Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Bạn có nên tin thuyết Chúa Ba Ngôi?

Hơn hai tỉ người cho rằng họ là môn đồ đạo Đấng Ki-tô. Hầu hết họ thuộc giáo hội dạy về Chúa Ba Ngôi—giáo lý cho rằng Cha, Con và thần khí (Thánh thần) cùng là Đức Chúa Trời. Làm thế nào thuyết Chúa Ba Ngôi trở thành giáo lý chính thức? Quan trọng hơn, sự dạy dỗ này có phù hợp với Kinh Thánh không?
Kinh Thánh hoàn tất vào năm 98 công nguyên (CN). Hơn hai thế kỷ sau, vào năm 325 CN, những dạy dỗ dẫn đến thuyết Chúa Ba Ngôi bắt đầu được hình thành chính thức tại công đồng trong thành phố Nicaea ở Tiểu Á (hiện nay là Iznik, Thổ Nhĩ Kỳ). Tân bách khoa từ điển Công giáo (New Catholic Encyclopedia) cho biết tín điều này do Công đồng Nicaea đề ra định nghĩa chính thức đầu tiên của Chính Thống Giáo đạo Đấng Ki-tô, gồm định nghĩa về Thiên Chúa và Đấng Ki-tô. Nhưng, tại sao nhiều thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Kinh Thánh hoàn tất, người ta nghĩ rằng cần định nghĩa về Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô? Có phải Kinh Thánh không nói rõ về các đề tài quan trọng này không?

CÓ PHẢI CHÚA GIÊ SU LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI?

Khi hoàng đế Constantine là nhà cai trị duy nhất trong đế quốc La Mã, những người tự nhận theo Đấng Ki-tô có sự bất đồng về mối tương quan giữa Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô. Có phải Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời? Hoặc ngài được Đức Chúa Trời tạo ra? Để giải quyết vấn đề này, Constantine triệu tập giới chức sắc giáo hội đến Nicaea, không phải để tìm hiểu sự thật, nhưng vì không muốn tôn giáo gây chia rẽ đế quốc ông.
“Đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha”.—1 Cô-rinh-tô 8:6, Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Constantine đề nghị các giám mục, có lẽ gồm hàng trăm người, nhất trí đưa ra một quyết định, nhưng yêu cầu của ông không có kết quả. Rồi ông đề nghị công đồng chấp nhận ý niệm mơ hồ là Chúa Giê-su “đồng bản thể” (Hy Lạp: homoousios) với Cha. Cụm từ triết học Hy Lạp này không có trong Kinh Thánh, dùng làm nền tảng cho giáo lý Chúa Ba Ngôi, mà sau này được đưa vào các tín điều của giáo hội. Thật vậy, đến cuối thế kỷ thứ tư, thuyết Chúa Ba Ngôi đã trở thành tín điều chính thức của giáo hội, kể cả điều họ gọi phần thứ ba của Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Thánh thần.

TẠI SAO BẠN NÊN QUAN TÂM?

Chúa Giê-su nói: “Những người thờ phượng chân chính sẽ thờ phượng Cha theo đúng sự thật” (Giăng 4:23). Sự thật ấy được ghi trong Kinh Thánh (Giăng 17:17). Kinh Thánh có dạy rằng Cha, Con và thần khí là ba ngôi trong một Đức Chúa Trời không?
Thứ nhất, Kinh Thánh không đề cập đến từ “Chúa Ba Ngôi”.  Thứ hai, Chúa Giê-su không bao giờ cho rằng ngài ngang hàng với Đức Chúa Trời. Thay vì thế, Chúa Giê-su thờ phượng Đức Chúa Trời (Lu-ca 22:41-44). Điều thứ ba liên quan đến mối quan hệ của Chúa Giê-su với các môn đồ. Ngay cả sau khi được sống lại và trở thành thần linh, Chúa Giê-su gọi các môn đồ là “anh em tôi” (Ma-thi-ơ 28:10). Có phải họ là anh em của Đức Chúa Trời Toàn Năng không? Dĩ nhiên không! Nhưng qua việc đặt đức tin nơi Đấng Ki-tô, Con Đầu Lòng của Đức Chúa Trời, họ cũng trở thành các con trai của Cha (Ga-la-ti 3:26). Hãy so sánh thêm một số câu Kinh Thánh sau đây với lời tuyên bố trong tín điều do Công đồng Nicaea đề ra.
Tín điều của Công đồng Nicaea:
“Chúng tôi tin kính... một Chúa Giê-su Ki-tô... là bản thể của Đức Chúa Cha, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”.
Điều Kinh Thánh nói:
  • “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy [Chúa Giê-su]”.—Giăng 14:28. *
  • “Thầy [Chúa Giê-su] lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.—Giăng 20:17.
  • “Đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha”.—1 Cô-rinh-tô 8:6.
  • “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô”.—1 Phi-e-rơ 1:3.
  • “Đây là lời của Đấng A-men [Chúa Giê-su]... là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng”.—Khải huyền 3:14. *