Nhân chuyện ở một nơi nọ, giáo hội đang rầm rộ họp bàn, tập huấn để giúp giáo dân của mình đấu tranh phản đối các khoản thu phí trong nông nghiệp và các khoản thu trong các trường học, thiết nghĩ trong xã hội một tổ chức nào đó muốn hoạt động và tồn tại được thì ít nhất phải có kinh phí mà phần lớn lấy từ nguồn đóng góp của các hội viên nhằm trang trải các chi phí trong quá trình hoạt động. Có lẽ trong thực tế không có hội đoàn hay tổ chức nào mà hoạt động không cần kinh phí và hội viên khi tham gia không phải đóng một khoản phí nào bởi người ta không thể chỉ ngồi nhìn nhau ngày này qua ngày khác mà hội đoàn hay tổ chức vẫn tồn tại và phát triển được. Tổ chức tôn giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó!
Nếu bạn là một giáo dân, chắc hẳn bạn đã từng “đóng góp tự nguyện” cho giáo hội để phục vụ các hoạt động, lễ nghi tôn giáo mà tiêu biểu hơn cả là những khoản đóng góp để xây dựng nhà thờ và các công trình tôn giáo khác. Ở những xứ mà giáo dân có điều kiện kinh tế, các hộ gia đình sẽ đóng góp tiền theo tinh thần “tự nguyện” từ vài trăm cho đến vài triệu, vài chục triệu. Ở những xứ nghèo, người dân còn khó khăn về kinh tế thì giáo dân “tự nguyện” đóng góp công sức, tức là bắt tay vào làm nhân công, dùng ngày công để đóng góp. Một ngôi nhà thờ xây dựng không chỉ ngày một ngày hai mà là vài năm, giáo dân hầu như quanh năm ngoài đi làm ruộng thì cũng chỉ đi làm nhà thờ, không làm gì khác để cải thiện đời sống kinh tế của mình.
Hiện nay, hầu như linh mục nào cũng phải tiến hành xây dựng một thứ gì đó tại địa bàn mình đang phụ trách, nếu không phải là nhà thờ thì là nhà phòng, nhà giáo lý, tượng đài, khuôn viên… nếu xứ nào đầy đủ các công trình phục vụ sinh hoạt rồi thì sẽ tiến hành quy hoạch lại, hoặc xây lại do “xuống cấp”…nói chung là rất nhiều lý do được đưa ra. Có nhiều giáo dân, kể cả linh mục cũng phải thốt lên rằng tại sao ở Việt Nam lại ít nhà thờ cũ đến thế. Cũng có người nói vui rằng: tôn giáo nay cũng bị xã hội hoá rồi, chỉ cần giám định xuống cấp…LÀ ĐÚNG QUY TRÌNH!
Cố linh mục Matthêu Lê Minh Châu từng nói: “Khi 1 Cha sở mới nhận chức thì điều đầu tiên sẽ là đập bỏ tất cả cái cũ để làm lại cái mới của mình!”
Chuyện ở giáo xứ G.L ở Bùi Chu ồn ào mấy năm trước. Linh mục quản xứ muốn dỡ nhà thờ cũ đi để làm nhà thờ mới to đẹp hơn với lý do nhà thờ đã hơn 100 tuổi rồi nguy cơ sụp đổ nguy hiểm đến tính mạng giáo dân. Vì vậy, ông cho đóng cửa nhà thờ và làm nhà bạt tạm để dâng lễ. Giáo dân không chịu vì tiếc nhà thờ cổ kính. Họ đi mời các chuyên gia xây dựng, kiến trúc về thẩm định. Kết quả cho biết nhà thờ vẫn kiên cố lắm. Vậy là giáo dân làm đơn xin trả linh mục cho Tòa Giám mục. Tòa Giám mục phải đổi linh mục mới về. Bây giờ ngôi nhà thờ may mắn vẫn tồn tại. Tâm lý thích xây nhà thờ hoành tráng không chỉ ở một số giáo sĩ mà cả ở giáo dân nữa. Một linh mục ở giáo phận miền Tây Nguyên chia sẻ, có họ đạo có 70 gia đình di cư, họ cứ đòi xây nhà thờ to dự trù lên tới hơn chục tỷ đồng. linh mục can ngăn vì dân ít chịu sao nổi. Họ bảo, chúng con xây để con cháu 100 năm nữa cũng vẫn đủ chỗ.
Tại sao các vị linh mục lại “nhiệt tình” trong việc xây dựng đến vậy? Mỗi khi xây dựng một công trình nào đó, ngoài huy động tiền bạc và công sức của giáo dân, các vị linh mục phải chạy vạy khắp nơi để xin tiền, khổ vậy sao vẫn làm, vì giáo dân ư? Phải chăng chỉ là cái lý do hợp tình hợp lý để “rút tiền” từ đàn chiên rồi mưu lợi cho cá nhân để tiêu xài, tậu xe sang, hưởng thụ…hay là chạy theo bệnh thành tích, phô trương trong giáo hội khi mà nhắc đến công lao của một linh mục người ta thường chỉ nhắc đến thành quả của vị linh mục đó sau bao năm làm linh mục là xây dựng được bao nhiêu nhà thờ, bao nhiêu công trình cho giáo hội…
Linh mục Laurenso Phạm Hân Quynh đã từng nói: mấy ông Cha lúc nào cũng nhăm nhe xây dựng nhà thờ to, nhà xứ to… mà quên đi là sứ vụ của mình là truyền giáo thì là vất đi.
Trong lúc đời sống của giáo dân 03 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình còn đang gặp nhiều khó khăn, vất vả do sự cố môi trường biển miền Trung và nhất là 2 trận lũ lụt lịch sử liên tiếp vào năm 2016. Có một vị Giám mục vẫn tiến hành khởi công xây dựng Tòa Giám mục mới với lý do đơn giản là “không thể đáp ứng đủ nhu cầu mục vụ” chứ không theo đúng quy trình là: “xuống cấp trầm trọng” hay “không đảm bảo an toàn”…. Và lẽ dĩ nhiên, tiền xây dựng đều là tiền ủng hộ, quyên góp của giáo dân. Trong khi đó ông ta lại sốt sắng và sẵn sàng chống đối chính quyền để đòi tiền đền bù sự cố Formosa cho giáo dân, mới đây lại chỉ đạo Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận tổ chức tập huấn cho các giáo xứ, giáo hạt trong địa phận về việc đấu tranh phản đối các khoản thu trong nông nghiệp và trong các trường học. Có lẽ mục đích của vị Giám mục này là giúp dân tiết kiệm được một khoản tiền kha khá để để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Tòa Giám mục. Nhìn qua thì có vẻ không liên quan lắm nhưng thực tế là chỉ khi giáo dân rủng rỉnh tiền thì các vị mới có tiền ủng hộ được.
Có lẽ người ta không lo xây đền thờ Chúa trong lòng mà thích phô trương ở ngoài hơn. Hình như họ không biết đến sự đóng góp quá mức của giáo dân hiện nay ngoài các khoản cho xã hội lại thêm hàng ngày hết tốp này đến tốp khác trình giấy giới thiệu của cha nọ, xứ kia để xin xây nhà thờ và có người cũng đã xin ra khỏi đạo để đỡ bị làm phiền quyên góp. Buồn cười thay, vẫn có những vị linh mục đứng lên giúp giáo dân đấu tranh phản đối việc thu các khoản phí đôi ba chục nghìn ở nông thôn, nhưng vẫn nghĩ ra đủ thứ công trình để xây dưng mặc dù chưa cần thiết rồi huy động giáo dân đóng góp công sức và tiền của, đó là chưa kể đến việc phải đóng góp các khoản “tự nguyện” để phục vụ lễ và đủ thứ hội đoàn hoạt động, giáo dân xin lễ thì cứ vẫn cứ thu tiền đều tay…
Hồi Giám mục F.x Nguyễn Văn Sang xây nhà thờ chính tòa Thái Bình. Ông kể rằng, qua Hoa Kỳ kêu gọi rồi ngửa mũ Giám mục đứng ở giữa nhà thờ nhưng chẳng ai cho xu nào. Họ nói: bên này chúng con dùng thẻ, không có tiền mặt. Hơn nữa, nếu Đức cha có dự án thì phải thông báo trước nhưng chúng con chỉ ủng hộ cho các dự án nhân đạo chứ không ủng hộ việc xây nhà thờ. Tại sao thế? Vì bên Mỹ cũng như châu Âu, tháng nào chẳng có chuyện rao bán nhà thờ bởi dân đi lễ ít lắm nên không có tiền tu sửa, bảo trì bị cảnh sát lập biên bản bắt đóng cửa và phạt tiền rất nặng nên thà bán đi còn hơn bị phạt mà “mua áo bán giẻ” thì xây làm gì? Chuyện bên Âu- Mỹ, đi đạo nào phải đóng thuế cho đạo ấy thì có lâu rồi mà thuế cũng cao lắm từ 4-6% thu nhập (riêng Tin Lành là 10% ). Nhưng lương giáo sư, ca sĩ, vận động viên của họ rất cao tới mấy trăm ngàn đô la nên nộp 4-6% cũng xót của lắm thành ra năm 2011, ở Đức có 126.488 giáo dân xin ra khỏi đạo Công giáo. Năm 2012 có 181.000 nộp đơn xin ra. Lý do chính là để khỏi phải nộp thuế cho nhà thờ thôi.
Suy cho cùng, sức chiên cũng có hạn, không thể để các ngài ”vặt lông chiên” mãi được.