Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Sự thật về Cha, Con và thánh linh

NHỮNG người tin giáo lý Chúa Ba Ngôi nói rằng Đức Chúa Trời có ba ngôi—Cha, Con và Thánh Linh. Họ cho rằng ba ngôi ngang nhau, đều là toàn năng và không có bắt đầu. Do đó, theo giáo lý Chúa Ba Ngôi, Cha là Đức Chúa Trời, Con là Đức Chúa Trời và Thánh Linh là Đức Chúa Trời, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi.
Nhiều người tin giáo lý Chúa Ba Ngôi thừa nhận rằng họ không thể giải thích giáo lý này. Nhưng họ nghĩ rằng Kinh  Thánh dạy giáo lý ấy. Điều đáng chú ý là trong Kinh Thánh không hề có từ “Chúa Ba Ngôi”. Nhưng ý niệm về Chúa Ba Ngôi có tìm thấy trong Kinh Thánh không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem một câu Kinh Thánh mà những người tin giáo lý Chúa Ba Ngôi thường đem ra dẫn chứng.

“NGÔI-LỜI LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI”

Giăng 1:1 ghi: “Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời”. Sau đó trong cùng chương này, sứ đồ Giăng cho thấy rõ ràng “Ngôi-Lời” là Chúa Giê-su. (Giăng 1:14) Tuy nhiên, vì Ngôi Lời được gọi là Đức Chúa Trời, một số người kết luận rằng Con và Cha phải là một Đức Chúa Trời.
Hãy nhớ rằng phần này của Kinh Thánh lúc đầu được viết bằng tiếng Hy Lạp. Sau đó người ta đã dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Tuy nhiên, một số dịch giả Kinh Thánh không dùng câu “Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời”. Tại sao không? Căn cứ vào sự hiểu biết về tiếng Hy Lạp dùng trong Kinh Thánh, những dịch giả đó kết luận rằng câu “Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời” phải được dịch khác. Như thế nào? Đây là một vài thí dụ: “Ngôi Lời có thần tính”. (A New Translation of the Bible) “Ngôi Lời là một vị thần”. (The New Testament in an Improved Version) “Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và có bản tính của Đức Chúa Trời”. (The Translator’s New Testament) Theo những bản dịch này, Ngôi Lời không phải là Đức Chúa Trời. * Nhưng vì có địa vị cao trong vòng các tạo vật của Đức Giê-hô-va, Ngôi Lời được gọi là “một thần”. Từ “thần” ở đây có nghĩa là “đấng có quyền năng”.

HÃY TÌM HIỂU THÊM

Phần nhiều người không hiểu tiếng Hy Lạp trong Kinh Thánh. Vậy thì làm sao bạn biết sứ đồ Giăng thật sự có ý nói gì? Hãy nghĩ đến thí dụ này: Một thầy giáo giải thích một đề tài cho học sinh. Sau đó các học sinh hiểu lời giải thích một cách khác nhau và bất đồng ý kiến. Làm sao học sinh có thể giải quyết vấn đề này? Họ có thể đến thầy giáo để hỏi thêm.  Chắc chắn là biết thêm sự thật sẽ giúp họ hiểu đề tài ấy rõ hơn. Tương tự, để hiểu ý nghĩa của Giăng 1:1, bạn có thể đọc kỹ sách Phúc Âm theo Giăng để biết rõ hơn về địa vị của Chúa Giê-su. Biết thêm về đề tài này sẽ giúp bạn đi đến kết luận đúng.
Chẳng hạn hãy xem Giăng viết thêm gì trong chương 1, câu 18: “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, có người đã thấy Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời, vì Giăng nói: “Ngôi-Lời [Chúa Giê-su] đã trở nên xác-thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh-hiển của Ngài”. (Giăng 1:14) Thế thì làm sao Con có thể là một phần của Đức Chúa Trời Toàn Năng? Giăng cũng nói Ngôi Lời “ở cùng Đức Chúa Trời”. Nhưng làm sao một người có thể ở cùng một người khác mà đồng thời lại là người ấy? Ngoài ra, như được ghi nơiGiăng 17:3, Chúa Giê-su cho thấy rõ có sự khác biệt giữa ngài và Cha trên trời. Ngài gọi Cha là “Đức Chúa Trời có một và thật”. Và gần cuối sách Phúc Âm của ông, Giăng tóm tắt bằng cách nói: “Các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời”. (Giăng 20:31) Hãy lưu ý Chúa Giê-su được gọi là Con Đức Chúa Trời, chứ không phải Đức Chúa Trời. Chi tiết này trong sách Phúc Âm theo Giăng giúp chúng ta cần phải hiểu câu Giăng 1:1như thế nào. Chúa Giê-su, tức Ngôi Lời, là “một thần”, theo ý nghĩa là ngài có địa vị cao, nhưng không ngang hàng với Đức Chúa Trời Toàn Năng.

KHẲNG ĐỊNH SỰ THẬT

Hãy nghĩ lại thí dụ về thầy giáo và các học sinh. Giả sử một số vẫn còn nghi ngờ dù cho thầy đã giải thích thêm. Họ có thể làm gì? Họ có thể đến hỏi một thầy khác để biết thêm về đề tài ấy. Nếu thầy thứ hai khẳng định lời giải thích của thầy thứ nhất, phần lớn học sinh có thể không còn nghi ngờ nữa. Tương tự, nếu không chắc người viết Kinh Thánh Giăng thật sự nói gì về mối quan hệ của Chúa Giê-su với Đức Chúa Trời Toàn Năng, bạn có thể đọc lời tường thuật của người viết khác để biết thêm. Chẳng hạn, hãy xem xét những gì Ma-thi-ơ viết. Về ngày tận thế, ông trích lời Chúa Giê-su nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi”. (Ma-thi-ơ 24:36 Những lời này khẳng định như thế nào Chúa Giê-su không phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng?
Chúa Giê-su nói rằng Cha biết nhiều hơn Con. Tuy nhiên, nếu là một phần của Đức Chúa Trời Toàn Năng thì Chúa Giê-su phải biết những gì Cha biết. Vậy thì Con không thể ngang hàng với Cha. Nhưng một số người sẽ nói: ‘Chúa Giê-su có hai bản chất. Ngài nói câu này khi còn làm người trên đất’. Dù có đúng như thế, nhưng còn thánh linh thì sao? Nếu cũng là một phần thuộc về Đức Chúa Cha, thì tại sao Chúa Giê-su không nói thánh linh cũng biết những gì Cha biết?
Nếu tiếp tục học Kinh Thánh, bạn sẽ biết nhiều đoạn Kinh Thánh khác liên quan đến đề tài này. Những đoạn này khẳng định sự thật về Cha, Con và thánh linh.—Thi-thiên 90:2; Công-vụ 7:55; Cô-lô-se 1:15.