Mười điều răn (Xuất hành 20:2–17)
1/ Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.
2/ Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời ghen tương, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.
3/ Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.
4/ Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.
5/ Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.
6/ Ngươi chớ giết người.
7/ Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
8/ Ngươi chớ trộm cướp.
9/ Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.
10/ Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.
Chỉ cần nhìn sơ qua cũng thấy là 4 “lời răn” đầu tiên thật ra chẳng mang giá trị đạo đức gì cả.
Bốn lời răn đầu tiên chỉ là những lời tự tuyên dương của một chúa tể kiêu ngạo và nhỏ nhen. Vị chúa tể nầy chỉ đang tự tôn xưng mình cao cả như thế nào, đòi hỏi chúng dân phải tôn thờ ra sao, cấm cản và hăm dọa họ không được tôn thờ ai khác cả. Vị chúa tể nầy cũng vì muốn để vinh danh cho mình nên bắt buột chúng dân phải ngưng nghỉ mọi công việc một ngày trong mỗi tuần.
Thay vì những lời tuyên xưng tự cao tự kỷ trên, nếu Chúa Trời răn dạy về các nhân tính thiện mỹ khác thí dụ như lòng vị tha không thù hằn oán giận, tính quảng đại không chấp nhất những chuyện nhỏ nhặt, phải đối xử công bằng với mọi người bất kể giới tính hay chủng tộc hay tín ngưỡng của họ, phải tôn trọng nhân quyền và sự tự do của người khác, v.v. thì có lẽ có ích lợi hơn.
Tuy vậy, điều nầy cũng không có gì đáng ngạc nhiên lắm vì Chúa Trời đã cho thấy là hình như Ngài không biết gì mấy về các ý niệm vừa kể trên. Trong suốt Kinh Thánh có gần như liên tục những mẩu chuyện trái ngược hẳn với các tiêu chuẩn thiện mỹ trên mà vẫn được Chúa Trời trực tiếp hay gián tiếp khuyến khích và chấp thuận.
Lời răn thứ 5 dạy bảo chúng dân phải hiếu kính với cha mẹ, tuy nhiên chỉ vì "hầu cho" được Chúa Trời cho sống lâu.
Đây là một lời răn dạy dựa trên sự ích kỷ: làm một điều có vẻ là tốt lành cho người khác nhưng thật ra chỉ để mang lợi đến cho chính mình. Nếu lời răn nầy dạy rằng nên hiếu kính với cha mẹ là vì muốn đền ơn cha mẹ đã thương yêu nuôi dưỡng mình nên người, hoặc vì đây là một điều cao đẹp theo nhân tính con người thì có lẽ sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.
Có thể đây là quy tắc hành sử của xã hội Trung Đông vào 2000 năm về trước: muốn chiêu dụ người khác làm điều gì thì cần phải hứa hẹn lợi lộc cho họ. Phương cách và tư tưởng nầy được thấy vô số lần trong suốt Kinh Thánh. Nếu thật sự một Thượng Đế có những tư tưởng và quy tắc hành sử dưới dạng nầy thì giá trị đạo đức của Ngài thật là thấp kém.
Lời răn thứ 6 cấm giết người, và không kèm theo bất cứ điều kiện ngoại lệ nào.
Nếu đây là một lời cấm tuyệt đối: tuyệt đối không được giết người dưới bất cứ giá nào, trong bất cứ trường hợp nào thì đây là một lời răn không thực tế và không thể thực hành được trong cuộc sống hàng ngày xưa lẫn nay. Đó là vì trong vô số trường hợp trên đời, vì tự vệ cho chính bản thân hay cho thân nhân, gia đình, tổ quốc, v.v. người ta cần phải giết người. Có khi không phải vì tự vệ trực tiếp mà chỉ vì cần phải ngăn ngừa một mối nguy hại to lớn sẽ xảy ra hay cần phải bảo vệ một sự an toàn quan trọng trong tương lai mà người ta phải giết người.
Trong Kinh Thánh có vô số các thí dụ mà chính Chúa Trời cũng giết người vì những lý do rất nhỏ nhen không đáng kể. Trong Kinh Thánh cũng có vô số lời răn dạy của Chúa Trời đòi hỏi tín đồ phải làm điều nầy. Hầu như tất cả các lý do "chính đáng" để giết người trong Kinh Thánh đều tựu trung vào việc thỏa măn cơn thịnh nộ của Chúa Trời vì chúng dân không tôn vinh, không tùng phục và không tuân lời Ngài. Chúa Trời chẳng những sát nhân và cổ động việc sát nhân mà còn áp dụng những phương pháp sát nhân dã man nhất để tra tấn, để gây đau đớn dai dẳng lên thể xác và làm khủng hoảng tận kiệt tinh thần của nạn nhân.
Nếu đây không là một lời cấm tuyệt đối thì Chúa Trời dường như không có khái niệm gì về việc răn dạy người khác. Một lời răn dạy quan trọng từ Đấng Tối Cao mà không đầy đủ và có thể đưa đến những hiểu lầm như vậy có thể gây ra bao nhiêu sự tranh cãi hay giết chóc không cần thiết. Một Đấng Thượng Đế không thể nào có những sai lầm thiếu sót như vậy. Điều nầy làm cho một độc giả ngoại cuộc không khỏi suy luận rằng Kinh Thánh chỉ có thể là một tác phẩm của con người viết ra mà thôi.
Hơn nữa, lời ngăn cấm nầy không kèm theo một hậu quả gì cả nếu tín đồ phạm phải. Trong tất cả các lời răn khác về tôn kính, tùng phục Thiên Chúa thì Kinh Thánh hầu như luôn luôn kèm theo những hình phạt ghê gớm nhất để tín đồ sợ hãi mà không vi phạm. Phải chăng điều nầy cho thấy rằng việc tôn kính, tùng phục Thiên Chúa được Kinh Thánh xem là có giá trị đạo đức quan trọng hơn việc ngăn ngừa tín đồ giết hại người khác?
Lời răn thứ 7 cấm không được tà dâm. Một lần nữa, lời răn nầy không được định nghĩa rõ ràng gì cả.
Chữ "dâm" ở đây có lẽ là tất cả những gì liên quan đến tình dục của con người. Tuy vậy, chữ "tà" là một tỉnh từ rất tương đối. Nhiều tư tưởng và hành động được coi là "tà" bởi một nhóm người vẫn có thể được coi là "chánh" bởi các nhóm người khác. Tùy thời gian và hoàn cảnh xã hội mà ý niệm “chánh” và “tà” thay đổi khác nhau.
Ngay chính trong Kinh Thánh có rất nhiều câu chuyện liên quan về tình dục nếu xảy ra ở xã hội hiện tại thì chỉ có thể được xem là gian tà, ác độc. Những thí dụ nổi bật nhất là các câu chuyện loạn luân giữa anh chị em, chuyện con gái phục rượu để giao cấu với cha, chuyện anh cưỡng hiếp em gái, v.v. trong Sáng Thế Ký, Du Hành và Sa Mu En. Trong những câu chuyện nầy, Thiên Chúa có vẻ khuyến khích, đồng lòng hay ít nhất là không trừng phạt gì cả những kẻ phạm tội. Quan niệm “tà dâm” và “chính dâm” của Thiên Chúa trong Kinh Thánh không tương đồng với tiêu chuẩn đạo đức ngày nay.
Do đó tương tự như lời răn trước về “cấm giết người”, lời răn về “tà dâm” nầy không có giá trị thực tế và có ích lợi cho tín đồ trong xã hội hiện tại. Điều nầy cũng cho thấy giá trị của Kinh Thánh không trường cửu với thời gian như nhiều tín đồ nghĩ.
Lời răn thứ 8 cấm trộm cướp. Lời răn thứ 10 cấm tham lam tài sản và vợ của người khác.
Một trong hai lời răn nầy thật ra dư thừa. Một người trộm cướp thì chỉ vì họ tham lam tài sản của người khác. Nếu cấm được họ đừng tham lam rồi thì cần gì phải cấm họ không được trộm cướp nữa? Và nếu đã cấm được người ta trộm cướp lẫn nhau rồi thì tại sao còn lo lắng về việc họ tham lam nữa?
Sự vụng về nầy là một trong vô số các vụng về khác trong Kinh Thánh đưa đến một nghi ngờ nghiêm trọng là làm sao đây có thể là những lời răn của một Thượng Đế toàn năng và sáng suốt được?
Lời răn thứ 10 còn cho thấy một tư tưởng trọng nam khinh nữ rõ rệt của Thiên Chúa (nếu Thiên Chúa có thật và nếu đây là lời răn của Ngài). Nếu Thiên Chúa chỉ cấm đừng “tham vợ người” thì có phải là Thiên Chúa đồng ý cho phép được “tham chồng người”? Hay đây chỉ là phản ảnh cách suy nghĩ và hoàn cảnh xã hội Trung Đông ở 2000 năm về trước khi mà người đàn bà bị lệ thuộc và được xem là một tài sản của đàn ông?
Lời răn thứ 10 cũng cho thấy một tư tưởng dung dưỡng sự bất công trong xã hội khi xếp hạng tôi tớ ngang hàng với gia súc trong nhà. Đây không phải là một sự ngạc nhiên vì trong suốt Kinh Thánh, Thiên Chúa đã khuyến khích và dung dưỡng chế độ nô lệ cũng như xem việc một con người vì hoàn cảnh có thể trở thành vật sở hữu của một con người khác là một điều tự nhiên thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.
Lời răn thứ 9 cấm không được làm chứng dối.
Điều cần nhận thấy ở đây là lời răn nầy không cấm nói dối mà chỉ cấm không được làm chứng dối. Ai cũng có thể thấy rằng việc “làm chứng dối” chỉ là một trường hợp nhỏ trong lãnh vực “nói dối” mà thôi. Có thể vì lý do gì đó mà trong hoàn cảnh xã hội ở Trung Đông 2000 năm về trước thì việc “làm chứng dối” được xem là rất quan trọng cho nên nó được đề cập đến trong 10 điều răn của Chúa Trời. Tuy vậy, Chúa Trời có vẻ không quan tâm mấy đến việc “nói dối”.
Hơn nữa, lời răn nầy lại cũng không kèm theo điều kiện gì cả. Lời răn nầy có vẻ nói rằng Chúa Trời cấm tuyệt đối việc làm chứng dối bất cứ trong trường hợp nào. Tuy vậy trong rất nhiều trường hợp trên đời, vì tự vệ cho chính bản thân hay cho thân nhân, gia đình, tổ quốc, v.v. người ta cần phải làm chứng dối, hay nói dối. Do đó tương tự như lời răn “cấm giết người” đã bàn luận ở trên, đây là một lời răn không thực tế và không thể thực hành được trong cuộc sống hàng ngày xưa lẫn nay.
Nói tóm lại, 10 lời răn mà Thượng Đế đã đặc biệt lưu tâm đến nhất và đã cẩn thận truyền dạy cho loài người không có giá trị gì mấy trong cuộc sống hàng ngày trong xã hội hiện tại. Những thiếu sót, vụng về, mâu thuẩn và phản đạo đức nằm trong 10 điều răn chỉ là những thí dụ tiêu biểu của vô số các thí dụ khác trong Kinh Thánh cho thấy Thượng Đế không phải nhân từ hay sáng suốt hay toàn năng như tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định.
Người ngoại đạo đọc qua 10 điều răn rồi không khỏi nghi ngờ rằng giả dụ như có một Thượng Đế như vậy đi nữa thì các điều răn nầy, và tất cả mọi thứ khác trong Kinh Thánh, chỉ có thể là một sản phẩm của những nhóm dân du mục Trung Đông kém cỏi về kiến thức văn hóa và nhân cách chớ không thể nào đến từ Thượng Đế đó.
Hoặc rằng ngay cả Đấng Thượng Đế đó cũng chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của nhóm người trên?