Đáng lẽ kỳ này tôi dịch bài Thần Con [Giê-su] Từ Galilee (The God From Galilee) của Ruth Hurmence Green, một phụ nữ sinh ra và lớn lên trong một gia đình Tin Lành, hệ phái Giám Lý (Methodist), ngoan đạo trong 60 năm cho đến khi đọc Thánh Kinh mới tỉnh ngộ, biết rõ thực chất Thánh Kinh và Giê-su trong Thánh Kinh như thế nào.
Nhưng có một người tôi không hề quen biết gửi cho tôi một bài giảng cho các tín đồ Tin Lành của Mục Sư Nguyễn Hữu Ninh về đề tài Kinh Điển Cựu Ước và Tân Ước (Canon of Scripture), có lẽ với mục đích hoặc để quảng cáo Thánh Kinh, hoặc để xem tôi có ý kiến phản bác gì chăng. Quảng cáo Thánh Kinh thì vô ích đối với tôi, vì tôi đã đọc và nghiên cứu Thánh Kinh khá kỹ từ lâu. Còn ý kiến phản bác thì tôi có rất nhiều nhưng tôi không muốn phí thì giờ. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải hoãn lại bài của bà Ruth Hurmence Green và thay thế vào đó bằng một bài dịch khác về Thánh Kinh Ki Tô Giáo của Robert G. Ingersoll, bài “Những Lời Châu Ngọc Về Thánh Kinh”. Bài dịch này có giúp ích cho Mục sư Nguyễn Hữu Ninh và mọi tín đồ Ki Tô Giáo khác để họ có thể hiểu rõ hơn về thực chất của cuốn Thánh Kinh Ki Tô Giáo hay không? Điều này tôi không có mấy hi vọng vì đầu óc Tin Lành Việt Nam hầu như ai cũng có một khuyết tật (astrolabe mind), như Mục sư Ernie Bringas đã đưa ra một nhận định chung cho tuyệt đại đa số tín đồ Ki Tô Giáo. Bệnh thì còn dễ chữa chứ tật thì thường rất khó chữa, nhất lại là một tật trong đầu óc.
Trước khi đi vào bài dịch, tôi thấy cần phải trích dẫn vài điều trong bài giảng của Mục sư Nguyễn Hữu Ninh với vài nhận xét nho nhỏ để chúng ta cùng thấy trình độ hiểu biết về Thánh Kinh của một ông Mục Sư Tin Lành Việt Nam ngày nay, từ đó có thể suy ra trình độ hiểu biết về Thánh Kinh của những tín đồ mới theo Tin Lành như Nguyễn Huệ Nhật, Huỳnh Thiên Hồng, Lê Anh Huy v..v.., và do đó có thể hiểu tại sao tôi lại thay đổi ý kiến mà đưa ra bài dịch về Thánh Kinh trước.
Chúng ta hãy đọc vài đoạn trong đó:
Thánh Kinh là bộ sách Thánh của hai thời đại Cựu và Tân Ước. Ki Tô Giáo (Christianity) trong thế kỷ I thừa hưởng được bộ Kinh điển Cựu Ước đáng tin cậy của người Do Thái, và có bộ sách Thánh Tân Ước từ thời các sứ đồ và từ uy quyền của chính Chúa cứu thế bảo đảm...
Sách (trong Thánh Kinh) được chọn lọc và luân lưu giữa các hội thánh, được tra xét cẩn thận. Trước giả là những người đã được Chúa lựa chọn để ghi chép, tác giả chánh là Chúa Thánh Linh, Ngài hà hơi vào các lời ấy. Với hai nguyên tố quan trọng: Nhân tố và Thiên tố.
Nhân tố: Các sứ đồ, môn đệ của Chúa đã ghi chép theo sự hiểu biết của họ, họ không ở trong trạng thái ngất xỉu, tâm trí họ sáng suốt, nên văn thể vẫn giữ được sắc thái cá nhân của trước giả. Sách đọc lên rất rõ ràng, mạch lạc, đề tài tập trung vào sự cứu rỗi của Chúa Giê-su Ki Tô, không vẽ vời chuyện thần thoại hoang đường.
Thiên tố: Thần quyền (Chúa Thánh Linh) hà hơi vào trước giả,Ngài cảm thúc, kiểm soát lời viết. II Tim. 3:16: “Toàn thể Thánh Kinh đều do Thiên Chúa soi dẫn...”
Thiên Chúa hà hơi vào mỗi từ ngữ, vì thế người đọc Lời Chúa được Ngài tác động trong tâm linh chinh phục họ trở lại đầu phục Ngài. Sự hà hơi của Ngài bảo đảm giá trị Thần quyền của sách ấy vào kinh điển của Thánh Kinh...Lời ghi chép đã được chính Chúa Thánh Linh hà hơi.
Bộ kinh điển Cựu Ước gồm các phần chính sau đây:
A. Ngũ Kinh Môi-se – Torah: 1. Sáng Thế Ký; 2. Xuất Ai-cập Ký; 3. Lê-vi Ký; 4. Dân Số Ký; 5. Phục Truyền Luật Lệ Ký...
Kinh điển Tân Ước gồm có 27 sách đã được hội thánh đầu tiên tiếp nhận là thánh thư được Chúa Thánh Linh hà hơi, có giá trị thẩm quyền khuôn vàng thước ngọc cho niềm tin và phẩm hạnh của tín hữu (Christian)....
Chính Chúa Cứu thế đã chính thức công nhận Cựu Kinh và hứa rằng công vụ của Thánh Linh của chân lý sẽ hoàn tất mọi dữ kiện trong Tân Kinh. Lời phán của Chúa cứu thế là có giá trị tối hậu và là chìa khóa của kinh điển Cựu và Tân ước...
Vài nhận xét nho nhỏ của người dịch (Trần Chung Ngọc):
Thứ nhất, Chúa Thánh Linh là Holy Spirit, hay là Thánh Ma (Holy Ghost), mà một Spirit lại có thể “hà hơi” như người thường, vì Mục sư Nguyễn Hữu Ninh đã gọi Chúa Thánh Linh là Ngài. Đúng là một chuyện tiếu lâm độc nhất vô nhị trên thế gian, chỉ có thể có trong Ki Tô Giáo, hoặc trong bộ phim “Ghost stories” của Tàu. Chuyện tiếu lâm này cũng tương tự như chuyện Chúa Thánh Linh có thể làm cho bà Mary mang thai mà không cần đến tinh trùng của...đàn ông. Từ khi khai thiên (khoảng 15 tỷ năm trước) lập địa (khoảng hơn 4 tỷ năm trước) cho đến khi Ngài “hà hơi” (khoảng 3000 năm trước, khi Ngũ Kinh được viết) vào các trước giả Thánh Kinh, thì chắc chắn là trong thời gian nhiều tỷ năm này chưa có những ống kem Colgate hay Crest v..v... Vậy cái hơi của Ngài tích tụ trong nhiều tỷ năm mà không có những sản phẩm này tất nhiên phải rất đặc biệt. Vì thế cho nên, do cái loại hơi đặc biệt này, các trước giả mới viết lên được những lời rất khó ngửi. Khó ngửi vì những lời đó phần lớn là những tư tưởng ác độc, bạo tàn, dâm loạn, hoang đường, phản khoa học, phi lý trí v..v.. mà chúng ta thấy có đầy trong Thánh Kinh, nhất là Cựu Ước. Do đó, khi đọc Thánh Kinh, nếu chúng ta có một bộ óc tưởng tượng phong phú, thì chúng ta có thể ngữi thấy mùi. Mùi gì? Ngoài mùi “hà hơi” còn có mùi máu tanh trong suốt cuốn Cựu Ước, át hẳn mùi “hà hơi” khó ngửi của Chúa Thánh Linh.
Thứ nhì, Mục sư Nguyễn Hữu Ninh viết rõ là “Ki Tô Giáo (Christianity) trong thế kỷ I thừa hưởng được bộ Kinh điển Cựu Ước đáng tin cậy của người Do Thái” Lẽ dĩ nhiên, vì những người Ki Tô Giáo đầu tiên là người Do Thái. Ai cũng biết Cựu Ước là lịch sử Do Thái, viết theo niềm tin của người Do Thái về một vị Thần của họ, giải thích những hiện tượng thiên nhiên mà trí tuệ của họ thời đó chưa hiểu nổi. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, người Việt Nam chúng ta thì có liên hệ gì tới lịch sử Do Thái và Thần của họ, do đó cái “kinh điển Cựu Ước đáng tin cậy của người Do Thái” rất có thể không đáng giá một xu đối với người Việt Nam chúng ta, khoan nói đến chuyện tin cậy. Lịch sử Việt Nam đã chứng tỏ rõ ràng như vậy. Cái liên hệ duy nhất có thể có giữa người Việt Nam và người Do Thái là do cùng một sinh thể ban khai tiến hóa trong khoảng thời gian hàng tỷ năm mà thành, theo thuyết Tiến Hóa mà ngày nay cả thế giới, trừ một số có đầu óc khuyết tật trong Ki Tô Giáo, nhất là Tin Lành, đều chấp nhận là một sự kiện không ai có thể phủ bác [Xin đọc bài Charles Darwin Và Thuyết Tiến Hóa trên trang nhà Giao Điểm]. Nền văn hóa hòa bình định cư của dân tộc Việt không có gì giống nền văn hóa du mục bạo tàn của dân tộc Do Thái, và hơn 90% người Việt Nam theo chủ nghĩa nhân bản và nhân chủ, vậy tại sao người Việt Nam phải tin vào những chuyện hoang đường trong Thánh Kinh của người Do Thái và tôn thờ một vị Thần của người Do Thái, chỉ có giá trị tâm linh đối với người Do Thái?
Thứ ba, theo mục sư Nguyễn Hữu Ninh thì: Chúa Thánh Linh hà hơi vào trước giả, Ngài cảm thúc, kiểm soát lời viết. Vậy mỗi khi trước giả viết xong một câu lại phải trình lên Chúa Thánh Linh để Ngài kiểm soát? Kiểm soát như thế nào? Cầm bút nguyên tử gạch bỏ những lời không ưng ý hay “hà hơi lại” vào các trước giả để cho họ viết lại? Nhưng rồi Mục sư Nguyễn Hữu Ninh lại viết: Thiên Chúa hà hơi vào mỗi từ ngữ, vì thế người đọc Lời Chúa được Ngài tác động trong tâm linh chinh phục họ trở lại đầu phục Ngài. Như vậy là những từ ngữ đã được viết ra, sau khi đã được Chúa Thánh Linh kiểm soát. Vậy Ngài hà hơi vào những từ ngữ đó để làm gì nữa? Để cho con người mỗi khi đọc đến những từ ngữ đó lại ngửi được mùi “hà hơi” của Ngài? Mặt khác, nếu như tôi, vừa đọc vừa bịt mũi thì Ngài tính sao đây? Còn nữa, sao tôi đọc những Lời Chúa, đọc đi đọc lại nhiều lần, mà lại chẳng thấy Chúa Thánh Linh tác động gì hết trong tâm linh tôi để tôi trở lại đầu phục Ngài? Trái lại tôi chỉ thấy ghê tởm Ngài như Thomas Paine đã ghê tởm Ngài qua những chuyện độc ác, vô luân trong đó. Một bài học sơ đẳng cho Mục sư Nguyễn Hữu Ninh: không nên viết kiểu “suy bụng ta ra bụng người” rồi “vơ đũa cả nắm”.
Thứ tư, Mục sư Nguyễn Hữu Ninh viết: “Chính Chúa Cứu thế đã chính thức công nhận Cựu Kinh”. Như vậy thì Chúa cứu thế, tức Giê-su, đã chính thức công nhận tất cả những chuyện hoang đường, phi lý, phản khoa học, sai lầm, ác độc, tàn bạo, loạn luân v..v.. trong Cựu Ước. Mục sư Ninh có dám phủ nhận là Cựu Ước không có những chuyện như trên không? Nếu Chúa cứu thế công nhận những chuyện như vậy, và tiếp nối công vụ để hoàn tất chúng trong Tân Ước, thì phải chăng những chuyện như trên chính là “khuôn vàng thước ngọc cho niềm tin và phẩm hạnh của Ki Tô hữu”? Chẳng trách lịch sử Ki Tô Giáo là một lịch sử ô nhục, đẫm máu nhất thế gian, với những giáo hoàng vô đạo đức, cuồng sát, loạn luân, với những cuộc thánh chiến, tòa hình án xử dị giáo, săn lùng giết hại “phù thủy”, đồng hành với chủ nghĩa thực dân v..v..., và ngày nay, chuyện một số không nhỏ linh mục, mục sư phạm tội loạn dâm phải chăng cũng là để hoàn tất những “khuôn vàng thước ngọc cho niềm tin và phẩm hạnh của Ki Tô hữu”? Ai có thể phủ nhận những điều này, xin lên tiếng.
Thứ năm, Lời phán của Chúa cứu thế là có giá trị tối hậu và là chìa khóa của kinh điển Cựu và Tân ước... Như vậy thì những lời phán ác độc của Chúa, những lời nguyền rủa của Chúa, những lời hỗn hào với mẹ của Chúa, nhưng lời “tiên tri” hoang đường của Chúa, những lời nói láo của Chúa như chúng ta sẽ thấy trong đoạn bàn về Ngũ Kinh sau đây v..v.., tất cả đều có giá trị tối hậu? Giá trị đối với ai? Mục sư Ninh chỉ có thể lừa dối được đám tín đồ ngu dốt, chưa hề đọc Thánh Kinh, qua những câu cường điệu bậy bạ như trên, chứ đối với giới hiểu biết thì vô tác dụng.
Và cuối cùng, Mục sư Nguyễn Hữu Ninh, cũng như Chúa Giê-su của ông ta (John 5:46; Luke 24:27; Luke 16:31), đều tin rằng Ngũ Kinh là do Môi-se viết. Cả hai đều sai lầm trầm trọng, vì chẳng có cái gì có thể gọi là “Ngũ Kinh – Môi-se”. Điều này chứng tỏ Chúa Giê-su cũng chỉ là một người thường như Mục sư Nguyễn Hữu Ninh, sự hiểu biết rất giới hạn. Chứng minh?
Trước hết, tất cả các học giả nghiên cứu Thánh Kinh, ở trong cũng như ở ngoài các giáo hội Ki Tô, đều đồng thuận ở một điểm: Ngũ Kinh (5 sách đầu trong Cựu Ước) không phải là do Môi-se viết mà là do nhiều người khác nhau, thuộc nhiều môn phái khác nhau, viết trong khoảng thời gian 400 năm, từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 6 trước thời đại thông thường ngày nay (B.C.E = Before Common Era), hay Trước Tây Lịch (TTL) trong khi Môi-se sống trong khoảng thế kỷ 13 TTL. Các môn phái khác nhau đó là :
- Môn phái Yahwistic (viết tắt là J) vì gọi Chúa là Jehovah.
- Môn phái Elohistic (viết tắt là E) vì gọi Chúa là Elohim.
- Môn phái Deuteronomic (viết tắt là D) viết sách Deuteronomy.
- Môn phái Priestly (viết tắt là P) viết sau khi dân Do Thái đi lưu đày (sau 500 TTL).
Thứ nhì, Mục sư Rubem Alves đã đặt vấn đề trong cuốn Protestantism and Repression, trang 63:
Ai viết Ngũ Kinh? Câu trả lời của giáo hội Ki Tô lịch sử cho câu hỏi trên là khẳng định: "Moses viết". Nếu Moses không hề viết Ngũ Kinh (theo những kết quả nghiên cứu của các học giả. TCN) thì các tông đồ (Paul và John) đã sai lầm khi họ nói rằng Moses viết. Nếu họ sai lầm trong vấn đề này thì làm sao chúng ta có thể tin họ khi họ nói về những vấn đề như thiên đường và đời sau? Nếu Moses không viết Ngũ Kinh thì Giê-su đã nói láo hay sai lầm khi ông ta nói rằng Moses viết. (John 5:46 - Luke 24:27 - Luke 16:31). Nếu Giê-su thực sự không biết ai viết, tuy rằng ông ta nói rằng ông ta biết, làm sao chúng ta có thể tin ông ta được khi ông ta nói những chuyện trên trời?
(Who wrote the Pentateuch? The response of the historical Christian Church to that question is definite: “Moses wrote them”. If Moses did not write the Pentateuch, then the apostles (e.g., Paul and John) made a mistake when they said that he did. If they erred on this matter, how can we believe them when they deal with truths concerning heaven and the future life? If Moses did not write the Pentateuch, then Jesus lied or erredwhen he said Moses did. If Jesus did not know this, though he said he did know, how can we believe him when he talks about the thing of heaven?
Tôi có thể tin chắc là Mục sư Nguyễn Hữu Ninh không hề biết đến những tác phẩm nghiên cứu về Thánh Kinh Ki Tô Giáo, và chỉ viết theo những gì ông đã được dạy chứ chính mình chưa đọc kỹ Thánh Kinh, cho nên ông ta đã dập khuôn nói láo của Giê-su và viết là “Ngũ Kinh – Môi-se”. Nếu đọc kỹ, ông ta phải biết rằng trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 34: 5-7, Môi-se viết về cái chết của chính mình như sau: “Vậy Môi-se, tôi tớ Chúa qua đời trong đất Mô-Áp, như Chúa đã phán. Ngài (tức là Chúa) chôn ông ta (ngôi ba đấy nhé) tại một thung lũng đối ngang...Môi-se qua đời lúc ông ta (ngôi ba đấy) được 120 tuổi ...”
Vậy có phải là Môi-se viết ngũ kinh như Mục sư Nguyễn Hữu Ninh rao giảng cho tín đồ hay không? Nếu đúng là Môi-se viết thì ông không thể dùng ngôi ba “ông ta” để chỉ chính ông. Mặt khác, Môi-se sống trong thế kỷ 13 TTL và chỉ sống có 120 tuổi, trong khi Cựu Ước chỉ được viết từ thế kỷ 9 TTL, vậy bằng cách nào mà Môi-se viết Ngũ Kinh? Tôi đề nghị Mục sư Nguyễn Hữu Ninh hãy đọc ít nhất là cuốn Ai Viết Thánh Kinh? (Who wrote the Bible?, 1987) của Richard Elliott Friedman, và cuốn The Bible Unearthed: Archaelogy’s New Vision of Ancient Israel and The Origin of its Sacred Texts của Israel Filkelstein & Neil Asher Silberman, mới xuất bản năm 2002. Nhưng đề nghị này có vẻ như nước đổ đầu vịt, vì tôi hiểu những người Tin Lành hơn ai hết. Đối với họ thì tam đoạn luận sau đây là khuôn vàng thước ngọc cho mọi “lý luận”:
- Tất cả những gì trong Thánh Kinh đều đúng (Everything in the Bible is true)
- Thánh kinh viết Moses là tác giả của Ngũ Kinh (The Bible says that Moses is the author of the Pentateuch)
- Vậy thì Moses phải là tác giả của Ngũ Kinh (Therefore Moses is the author of the Pentateuch)
Do đó, bài dịch này không có mục đích khai sáng Mục sư Nguyễn Hữu Ninh, những tín đồ Tin Lành (sic) tân tòng Việt Nam như Lê Anh Huy, Huỳnh Thiên Hồng, Huệ Nhật, Khuất Minh, Phan Như Ngọc v..v.. và tất cả những “tôi tớ, tỳ nữ của Chúa” trên Mucsu.net, và cũng không có mục đích giúp họ hiểu biết thêm về cuốn Thánh Kinh Ki Tô Giáo. Nó chỉ có tính cách thông tin xác thực cùng đại chúng mà thôi.
Những tín đồ thuộc loại “tôi tớ Chúa” này thường cho rằng những gì viết trong cái gọi là Thánh Kinh Ki Tô Giáo, gồm Cựu Ước và Tân Ước, đều là những chân lý. Họ cũng còn coi cuốn Thánh Kinh là khuôn vàng thước ngọc cho luân lý đạo đức. Điều hiển nhiên là họ chưa bao giờ đọc kỹ Thánh Kinh, khoan nói đến chuyện đọc với đầu óc suy luận. Cũng vì vậy họ thường hay trích dẫn những câu vặt vãnh lạc lõng trong Thánh Kinh, coi chúng như là những chân lý, để làm luận điểm đối thoại. “Lý luận” thuộc loại “tôi tớ” của họ trong mọi cuộc đối thoại là: “Thánh Kinh viết rằng..”, làm như tất cả những điều trong Thánh Kinh phải được chấp nhận trước khi đối thoại, không hề biết Thánh Kinh chỉ là một sản phẩm man rợ của thời bán khai. Lẽ dĩ nhiên, họ chưa bao biết ai là những người viết Thánh Kinh, chưa bao giờ đọc những tác phẩm nghiên cứu về Thánh Kinh, phân tích Thánh Kinh từng câu từng chữ, và tuyệt đối không bao giờ để ý đến tính cách nhất quán, một tính cách không thể không có (sine qua non) trong một cuốn sách có thể gọi là có phần nào giá trị. Tính cách nhất quán này không hề có trong Thánh Kinh. Do đó, dù có được Thánh Linh hà hơi hay không, cuốn Thánh Kinh cũng chỉ là một sản phẩm hạ đẳng của thời bán khai vì chứa rất nhiều điều độc ác, vô đạo đức, phi luân lý, phản khoa học, phi lôgic, hoang đường v..v.. Chứng minh?
Chỉ cần mở cuốn Thánh Kinh ra và đọc với một đầu óc chưa bị nhiễm độc. Nếu ngại công tìm kiếm những điều trên, có đầy trong thánh Kinh, tôi xin giới thiệu một số tác phẩm trong đó các tác giả đã trích dẫn sẵn những câu, những đoạn trong Thánh Kinh mà lẽ dĩ nhiên các tín đồ Ki Tô Giáo không bao giờ được nghe giảng trong nhà thờ:
- “The X-Rated Bible: An Irreverent Survey of Sex in the Scripture”của Ben Edward Akerley: cuốn sách dày hơn 400 trang, liệt kê những chuyện tình dục dâm ô, loạn luân trong Thánh Kinh.
- “All The Obscenities in the Bible” của Kasmar Gene: cuốn sách dày hơn 500 trang, liệt kê tất cả những chuyện tục tĩu, tàn bạo, giết người, loạn luân v..v.. (Human sacrifice, murder and violence, hatred, sex, incest, child cruelty etc..) trong Thánh Kinh.
- “The Bible Handbook” của W. P. Ball, G.W.Foote, John Bowden, Richard M. Smith et...: Liệt kê những mâu thuẫn (contradictions), vô ngĩa (absurdities), bạo tàn (atrocities) v..v.. trong Thánh Kinh.
- “The Born Again Skeptic’s Guide to the Bible” của Bà Ruth Hurmence Green: Bình luận những chuyện tàn bạo, dâm ô, kỳ thị phái nữ trong Thánh Kinh.
- “One Hundred Contradictions in the Bible” của Marshall J. Gauvin: Liệt kê 100 điều mâu thuẫn trong Thánh Kinh.
- “The Bible Unmasked” của Joseph Lewis: Lột mặt nạ Thánh Kinh, đưa ra những sai lầm trong Thánh Kinh.
- “Christianity Cross-Examined” của William Floyd: Phân tích từng quyển một trong Thánh Kinh.
- “Christianity and Incest” của Annie Imbens & Ineke Jonker: Viết về Ki Tô Giáo và vấn đề loạn luân, những sự kiện về loạn luân và kỳ thị phái nữ bắt nguồn từ Thánh Kinh.
Những tín đồ Tin Lành Việt Nam như Mục sư Nguyễn Hữu Ninh, tân tòng như Lê Anh Huy, Huỳnh Thiên Hồng, Huệ Nhật, Khuất Minh, Phan Như Ngọc v..v.. và tất cả những “tôi tớ, tỳ nữ của Chúa” trên Mucsu.net không bao giờ biết rằng ngay từ đầu thế kỷ 20, giới lãnh đạo Tin Lành Mỹ đã hoang mang lo sợ vì phải đối diện với hai thực tế. Thứ nhất, “Các học giả Âu Châu đã phân tích Thánh Kinh kỹ hơn bao giờ hết, và kết luận của họ là: Thánh Kinh không phải là cuốn sách do Thần Cha mạc khải mà viết ra, như các Ki Tô hữu đã tin, do đó không thể sai lầm. Thật ra, đó頬à, một hợp tuyển lộn xộn những huyền thoại cổ xưa, truyền thuyết, lịch sử, luật lệ, triết lý, bài giảng đạo, thi ca, chuyện giả tưởng, và một số ngụy tạo rất hiển nhiên.” (European scholars were scrutinizing the Bible more closely than ever before. They had concluded that it (the Bible) was not, as Christians had long believed, a book dictated by God and therefore infallibly true. It was, instead, a disorderly anthology of ancient myths, legends, history, law, philosophy, sermons, poems, fiction, and some outright forgeries.). Thứ nhì, chính là những tư tưởng trong thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin. [Xin đọc bài Charles Darwin và Thuyết Tiến Hóa trên trang nhà Giao Điểm]
Cho nên ngày nay, những ai còn nói chuyện mạc khải, hà hơi, hay thẩm quyền của Thánh Kinh, thật ra chỉ là những người còn sống trong bóng tối, lạc hậu ít ra là vài thế kỷ. Bởi vì, thực tế là, Thánh Linh có hà hơi hay không, trong Thánh Kinh (sic) loạn luân vẫn là loạn luân, độc ác vẫn là độc ác, giết người vẫn là giết người, phi lý phản khoa học vẫn là phi lý và phản khoa học v..v...
Quý độc giả đã đọc bài “Những Lời Châu Ngọc Về Ki Tô Giáo” của Robert G. Ingersoll và hẳn đã thấy giá trị của sự hiểu biết, tư tưởng, và cách lập luận của tác giả. Tôi không muốn nhắc lại những lời giới thiệu về Ingersoll nữa. Sau đây là bản dịch bài "Những Lời Châu Ngọc về Thánh Kinh" (Gems Concerning the Holy Bible) của Robert G. Ingersoll trong cuốn "Ingersoll: Con Người Kỳ Diệu" (Ingersoll, the Magnificient), biên tập bởi Joseph Lewis, trg. 59-85. Tôi đã trích dẫn một vài đoạn trong phần đầu của bài này trong chương 5, cuốn “Công Giáo Chính Sử”, Giao Điểm xuất bản 1999, tái bản 2000. Qua bài này, chúng ta sẽ thấy thực chất cuốn Thánh Kinh của Ki Tô Giáo là như thế nào. Xin quý độc giả ghi nhận, tất cả những gì Ingersoll viết đều dựa trên nội dung Thánh Kinh và lịch sử Ki Tô Giáo. Cũng như những bài tôi đã dịch về các chủ đề liên hệ đến Ki Tô Giáo, để tránh bài dịch quá dài, tôi đã lược bớt một số đoạn thuộc triết lý cá nhân của Ingersoll mà tôi cho là đã đi xa đầu đề của bài viết, tuy trong những đoạn này có những tư tưởng rất hay của Ingersoll về nhân chủ và nhân bản. Xin mời quý độc giả thưởng thức một bài viết ở cuối thế kỷ 19 của một danh nhân Hoa Kỳ: Đại Tá, Chưởng Lý bang Illinois, Nhà Tư Tưởng Tự Do, Nhà Nhân Bản Robert G. Ingersoll: Con Người Kỳ Diệu: bài Những Lời Châu Ngọc Về Thánh Kinh, cuốn sách đã được Thiên Chúa của Mục sư Nguyễn Hữu Ninh “hà hơi” vào từng lời. Trong bài dịch này tôi đặc biệt dùng từ Thiên Chúa quen thuộc của người Ki Tô để chỉ một vị Thần của dân Do Thái và để chúng ta thấy rõ thực chất của vị Thần đó trong Thánh Kinh mà Ki Tô Giáo đã đôn làm Thiên Chúa của họ.