Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Phong trào New Age: một gợi ý để phát triển cộng đồng tâm linh ở Việt Nam?

Ở Việt Nam, dòng nhạc New Age đã giành được thiện cảm của một cộng đồng thính giả không nhỏ. Tuy vậy, các bạn yêu nhạc thường không hay biết đến hoàn cảnh đặc biệt mà từ đó nó đã phát sinh. Trong thực tế, dòng nhạc New Age chỉ là một bộ phận trong một trào lưu tinh thần và xã hội rất rộng lớn, đã phát triển mạnh ở phương Tây suốt nửa sau thế kỉ 20, và góp phần định hình bộ mặt của thế giới Âu – Mỹ trong giai đoạn này.
Ta hãy cùng tìm hiểu vài nét sơ lược về phong trào New Age, rồi điểm qua một số tác động của trào lưu này tới đời sống của giới trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Bối cảnh và nguồn gốc
Thập niên 1960 là một thời điểm đặc biệt của thế giới phương Tây. Nó chứng kiến một cuộc sụp đổ đột ngột và ồn ào của trật tự tinh thần cũ. Do ảnh hưởng từ đợt bùng nổ dân số sau chiến tranh thế giới thứ II, vào thập niên này, các nước Âu Mỹ bỗng dưng tràn ngập – ở một số lượng và tỉ lệ lớn chưa từng có trong bất cứ thời đại nào trước đây – những thanh thiếu niên no cơm ấm cật. Họ bước vào đời với sự bất mãn tiềm tàng của tuổi trẻ, với những quyền chính trị ngày càng được mở rộng, với sự nhàn rỗi, và với khúc dạo đầu ngày một tăng tốc của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Chào đón họ là một thế giới ngột ngạt của chiến tranh lạnh, mối đe dọa hạt nhân, lò lửa Việt Nam, nạn phân biệt chủng tộc, tín điều Thiên Chúa giáo, và ô nhiễm môi trường. Thất vọng trước thực tại đang diễn ra, lớp thanh niên này đã tạo nên giữa lòng xã hội phương Tây một vệt đứt gãy thế hệ và một cuộc xáo trộn văn hóa.
Tất cả những diễn biến kể trên đã biến thập niên 1960 thành một cuộc bùng nổ của những phong trào tinh thần và xã hội. Lúc này, chúng ta có thể nhớ về nó như là chuỗi ngày sôi động của những gã hippie, những đêm nhạc phản chiến, những đoàn biểu tình vì nữ quyền, dân quyền, môi trường, quyền của người đồng tính, hay vì những giấc mơ đẹp của John Lennon và Martin Luther King. Phong trào New Age đã lan rộng trong hoàn cảnh thú vị ấy, và trở thành một trong những mảng màu quan trọng trong bức tranh văn hóa sặc sỡ của thập niên này. Vatican phiền lòng về phong trào New Age cũng nhiều như Nhà trắng phiền lòng về phong trào phản chiến.
Tuy nhiên, không nên cho rằng phong trào New Age chỉ phát sinh từ những hoàn cảnh xã hội đặc trưng cho một thập kỉ. Về bản chất, phong trào này là sự hồi sinh của nhiều truyền thống tâm linh cổ giữa lòng xã hội vật chất hiện đại của phương Tây. Những hạt giống của phong trào New Age đã xuất phát từ Chiêm Tinh học cổ đại, từ Giả Kim thuật thời Trung Cổ và các hội kín thời Phục Hưng, từ những nhà thơ siêu nghiệm của thế kỉ 19 như Thoreau, Emerson, Wordsworth, hay Thông Thiên Học được  Helena Blavatsky giới thiệu trong cùng thời kì… Nó cũng tiếp nhận ảnh hưởng từ những tôn giáo và huyền môn phương Đông, như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo Sufi, Kabbala, Đạo giáo… Và cả những truyền thống từng bị ngăn cấm ở phương Tây, như thuật phù thủy và Thiên Chúa giáo theo hệ phái Ngộ Đạo. Phong trào New Age hòa trộn tất cả trong cái nhìn cởi mở và tinh thần tôn trọng sự khác biệt, để tạo nên một thế giới quan hài hòa giữa tâm linh và khoa học, giữa phương Đông và phương Tây. Những thành viên của phong trào này muốn tạo nên một môi trường tâm linh không có biên giới và xung đột, kinh kệ và giáo điều cứng nhắc, sự thù địch kẻ ngoại đạo, hay những giáo hội ôm giữ thẩm quyền. New Age là sự khước từ những đế chế tôn giáo mang hơi hướm độc tài của thời Trung Cổ, để cùng thiết lập một thế giới quan tâm linh phù hợp hơn với thời đại của chủ nghĩa cá nhân, tự do thông tin và toàn cầu hóa.
Những quan điểm căn bản
Dù tự do về niềm tin và cách thức thể hiện, những thành viên của phong trào New Age vẫn thường chia sẻ một số quan điểm tâm linh chung. Dưới đây là những quan điểm phổ biến nhất:
1. Thượng Đế là toàn thể vũ trụ. Thượng Đế / chân lí vốn đã tồn tại ở bên trong vạn vật quanh ta. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải tìm kiếm chân lí trong Kinh Thánh, trên núi Himalaya, trong tượng Phật hoặc trên các bàn thờ. Mỗi chúng ta có thể tìm đến với Thượng Đế ngay trong mình, cũng như trong toàn thể thế giới.
2. Vì vạn vật đều là một phần của Thượng Đế, nên chỉ có một thực thể siêu việt duy nhất tồn tại. Các tôn giáo không đối kháng nhau: chúng chỉ đơn thuần là những nẻo đường khác nhau để tìm đến với thực tại tối hậu đó. Trong cuộc hành trình này, mỗi người có quyền chọn cho mình một con đường riêng phù hợp. Không có con đường nào là chân lí duy nhất đúng mà tất cả mọi người phải cùng đi.
3. Mọi sinh vật đều có linh hồn. Các linh hồn phải trải qua luân hồi chuyển kiếp. Chuỗi luân hồi chỉ chấm dứt khi linh hồn đã tìm về được với Thượng Đế / Niết Bàn / cái Toàn Thể. Nhìn chung, phong trào New Age chia sẻ quan điểm về luân hồi trong các tín ngưỡng của người châu Âu cổ, đạo Phật và đạo Hindu.
4. Jesus chỉ là một trong số rất nhiều bậc thầy giác ngộ. Có thể kể ra nhiều “đấng cứu thế” khác từng ghé thăm thế giới, như các vị Phật, Mohammed, Krishna, Lão Tử, hay Zarathustra… Thế gian sẽ còn chào đón sự xuất hiện của nhiều bậc giác ngộ khác sau này.
5. Vì tất cả vốn là một, thực ra không tồn tại cái Thiện và cái Ác. Thiện và Ác chỉ là những qui ước lỏng lẻo mà con người bày ra và áp đặt lên nhau để duy trì một trật tự xã hội tương đối dễ chịu. Mỗi linh hồn sẽ phải vượt qua ảo tưởng về sự phân chia Thiện – Ác nếu muốn đạt được mức độ nhận thức cao hơn.
6. Việc cứu rỗi thế gian không lệ thuộc vào các thánh thần được thờ cúng, mà là sứ mệnh thiêng liêng của chính con người. Khi có nhiều người làm hài hòa bản thân mình bằng năng lượng tích cực, và tự chuyển hóa suy nghĩ của mình để hướng đến hòa bình và yêu thương, thế giới sẽ được tẩy sạch các yếu tố xấu xa, và những vấn nạn xã hội nhức nhối ngày nay sẽ được xóa bỏ từ gốc rễ. Sự thức tỉnh tâm linh sẽ giúp nhân loại xây dựng một xã hội lí tưởng.
46473_10151458459068496_2059167950_n
Nhìn chung, những quan điểm này thường không mới. Dù được thể hiện bằng một ngôn ngữ khác, chúng đã hiện diện trong một số hệ thống tâm linh phương Đông, như đạo Lão và đạo Phật, từ hàng nghìn năm nay. Chúng cũng là quan điểm quen thuộc trong những huyền môn cổ từng lưu hành bí mật ở phương Tây dưới sự cấm đoán của quyền lực nhà thờ. Dù vậy, trong mắt những gia đình Thiên Chúa giáo mộ đạo từng một thời là chuẩn mực ở mọi nước phương Tây, đây vẫn là một thế giới quan hoàn toàn xa lạ và “dị giáo”. Cái ý tưởng rằng tội lỗi không tồn tại, mọi người đều có sẵn tính thần thánh trong mình, và mọi người đều có thể phấn để trở thành một vị như Jesus thay vì ngồi đợi sự cứu chuộc qua cái chết của ông, xem ra hoàn toàn mâu thuẫn với lời dạy bảo của Giáo hội. Vì vậy, khi hiện diện công khai và rộng khắp trong thế giới phương Tây, những thông điệp của phong trào New Age đã để lại hiệu ứng tương đương với một cuộc cách mạng tôn giáo.
Quan điểm về “Kỉ nguyên Bảo Bình”
Cụm từ “New Age” ám chỉ kỉ nguyên Bảo Bình. Trong chiêm tinh học, cứ khoảng 2160 năm, thế giới lại chuyển sang một kỉ nguyên mới. Mỗi kỉ nguyên này tương đương với một tháng vũ trụ. Các tháng vũ trụ chuyển giao theo thứ tự của các cung trên vòng tròn hoàng đạo, cũng như hiện tượng tương tự (nhưng ngược chiều) ở các tháng trong một năm. Trong tháng, tính chất của cung hoàng đạo chủ quản sẽ có ảnh hưởng bao trùm. Chẳng hạn, kỉ nguyên Song Ngư – bắt đầu cách đây 2000 năm, khi chúa Jesus giáng sinh, và sẽ kết thúc trong khoảng 100 năm tới đây – được xem là một kỉ nguyên của niềm tin, sự hi sinh và đám đông, với sự ngự trị của ý thức hệ và tôn giáo. Tháng vũ trụ trước đó, kỉ nguyên Bạch Dương, là thời đại của những chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh, của những khởi đầu và khám phá lớn của nhân loại. Còn kỉ nguyên sắp tới, kỉ nguyên Bảo Bình, được xem là một thời kì của hiểu biết, tình bạn, công nghệ và đa nguyên.
Từ hơn một thế kỉ trước, giới nghiên cứu phương Tây đã dành nhiều sự chú ý cho viễn cảnh về kỉ nguyên Bảo Bình. Chẳng hạn, trong thập niên 1900, nhà thần học Mỹ Edgar Cayce đã liên tục phát biểu một thế giới quan tâm linh mà ông tin rằng sẽ hình thành trong “Kỉ Nguyên Mới”. Nhà tâm lí học Carl Jung, một người say mê thuật chiêm tinh, cũng dành cho những dự báo này một sự quan tâm đặc biệt. Trong một bức thư gửi cho bạn bè vào ngày 12/08/1940, ông viết:
“…Năm nay làm tôi nhớ đến trận động đất lớn từng làm rung chuyển đền Karnak trong năm 26 trước Công nguyên. Đó là khúc dạo đầu cho sự sụp đổ của tất cả những ngôi đền cũ, vì một thời đại mới đã bắt đầu. 1940 là năm mà chúng ta tiếp cận những kinh tuyến của ngôi sao đầu tiên trong cung Bảo Bình . Đây là trận động đất báo hiệu Kỉ Nguyên Mới…”
Trong bối cảnh xã hội đặc biệt của thập niên 1960, “cơn địa chấn” mà Jung quan sát trước đó 20 năm đã chuyển sang một bước ngoặt quan trọng. Công chúng trẻ dần tiếp nhận khái niệm “Kỉ Nguyên Mới” từ các nhà thần học “cấp tiến”,  và phát triển nó thành phong trào tinh thần – xã hội mang tên New Age.
Phong trào New Age có một cái nhìn lí tưởng hóa về kỉ nguyên Bảo Bình. Họ tin rằng khi Kỉ Nguyên Mới bắt đầu, nhân loại sẽ xây dựng được một xã hội lí tưởng kiểu Utopia, nơi không có chiến tranh, nghèo khổ, xung đột, kì thị và ô nhiễm. Viễn cảnh thế giới đại đồng này sẽ đạt được nhờ sự thức tỉnh tâm linh của toàn nhân loại. Sứ mệnh của phong trào New Age là chuẩn bị cho tương lai ấy bằng việc nhân rộng sự giác ngộ và tình yêu thương.

Hoạt động và tầm ảnh hưởng
Phong trào New Age đã xuất phát từ sự tổng hợp quan điểm và phương pháp của nhiều hệ thống tu tập tâm linh. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không phải là một tôn giáo. Về mặt bản chất, New Age là một phong trào tinh thần và một cuộc vận động xã hội. Tính chất tự do và phi tập trung của nó hoàn toàn đối nghịch với những giáo phái có người lãnh đạo chính thức, trụ sở chính, kinh kệ, giới luật và danh sách thành viên.
Về mặt tổ chức, phong trào New Age là tập hợp của một mạng lưới bao gồm hàng ngàn nhóm, quỹ, CLB và hội đoàn. Những tập thể này chia sẻ một số niềm tin và mục đích chung, nhưng rất đa dạng về lĩnh vực và khuynh hướng. Trong danh sách các tổ chức của phong trào New Age, bạn có thể bắt gặp từ Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đến CLB Rome, từ Tổ chức Khoa Học Thiên Chúa Giáo đến Cộng đồng Thông Thiên Học. Nhìn chung, chúng là những tập thể phấn đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, sinh thái và ý thức xã hội, dựa trên nền tảng chính là sự thức tỉnh tâm linh.
Vì mang tinh thần “mọi con đường đều dẫn đến sự thức tỉnh”, phong trào New Age chấp nhận và đề xuất mọi hình thức thực hành tâm linh từng có trên đời. Sẽ không hề gì, nếu bạn cùng lúc tìm hiểu cả thiền, cầu nguyện, suy niệm, yoga, lẫn kinh Dịch, thuật chiêm tinh, thuật giả kim, thuật phù thủy, tantra, cầu cơ, nhập đồng và bài Tarot. Đối với phong trào New Age, mọi con đường, kinh sách và thần linh đều có giá trị. Những hoạt động tâm linh mà New Age đề nghị không chỉ hướng đến sự thức tỉnh và giải thoát, mà còn hướng đến việc giải quyết những vấn đề “thiết thực” trong cuộc sống thế gian.
Phong trào New Age đã mang lại nhiều thay đổi lớn trong thế giới quan và phong cách sống của các nước phương Tây. Một nghiên cứu công phu trong giai đoạn 1991-1995 cho thấy những người có nhãn quan tôn giáo chịu ảnh hưởng của phong trào New Age đã chiếm khoảng 20% dân số trong độ tuổi thành niên của nước Mỹ. Con số này vẫn tăng dần theo thời gian, bất chấp những nỗ lực lội ngược dòng của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Đây là xu hướng không thể tránh khỏi, trong thời đại mà chủ nghĩa cá nhân, công nghệ thông tin và toàn cầu hóa đặt ra nhu cầu tự do hóa đời sống tinh thần, cũng như nhu cầu hòa giải và dung hợp, để tránh xung đột, giữa các thế giới quan tôn giáo khác nhau.
Phong trào New Age cũng đã tạo ra một thị trường ngách béo bở, với những sản phẩm đa dạng như sách, âm nhạc, đồ tạo tác và dịch vụ y tế thay thế trong những cửa hàng, khu chợ và lễ hội theo phong cách này. Chẳng hạn, phân khúc thị trường LOHAS (Lifestyle of Health and Sustainability), một hệ quả của những chuyển biến tinh thần từ phong trào New Age, đã đạt xấp xỉ 300 tỉ USD, tức khoảng 30% thị trường tiêu dùng Hoa Kỳ trong năm 2006.
Nhiều thành viên của phong trào New Age ủng hộ một lối sống đơn giản và bền vững để hạn chế tác động tiêu cực của con người lên trái đất và tạo điều kiện cho một đời sống tinh thần trong sạch. Họ phản đối chủ nghĩa tiêu thụ, đồng thời nhiệt liệt cổ vũ những hoạt động bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và xây dựng cộng đồng xanh.
540775_314392805337461_1965544868_n
Vài nhận định cá nhân
1. Chúng ta đang sống trong cuộc chuyển giao giữa kỉ nguyên Song Ngư và kỉ nguyên Bảo Bình. Giai đoạn này phải kéo dài thêm độ 100 năm nữa. Vì vậy, dù mang tiếng là để dọn đường cho kỉ nguyên Bảo Bình, phong trào New Age không thể không mang màu sắc của một đám đông cuối kỉ nguyên Song Ngư. Chẳng hạn, lời hứa của nó về một xã hội hoàn hảo trong tương lai cũng chắc khác gì lời hứa của các đảng Cộng Sản về thế giới đại đồng hay lời hứa của Vatican về một thiên đường sau ngày phán xét. Nhiều thành viên của phong trào New Age thậm chí còn tin rằng thiên đường trên hạ giới sẽ mở ra ngay trong thế kỉ này, khi một đấng cứu thế/Christ/Di Lặc giáng sinh để lãnh đạo nhân loại. Niềm tin vào sự kết thúc của lịch sử nhờ sự hi sinh và phép màu cứu độ của người lãnh đạo tinh thần, về mặt bản chất, chính là một đặc điểm quen thuộc của các tôn giáo và chủ nghĩa từng ngự trị trong kỉ nguyên Song Ngư.
Cung Bảo Bình đem lại một không khí khác hoàn toàn. Bảo Bình là sự nổi loạn, tinh thần tự do, trí thông minh, tình bạn và cá tính. Trong kỉ nguyên Bảo Bình, những bậc thầy giác ngộ sẽ không cứu ai, cũng không được ai tạc tượng và thờ phụng. Có lẽ họ sẽ hiện diện như những người bạn đáng mến thay vì như những thần thánh thiêng liêng. Tôi nghĩ họ trông giống một Osho, hoặc một Krishnamurti đang tươi cười trên Youtube hơn là bức tượng Jesus nhăn nhó trên bàn thờ. Còn đấng cứu thế trong kỉ nguyên của tự do, cách mạng và dòng trí tuệ đổ xuống không gian, biết đâu không phải một con người, mà lại chính là điện thoại di động, vệ tinh và Internet.
2. Trong chiêm tinh, mọi kỉ nguyên đều được chia thành ba kì: Khởi Đầu, Ổn Định và Chuyển Đổi. Mỗi kì đó dài xấp xỉ 700 năm. Chẳng hạn, sau khi Jesus giáng thế, châu Âu phải trải qua 700 năm loạn lạc trước khi trật tự Thiên Chúa giáo bám rễ và thành hình. Kì Khởi Đầu này chứng kiến sự suy tàn rồi sụp đổ trong hỗn loạn của Rome (một đế quốc hung hăng được sáng lập bởi Romulus và Remus, hai ông con giai vĩ đại của thần chiến tranh Mars – vị thần chủ quản của kỉ nguyên Bạch Dương!), sự xâm lược liên tục của các dân tộc mọi rợ từ phương Bắc và phương Đông, và cuộc chinh phạt của Charlemagne – thắng lợi quyết định dẫn đến sự thành hình một châu Âu theo Thiên Chúa giáo. Tiếp theo là 700 năm “ổn định” trong trật tự Trung Cổ. Cuối cùng, là 700 năm Chuyển Đổi đầy hào hứng, nhưng cũng không kém phần đẫm máu, điên rồ và hỗn loạn sau khúc dạo đầu Phục Hưng.
Ba kì tương tự sẽ lặp lại trong kỉ nguyên Bảo Bình. Bảo Bình – chòm sao của sự nổi loạn, cá tính và tinh thần tự do – còn được xem như hiện thân của vị thần giông bão. Nhân loại bất toàn cuối kỉ nguyên Song Ngư sắp bước sang 700 năm thay đổi chóng mặt. Trong kì Khởi Đầu đầy trắc trở ấy, bao nhiêu cuộc cách mạng nữa sẽ nổ ra? Bao nhiêu máu sẽ đổ xuống khi các định chế cũ suy tàn và sụp đổ, trong khi các định chế mới chưa thành hình? Bao nhiêu niềm tự hào, giống như Rome, sẽ lụi tàn và trở thành dĩ vãng?
Niềm tin của phong trào New Age về một Kỉ Nguyên Mới của hòa bình, tình bằng hữu, tri thức phổ cập và sự thức tỉnh tâm linh, không biết chừng, chỉ là một ảo tưởng Song Ngư nở muộn.
3. Giờ mình nói sang chuyện Việt Nam.
Xung đột quân sự và thời bao cấp cũng khép lại được hơn 20 năm rồi. Chúng mình đang trải qua một giai đoạn tương tự thập niên 1960 bên Âu Mỹ. Chưa bao giờ như bây giờ, đất nước tràn ngập một thế hệ thanh niên no cơm ấm cật. Cuộc đời chào đón thế hệ này bằng một không khí chính trị – xã hội đáng chán, một bộ máy quyền lực mất kiểm soát nghiêm trọng và một cuộc cách mạng thông tin. Thanh niên mất dần niềm tin nơi nhà nước, đền chùa, gia đình, nhà trường và lề luật xã hội. Vì sự ấm no đẻ ra hư hỏng hoặc lí tưởng sống, nhiều bạn trẻ may mắn đã lên đường tìm kiếm một lối sống ý nghĩa hơn. Chẳng hạn: tự do, sự giải thoát, chân lí, đạo, phép màu… Không đáng ngạc nhiên, khi khuynh hướng New Age dần trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Những tinh thần từng thai nghén phong trào New Age cũng đã hình thành trong giới trẻ Việt Nam một vài cộng đồng tâm linh nho nhỏ. Chẳng hạn: cộng đồng chiêm tinh học, cộng đồng Tarot (cái này đang gây sốt trong giới trẻ và bị biến tướng thành một mốt đua đòi nhảm nhí), cộng đồng nghiên cứu huyền học, cộng đồng độc giả của Osho và Krishnamurti… Để phục vụ những bạn muốn tìm hiểu, tôi sẽ liệt kê và dẫn link đến các blog, website, fanpage hoặc group Facebook của những cộng đồng này trong phần cuối bài. Hãy mạnh dạn ghé vào vài trang, biết đâu bạn sẽ tìm được cho cuộc sống của mình một mảng màu tươi mới.
Dù mới chỉ hiện diện chập chững trong giới trẻ Việt Nam, khuynh hướng New Age cũng đang để ngỏ cho chúng ta một cơ hội thú vị. Sự sụp đổ toàn diện của hệ thống tín ngưỡng cũ đang trở thành một trong những vấn nạn đau nhức nhất của nước ta. Cả Phật giáo Việt Nam lẫn những tín ngưỡng dân gian, do hoàn cảnh lịch sử, đều đã bị hủy diệt và lợi dụng, rồi gây đổ vỡ, biến tướng và thối nát tới mức khó có thể tự động phục hồi. Chịu chung số phận với giới tinh hoa, các sinh hoạt tâm linh nước mình chỉ còn vật vờ trôi như một bóng ma dĩ vãng. Thay vì làm một điểm tựa quan trọng cho các sinh hoạt tình thần của quốc gia, chúng cản trở sự phát triển lành mạnh của con người cá nhân và làm suy đồi dân tộc. Với một môi trường sinh hoạt tâm linh mà lừa đảo nhiều hơn thực chất, nước Việt sẽ không thể ngóc đầu lên.
Đâu là lối thoát cho hiện trạng này? Không thể đổ toàn bộ hi vọng và sự đầu tư cho việc phục hồi vẹn nguyên những sinh hoạt tâm linh cũ. Một mặt, với mức độ đổ nát hiện nay, chúng có khả năng đang bị lịch sử đào thải. Mặt khác, cũng như Thiên Chúa giáo, tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Phật giáo kinh viện không phù hợp lắm với thời đại của toàn cầu hóa, Internet, sự nổi loạn và tinh thần tự do. Dù có được sửa chữa để trở về trạng thái lành mạnh nhất, chúng cũng không thể thích nghi với hoàn cảnh xã hội, và sẽ nhanh chóng lâm vào những cuộc khủng hoảng mới còn tệ hơn bây giờ. 100 năm sau, con cháu chúng ta sẽ sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Với một lượng tri thức khoa học, tiện nghi vật chất, tự do cá nhân và tầm nhìn toàn cầu ngày một lớn hơn, chúng không thể chấp nhận những niềm tin, thần tượng, sự sùng bái và lễ nghi mà chúng ta đang chấp nhận. Vì vậy, nếu không muốn bị bánh xe lịch sử nghiền nát, những tín ngưỡng truyền thống của dân tộc sẽ phải liên tục tự đổi mới bản thân. Chúng phải cho phép các cá nhân tự do tìm kiếm con đường giác ngộ của riêng mình. Chúng phải tự dung hòa mình với khoa học – công nghệ tương lai, và với thế giới quan tâm linh của những dân tộc khác. Chúng phải thân thiện thay vì trang nghiêm, vui tươi thay vì đáng sợ. Nói tóm lại, dù thế nào đi nữa, không sớm thì muộn, nền tâm linh Việt cũng sẽ phải tự cải cách theo khuynh hướng New Age.
Nếu không thể tránh, thì ta nên chủ động tìm hiểu để nhận thức rõ tình hình. Trong cuộc chọn lọc tự nhiên, những gì đáng bị đào thải sẽ tiếp tục thối nát. Những gì cần thiết trong tương lai sẽ được giới trẻ say mê du nhập. Để hạn chế những đổ vỡ và lỡ làng trong quá trình chuyển đổi dồn dập, phức tạp, và tế nhị ấy, những người có hiểu biết và tinh thần trách nhiệm nên đảm nhận vai trò hướng dẫn số đông.
Nguyễn Vũ Hiệp
– – – – –
ĐỌC THÊM:
1. Những triết lí và vũ trụ quan phổ biến trong phong trào New Age:
http://en.wikipedia.org/wiki/New_Age#Philosophy_and_cosmology
2. Một số fanpage, blog và website của những nhóm bạn trẻ Việt Nam chịu ảnh hưởng của tinh thần New Age:
_ Website Osho Việt Nam:
http://oshovietnam.net/
_ Page Chòi Chiêm Tinh:
https://www.facebook.com/choichiemtinh
_ Page Siêu Tâm Thức:
https://www.facebook.com/SieuTamThuc
_ Website Tarot huyền bí:
_ Website Triết học đường phố
_ Website Sự chuyển đổi Trái Đất
_ Page Huyền Học Phương Tây: