Có lẽ không ai phủ nhận điều nầy:
- Nếu một người đã sinh ra và lớn lên ở Cam Bốt, được cha mẹ cho ăn mắm bò hóc từ nhỏ, hầu như chắc chắn họ cho rằng mắm bò hóc có mùi vị thơm ngon đậm đà tuyệt diệu.
- Nếu cũng người nầy nhưng đã sinh ra và lớn lên ở Đức, được cha mẹ cho ăn phô-mai Limburger từ nhỏ, hầu như chắc chắn họ sẽ cho rằng phô-mai Limburger có mùi vị thơm ngon đậm đà tuyệt diệu.
Đó là vì cái mùi vị và quan niệm trong đầu của một người về mắm bò hóc và phô-mai Limburger được phát sinh và tùy thuộc vào những gì cha mẹ họ huấn luyện họ từ khi bé thơ. Một người ở Cam Bốt thường sẽ thấy phô-mai Limburger là hôi thúi, một người ở Đức thường cho rằng mắm bò hóc là ghê tởm.
Tương tự cho vô số các thí dụ khác về quan niệm hay dở, đẹp xấu, sai đúng của mỗi người. Đại đa số những gì đuợc huấn luyện khi bé thơ sẽ trở thành nền tảng tư duy và tâm thức suốt đời của mỗi người.
Tương tự:
- Một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ trong một gia đình Thiên Chúa giáo thì hầu như chắc chắn lớn lên họ cho rằng Chúa Trời là Thượng Đế Toàn Năng Vô Biên.
- Cũng người nầy nhưng nếu đã sinh ra và lớn lên ở Pakistan thì hầu như chắc chắn lớn lên họ cho rằng Alah là Thượng Đế Toàn Năng Vô Biên.
Không khác gì mắm bò hóc và phô-mai Limburger.
Nếu như vậy thì không phải rằng cái gọi là “Thượng Đế” của mỗi người là gì, là ai chỉ tùy vào họ đã sinh ra và lớn lên trong gia đình và xã hội nào hay sao?
Và nếu như vậy thì không phải rằng Chúa Trời hay Alah (hay Phạm Thiên, Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Cửu Thiên Huyền Nữ, Ngọc Hoàng Thượng Đế, v.v.) không còn có một giá trị tuyệt đối nữa hay sao?
Vấn đề là khi đứng trước câu hỏi trên thì rất khó có thể phủ nhận được rằng mỗi đấng thiêng liêng trong các tôn giáo chỉ là sản phẩm truyền thống của mỗi địa phương khác nhau. Tùy một tín đồ sinh ra và lớn lên trong gia đình và xã hội nào thì Thượng Đế của họ sẽ cũng là Thượng Đế của gia đình và xã hội ấy.
Có một nhận xét cần nêu lên ở đây: những đấng thiêng liêng của mỗi dân tộc đều mang chủng tộc và y phục trùng hợp với chủng tộc và y phục của dân tộc đó. Quan Thế Âm Bồ Tát được diễn tả là một người đàn bà Á Đông mặc y phục của đông phương thời xưa. Thượng đế (và Giê-su) của Thiên Chúa giáo được diễn tả là những người mang y phục của xã hội Trung Đông thời xưa. Một điều lý thú cần thấy là sau khi Thiên Chúa giáo được quảng bá nhiều thế kỷ ở tây phương, Giê-su đã biến thành một người đàn ông với nhân dạng tốt đẹp tiêu biểu trong cái nhìn tây phương: tóc vàng, mắt xanh, dáng vóc cân đối. Còn trong nhiều trường hợp khác thì Giê-su cũng được diễn tả như một người da đen (trong nhiều xứ Phi châu) hay một người có diện mạo Á châu (thí dụ như trong một số thánh đường ở Phi Luật Tân Tân hay ở Ba Tây).
Điều trên cho thấy sự thành hình của mỗi thượng đế chỉ là tùy theo nhu cầu và thị hiếu của mỗi dân tộc. Nói cách khác, mỗi dân tộc sản xuất ra các thần linh và thượng đế cho họ; và vì mỗi dân tộc đều có các đặc thù và nhu cầu khác nhau nên những sản phẩm tâm linh nầy cũng đều khác biệt nhau từ tính chất đến hình dạng.
Và vấn đề tôi muốn nói ở đây là khi Chúa Trời, Alah, Phật A Di Đà, Cửu Thiên Huyền Nữ, v.v. không có một giá trị tuyệt đối thì các đấng thiêng liêng nầy cũng không còn có giá trị mấy nữa.
Có những người sẽ biện hộ rằng “Nhưng Thượng Đế nào cũng giống nhau, chỉ có tên xưng và hình thức là khác nhau mà thôi”.
Nhưng đó chỉ là một cách ngụy biện vì nói như vậy thì không khác gì cho rằng “Mắm bò hóc và phô-mai Limburger chỉ khác nhau ở tên hiệu và hình thức mà thôi, chúng đều cùng thơm ngon tuyệt diệu giống nhau đối với mọi người”.
Hãy thử tưởng tượng mỗi tôn giáo là một căn nhà.
Trong mỗi căn nhà có một đấng thiêng liêng là chủ tể của căn nhà đó. Trong căn nhà Thiên Chúa Giáo, Chúa Trời tuyên bố “Ta là Chủ Tể của Tất Cả” và mọi người trong nhà đều răm rắp tin theo. Trong căn nhà Hồi Giáo có Alah, trong căn nhà Ấn Độ Giáo có Phạm Thiên, v.v. và mỗi đấng thần linh tối cao nầy đều tuyên bố rằng họ là chủ tể của vũ trụ.
Nếu bây giờ mọi người cùng bước ra khỏi căn nhà của mình để đứng chung trong một sân rộng.
Chúng ta sẽ thấy gì?
Chúng ta sẽ thấy hàng ngàn các “đấng tối cao” xưa nay kể cả Chúa Trời, Jehovah, Alah, Phạm Thiên, Zeus, Phật A Di Đà, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Cao Đài Tiên Ông, v.v. lẫn cả những thần linh đã từng vang bóng một thời trong các tôn giáo cổ của La Mã, Hy Lạp, Ai Cập, Mễ Tây Cơ, v.v. đứng chen chúc nhau tuyên bố rằng “Ta là Chủ Tể của Tất Cả”.
Cảnh tượng đó có thể làm vài tín đồ suy định lại về giá trị thật sự của “đấng tối cao” của họ.