Thay vì một Ngày Cầu nguyện Quốc gia, những người ngoan cố tiếp tục tin vào vị thần trong Kinh thánh nên tuyên bố một Ngày Toàn quốc Nghe Chúa Nguyền Rủa. Thần của họ đã tạo ra virus và sẽ không làm gì để ngăn chặn nó.
Logic rất đơn giản. Thần của Kitô giáo hứa sẽ đáp lại những lời cầu nguyện. Những lời cầu nguyện cho vị thần này không được trả lời. Do đó, thần Kitô không tồn tại.
Ngay lúc này đây, hàng triệu Kitô hữu đang yêu cầu thần của họ đánh bại virus corona và chữa lành bệnh cho những ai bị nhiễm. Những lời cầu nguyện không hề hiệu quả.
Không chỉ đối với virus corona, tất nhiên. Chúng ta có thể lấy ví dụ về trận động đất kinh hoàng ở Lisbon năm 1755 mà Voltaire gọi là "điệu nhảy kinh tởm của thần chết" còn nhà hùng biện thế kỷ 19 Robert Ingersoll đã kết luận rằng sự kiện đó đã phủ nhận sự tồn tại của Chúa. Hoặc dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, đã lấy đi mạng sống ông cố của tôi. Hoặc vụ tấn công khủng bố năm 2001 khiến Richard Dawkins phải thốt lên: Sự tôn trọng của tôi đối với các tôn giáo Áp-ra-ham đã bay theo làn khói và đám bụi mù ngày 11 tháng 9.
Lịch sử có đầy rẫy các ví dụ, nhưng chúng ta chỉ cần một. Một mình virus SARS-CoV-2 là đã đủ độc lực để giết chết thần của Kito giáo.
Chúa Kitô hứa gì?
Vị thần của Kito giáo đưa ra lời cam kết rõ ràng như pha lê: "Ta sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của con người."
Chúa Jesus đã mạnh dạn tuyên bố: "Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được." (Matthew 21:22) Không có sự mơ hồ ở đây. Tất cả mọi thứ. Ông ta thậm chí còn nói rõ: anh em có bảo núi này: "Dời chỗ đi, nhào xuống biển! ", thì sự việc sẽ xảy ra như thế.
Chúa Jesus, người đã nói rằng "ta và cha ta là một", đã xác nhận điều này trong nhiều đoạn khác:
Vì thế, Thầy nói với anh em: "tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý" - Mark 11:24
"Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho" - Matthew 18:19
"Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho" - Matthew 7: 7-8
"Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: Dời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý" - Mark 11:22-23
"Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó" - John 14:12-14
"Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý" - John 15:7
"Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em" - John 15:16
"Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?" - Matthew 7:11
"Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn" - John 16:23-24
Các tác giả Tân Ước khác cũng nhất trí như vậy:
"Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người" - 1 John 3:22
"Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người" - 1 John 5: 14-15
"Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy…" - Gia-cô-bê 5: 14
Một lời hứa tương tự cũng có trong Cựu Ước: "Hãy lấy CHÚA làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng" (Thánh vịnh 37: 4)
Lời tuyên bố này là không thể chối bỏ. Vị thần Kito giáo toàn năng và toàn bi hứa hẹn sẽ đáp lời cho tất cả những ai mong muốn bất kỳ thứ gì, miễn là họ cầu nguyện xin xỏ. Nếu bạn là một tín đồ Kito giáo ngoan đạo, thì "bạn sẽ nhận được", "điều đó sẽ là của bạn", "sẽ được làm cho bạn", v.v.
Không có lời hứa nào còn có thể vững chắc hơn trong kinh thánh.
Vị thần Kito giáo thề sẽ trả lời cầu nguyện không phải cái kiểu "Ừ, À Không, hoặc Đợi ta một chút", như một số người chuyên nghề biện giải cho Chúa tuyên bố. Ông ta hứa hẹn rõ ràng: CHẮN CHẮN THẾ.
Chúa có trả lời cầu nguyện không?
Vô số Kitô hữu đã cầu nguyện sốt sắng. Các tu sỹ dòng Tên đã hỏi Chúa Jesus “Hãy chữa lành những ai bị nhiễm virus.” Tổ chức cứu trợ Kitô giáo World Vision đang khẩn cầu Thiên Chúa toàn năng "hãy giữ cho loại virus corona mới này đừng tiếp tục lây lan". Những người theo phái Baptist miền Nam đang cầu xin "Chúa ơi, ngài là vị Thầy thuốc vĩ đại, vì vậy chúng con cầu xin Chúa chữa lành cho các nạn nhân của COVID-19". Cố vấn tâm linh của Tổng thống Trump, Paula White, nói "Tôi tin nếu chúng ta kêu gọi Thiên Chúa toàn năng can thiệp một cách thần thánh giống như Ngài đã làm rất nhiều lần, thì bệnh dịch có thể chấm dứt".
Vậy tại sao hàng ngàn người tiếp tục gục ngã trước virus corona? Những cái chết bi thảm bao gồm các tín đồ sùng đạo, cũng như các mục sư, linh mục và giám mục. Họ đang cầu xin Chúa bảo vệ, nhưng con virus thô lỗ, không tôn trọng con người, đang liều lĩnh rình rập khắp hành tinh và chả quan tâm gì về niềm tin của họ.
Đến giữa tháng 3, Tổng thống Trump cuối cùng đã nhận ra rằng đại dịch là một vấn đề. Số người chết COVID-19 ở Hoa Kỳ đang nhích lên tới 100. Vì vậy, ông tuyên bố (bằng tweet) một ngày toàn quốc cầu nguyện để "trông chờ được Chúa bảo vệ".
"Đây là vinh dự lớn của tôi khi tuyên bố Chủ nhật, ngày 15 tháng 3 là Ngày Toàn Quốc Cầu Nguyện. Suốt lịch sử của mình, đất nước chúng ta đã luôn trông chờ Chúa ban cho sự bảo vệ và sức mạnh trong những lúc như thế này. . . Bất kể bạn ở đâu, tôi khuyến khích bạn cầu nguyện trong đức tin. Cùng nhau, chúng ta sẽ dễ dàng CHIẾN THẮNG!"
Lời tuyên bố của Trump, cũng là lời cầu nguyện "cho bàn tay chữa lành của Chúa được đặt lên người dân của đất nước chúng ta. . . . Vì với Chúa, không gì là không thể."
Rồi chuyện gì đã xảy ra?
Nếu bạn nhìn vào biểu đồ, bạn có thể thấy rằng tỷ lệ tử vong từ COVID-19 đã tăng vọt sau đó.
Một tháng sau đã có hơn 30.000 người chết. Một tuần sau đó, là gần 50.000. Thống kê đáng buồn hẳn sẽ lớn hơn khi bạn đọc điều này. Các gia đình theo Kitô giáo cũng không thoát. Cầu nguyện không làm nên trò trống gì. Trên thực tế, sự miễn cưỡng của một số mục sư khi phải đóng cửa các giáo khu của họ - vẫn tin rằng Jesus hứa thật lòng- chắc chắn đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho những người đi lễ.
Thật sự, chẳng có quả núi nào dời đi và nhào xuống biển cả.
Lời cầu nguyện của chính phủ có hiệu quả không?
Kể từ những năm 1950, tổng thống Hoa Kỳ đã ban bố một Ngày Toàn Quốc Cầu Nguyện. Nhiều thống đốc và thị trưởng đã bắt chước, yêu cầu sự bảo vệ của Chúa cho Hoa Kỳ. Tuyên bố 2019 của Tổng thống Trump nói:
"Hôm nay, vào ngày Toàn Quốc Cầu Nguyện, chúng ta một lần nữa đến với nhau để tạ ơn Thiên Chúa toàn năng vì những phước lành vô số kể mà Ngài đã ban tặng cho Quốc gia vĩ đại của chúng ta. . . Chúng ta cũng thừa nhận sự phụ thuộc của chúng tôi vào tình yêu của Chúa để hướng dẫn gia đình, cộng đồng và đất nước của chúng tôi tránh khỏi sự tổn hại và hướng tới sự thịnh vượng và hòa bình."
Nhìn xung quanh xem. Lời cầu nguyện đó có tác dụng gì không?
Chủ đề của Ngày Toàn Quốc cầu nguyện năm nay vào ngày 7 tháng 5 sẽ là Vinh quang Thiên Chúa trên khắp Hoàn Cầu. Đó là cụm từ hài hước vô tình đã được chọn từ nhiều tháng trước, trước khi vinh quang của virus diễu hành trên trái đất, trước khi sự trớ trêu châm biếm trở nên rõ ràng. Chưa hết, mọi người sẽ tiếp tục cầu nguyện, hy vọng rằng có lẽ lần này Chúa sẽ giữ lời hứa.
Sau khi Thống đốc Rick Perry tuyên bố những ngày cầu nguyện cho mưa ở bang Texas vào tháng 4 năm 2011, yêu cầu "chữa lành vết thương trên đất đai của chúng ta", mưa vẫn không chịu rơi; hạn hán ngày càng tồi tệ; cháy rừng tiếp tục tàn phá. Trận mưa lớn đầu tiên ở Texas đến vào tháng 10, hơn 160 ngày sau. Perry lẽ ra nên nghe theo lời khuyên của Mark Twain: Tốt hơn là nên đọc dự báo thời tiết trước khi chúng ta cầu mưa.
Khi Thống đốc Florida Rick Scott công khai cầu nguyện cho cơn bão Irma hãy bỏ qua bang của mình vào năm 2017, cơn bão hủy diệt không thèm chú ý. Cơn bão khủng khiếp đó có biệt danh là Irmageddon (ghép từ chữ Irma và Armageddon, tức là trận hủy diệt tận thế do Jesus mang lại, theo kinh thánh)
Vào ngày 9 tháng 4 vừa qua, Thị trưởng Houston Sylvester Turner đã yêu cầu người dân"vui lòng tạm dừng mọi việc vào buổi trưa dù ở nhà, nơi làm việc, hay cửa hàng, phòng khám, để cầu nguyện hoặc thiền im lặng và cầu xin Chúa theo cách riêng của mỗi người để chữa lành cho đất nước của chúng ta . . . . yêu cầu các nhà thờ rung chuông 12 lần để thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh"
Vài ngày sau, vào Chủ nhật Phục sinh, bão và lốc xoáy đã làm hư hại nghiêm trọng các nhà thờ ở miền nam nước Mỹ. Một gác chuông nhà thờ Baptist với cây thánh giá cao chót vót đã bị sét đánh ở Alabama. Những chuyện này xảy ra mặc cho thực tế là các cộng đoàn đã trung thành cầu nguyện xin Chúa bảo vệ.
Ý chúa sẽ được thực thi
Kitô hữu hoàn toàn nhận thức được sự thất bại của những lời cầu nguyện của họ, bởi vì họ thường thêm vào mấy ý "Tuy nhiên không phải là ý muốn của con, mà xin chúa cứ làm theo ý chúa". Một số người nhấn mạnh rằng những câu kinh thánh (được trích dẫn ở trên) mà Chúa hứa hẹn rõ ràng sẽ đáp lời cầu nguyện, nên bớt được giải thích theo nghĩa đen. Đôi khi chúng ta nghe họ nói rằng cầu nguyện không phải là một cây đũa thần. Chẳng hạn, trong "Kinh Lạy Cha", Chúa Jesus khuyên các môn đồ của mình hãy cầu nguyện với Chúa Cha: "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Nếu Chúa có mục đích trong việc cho phép virus corona phát tán, thì chúng ta là cái thá gì mà dám đòi hỏi khác đi?
Câu trả lời rõ ràng là nếu bạn tin vào Kinh Thánh, bạn thực sự biết ý Chúa. Ta sẽ làm điều đó, Jesus nói. Nếu ông ta là một vị thần của yêu thương, thì ông ta sẽ muốn giảm bớt niềm đau và nỗi khổ.
Vậy tại sao các Kitô hữu cứ cầu nguyện? Nếu Thiên Chúa sẽ làm theo ý ông ta, thì việc gì phải cầu xin khác đi? Phải chăng họ hy vọng rằng một lần duy nhất này, Thiên Chúa sẽ mỉm cười với họ và phá vỡ những quy luật tự nhiên để giúp họ? Có khác gì với một người vô thần hy vọng rằng có lẽ hôm nay là lần duy nhất tôi sẽ trúng xổ số?
Hãy cứ nói trắng ra: hoàng đế không mặc quần và thần Kitô không tồn tại.
Có phải lỗi của chúng ta không?
Mục sư Ralph Drollinger, mục sư truyền giáo chuyên nghiên cứu kinh thánh tại Nhà Trắng cho nội các của Tổng thống Trump, đổ lỗi cho virus corona về tội lỗi: "Mỗi khi một cá nhân hoặc nhóm cá nhân vi phạm giới luật bất khả xâm phạm của Lời Chúa, người đó hoặc tổ chức đó sẽ chịu hậu quả tương ứng. Tôi hết sức chắc chắn là nước Mỹ đang đối mặt với hình thức phán xét này của Chúa."
Một số Kitô hữu giảng rằng cầu nguyện còn tùy thuộc điều này, điều nọ. Họ tuyên bố rằng thiên tai thực sự là những hình phạt từ Thiên Chúa. Chúa không trả lời cầu nguyện vào lúc này vì nước Mỹ đã quay lưng lại với ông ta. Họ trích dẫn những câu thơ ủng hộ sự vâng lời Thiên Chúa.
"nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó." - 2 Sử Biên 7:14
Vì vậy, bệnh dịch là do lỗi của chúng ta.
Trên thực tế, nó không phải như vậy. Lưu ý rằng đó chỉ là nửa sau của một câu. Nửa đầu nói:
"Khi Ta để cho trời đóng lại, không cho mưa, khi Ta truyền cho châu chấu phá hoại đất đai, khi Ta cho dịch tễ hoành hành trong dân Ta," - 2 Sử Biên 7:13
Đặt những câu thơ đó theo đúng thứ tự, và chúng ta thấy được những gì mà Chúa hứa sẽ chữa lành đất đai khỏi chính ông ta!
Trong cuốn sách của tôi, THIÊN CHÚA: Nhân vật khó chịu nhất trong tất cả các chuyện tưởng tượng, tôi đã trích dẫn hơn 50 đoạn cho thấy rằng Thiên Chúa trong Kinh thánh ghen tuông sử dụng các loài vật và bệnh dịch để trừng phạt người dân của mình vì tôn thờ một đấng khác không phải mình. Ở đây xin trích dẫn một ít:
"Trên chúng, Ta sẽ chồng chất tai ương, sẽ phóng hết mũi tên của Ta vào chúng. Khi vì đói, chúng phải hao mòn, vì sốt, vì ôn dịch tàn khốc mà phải tiêu tan, Ta sẽ gửi đến chúng nanh thú dữ, với nọc của loài bò sát trên bụi đất" Đệ nhị luật 32:23-24
"ĐỨC CHÚA giáng ôn dịch xuống Ít-ra-en từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Đan tới Bơ-e Se-va, có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết" - 2 Samuel 24:15
"Ta sẽ đánh phạt dân cư trong thành này, cả người lẫn súc vật ; chúng sẽ phải chết vì trận dịch kinh khủng"- Jeremiah 21: 6
Để biết thêm ví dụ, hãy xem unpleasantgod.ffrf.org
Thay vì một Ngày Cầu nguyện Quốc gia, những người ngoan cố tiếp tục tin vào vị thần trong Kinh thánh nên tuyên bố một Ngày Toàn quốc Nghe Chúa Nguyền Rủa. Thần của họ đã tạo ra virus và sẽ không làm gì để ngăn chặn nó.
Thiên Chúa không ngăn chặn virus
Vào ngày 14 tháng 4, Thống đốc New York Cuomo đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng đường cong đang bắt đầu bị san phẳng trong tiểu bang của mình. Hành vi của chúng ta đã ngăn chặn sự lây lan của virus, ông nói. Thiên Chúa không ngăn chặn sự lây lan của virus. Và những gì chúng ta làm, cách chúng ta hành động, sẽ ra lệnh cho virus đó lây lan như thế nào".
Chính xác. Có gì chúng ta làm. Điều đó quá rõ ràng, ngay cả với những người tin vào lời cầu nguyện (bao gồm Cuomo, một người Công giáo), rằng các biện pháp hiệu quả không đến từ việc cầu xin Chúa. Cầu nguyện có thể mang lại hy vọng và sự thoải mái cho một số người, nhưng việc giải quyết vấn đề nặng nề được thực hiện nhờ khoa học thông qua nỗ lực của con người. Những nhân viên chăm sóc sức khỏe dũng cảm (bao gồm cả người tin và người không tin Chúa) và các chính sách của chính phủ được áp đặt như ở yên tại nhà là điều làm nên sự khác biệt.
Chúng ta không có bằng chứng cho bất kỳ vị thần nào. Nhưng chẳng phải như thế sẽ thật là nhẹ nhõm khi ta biết rằng Thiên Chúa của Kitô giáo không tồn tạihay sao? Thay vì bị phân tâm và thất vọng khi cầu khẩn một vị thần cổ xưa đầy những lời đe dọa trống rỗng và những lời hứa cũng trống rỗng nốt, chúng ta hãy mở mắt ra, đứng dậy, xắn tay áo và làm việc với khoa học và y học để chống lại đại dịch này.
Robert Ingersoll đã nói rất hay thế này: "Những bàn tay biết giúp đỡ tốt hơn nhiều so với những đôi môi chỉ biết cầu nguyện.Vince Vince