Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

Sự thật về Tịnh thất Bồng Lai Đức Hòa – Long An: Đại 'gia đình' giả sư đẻ con thật

Sau vụ gây rối ngày 24/10/2019 tại Tịnh thất Bồng lai ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây (Đức Hòa – Long An) phóng viên Báo Công lý Xã hội đã điều tra ra chân tướng của những nhóm người giả sư này.
Đặc biệt, 5 chú tiểu trong tịnh thất (trong chương trình Thách thức danh hài) này không phải là trẻ mồ côi như một số dư luận đồn thổi trong thời gian qua trên báo chí và mạng xã hội mà là con ruột của những “ni cô” giả sư.
Giả sư để lừa gạt lòng tin tín đồ Phật giáo
Ngày 20/12/2019 Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Long An, có công văn gửi Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, khẳng định: “Tư thất Bồng Lai ở xã Hòa Khánh Tây (H.Đức Hòa, tỉnh Long An) không phải là tự viện hợp pháp do Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An quản lý”.
Tịnh thất Bồng lai nhìn từ bên ngoài
Công văn này cho rằng, những người những người đang sống và sinh hoạt tại tư thất Bồng Lai không phải tu sĩ Phật giáo, do đó không liên quan đến sự quản lý của GHPGVN tỉnh Long An. Sự việc trên mang tính lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ Phật giáo trục lợi. Chính quyền địa phương đang xác minh làm rõ các sự việc có liên quan tư thất Bồng Lai.
Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An, đã khẳng định: “Không có người gọi là Hòa thượng Thích Tâm Đức (ông Lê Tùng Vân), không có tịnh thất Bồng Lai mà chỉ có tư thất Bồng Lai và những người đang sống ở đây không phải sư thầy, ni cô hay chú tiểu. Những người này là giả sư nhằm thực hiện ý đồ riêng, hoạt động bất hợp pháp, Giáo hội đang nhờ chính quyền xử lý”.

Ông Lê Tùng Vân người đứng đầu Tịnh thất Bồng lai
Ngày 27/12/2019 UBND huyện Bình Chánh có công văn gửi Báo Công lý và Xã hội nêu: “Ngày 25/5/2007 UBND huyện Bình Chánh có quyết định số 2632/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động Cơ sở Thánh Đức (sau này được đổi tên là Tịnh thất Bồng Lai) do ông Lê Tùng Vân SN 1932 làm chủ hộ tại địa chỉ 2A109 ấp 2, xã Phạm Văn Hai với lý do hoạt động không đúng theo quy định của pháp luật, điều kiện vất chất, vệ sinh môi trường không đảm bảo, việc chấp hành đăng ký tạm trú tạm vắng và đăng ký nhận con nuôi không tuân thủ theo quy định của pháp luật”.
Đại “gia đình” giả sư
Theo công văn trên tại thời điểm kiểm tra Cơ sở Thánh Đức do ông Lê Tùng Vân làm chủ có 56 người đang sinh sống. Đặc biệt, có 25 trẻ em nuôi trái phép dưới 16 tuổi đã được trả về gia đình và đưa vào Làng thiếu niên SOS Thủ Đức.
Bị dư luận lật tẩy những chiêu trò lợi dụng tôn giáo để đánh lừa các tín đồ Phật giáo, ngày 1/1/2020 ông Lê Tùng Vân đã làm lễ đổi tên “Tịnh thất Bồng lai” thành “Thiền am bên bờ Vũ trụ”. Như vậy từ năm 2007 đến nay ông Lê Tùng Vân đã đổi tên từ Cơ sở Thánh Đức thành Tịnh thất Bồng Lai và 2020 là Thiền am bên bờ Vũ trụ.
Họ đi tu mà sinh hoạt chẳng khác nào những người trần tục
Giả sư đẻ con thật
Theo danh sách tạm trú, thường trú Công an xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An, ngày 29/10/2019 hiện tại hộ bà Cao Thị Cúc có 17 người tạm trú và 9 người thường trú. Trong danh sách này có 16 người cùng mang họ với ông Lê Tùng Vân người đứng đầu Tịnh thất Bồng lai. Từ danh sách này chẳng khác nào một “đại gia đình” là giả sư.
Hầu hết những phụ nữ trẻ đang sinh sống tại tịnh thất đã xuống tóc, mặc áo nâu sòng, nhưng lại… sinh con năm một. Như Lê Thanh Kỳ Duyên (SN 1993) là mẹ ruột của cháu Lê Thanh Mẫu Nghi (Pháp danh Nghi Tâm). Kỳ Duyên sinh Mẫu Nghi vào lúc 5 giờ ngày 22/2/2014 tại trạm y tế xã Thạnh An, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Bà Cao Thị Cúc là người đưa Kỳ Duyên đến trạm xá và ký xác nhận là mẹ nuôi trên giấy chứng sinh. Chưa đầy một năm sau, ngày 01/02/2015, Kỳ Duyên lại hạ sinh cháu Lê Thanh Pháp Vương ( Pháp danh Pháp Tâm) tại Bệnh viện Từ Dũ.
Giấy khai sinh không có tên cha
Ngoài “ni cô” Kỳ Duyên sinh con năm một thì một người khác Lê Thanh Huyền Trang ( SN 1993) là mẹ ruột của cháu Lê Thanh Minh Triết (Pháp danh là Trí Tâm). Huyền Trang sinh Minh Triết vào ngày 27/3/2014 tại bệnh viện Từ Dũ. Thân nhân ký tên trên giấy chứng sinh là ông nội Lê Tùng Vân- Người mà ở tịnh thất Bồng lai gọi là “sư phụ” có pháp danh Tâm Đức. Còn chị Vòng Thị Kim Xuân (SN 1995) sinh liền “tù tì” 4 năm ba đứa. Điều lạ, là những đứa trẻ này trong giấy khai sinh chỉ có tên mẹ còn cha thì để trống...!.
Theo biên bản ngày 13/10/2017 tại nhà ông Lê Tùng Vân (người đứng QSDĐ là Cao Thị Cúc) của đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Đức Hòa kiểm tra về việc nuôi trẻ của ông Lê Tùng Vân và bà Cao thị Cúc. Tại thời điểm kiểm tra có 5 trẻ là con của những cô gái đang sống trong Tịnh thất Bồng lai. Mẹ của những đứa trẻ này là Lê Thanh Huyền Trang, Lê Thanh Kỳ Duyên và Vòng Thị Kim Xuân. Ông Lê Tùng Vân thừa nhận những người phụ nữ này đều là con nuôi của ông.
5 chú tiểu là con của những giả sư
Việc 5 “chú tiểu” từng gây tiếng vang trên truyền hình trong chương trình “Thách thức danh hài ” từng được thông tin là các bé mồ côi, có hoàn cảnh bi đát được Tịnh thất Bồng Lai cưu mang. Thực tế thông tin này hoàn toàn sai sự thật, bỡi các cháu đang sống bên cạnh với mẹ ruột của mình. Mẹ con họ cùng ở trong tịnh thất này. Ngoài mẹ con ruột cùng xuống tóc, mặc áo chùa thì tại tịnh thất còn có các nam thanh niên đầu trọc lóc, mặc áo nâu sòng. Số nam nữ, người già trẻ nhỏ này sống quần tụ như một gia đình bình thường.

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

BÍ GIÁO

Bí giáo - Esotericism thường được hiểu theo nghĩa là chuyện bí truyền, có tính che dấu ẩn mật, và ai theo đuổi khoa này là tìm cách bước vào cõi tâm linh huyền bí mà người thường không biết. Nếu chỉ có vậy thì mỗi khoa học gia và nhà huyền học (mystic) tượng trưng cho phương thức mà ai có trí năng hay tình cảm đã phát triển, theo đó đi vào khoa bí giáo và các thực tại bí ẩn. Ý này không chính xác vì nhà huyền học không hề là kẻ theo bí giáo đúng nghĩa, vì họ không màng đến các năng lực khác nhau cùng tác động của chúng, mà chỉ theo đuổi điều mơ hồ như 'nàng Thơ', Chúa, Phật, nên thực ra là mộng tưởng những gì làm thỏa mãn  khát khao của linh hồn họ. Ngược lại khoa học gia nói đến lực và năng lực thì là nhà bí giáo chân chính, cho dù họ tìm cách làm chủ chúng và phủ nhận nguồn gốc các lực; ấy là chuyện không đáng kể lúc này bởi về sau họ sẽ nhìn nhận nó.
Tính Chất
Có lẽ cách tốt nhất là hiểu chữ 'bí giáo' theo nghĩa khoa học để tránh lạc bước vào huyễn ảnh, lấy thí dụ khi nói đến Ashram, người  ta có khuynh hướng liên kết nó với Chân sư và đệ tử, còn nói cho sát thì Ashram không có ý đó. Giải thích đúng sẽ nói rằng Ashram là xoáy lực, gồm lực chính yếu từ vị Chân sư  biểu lộ viễn kiến, viễn ảnh của ngài về phần việc trong Thiên cơ mà ngài đảm nhận. Khi con người có làn rung động đủ thanh khiết, đủ cao để tiếp xúc được với xoáy lực ấy, anh chia sẻ phần nào viễn kiến, viễn ảnh đó, và cố công thực hiện phần mà anh cảm nhận được.
Nhìn và hiểu theo cách đó thì ta thấy ngay không cần trèo đèo lội suối, băng rừng vượt non để tới Ashram cầu đạo vì nó không hàm ý một nơi chốn nào, và chữ bí giáo cũng mất đi nét thành kính không cần thiết, vì nhiều phần là lòng mộ đạo thiếu hiểu biết dễ đưa tới hiểu lầm, mê tín dị đoan, hơn là chân lý.
Vậy đường lối căn bản cho ai muốn thấu đáo bí giáo là nhấn mạnh đến thế giới các năng lực, và nhìn nhận rằng đằng sau mọi sự kiện trong ba cõi tiến hóa của con người, hay thế giới hiện tượng, là thế giới các năng lực. Chúng khác biệt nhau và vô cùng phức tạp, nhưng tất cả làm việc tuân theo luật nhân quả. Điều quan trọng khác nữa cần nói là các năng lực này không ngừng tìm cách tiếp xúc hay tác động vào thế giới hiện tượng dưới sự hướng dẫn tinh thần, nhằm thực hiện Thiên cơ. Bí giáo vì vậy ngoài nét bí ẩn còn có tính phổ quát, làm thế giới linh hoạt và là điều nằm sau diễn trình tiến hóa  Đây là sự thực quan trọng đầu tiên của bí giáo mà ai muốn tìm hiểu nó cần nắm vững và áp dụng.
Công việc đầu tiên của ai học hỏi bí giáo là thấu hiểu bản chất của năng lực đang tìm cách chi phối họ, dùng thể của họ để cho ra biểu lộ nơi cõi trần. Vì vậy, học viên bí giáo phải nhận thức rằng:
1. Anh là tổng hợp của nhiều lực, được thừa hưởng cũng như là bị chi phối bởi nhân quả, cộng thêm một lực đối kháng lớn lao là thể xác.
2. Anh nhậy cảm với một số lực mà hiện tại chưa biết gì về chúng cũng như chúng không có ích gì cho anh, nhưng càng ngày nên càng nhận biết chúng nhiều hơn. Về sau anh phải có ý thức về chúng nếu muốn đi sâu hơn vào thế giới các năng lực bí ẩn. Điều cần nhớ là các năng lực này tự chúng không xấu hay tốt. Thiên đoàn và phù thủy tà đạo sử dụng cùng loại năng lực mà với động cơ khác nhau, với cả hai bên đều là nhà bí giáo thành thạo. Vì vậy, anh cần phải học cách sử dụng chúng sao cho có lợi, tăng mức hiểu biết cho anh, và gạt bỏ lực nào anh nghĩ là có hại cho mình.
Học viên bí giáo được huấn luyện để:
1. Ý thức bản chất các lực tạo nên các thể của phàm ngã mình, anh đã thu hút chúng bằng từ lực và biểu lộ trong ba cõi. Chúng là một kết hợp nhiều lực linh hoạt, nên anh cần học cách phân biệt giữa năng lực thuần vật chất có tính tự động, với năng lực tình cảm và trí tuệ tuôn vào thể sinh lực, khiến cho thể xác có sinh hoạt.
2. Trở thành nhậy cảm với năng lực thôi thúc của chân ngã, phát xuất từ những cảnh cao thuộc cõi trí. Khi tiến hóa đến một mức nào đó thì các lực này tìm cách làm chủ các lực của phàm ngã.
3. Nhận biết các năng lực tạo điều kiện trong môi trường của mình, xem biến cố, hoàn cảnh tự chúng  không phải là như thế, mà thực ra do năng lực hoạt động tạo nên. Bằng cách đó, anh học đi ra sau hiện tượng bên ngoài để bước vào thế giới của năng lực, nhờ vậy đi tới thế giới của ý nghĩa. Biến cố, hoàn cảnh, chuyện xẩy ra và hiện tượng vật chất mọi loại đều chỉ là biểu tượng cho điều chi xẩy ra ở thế giới bên trong, và nhà bí giáo phải thâm nhập càng lúc càng sâu trong đó theo khả năng của mình.
4. Cho đa số người chí nguyện, Thiên đoàn là tổ chức bí giáo mà họ phải khám phá cũng như nó chấp nhận cho họ thâm nhập.
Còn nhiều điều khác chưa được tiết lộ thí dụ những cảnh giới tâm thức cao, và sinh hoạt của Thiên đoàn vẫn còn đầy bí ẩn. Các lực trong vũ trụ thuộc về thế giới năng lực cao hơn, và cũng là điều mà học viên trường  bí giáo lúc này không cần quan tâm đến. Công việc của họ là học hỏi để nhận biết năng lực (energy) và lực (force); phân biệt các loại năng lực khác nhau, và khởi sự liên kết điều hữu hình với vô hình, cái sau chi phối và ấn định điều trước. Ấy là việc làm có tính bí giáo.
Có một khuynh hướng thấy nơi nhiều học viên bí giáo, nhất là ai theo đường lối cũ, cho rằng quan tâm về năng lực sinh ra các biến cố trên thế giới, hay điều gì liên quan đến chính quyền và chính trị, là đối nghịch với việc học hỏi bí giáo và tinh thần. Tuy nhiên, bí giáo trong thời đại mới với các nhóm mới có học viên mà trí năng phát triển mạnh, sẽ xem tất cả biến cố, phong trào trên thế giới, chính phủ các nước, cộng thêm với tình hình chính trị, như là biểu hiện của năng lực thuộc cõi bên trong cần tìm hiểu.
Thành ra họ không thấy có lý do gì phải gạt qua bên chính trị trong việc học hỏi tinh thần, mà còn xem chúng quan trọng hơn tôn giáo. Bởi chính quyền đặt điều kiện cho dân chúng và giúp đỡ tạo nền văn minh, và ép buộc khối đông người vào các đường lối suy nghĩ. Mặt khác, chúng ta cần học rằng không có gì trong trọn thế giới hiện tượng, năng lực, lực mà không thể được tinh thần làm chủ. Trên thực tế, tất cả những gì hiện hữu là tinh thần được biểu lộ ra. Khối đông dân chúng ngày nay đang dần trở nên có ý thức chính trị nhiều hơn, và các Chân sư xem đó là một bước tiến lớn. Khi số người thiên về tinh thần trên thế giới đem sinh hoạt  thế giới vào việc học hỏi bí giáo thì có thể có tiến bộ lớn lao.
Ta hãy thử xem ví dụ giản dị này. Chiến tranh thực ra là sự bùng nổ dữ dội của năng lực và lực sinh ra nơi cõi cao, và cho biểu hiện kinh khiếp và đáng sợ của nó nơi cõi trần. Nhân loại tỏ ra cảm biết điều ấy qua cách dùng chữ như 'Lực của sự Sáng - Forces of Light' và 'Lực của điều Ác - Forces of Evil'. Khi căn nguyên huyền bí bên trong tạo ra chiến tranh được khám phá, nhờ nghiên cứu về bí giáo thì chiến tranh sẽ tàn. Đây là bản chất của công việc bí giáo đích thực.
Một điểm cần được ghi ra là bí giáo không hề có tính huyền hoặc mông lung. Nó là một khoa học, chính yếu là khoa học của tâm thức mọi vật, và có từ ngữ, thí nghiệm và luật riêng của nó. Công việc của nhà bí giáo (esotericist)  là hướng sự chú ý từ mặt hình hài sắc tướng của sự sống, sang nguồn gốc của hình hài ở mọi cảnh giới. Họ có phần việc là phát triển nơi chính mình sự nhậy cảm, đáp ứng cần thiết với tính chất của sự sống bên trong bất cứ hình thể nào, cho đến cuối khi họ đạt tới tính chất của Sự Sống Duy Nhất, điều làm linh hoạt địa cầu.
Muốn làm được vậy, trước hết họ phải khám phá bản chất của chính năng lực mà họ đang sử dụng, biểu lộ qua ba thể và qua phàm ngã, tức thành phần các cung chi phối họ trong kiếp này. Càng ngày họ càng phát triển khả năng tiếp xúc, cảm nhận, đáp ứng nhiều hơn với sự sống bên trong, làm cho hình hài vật chất được thanh khiết hơn, vì nay chúng rung động theo một nhịp mới.
Vậy ta thấy ngay rằng trong bí giáo không có gì là mơ hồ, mà cách làm việc của nhà bí giáo thì hết sức khoa học, thực tế. Việc nghiên cứu bí giáo khi đi kèm với việc sống theo bí giáo, sau một thời gian sẽ làm lộ ra thế giới của ý nghĩa. Nhà bí giáo khởi sự bằng cách nỗ lực khám phá lý do tại sao; anh bận tâm với vấn đề của chuyện xẩy ra, biến cố, khủng hoảng, và hoàn cảnh để đi tới ý nghĩa của chúng. Rồi anh học cách hòa chuyện nhỏ riêng tư của mình vào chuyện của Tổng Thể (Whole) lớn hơn, tầm nhìn mất đi cái ngã nhỏ bé, và khám phá ra Đại Ngã to tát hơn.
Quan điểm của bí giáo luôn luôn là quan điểm về Tổng Thể bao trùm vạn vật. Anh thấy thế giới ý nghĩa như mạng lưới tinh tế, trải rộng bao phủ mọi sinh hoạt và từng khía cạnh của thế giới hiện tượng. Thể sinh lực là biểu tượng và khuôn mẫu cho hệ thống này, và màng lưới ether nằm giữa các trung tâm lực dọc theo xương sống là sự tương đồng với mạng lưới trên mà ở mức cực tiểu, tựa như một loạt cửa dẫn vào thế giới ý nghĩa. Thực tế là điều này có liên quan đến khoa học về các luân xa mà sách vở hay nói đến. Luân xa khi phát triển và linh hoạt sẽ là cửa ngõ vào cõi thanh, và những trạng thái tâm thức thiêng liêng ta chưa hề biết.
Dầu vậy, bí giáo không chú trọng đến luân xa như là cửa cho tâm thức mới, và bí giáo không phải là nỗ lực khoa học để khơi mở luân xa như nhiều người nghĩ. Thực ra bí giáo nhắm tới việc huấn luyện khả năng làm việc tự do trong thế giới ý nghĩa tức tâm thức, có tâm thức mở rộng; nó không quan tâm đến bất cứ mặt nào của hình thể máy móc là luân xa; nó hoàn toàn chú tâm đến linh hồn là cái trung gian giữa sự sống và chất liệu.
Như thế, bí giáo muốn nói tới đời sống hòa theo điều cảm nhận bên trong, là điều chỉ có thể có được khi óc thông minh phát triển và biết định trí, sử dụng tư tưởng khéo léo, thông thạo. Bí giáo liên quan đến việc dùng năng lực, tiếp nhận chúng từ cõi cao và trụ chúng ở cõi thấp, thí dụ là mỗi một phong trào tâm linh dù lớn dù nhỏ chỉ làm việc được khi có nhóm người  tạo điều kiện cho nó thành hình, tạo ấn tượng lên tâm thức của dân chúng. Hội TTH là một trong các phong trào ấy, và công việc trụ năng lực nơi cõi trần, tạo ấn tượng mạnh mẽ về MTTL trong tâm thức lớp người học thức Âu và Mỹ châu nhưng có ít hiểu biết tinh thần, được thấy qua nỗ lực của HPB và các cộng tác viên của bà trong những ngày đầu của hội.
Bí giáo từ từ sẽ thành chỉ dạy công truyền, điều nào ngày xưa được ẩn dấu sẽ thành hiểu biết chung, lẽ tự nhiên là không phải tất cả chỉ dẫn trong bí giáo một sớm một chiều được rao giảng công khai, nhưng khuynh hướng là những gì có thể tỏ lộ được sẽ được thành sở hữu chung. Thí dụ trong thời HPB ta có trường bí giáo với huấn thị dành riêng cho học viên của trường. Sau khi HPB qua đời một thời gian, các huấn thị này không còn giữ kín cho một thiểu số, mà được in ra trong bộ Secret Doctrine để cho mọi người cùng biết.
Ta cũng không nên nghĩ rằng bí giáo có tính cách tôn giáo. Sự thực không phải vậy, như đã ghi ở trên bí giáo là một khoa học, có luật lệ chính xác của nó.  Nói rằng chữa bệnh bằng âm thanh, bằng ánh sáng nghe thật mơ hồ, nhưng nó không là phép thuật huyền bí mà dựa trên tần số rung động, tựa như ngày nay có việc bắn tia laser làm vỡ sạn thận, tức bệnh sạn thận được chữa bằng ánh sáng không cần đến giải phẫu. Đó không là 'thần thông' mà là ứng dụng khoa học.
Nguyên tắc phân biệt.
Hiện giờ có nhiều nhóm nói là giảng dạy bí giáo, thường khi người đứng đầu trường hay tổ chức nói là họ có liên lạc trực tiếp với một vị Chân sư hoặc trọn cả Thiên đoàn, và nhận lệnh từ đây. Các lệnh này truyền xuống các cấp thành viên trong trường, mau lẹ đòi hỏi người ta phải tuân theo. Hệ thống trong trường được gọi là phát triển huyền bí, gồm có làm việc hay tham thiền với có mục đích khiến học viên ngày kia được tiếp xúc với các ngài. Học viên được làm cho tin là họ sẽ nghe được lời ngài, được hướng dẫn, nói cho họ biết phải làm gì, và vạch cho hay họ sẽ đảm nhiệm công việc chi. Nhiều khó khăn tâm lý trong các nhóm bí giáo có thể truy ra từ thái độ này, hay từ việc làm người sơ cơ có hy vọng huyễn hoặc.       
Vì vậy, có lẽ cần ghi ra vài nguyên tắc để giúp sự lựa chọn và phân biệt.
1. Mục đích của mọi chỉ dạy đưa ra trong một trường bí giáo chân chính, là làm con người tiếp xúc có ý thức với chính linh hồn hay chân nhân, mà không phải với vị Chân sư.
2. Các Chân sư và Thiên Đoàn (Hierachy) chỉ làm việc từ cõi của linh hồn trở lên, tức cõi trí, như là linh hồn đối với linh hồn. Như thế tổ chức nào có đường lối khuyến khích lòng sùng tín, nặng về tình cảm thì ta nên xét lại.
3. Việc đáp ứng hữu thức với ấn tượng từ Thiên Đoàn và với kế hoạch của Thiên Đoàn thì tùy thuộc vào sự nhậy cảm của ta. Điều này có thể được phát triển và thành khả năng vĩnh viễn.
4. Sự tiến hóa không hề muốn con người là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh, mà nó nhắm đến việc con người phát triển trí năng để làm chủ vận mạng của mình, và biểu lộ có ý thức thiên tính bẩm sinh của họ gọi là Phật tính, hay nói khác đi ta có cùng bản chất với Thượng đế.
Sự chỉ dẫn mà nhiều học viên đáp ứng lại không phát xuất từ Thiên Đoàn, mà là phản ảnh của Thiên Đoàn nơi cõi trung giới, vì vậy họ đáp ứng với hình ảnh mộng mị, sai lạc, nhân tạo của một sự kiện tinh thần lớn lao mà nếu muốn, họ có thể đáp ứng với thực tại đúng đắn.

Ngoài năng lực, hiểu biết bí truyền còn nói đến tính chất. Khoa học thông thường nghiên cứu hình thể bên ngoài, còn khoa học bí truyền tìm hiểu sự sống bên trong hay đặc tính của vật. Mỗi năng lực là nhằm biểu lộ một đặc tính, như ý chí, tình thương v.v. Đằng sau thế giới hiện tượng là các năng lực, và khoa học thông thường nghiên cứu về hình thể bên ngoài, còn khoa học bí truyền chỉ dạy về năng lực bên trong, với mục tiêu là làm cho các năng lực ấy ngày càng lộ rõ, để sau cùng huyền bí gia sử dụng được cả hai là thế giới hiện tượng và năng lực tạo tác.
Vì lý do đó, người chí nguyện được dạy quay vào bên trong, xem xét động cơ thúc đẩy, tìm hiểu các năng lực đang tìm cách biểu lộ trong thế giới bên ngoài. Khi làm vậy, anh càng ngày càng ý thức nhiều hơn về các tính chất bên trong hình thể đang chật vật tìm cách biểu lộ ra ngoài; thí dụ dễ thấy là mỗi chúng ta đang nỗ lực tỏ ra tình thương, sự hòa hợp, lòng cảm thông v.v. nhiều hơn. Theo cách ấy, tâm thức của ta mở rộng dần, và con người đi từ sự hiểu biết bên ngoài về thế giới hiện tượng sang hiểu biết bên trong về thế giới các tính chất. Điều cần nói là sự việc không diễn ra một chiều mà ta có diễn biến song song, khi con người học để 'tự biết mình' thì tự động họ cũng học để biết tính chất nằm sau mọi hình thể.
Bởi thế, lời khuyên là hãy nhận ra tính chất ở khắp nơi, nó muốn nói ta hãy nhìn ra nét thiêng liêng có trong muôn loài, nhận ra cái nốt mà mỗi sinh linh đang cố gắng làm vang lên, và ghi nhận động lực ẩn dấu trong mỗi hình dạng. Ai chưa tỉnh thức chỉ thấy hình thể, ghi nhận cách sinh hoạt của nó, và xét theo sắc tướng bên ngoài. Người chí nguyện đang tỉnh thức bắt đầu cảm biết đôi chút về nét mỹ lệ chưa lộ ra còn nằm bên trong mọi hình thể, và người đã tỉnh thức sẽ chú tâm vào thế giới tính chất đang hóa rõ ràng hơn. Họ nhậy cảm dần và cảm biết những tính chất của sự sống đang chậm chạp lộ ra.
Nói rõ hơn thì đó là ý của lời dạy rằng đừng nhìn ai như là người nam hay nữ, già hay trẻ, đẹp hay xấu, mà nhìn như là linh hồn đang phấn đấu để biểu lộ thiên tính. Sự khác biệt giữa người trung bình và người sống theo tinh thần là một bên chú mục vào sắc tướng bên ngoài, và bên kia tìm cách làm việc với tính chất của sự sống bên trong. 
Ý Thức về Bí Giáo hay Triết Lý bí truyền.
Chính yếu thì nó có nghĩa là khả năng sinh hoạt và sống đời tinh thần, thường xuyên có cảm biết trong tâm về linh hồn và điều này phải tích cực lộ ra ngoài bằng việc bầy tỏ tình thương, bằng minh triết tuôn tràn, và bằng khả năng hòa hợp và đồng hóa mình với tất cả mọi sinh linh khác. Đây là đặc tính nổi bật nhất của linh hồn giác ngộ.
Ý thức này là nhu cầu chính cho người chí nguyện, và bao lâu chưa nắm bắt được nó, sử dụng nó, người ta chưa làm việc hữu hiệu về mặt tâm linh. Để vun trồng ý thức này thì cần có tập tham thiền, và thiền liên tục trong giai đoạn đầu của việc phát triển. Theo với thời gian khi có sự tăng trưởng về mặt tinh thần, việc tham thiền hằng ngày sẽ nhường chỗ cho định hướng tinh thần ngày càng mạnh, và thiền theo nghĩa quen thuộc sẽ không còn cần nữa. Con người nay không còn ràng buộc vào hình thể mà luôn luôn sống theo tinh thần, anh điều khiển trí năng và tình cảm với thái độ ấy. Tóm tắt thì bước đầu tiên của việc nuôi dưỡng ý thức về triết lý bí truyền, là thường xuyên có thái độ quan sát không còn bị ràng buộc vào hình thể.
Kết
Học về bí giáo để làm gì và dẫn ta tới đâu ? Người bình thường mong ước sau khi qua đời sẽ lên thiên đàng hay tây phương cực lạc, hai chữ khác nhau mà chỉ cùng một trạng thái là Devachan. Tuy nhiên sau thời gian ở Devachan con người lại tái sinh, tức chưa thoát kiếp luân hồi. Hiểu biết bí giáo hay tinh thần cho ta con đường thoát vòng tái sinh, mà chẳng những vậy còn có thể hướng dẫn người khác được giải thoát. Bí giáo hay MTTL chỉ là một, chữ khác nhau tùy việc tìm hiểu sâu xa nhiều hay ít. Thái độ muốn nhấn mạnh là nhìn sự việc đúng nghĩa và không làm tăng vẻ huyền hoặc sai lầm, khiến màn ảo ảnh dầy đặc thêm.
Có hiểu biết bí giáo chỉ là bước đầu tiên, bước kế là sống theo nó, làm cho điều bí ẩn thành hiển hiện, cõi trời được thực hiện dưới thế trong cuộc sống hằng ngày. Một trong những phần việc ta phải làm là quảng bá hiểu biết bí truyền, cùng diễn giải đúng đắn, tức đòi hỏi ta phải dùng trí năng phát triển. Nói khác đi trí năng là yếu tố không thể thiếu trong việc học lẫn trình bầy bí giáo.  Cách huấn luyện nào làm trí não thụ động, chú tâm vào cõi trung giới thay vì cõi tinh thần, và lãng quên thực tại nơi cõi thế thì đáng cho bạn nghi ngờ.
. Hiểu biết bí truyền không phải là để khiến đời sống tinh thần của ta hóa bí ẩn hơn với người ngoài, và ta rút lui càng lúc càng  vào bên trong. Mục tiêu của mọi huấn luyện nội tâm là làm phát triển ý thức về bí giáo, có sự thức tỉnh khiến ta sống đời tinh thần trong thân xác ở thế gian, mà cùng lúc có tâm thức liên tục giữa các cõi.  Mục tiêu nhắm tới không phải là đời sống hóa ra hướng nội hơn, làm con người thành nhà huyền học (mystic), mà đúng ra là điều ngược hẳn lại. Tất cả những gì mà người đệ tử  nơi cõi cao phải được thể hiện nơi cõi thấp, như thế sống đời tinh thần trở thành là sinh hoạt hằng ngày. Khi đó đời sống hai mặt của người học Đạo bắt đầu, và cùng lúc biểu lộ tính hợp nhất thiết yếu của nó. Người đệ tử trở thành hữu dụng trong thế giới bên ngoài.
Tất cả sinh hoạt chân chính có tính bí giáo mang lại sự sáng và giác ngộ, đây là một trong vài lý do mà tạp chí TTH do bà Blavatsky lập ra tại Anh có tên 'Lucifer – Người mang lại Ánh sáng'.  Ta được khuyến khích là sống trong sự sáng, tức áp dụng các hiểu biết về bí giáo, tập để có sự nhậy cảm trí tuệ và làm việc với ý nghĩa thấy trong sự việc quanh ta, thuộc cá nhân (điều gì khiến ta / người khác xử sự như thế ? điều gì chi phối ta / họ ?), cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Khi làm được vậy, con đường của ta sẽ ngày càng sáng tỏ, ta có thể trở thành người mang lại Ánh sáng và khiến ai chung quanh cũng thấy được sự sáng.

Tham khảo:
Education in the New Age, A.A.Bailey
A Treatise on White Magic, A.A. Bailey.