Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Hai Lối Chứng Minh Không Có Thượng Đế (Quentin Smith / Trần Tiên Long dịch)

TTL: Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được giáo dục nhồi sọ một chiều nên không có cơ hội đọc những điều nghịch với những gì chúng ta được chỉ dạy. Chỉ duy nhất biết tới quan điểm mà mọi người đang chấp nhận không phải là một lối học đầy đủ, đáng khuyến khích. Muốn có một cái nhìn đúng đắn về một vấn đề gì thì phải nhìn nó từ mọi góc cạnh, kể cả cái góc cạnh mà chúng ta không ưa thích.
Chúng ta là những hành giả đang trên đường tìm chân lý. Thế giới đa dạng và luôn luôn năng động nên chân lý của ngày hôm nay chưa chắc vẫn còn là chân lý cho ngày mai. Thái độ tự mãn, khinh khi, hay coi thường những quan điểm khác sẽ là những cản trở cho việc học hỏi và tìm kiếm. Đức tin không có thử thách là đức tin chưa trưởng thành. Chỉ một mình đức tin thì chưa đủ thuyết phục con người thời đại. Cần phải có bằng chứng xác đáng và lý luận biện minh vững chắc mới có thể thuyết phục con người ngày hôm nay.
Khoa học càng ngày càng có những khám phá mới về chân lý, chiếu rọi ánh sáng, vén lên bức màn vô minh. Cứ nhắm mắt tin bằng một đức tin không lay chuyển thì đó là cuồng tín, giáo điều; và còn là bất nhân vì đi nghịch lại bản chất của con người, một sinh vật có trí tuệ. Giáo điều, cuồng tín làm con người trở thành nô lệ tâm linh và là cha đẻ của kỳ thị, chia rẽ, thành kiến, bất công, bạo động, chiến tranh, v/v… Đức tin có lý trí hướng dẫn là điều mà ai cũng mong đợi.
Trong chiều hướng đó, người dịch chỉ muốn chia sẻ cùng bạn đọc những góc cạnh mới lạ trong vườn tư tưởng của nhân loại. Chấp nhận hay không là tùy nhận định sáng suốt của mỗi người.
Quentin Smith là một học giả, triết gia, giáo sư triết trường đại học University of Western Michigan. Ông đã viết 5 cuốn sách xuất bản qua hệ thống thông tin báo chí của các trường đại học Oxford University và Yale University, và trên 80 bài khảo cứu đăng trong các tạp chí chuyên nghiệp. Ông đã từng tranh luận nhiều lần trong các khuôn viên đại học về sự tồn tại của Thượng đế. Bài diễn văn sau đây được đọc trong dịp đại hội những nhà vô thần ở thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, ngày 6 tháng 4 năm 1996.
Ở lần diễn thuyết này, trong khi Smith dùng lý thuyết về hàm số sóng của nhiều khoa học gia hiện đại, mà người đứng đầu là Stephen W. Hawking, để chứng minh không thể có Thượng đế, thì chính Hawking vẫn chưa có một quan điểm dứt khoát. Ở thời điểm đó, Hawking còn phân vân tin rằng hình như vũ trụ vẫn cần một tác nhân kích hoạt cho vụ nổ lớn. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa giáo đã một thời ca tụng Hawking và thường hay dùng lý thuyết Big Bang để chứng minh rằng, chính Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ bằng một “cú đá” như là nguyên nhân đầu tiên làm vũ trụ khởi động.
Nhưng từ khi Stephen W. Hawking trình làng cuốn Sự Thiết Kế Lớn - The Grand Design, viết chung với nhà vật lý Leonard Mlodinow, xuất bản bởi Bantam Press ngày 9 tháng 9 năm 2010, ông đã khẳng định một quan điểm dứt khoát, đồng thuận với Quentin Smith. Bằng những dữ kiện thu thập được qua nhiều năm làm việc trong chương trình vệ tinh COBE, Hawking khẳng định vũ trụ có thể tự tạo, chẳng cần phải có một sinh vật siêu nhiên nào tác động khởi đầu. Mang Thượng đế ra để gán ghép cho nguyên nhân đầu tiên đã trở nên thừa thãi. Cũng giống như bao biến cố khác trong thiên nhiên như mưa bão, động đất, núi lửa, sóng thần... không phải là do một vị thần nào cả. Tất cả mọi sự xảy ra đều do những định luật tự nhiên. Nhờ có định luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ còn tự tạo từ hư không. Sự tự sinh là lý do tại sao cần có một thứ gì đó, hơn là không có gì, là lý do tại sao vũ trụ lại hiện hữu, tại sao chúng ta tồn tại. Không cần phải mang Thượng đế ra để làm vũ trụ khởi động.
Điều khôi hài là kể từ ngày xuất bản cuốn Sự Thiết Kế Lớn, Thiên Chúa giáo đã quay lại chỉ trích và nguyền rủa Hawking một cách thậm tệ. Đã có nhiều bài viết phản bác quan điểm của của ông, nhưng chưa có một bài nào dựa trên những dữ kiện khoa học khả tín để có thể đánh đổ được những bằng chứng ông đã đưa ra.
Bài diễn văn của Smith đã được dịch và đăng ở talawas.org ngày 06/01/2005, dưới bút danh Thích Bình Thường. Đây là một bút danh mà bạn bè thân quen đã đặt cho tôi khi trao đổi với họ về vấn đề Thượng đế. Nó chẳng có một dụng ý nào khác, ngoài hàm ý rằng tôi chỉ muốn được làm một người bình thường, không muốn làm người được Chúa chọn và yêu thương cách riêng. Vì đó là một bài dịch đầu tay với nhiều câu văn luộm thuộm, vậy nay tôi biên tập lại để được hoàn thiện hơn.

Quentin Smith giáo sư triết tại University of Western Michigan
nhà hữu thần
William Lane Graig
Ngày hôm nay, tôi sẽ nói chuyện về hai lối chứng minh không có Thượng đế: Vũ trụ học chứng minh không có Thượng đế, và sự hiện hữu vô vàn những sự dữ cũng chứng minh không có Thượng đế.
Vũ trụ học:
Từ giữa thập niên 1960, những nhà hữu thần có kiến thức khoa học rất bằng lòng về lý thuyết Big Bang trong Vũ trụ học. Họ tin rằng bằng chứng khoa học tốt nhất về sự hiện hữu của Thượng đế là việc vũ trụ đã bắt đầu hình thành từ một vụ nổ lớn khoảng 15 tỉ năm về trước. Vụ nổ lớn này được gọi là Big Bang. Họ cho rằng hiển nhiên vũ trụ không thể hiện hữu nếu không có một nguyên nhân đầu tiên. Họ lý luận rằng giả thuyết về một Thượng đế như nguyên nhân đầu tiên tạo dựng nên toàn thể vũ trụ là hợp lý nhất. Giả thuyết này hàm ẩn một giả thuyết khác rằng mọi vật hiện hữu đều phải có một nguyên nhân để hiện hữu. Đó cũng là giả thuyết hữu thần được viết trong cuốn Đức tin hữu lý (Reasonable Faith) [1] năm 1994 của William Lane Graig.
Một đoạn lý thú trong sách mà tôi cần phải nêu ra, bởi vì ở cuối đoạn, Craig đã nhắc đến tên tôi như một trong những nhà vô thần cứng đầu từ chối sự hiển nhiên của nguyên tắc hữu thần. Tôi xin lập lại lý luận của Graig như sau [2] :
Lý luận này đặt trên tam đoạn luận gồm 3 điểm đơn giản sau đây:
(1). Mọi sự có khởi đầu hiện hữu đều phải có một nguyên nhân.
(2). Vũ trụ hiện hữu.
(3). Do đó, vũ trụ phải có một nguyên nhân.
Craig viết:
“Tiền đề (1) thì quá hiển nhiên đến nỗi tôi có thể tin rằng không còn ai dám thành thật cho đó là một sai lầm. Do đó, tôi nghĩ là thiếu khôn ngoan nếu phải cố gắng lý luận biện minh cho tiền đề (1), vì những bằng chứng để chứng minh cho nguyên tắc này thì không thể hiển nhiên hơn chính bản thân nguyên tắc. Cũng giống như Aristotle đã nhận rằng không cần phải chứng minh điều hiển nhiên bằng những chứng cớ ít hiển nhiên hơn. Câu ngạn ngữ xưa rằng “không thể có cái gì đến từ hư không” vẫn còn hiển nhiên hơn bao giờ ở thời đại ngày nay. Khi tôi viết Lý luận có Thượng đế trong Vũ trụ học (The Kalam Cosmological Argument), tôi đã nhận xét rằng tam đoạn luận trên vẫn còn dành lối thoát cho người vô thần, vì họ có thể từ chối tiền đề (1) để cho rằng vũ trụ hiện hữu từ hư không, chẳng cần phải có một nguyên nhân đầu tiên. Lúc đó tôi nghĩ chỉ có một ít người lý luận kiểu như vậy vì tôi tin họ là những người thích tranh luận ở học đường hơn là tìm hiểu chân lý về vũ trụ một cách thực tiễn. Tuy nhiên, tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì những nhà vô thần càng ngày càng có vẻ thích theo đường lối lý luận đó. Chẳng hạn như Quentin Smith phê bình rằng, các triết gia thường hay bị ảnh hưởng quá đáng bởi nỗi sợ hãi của Heidegger về điều “hư không”, và ông ta đã kết luận rằng, “điều tin tưởng hợp lý nhất là chúng ta đến từ hư không, bởi hư không, và cho hư không.” Đó là lời kết luận tử tế cho một lối nói chuyện ở Gettysburg về chủ nghĩa vô thần.” [3]
Tôi xin bắt đầu phản bác lập luận này dựa vào Vũ trụ học, vì đó là lập luận mà những nhà hữu thần có kiến thức khoa học hiện đang sử dụng để chứng minh có Thượng đế.
Hãy bắt đầu bằng nhận xét về tiền đề (1) trong tam đoạn luận trên.
Tiền đề là "mọi sự có khởi đầu hiện hữu đều phải có một nguyên nhân." Có lý do gì để phải chấp nhận nguyên lý nhân quả này như là một chân lý không? Thực ra nguyên lý này tự nó không có gì là hiển nhiên. Một điều là hiển nhiên chỉ khi nào mọi người hiểu và tự động tin theo. Nhưng có rất nhiều người, kể cả những nhà hữu thần lừng danh như Richard Swinburne, hiểu biết rất rõ ràng về nguyên lý này nhưng vẫn cho nó là sai lầm. Rất nhiều triết gia, khoa học gia, và cả số đông sinh viên bậc cử nhân và cao học trong lớp tôi dạy đều nghĩ rằng tiền đề này là sai lầm. Tiền đề này tự nó không hiển nhiên và cũng không xuất phát từ một mệnh đề hiển nhiên nào khác. Do đó, không có lý gì cho đó là một chân lý. Vậy tiền đề này hoặc sai lầm, hoặc chỉ có giá trị của một nhận xét có thể đúng và cũng có thể sai. Ít nhất thì cũng đã rõ ràng là chúng ta không hề biết tiền đề trên có đúng hay không?
Bây giờ thử thí dụ những nhà hữu thần sửa đổi tiền đề trên cho nhẹ nhàng hơn đôi chút. Thí dụ họ bảo rằng, “mọi sự có khởi đầu hiện hữu thì có một nguyên nhân”. Như vậy không còn bảo mọi sự có khởi đầu hiện hữu đều phải có một nguyên nhân nữa. Nó cho phép có những điều xảy ra không cần có một nguyên nhân đầu tiên nào. Do đó, chúng ta không cần phải xem tiền đề trên có giá trị chân lý hiển nhiên. Đúng hơn, chúng ta chỉ xem tiền đề trên như là một phát biểu thông thường dựa trên sự quan sát của những nhà hữu thần. Nhưng lại có vấn đề trong lối suy luận này.
Tuyệt đối không có chứng cớ để có thể xem tiền đề trên là đúng. Những điều mà chúng ta quan sát chỉ là những thay đổi của sự vật. Mọi vật chuyển đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác. Vật chuyển động, dừng lại, lớn hơn, bé đi, nhập vào với vật khác, chia đôi, v/v... Nhưng chúng ta không có được sự quan sát của những vật đang trở thành hiện hữu. Chẳng hạn như chúng ta không quan sát được con người đang trở thành hiện hữu. Ở đây chỉ là thay đổi nơi những sự vật. Một con tinh trùng hợp với cái trứng làm thay đổi trạng thái. Sự phối hợp, chia cắt, làm lớn ra, và phát triển thành một con người trưởng thành. Do đó, tôi có thể kết luận rằng, chúng ta không có bằng chứng hiển nhiên cho tiền đề của Craig “mọi sự có khởi đầu để hiện hữu thì đều phải có một nguyên nhân” là đúng. Những nguyên nhân mà chúng ta biết được chỉ là những thay đổi trạng thái nơi vật chất đã hiện hữu trước. Trong tiền đề về nhân quả của Graig và những nhà hữu thần, chữ “nguyên nhân” đây có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Nó có nghĩa là sáng tạo ra phần vật chất từ hư không. Thậm chí cho rằng có thể có loại nguyên nhân lạ lùng này cũng đã hoàn toàn chỉ mang tính suy đoán đơn thuần, chưa nói đến việc tuyên bố lập luận ấy được hỗ trợ bằng những quan sát của chúng ta trong đời sống hằng ngày.
Nhưng cái điểm quan trọng hơn là ở chỗ này: Không những không có bằng chứng hiển nhiên cho một quan điểm hữu thần mà lại có bằng chứng đối nghịch với quan điểm này. Lập luận vũ trụ phải có một nguyên nhân khởi đầu thì lại nghịch với lý thuyết khoa học ngày nay. Hàm số sóng (wave function) là một lý thuyết khoa học về vũ trụ. Hàm số sóng này đã được phát minh trong khoảng chừng một thập niên qua bởi những khoa học gia như Stephen Hawking, Andre Vilenkin, Alex Linde, và nhiều khoa học gia khác. Lý thuyết của họ là có một định luật khoa học thiên nhiên về vũ trụ được gọi là hàm số sóng. Hàm số sóng này khẳng định rằng có một xác suất cao là vũ trụ và những đặc tính của nó tự hiện hữu mà không cần một nguyên nhân đầu tiên nào. Lý thuyết của Hawking dựa trên những con số thiết lập cho mỗi vũ trụ khác nhau có thể có, rồi lần lượt tự loại dần để sau cùng còn lại một vũ trụ với những đặc tính mà vũ trụ chúng ta đang có. Cái vũ trụ còn lại này có một xác suất rất cao, gần như là 100%, đã tự hiện hữu mà không cần một nguyên nhân nào.
Lý thuyết của Hawking đã được khẳng định bằng những bằng chứng khi quan sát. Lý thuyết này định được vũ trụ chúng ta có vật chất phân phối đồng đều rất đại qui mô, qui mô ở mức độ của những dãy thiên hà khổng lồ trong vũ trụ. Nó định được gia tốc bành trướng của vũ trụ chúng ta. Vũ trụ chúng ta vẫn còn đang bành trướng, và gia tốc bành trướng hiện đang nằm gần ngay khoảng giữa của gia tốc khi vũ trụ luôn mãi bành trướng và gia tốc khi vũ trụ bành trướng rồi sụp đổ. Nó định được diện tích bành trướng khởi thủy rất nhanh gần lúc vũ trụ mới bắt đầu thành hình. Giai đoạn ban đầu này được gọi là sự lạm phát. Lý thuyết của Hawking định được một cách chính xác những điều bất thường mà vệ tinh COBE đã khám phá liên quan đến những tia phóng xạ trong vũ trụ. Như vậy, một lý thuyết khoa học đã được khẳng định bằng những bằng chứng khi quan sát cho ta biết được rằng vũ trụ đã tự hiện hữu mà không cần một nguyên nhân đầu tiên nào. Vậy nếu bạn muốn là một người có trí tuệ và chấp nhận những kết quả có lý lẽ khi tìm hiểu về vũ trụ thì chúng ta phải chấp nhận một sự kiện hiển nhiên rằng không có Thượng đế nào tạo dựng vũ trụ cả. Vũ trụ đã tự hiện hữu vì định luật về hàm số sóng này.
Ngày nay, lý thuyết của Hawking đã giải tỏa mọi thắc mắc làm sao mà vũ trụ có thể hiện hữu không cần một nguyên nhân. Ông giả thuyết có một không gian vô thời gian (timeless space), một khối hình cầu bốn chiều lúc vũ trụ mới bắt đầu thành hình. Không gian này còn nhỏ hơn hạt nhân của một nguyên tử có đường bán kính nhỏ hơn 10-33 centimeter. Bởi vì vô thời gian nên chẳng cần tác động của một Thượng đế vô thời gian của các nhà hữu thần. Khối hình cầu vô thời gian này có liên hệ tới vũ trụ đang bành trướng của chúng ta. Vũ trụ chúng ta khởi đầu nhỏ hơn một nguyên tử và nổ ra như một Big Bang, và ngày nay, chúng ta đang ở trong một vũ trụ vẫn còn đang bành trướng. Có thể Thượng đế đã tạo vụ nổ này không? Thưa không, vì hàm số sóng về vũ trụ xác quyết với một xác suất 95% rằng vũ trụ đã tự hiện hữu không cần một nguyên nhân đầu tiên.
Nếu có Thượng đế tạo dựng vũ trụ thì Thượng đế đã đi nghịch lại với định luật khoa học này bằng hai cách.
Thứ nhất, định luật khoa học này định rằng, vũ trụ tự hiện hữu vì những định luật toán học tự nhiên chứ không phải vì những quyền lực siêu nhiên. Thứ hai, định luật khoa học này chỉ xác định một xác suất 95% là vũ trụ hiện hữu. Nhưng nếu Thượng đế tạo dựng vũ trụ thì phải có một xác suất 100%, bởi vì Thượng đế thì toàn năng. Nếu Thượng đế muốn vũ trụ hiện hữu thì 100% vũ trụ phải hiện hữu.
Để kết luận, khoa Vũ trụ học ngày nay không những đã không hỗ trợ lập luận của những nhà hữu thần mà còn đi nghịch lại với quan điểm hữu thần. Như vậy, theo tôi nghĩ, đây là lý lẽ khoa học mạnh nhất để phản bác chủ nghĩa hữu thần. Tôi nghĩ nó còn mạnh hơn cả lý thuyết tiến hóa của Darwin.
Vô vàn sự dữ:
Tôi nghĩ còn có một lối lý luận thứ hai, riêng biệt, để phản bác chủ nghĩa hữu thần dựa trên những lý lẽ thông thường mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. John Mackie, một triết gia có tiếng tăm người Anh, đã nói rằng nếu trong thế giới này có phép lạ thì phép lạ đó chính là việc có nhiều người ngày nay vẫn còn tin có Thượng đế. Một trong những lý do mà Mackie xác quyết như vậy là vì ông nhìn thấy vô vàn sự dữ trong thế giới mà một Thượng đế toàn năng toàn thiện không thể tạo dựng như vậy. Thí dụ hãy nhìn vào dịch cúm Spanish (Spanish influenza). Trong thế chiến 1914-1918, có 10 triệu người chết; nhưng chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 9 tới tháng 11 năm 1919, có tới 20 triệu người đã chết do dịch cúm Spanish, tương đương với số người chết vì bệnh dịch hạch ở thế kỷ 14. Rồi lại thình lình vi khuẩn này biến mất và không ai còn thấy chúng xuất hiện. Như vậy, nếu có Thượng đế hiện hữu thì tại sao thiên tai này lại xảy ra? Hay tại Thượng đế không đủ toàn năng để có thể giết chết hết những con vi khuẩn, hay không đủ toàn năng để làm chúng không phát sinh thêm? Vậy Thượng đế không toàn năng không phải là Thượng đế theo nghĩa truyền thống Ki Tô giáo và Do Thái giáo. Đó chỉ là một sinh vật thông minh ngoài không gian. Thượng đế chỉ có khả năng hơn chúng ta ở mức độ nào, cũng như chúng ta có khả năng hơn những con kiến ở mức độ nào đó. Nhưng đó không phải là Thượng đế nữa. Đó chỉ là một sinh vật hữu hạn. Bạn không cần phải tôn thờ sinh vật này hơn tôn thờ ET [4] .
Thí dụ Thượng đế toàn năng và ngài có thể giết chết hết những con vi khuẩn tạo dịch cúm Spanish trước khi chúng giết 20 triệu người. Tại sao Thượng đế không làm vậy? Có phải bởi vì Thượng đế không toàn thiện? Bởi vì Thượng đế không quan tâm đủ đến loài người? Điều đó giống như không phải Thượng đế nhưng chính là sự dữ đang cai quản vũ trụ. Đó chỉ là một thí dụ trong muôn vàn thí dụ về sự dữ trong vũ trụ.
Làm sao những nhà hữu thần có thể trả lời những lý luận kiểu này? Họ trả lời rằng có lý do cho sự dữ xuất hiện, nhưng đó là một bí ẩn. Vậy thì, hãy để tôi nói với bạn như thế này: Hiện tại tôi cao 100 bộ, mặc dù tôi chỉ trông như cao có 6 bộ. Bạn bảo tôi chứng minh điều này thì tôi sẽ trả lời đơn giản rằng: đó là một bí ẩn. Bạn hãy chấp nhận lời tôi nói dựa vào đức tin. Và đó là lối lý luận của những nhà hữu thần đang dùng khi bàn về sự dữ.
Thật vậy, có sự nghịch lý rõ rệt trong quan điểm hữu thần khi dùng những lý lẽ thông thường mà chúng ta sử dụng trong đời sống hằng ngày. Nếu chúng ta có bằng chứng về một sự vật hiện hữu thì chúng ta bảo rằng rất có thể (probable) [5] vật đó hiện hữu. Nếu chúng ta thấy đám mây đen đang bay đến, chúng ta bảo rất có thể trời sẽ mưa. Còn nếu chúng ta không có bằng chứng về một sự vật, chúng ta chấp nhận rằng có lẽ (possible) [6] sự hiện hữu của vật ấy chỉ là có lẽ, mặc dù rất có thể (probable) là nó không hiện hữu.
Nếu Thượng đế hiện hữu như một sinh vật toàn năng toàn thiện thì Thượng đế phải làm thế nào để thế giới hoàn toàn tốt lành. Chỉ có mỗi một cách Thượng đế thực hiện điều này là tạo mọi sự dữ mà chúng ta thấy rõ ràng trong thế giới như là phương tiện để làm thế giới tốt lành hơn. Chẳng hạn như cơn đau của việc chích ngừa tự nó rõ rệt là xấu, nhưng đó là phương tiện cho ta điều tốt lành hơn. Như vậy, nếu có Thượng đế thì chúng ta phải có bằng chứng rằng mọi sự dữ mà chúng ta thấy chỉ là phương tiện đưa đến những điều tốt lành hơn. Nhưng ngay cả những nhà hữu thần cũng phải công nhận không có chứng cớ về những điều tốt lành hơn này. Đó là lý do tại sao họ phải nói về những đường lối mầu nhiệm mà Thượng đế làm. Chẳng hạn như trong việc 20 triệu người chết vì dịch cúm Spanish, chẳng có tí bằng chứng nào để thấy thế giới được tốt lành hơn. Do đó, kết luận là rất có thể (probable) không có Thượng đế.
Bây giờ có lẽ những nhà hữu thần sẽ trả lời rằng, có lẽ (may be) thế giới được tốt lành hơn nhưng chúng ta không biết. Nhưng bạn hãy để ý kỹ câu họ nói: “có lẽ (may be) có điều tốt lành hơn mà chúng ta không biết”. Hiển nhiên là có lẽ có sự tốt hơn mà chúng ta không biết. Mọi sự đều có lẽ. Cũng có lẽ có một con voi đạp đổ nhà tôi. Cũng có lẽ Elvis Presley vẫn còn đang sống và đang nhảy tuýt ở phía bên kia mặt trăng. Nhưng sự kiện mọi sự đều có lẽ (possible) không có nghĩa là rất có thể (probable) xảy ra. Như vậy sự kiện có lẽ (possible) có Thượng đế không chứng minh được chút gì điều rất có thể (probable) có một Thượng đế đã tạo điều tốt lành hơn qua những sự dữ mà không ai biết. Vậy nếu có ai bảo tôi hãy chấp nhận bằng đức tin rằng đang có những điều tốt lành hơn để giải thích mọi sự dữ trên thế giới, nên do đó có một Thượng đế hiện hữu, thì tôi trả lời rằng tôi sẽ chấp nhận điều đó bằng đức tin nếu bạn cũng chấp nhận bằng đức tin rằng Elvis Presley hiện đang lắc hông trên mặt trăng.
Kết luận
Để kết luận, tôi xin khẳng định rằng, thứ nhất khoa học hiện nay không chấp nhận có Thượng đế hiện hữu. Và thứ hai, lý luận thông thường mà chúng ta sử dụng hằng ngày khi áp dụng vào mọi sự dữ chúng ta trông thấy cũng tự nó không chấp nhận có Thượng đế. Do đó, tôi nghĩ quan điểm hữu thần rất là vô lý, còn quan điểm vô thần thì hữu lý hơn.


Ghi chú:
Two ways to prove Atheism, Quentin Smith, 1996
Nguồn: http://www.infidels.org/library/modern/quentin_smith/atheism.html 
[1] William Lane Graig, Reasonable Faith (Wheaton, IL: Crossway, 1994).
[2] Ibid., trang 92.
[3] Ibid.
[4] TTL: ET là tên một cuốn phim khoa học giả tưởng, đề tài nói về người ở ngoài không gian lạc vào địa cầu và có những quyền năng đặc biệt.
[5] TTL: Tôi dịch từ “possible” và từ “maybe” là có lẽ; còn từ “probable” là rất có thể. Bất cứ điều gì cũng có lẽ (possible) xảy ra được khi chưa có chứng minh chắc chắn không thể. Có lẽ được hiểu theo mức độ xác suất có thể xảy ra thấp nhất; còn rất có thể được hiểu ở mức độ xác suất cao nhất, nghĩa là có nhiều cơ hội xảy ra nhất. Cũng vậy, ngày mai mặt trời có lẽ sẽ mọc đàng Tây nhưng rất có thể không xảy ra như vậy vì điều đó có một xác suất không đáng tin.
[6] Ibid.