoàn toàn lệ thuộc vào những quy luật ấy, chỉ là một vấn đề số lượng chọn lựa. Một thành tố của thiên nhiên càng phức tạp thì sự thay đổi của nó càng ít bị các định luật vật lý quy định và càng khó tiên liệu. Ngược lại, một thành tố của thiên nhiên càng đơn giản thì càng lệ thuộc các quy định của vật lý và các sự chuyển hóa của nó càng dễ tiên liệu. Nói cách khác, sự « sáng tạo » của con người không khác biệt trong bản chất với những « chọn lựa » của hạt điện tử, mà chỉ do trình độ phức tạp của con người. Trong mọi trường hợp, theo Whitehead, thì đàng sau những « hành vi » ấy luôn hiện diện một « thần khí sáng tạo » thúc đẩy con người cũng như toàn thể sự vật trở thành một cái gì mới, nhưng không phải bất cứ cái mới nào, mà một cái mới được sắp đặt theo một chủ đích, một sơ đồ, một chương trình Sáng Tạo chung. « Thần Khí Sáng Tạo » ấy được Whitehead gọi là : Thượng Đế !

KẾT LUẬN

Tiến trình tiến hóa khởi đi từ vật chất ở dạng đơn giản nhất đã đưa đến sự hình thành của những con người biết băn khoăn ray rứt cho tương lai của mình. Mà tương lai thực sự, chắc chắn nhất, tạo nhiều băn khoăn ray rứt nhất, chính là Sự Chết. Tiến hóa chẳng qua chỉ là tiến trình đưa đến ý thức Phi Hữu, đến một trí thông minh có khả năng quan niệm Sự Chết, quan niệm một vực sâu không đáy bên kia bờ Hiện Hữu. Rồi, khi để cho sự suy nghĩ của mình rơi vào vực sâu này, con người không khỏi quay cuồng vùng vẫy một cách tuyệt vọng để tìm cách bám víu vào một cái gì, một nhánh cây, một mỏm đá … Nhưng, trong cảnh giới Phi Hữu đàng sau sự chết, không có những mỏm đá, không có những nhánh cây. Trong Phi Hữu, con người chỉ có thể bám víu vào những sự thể phi hữu. Người ta gọi đó là Thần Linh, là Thượng Đế …
Thượng Đế tạo ra con người ? Một giả thuyết (6). Con người làm ra Thượng Đế : một điều hiển nhiên !

Nguyễn Hoài Vân
(1) Chú ý : số 7 (và các nhân số của 7) là số của Thượng Đế, của sự hoàn hảo, trong vùng văn hóa Ấn Âu (đọc : Vài nét về Huyền Thoại Ấn Độ – các Vị Thần – Nguyễn Hoài Vân – 2005, và Sáng Thế Ký đọc bởi một Người Việt Nam – Phần 1 – NHV – 2003 trên trang nhà của tác giả : http://nguyenhoaivan.com/ )
(2) Méthode d’échelonnement multidimensionnel avec facteurs limitatifs linéaires
(3) Proc Natl Acad Sci, ấn bản mạng ngày 7/3/2009
(4) Isabelle Bourdial – Science et Vie n° 1055 – 8/2005
(5) Khái niệm « đồng loại » có thể được nới rộng ra đến súc vật, với những giới hạn và trong một số điều kiện.
(6) Giả thuyết, vì tùy thuộc vào những giả thuyết về chính Thượng Đế (như giả thuyết Whitehead), vào những giả thuyết về sự tạo thành vũ trụ, sự vật (thuyết Big Bang, hay một giả thuyết khác) … Người ta cũng có thể nghĩ Thế Giới được tạo nên bởi một Ác Thần, vì Thế Giới đầy sự ác, nhưng có hy vọng được cứu rỗi bởi một Đấng Cứu Thế được gửi đến bởi Thượng Đế Toàn Thiện. Đó là niềm tin của nhiều giáo phái thuộc trào lưu « Chứng Ngộ » Gnostique, một trào lưu của Ky Tô Giáo Nguyên Thủy, như giáo phái Manicheisme. Lại một giả thuyết !