Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Đầu Thai và Luân Hồi

Đầu thai
Có người hỏi tôi có tin chuyện “đầu thai” hay không. Câu trả lời của tôi là "Tôi không biết".
Trước hết, có những giả thuyết dựa trên nguyên lý bảo toàn năng lượng để cố gắng giải thích một phần nào về cái gọi là “linh hồn”. Nếu dựa vào đó thì chuyện đầu thai có thể xảy ra hoặc không xảy ra tùy vào những điều kiện và nghi vấn nằm trong giả thuyết trên.
Các giả thuyết về linh hồn nầy nói chung cho rằng mỗi người được cấu tạo bởi 2 phần: vật chất và phi vật chất. Phần vật chất là thể xác và phần phi vật chất là cái được gọi là “linh hồn”. Nếu dựa theo nguyên lý bảo toàn năng lượng thì sau khi một người chết đi, phần năng lượng phi vật chất của họ rất có thể tuy đã rời thân xác nhưng vẫn còn tồn tại đâu đó.
Vài điều kiện và nghi vấn chính dính liền với giả thuyết trên là:
1/ Không ai có thể xác định rằng cái khối năng lượng “linh hồn” nầy có còn chứa đầy đủ tri thức cũng như đặc tính cá nhân của một người trước khi chết để còn nhận biết nó là ai hay những điều gì đang xảy ra chung quanh nó hay không.
2/ Và ngay cả nếu điều kiện ở trên có xảy ra đi nữa thì cũng không ai có thể xác định rằng khối năng lương nầy sẽ bền vững bao nhiêu và bao lâu. Rất có thể là sau khi rời khỏi thân xác thì vì không có gì kềm giữ khối năng lượng nầy lại, nó sẽ bị phân tán ra và tan loảng dần trong vũ trụ; tri thức và những đặc tính cá nhân của cá thể nầy do đó cũng bị phai mờ dần và rồi biến mất. Không ai có thể xác định khoảng thời gian nầy là bao lâu: ngay tức khắc sau khi chết hay 3 ngày hay 100 ngày, v.v. sau đó?
3/ Hơn nữa, ngay cả nếu như linh hồn của một người còn tồn tại lâu đủ sau khi chết đi nữa thì cũng không có gì cho biết rằng nó có thể có khả năng hay cơ hội để được tái sinh dưới một hình dạng khác hay chuyển biến sang thành một cá thể khác.
Nói cách khác, theo tôi thì cần phải biết rõ tất cả những vấn đề trên trước khi có thể xác định rằng việc "đầu thai" có xảy ra hay không.
Tôi có đọc qua nhiều mẩu chuyện “chứng minh” là chuyện đầu thai đã xảy ra. Thí dụ như về đứa bé tự xưng mình là hiện thân của một người quá vãng đã từng sống ở một nơi xa lạ mà đứa bé đó chưa bao giờ đặt chân đến; đứa bé có thể kể chính xác nhiều chi tiết cá nhân của người chết và diễn tả tĩ mĩ căn nhà mà người ấy từng sống.
Tôi không có giả thuyết nào có thể giải thích được những hiện tượng đó, nếu những hiện tượng đó có thật.
Tôi không thể khẳng định rằng hiện tượng “đầu thai” là không có thật. Tôi không thể cho là tất cả các câu chuyện nầy đều có thể giả mạo. Tuy vậy tôi tin rằng có rất nhiều trường hợp mà toàn bộ câu chuyện đã được giàn cảnh tinh vi bởi thân hữu của nhân vật chính.
Tôi không biết có bao nhiêu trường hợp giả mạo. Tôi cũng không biết có phải tất cả mọi câu chuyện trên đều là giả mạo hay ít nhất được thêu dệt, thêm thắt ít nhiều hay không.
Phần lớn những vụ giả mạo trong vấn đề nầy là để vụ lợi. Hầu hết các mẩu chuyện nầy đều xảy ra ở một vùng quê hẻo lánh hay một thôn tỉnh vô danh nào đó. Nếu một sự kiện ly kỳ loại nầy xảy ra ở những nơi như vậy thì số du khách tò mò đến thăm viếng sẽ mang lại địa phương và các người trong cuộc những lợi tức không nhỏ.
Đã có nhiều người điều tra về các mẩu chuyện loại nầy. Tuy vậy các bài tường trình của họ (mà tôi đã đọc qua) vẫn không đủ sức thuyết phục để tôi có thể chấp nhận hoàn toàn mọi thứ mà không có một chút ngờ vực nào.
Nói chung cho đến nay không có bằng chứng gì khách quan và rõ ràng đủ để làm tôi tin rằng những chuyện về đầu thai đó đã có xảy ra. Và ngay cả nếu những câu chuyện đó đã có thật sự xảy ra đi nữa thì cũng không có gì chứng minh rằng đây là một quy luật chung cho tất cả mọi người.
Vì lý do nầy, tôi xem chuyện “đầu thai” chỉ có thể là một “giả thuyết” chớ không phải là một “định luật” đáng tin cậy đủ để được áp dụng vào đời sống thực tế.
Luân hồi
Lý thuyết về luân hồi gắn liền với lý thuyết về đầu thai.
Luân hồi là một khái niệm nói về sự luân chuyển của việc sinh ra, sống, rồi chết đi để rồi tái sinh trở lại, sống, rồi chết đi nữa vòng vòng mãi không bao giờ dứt.
Như đã nói ở trên, tôi cũng không có đủ dữ kiện và kiến thức về các vấn đề nầy để khẳng định hay phủ nhận tất cả mọi trường hợp. Nói cách khác, tôi vẫn có nhiều nghi vấn chưa được giải đáp ổn thỏa. Phần lớn có lẽ là vì tôi chưa bao giờ bỏ công ra thật sự tìm tòi, nghiên cứu về hiện tượng nầy.
Những nghi vấn của tôi về vấn đề "luân hồi" cũng tương tự như những nghi vấn đã nói ở trên về vấn đề "đầu thai". Hiện tượng nầy có thật sự xảy ra hay không? Nếu có thì có xảy ra trong tất cả mọi trường hợp, cho tất cả mọi người hay không? Ngay cả nếu việc “đầu thai” có thật thì việc “luân hồi” có thật hay không? Nếu có thật thì nó áp dụng cho tất cả mọi người hay không? Nó làm việc ra sao? Mỗi người có sự lựa chọn trong việc đầu thai đi đâu hay không? v.v. và v.v. 
Như đã nói, các khái niệm về “luân hồi”, “đầu thai”, “nghiệp quả”, v.v. đều liên quan và hoạt động chung với nhau. Có những lý thuyết dùng năng lượng học, nhiệt động học, v.v. để giải thích các khái niệm nầy.  Các lý thuyết nầy rất có thể không hoàn hảo và theo tôi có vẻ có phần đơn giản quá. 
Như đã nói, có thể dùng định luật bảo toàn năng lượng để cho thấy sự khả dĩ hiện hữu của linh hồn. Và sau đó thì Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học có thể dùng để gián tiếp xác định việc sự sống thành tựu rồi tan biến. Tôi xin nói rõ hơn một chút về lý thuyết nầy. 
Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học cho rằng mọi hệ thống năng lượng trong vũ trụ đều có khuynh hướng tự biến đổi từ trạng thái có trật tự cao xuống dần thành có trật tự thấp. Một con người khi còn sống là một hệ thống (năng lượng) có trật tự cao; khi một người chết thì linh hồn tách rời khỏi thể xác: đó là một hệ thống (năng lượng) có trật tự thấp hơn. Cái tử thi cũng là một hệ thống từ từ phân hủy và tan rã ra: trật tự cao biến đổi thành thấp. 
Tuy vậy, Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học cũng đưa đến một số câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng; thí dụ như:
1/ Ngay cả nếu cái gọi là “linh hồn” là một hệ thống, giả dụ như có thể hiện hữu độc lập một phần nào, nhưng theo Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học thì rồi cũng sẽ phải từ từ tiêu tan đi; và nếu như vậy thì linh hồn không vĩnh cửu hay sao?
2/ Khi linh hồn của một người biến đổi thành linh hồn của một cá thể khác, nó phải cần năng lượng để làm việc đó. Khi linh hồn “mới” muốn kết hợp vào một thân xác “mới”, đó là trường hợp một hệ thống có trật tự thấp đang biến đổi thành một hệ thống có trật tự cao; nó cũng cần năng lượng để làm việc đó. Vấn đề cần giải thích ở đây là những năng lượng cần thiết đó từ đâu mà có?
3/ Nếu cho rằng những năng lượng cần thiết để một linh hồn có thể kết hợp được với một thân xác mới đến từ vũ trụ thì điều gì cho phép (hay dẫn đến) sự di chuyển năng lượng từ một hệ thống (bao la như vũ trụ) đến một hệ thống khác (bé nhỏ như một cá thể)? v.v. 
Thật ra thì tôi có cảm tưởng cách nhìn nầy có phần đơn giản quá. Đó là vì nói chung thì hầu như bất cứ sự kiện hay hiện tượng nào trên đời cũng có thể được giải thích (ít nhất là một phần nào) bằng một giả thuyết hay định luật nào đó. Ở đây các lý thuyết nầy đang dùng những định luật khoa học có phạm vi rất tổng quát để cố giải thích cho những hiện tượng không kiểm chứng được. 
Đối với tôi thì chuyện “đầu thai” và “luân hồi” không quan trọng lắm. Tôi sống cho kiếp sống hiện tại. Nếu thật sự có chuyện đầu thai thì tốt, còn không thì cũng không sao. Tôi không lo sợ về chuyện nhân quả, tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện luân hồi. 
Tôi nói “nếu thật sự có chuyện đầu thai thì tốt” vì nếu vậy thì có sự sống còn tiếp diễn sau khi chết. Chinh phục được cái chết là nỗi ước vọng lớn nhất của loài người từ thời hồng thủy. Tôi cũng chỉ là một thành viên của nhân loại, sự sống rất quý báu và tuyệt vời đối với tôi. Tuy nhiên tôi không vì thế mà tự dối gạt tôi với cái ảo tưởng của sự sống vĩnh cửu nếu tôn phục một thần linh nào đó.
Tương tự, những cái gọi là "bằng chứng" cho vấn đề luân hồi cho đến nay theo tôi cũng chỉ rất mơ hồ nên tôi không thể nào dựa vào nó để làm nguyên tắc trong đời sống hàng ngày. 
Điều tôi than phiền nhất về nhiều tông phái Phật giáo là việc họ giảng dạy về các khái niệm đầu thai và luân hồi giống như những định luật khoa học tự nhiên trong khi họ không hề có một bằng cớ khách quan nào có thể kiểm chứng được.

Điểm Thất Lợi của sự Phổ Biến Khái Niệm Phi Tôn Giáo Phi Tín Ngưỡng

Tôi đã viết đăng nhiều bài tiểu luận đưa ra nhận xét và quan điểm của tôi về bản chất thật sự và giá trị của tôn giáo.
Nói chung, tôi cho rằng nền tảng tín ngưỡng của Thiên Chúa giáo chỉ là các nhu cầu và hiểu biết của một xã hội du mục hơn 2000 năm về trước ở Trung Đông, do đó rất thô thiển và không còn thích hợp với tiêu chuẩn đạo đức và kiến thức của nhân loại ngày nay.
Tôi cũng chưa thấy có bằng chứng nào khách quan và vững chắc đủ để làm cho tôi tin vào sự trường tồn của một cá thể sau khi chết hay tin vào các khái niệm nhân quả, nghiệp phước, luân hồi, v.v. như nhiều cơ sở Phật giáo ngày nay truyền giảng.
Tuy vậy, tôi tin rằng tôn giáo giữ một vai trò nhỏ trong việc gìn giữ an ninh trật tự trong xã hội, nhất là những xã hội với dân trí còn thấp kém.
Thí dụ như trong Thiên Chúa giáo, tín đồ được dạy rằng “nếu tuân theo mười điều răn thì sẽ được Thiên Chúa thương yêu cứu rỗi, còn ngược lại sẽ bị trừng phạt nặng nề”. Trong Phật giáo có những khái niệm như “nghiệp phước”, “luân hồi”, “nhân quả” cũng như ngũ giới cấm để gìn giữ Phật tử trong khuôn khổ đạo lý và đạo đức của họ.
Nhờ những hăm dọa và hứa hẹn trong các tín điều kể trên, tôi tin rằng có một số tín đồ vì sùng tín nên có cố gắng tránh làm việc ác hơn nếu họ không sùng tín. Và cũng có thể nhờ thế mà những người nầy trong một số trường hợp nào đó đã/sẽ thật sự ít làm ác hơn nếu họ không sùng tín.
(Xin chú ý: điều nầy không có nghĩa là tôi tin rằng người sùng tín ít làm ác hơn người không sùng tín.)
Trong những thập niên gần đây có một số tác giả (đa số là người Tây Phương) đã viết về các đề tài đả kích tôn giáo tín ngưỡng và những tệ nạn tai hại liên quan đến chúng. Số tác giả nầy ngày càng gia tăng cũng như số lượng các tác phẩm, trang mạng của họ ngày càng phổ biến rộng rãi hơn. (1)(2)
Khi đọc các bài viết của tôi, có tín đồ Thiên Chúa giáo hỏi nếu không tin rằng có một sự sống vĩnh cửu dành cho người hiền lành hay sự trừng phạt đời đời dành cho kẻ hung dữ thì biết đâu nhiều người từ nay sẽ không còn thấy cần phải sống một cách lương thiện, chính chắn nữa? Cũng có Phật tử hỏi nếu tin rằng không có nhân quả và luân hồi, tức là “gieo nhân” mà không sợ phải “hái quả” và “chết là hết”, thì liệu sẽ có nhiều người tha hồ làm điều ác vì không còn sợ bị quả báo hay không?
Nói chung, những người nầy cho rằng nếu không có các tín điều trên thì có thể không ai còn làm việc thiện nữa vì sẽ không có lợi ích cho họ, cũng như nhiều người sẽ làm nhiều việc ác vì họ sẽ không sợ hậu quả gì cả trong tương lai.
Tôi thật ra cũng đã từng có một thắc mắc tương tự.
Tôi đã có lần tự hỏi không biết việc phổ biến quan niệm phi tôn giáo tín ngưỡng của những tác giả kể trên (trong đó có tôi, dù là chỉ ở một mức độ nhỏ nhoi mấy đi nữa) có ích lợi hay tai hại nói chung cho xã hội và nhân loại. Tôi thường phân vân không biết có bao nhiêu người chịu ảnh hưởng của những tư tưởng nầy rồi tin rằng không có Thiên đàng Địa ngục hay nhân quả luân hồi nữa và sau đó chuyển qua một đời sống ích kỷ, tham lam, độc ác vì họ không còn sợ hậu quả của những hành vi xấu của họ nữa. 
Dưới đây là vài phân tích, lý luận có thể giải đáp ít nhiều cho thắc mắc và nỗi phân vân kể trên. Theo sự hiểu biết của tôi thì chưa ai bao giờ nghiên cứu hay làm thống kê về vấn đề nầy cả. Tôi chỉ dựa vào kiến thức tâm lý, sinh lý và nhân chủng học sẵn có để đưa đến một cách giải thích khả dĩ hợp lý.
Trước hết, như tôi đã nói trong nhiều bài khác, đạo đức là một sản phẩm phát xuất từ quá trình tiến hóa tự nhiên trong các chủng loại; tôn giáo không phải là nền tảng của đạo đức. Sự kiện nầy dựa vào định luật tiến hóa tự nhiên của chủng loại, một kiến thức khoa học tự nhiên đã được kiểm chứng và xác nhận qua những quan sát và thử nghiệm lâu dài khởi xuất từ khi Charles Darwin đưa ra một lý thuyết mang cùng tên vào đầu thế kỷ 19. (3)(4)
Con người và thú vật đều có những lề lối đạo đức riêng của mỗi chủng loại. Lề lối đạo đức nói chung là khi một cá thể làm những điều tốt đẹp cho các cá thể khác; nhất là khi những điều đó không mang đến ích lợi, hoặc có khi còn có hại, trực tiếp cho chính cá thể chủ động ấy.
Dĩ nhiên bản năng sinh tồn tự nhiên của một sinh vật lúc nào cũng thúc đẩy nó phải làm lợi cho chính nó càng nhiều càng tốt, ngay cả nếu cần phải làm hại các sinh vật khác để đạt được cái lợi trên. Tuy nhiên, những chủng loại nào có nhiều cá thể dạng nầy thì sẽ dễ tự phân rẽ, tự hũy hoại và cuối cùng sẽ tàn lụn mất dần đi. Trong khi đó, những chủng loại có càng nhiều cá thể làm nhiều điều tốt đẹp cho những cá thể khác thì sẽ thường càng vững chắc hơn, và do đó càng có nhiều cơ hội sống còn hơn.
Cái khuynh hướng làm những điều tốt đẹp trên nằm trong cấu trúc DNA của những chủng loại tồn tại qua hàng triệu triệu năm tiến hóa. 
Trong xã hội loài người từ thời sơ khai, cái đạo đức tự nhiên nầy nằm sẵn trong DNA của mỗi người và được truyền đi từ đời nầy sang đời khác. Một điều cần nhớ ở đây là những “DNA thiện ác” nầy không hoàn toàn giống nhau trong tất cả mọi người. Có nghĩa là mức độ tỉ lệ thiện ác nằm trong bản chất bẩm sinh của mỗi cá nhân đều mỗi khác nhau.
(Ở đây, chữ “ác” cần được hiểu là “việc làm có lợi cho người chủ động nhưng có hại cho người khác”. Một điều “ác” ở đây không nhất thiết phải là một điều nghiêm cấm bởi tôn giáo nào cả. Tương tự ngược lại cho chữ “thiện”.)
Kế nữa, dựa theo nhân văn và xã hội học thì bản chất đạo đức, cũng như tâm tính, của một người chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố: 1/ bẩm sinh (tức là từ cấu trúc “DNA thiện ác” của họ), và 2/ môi trường xã hội và kinh nghiệm thu nhập được từ đời sống chung quanh nhất là ở những năm đầu tiên trong đời họ.
Yếu tố nào có nhiều ảnh hưởng hơn yếu tố nào là tùy vào quốc gia, hoàn cảnh xã hội, điều kiện sinh sống, ảnh hưởng gia đình, trình độ giáo dục, v.v. Thí dụ như các tỉ lệ khuynh hướng “thiện ác” của dân chúng trong một quốc gia nghèo đói đang trải qua chiến tranh ở Phi Châu sẽ khác hẳn với một quốc gia giàu có, thanh bình ở Âu Châu.
Về mặt đạo đức tự nhiên kể trên, có thể tạm chia con người làm ba nhóm tổng quát: 1/ Nhóm người có bản năng toàn thiện, 2/ Nhóm người có bản năng toàn ác, và 3/ Nhóm người có bản năng pha trộn thiện lẫn ác dưới những tỉ lệ khác nhau.
Dựa vào nhận xét của các môn khoa học về xã hội và nhân chủng, cũng như thống kê tội phạm trong các quốc gia trên thế giới hiện nay, tính chất của những người trong mỗi nhóm ở trên có thể được diễn tả về như sau:
- Nhóm 1 là những người có khuynh hướng luôn làm điều thiện vì họ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi làm những điều tốt đẹp cho kẻ khác, ngay cả khi chính họ phải hy sinh ít nhiều khi làm những việc nầy. Sinh vật học cho thấy có những hóa chất gọi là endorphin tiết ra trong nội tạng của những người nầy mỗi khi họ giúp đỡ kẻ khác làm cho họ có các cảm giác trên. Số người nầy rất ít, có lẽ chỉ vài phần vạn trong toàn thể nhân loại (đây chỉ là một tỉ lệ phỏng đoán có giá trị tiêu biểu nhiều hơn là chính xác).
- Nhóm 2 là những người có khuynh hướng thường làm điều ác vì họ cảm thấy thỏa mãn khi làm hại người khác. Sinh vật học cũng cho thấy các chất endorphin trong những người nầy cũng là nguyên nhân của hiện tượng trên. May mắn thay, số người nầy cũng rất ít, có thể rất ít hơn cả nhóm 1 kể trên.
- Nhóm 3 là phần còn lại trong nhân số gồm những người có khi làm điều ác có khi làm điều thiện. Khuynh hướng làm nhiều hay ít bao nhiêu những điều thiện hay ác của mỗi người, như đã nói ở trên, tùy thuộc vào cấu trúc “DNA thiện ác” bẩm sinh và môi trường sinh sống của họ. Theo lý thuyết tiến hóa tự nhiên, vì con người là một chủng loại thành công trong việc sống còn nên có thể cho rằng tỉ lệ DNA “thiện” của nhóm người nầy nói chung có phần lớn hơn tỉ lệ “ác” của họ.
Một điều đáng kể cần nhận thấy ở đây là lịch sử xưa nay đã chứng minh rõ ràng rằng tôn giáo nói chung không có khả năng ngăn cấm hoàn toàn con người trở thành “ác”.
Như đã nói ở trên, hầu như trong bất cứ tôn giáo nào cũng có những giáo điều về đạo đức kèm theo những đe dọa và hứa hẹn thí dụ như “tuân lời Thiên Chúa sẽ được ơn lành”, “làm ác sẽ gặp ác”, “siêng năng tu hành sẽ được vào Niết Bàn”, v.v. Tôn giáo nói chung đóng một vai trò “cảnh sát lương tâm” khá hữu hiệu, nhất là trong các xã hội sơ khai khi đời sống khó khăn và đa số người ta thiếu thốn kiến thức khoa học lẫn khả năng lý luận.
Các tổ chức tôn giáo đã dồn nhét tín điều vào đầu nhiều người, có khi ngay từ thuở thơ ấu, để đào tạo ra những tín đồ có khi cực kỳ mù quáng trong niềm tín ngưỡng của họ. Tuy vậy các quá trình tẩy não trên vẫn không thành công trong việc hoàn toàn ngăn cản con người làm việc ác.
Ai cũng thấy rằng có vô số trường hợp ngay chính những tín đồ sùng đạo nhất cũng phạm các điều tội lỗi mà tôn giáo của họ đã nghiêm cấm. Theo tôi đó là vì ở những hoàn cảnh, những thời điểm nào đó thì cái cấu trúc “DNA thiện ác” trong mỗi người sẽ chiến thắng các giáo điều trên, và những quy chế xã hội khác, để điều khiển hành động của họ.
Nói cách khác, thông thường thì tôn giáo có thể kềm giữ đa số tín đồ trong khuôn khổ đạo đức nào đó trong đa số hoàn cảnh. Tuy vậy vẫn có những thời điểm, những hoàn cảnh mà một tín đồ sẽ gạt bỏ các tín điều và lề thói xã hội qua một bên để tuân theo bản năng tự nhiên của họ.
Như đã nói, điều nầy giải thích tại sao nhiều tín đồ làm việc ác phản lại tín điều dạy việc thiện. Thí dụ như nhiều tăng ni Phật tử vẫn vô tình hay cố ý thường xuyên phạm ngũ giới cấm. Tương tự, điều nầy cũng giải thích tại sao nhiều tín đồ làm việc thiện phản lại tín điều dạy việc ác. Thí dụ như nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo ngày nay không tuân theo lời dạy trong Kinh Thánh phải trừng phạt, tiêu trừ những kẻ ngoại đạo.
Diễn giải thêm từ đây, theo tôi thì:
- Những người có nhiều cấu trúc “DNA thiện” trong người sẽ thường có khuynh hướng làm nhiều điều thiện bất kể các giáo lý trong tôn giáo họ có dạy họ như vậy hay không. Nói cách khác, những người có khuynh hướng thiện sẽ thường làm thiện bất kể họ có theo tôn giáo gì hay không.
- Tương tự, những người có nhiều cấu trúc “DNA ác” trong người sẽ thường có khuynh hướng làm nhiều điều ác bất kể các giáo lý trong tôn giáo họ có nghiêm cấm bao nhiêu đi nữa. Nói cách khác, những người có khuynh hướng ác sẽ thường làm ác bất kể họ có theo tôn giáo gì hay không.
- Việc truyền bá khái niệm “phi tôn giáo tín ngưỡng” sẽ chỉ thuyết phục được và thay đổi vị thế tâm linh của một số ít người. Đó là vì tôn giáo tín ngưỡng luôn luôn có một sức quyến rũ vĩ đại vì có thể thỏa mãn các nhu cầu tâm linh của con người. Vì vậy, số người từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng sẽ luôn luôn rất nhỏ so với số người vẫn còn bám víu chúng.
- Trong số người từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng kể trên, rất có thể là khi nhận biết rằng không có Thiên đàng Địa ngục hay nhân quả luân hồi gì cả thì có một số người với cấu trúc “DNA thiện lẫn ác” sẽ có khuynh hướng làm nhiều điều ác hơn khi họ còn tin sợ vào các tín điều trên. Tuy vậy, rất khó có thể xác định chính xác được tỉ lệ số người nầy và ảnh hưởng của sự thay đổi của họ là bao nhiêu trên xã hội và nhân loại.
- Một ước đoán dựa theo lý thuyết tiến hóa tự nhiên đã đề cập đến ở trên (vì con người là một chủng loại thành công trong việc sống còn cho nên tỉ lệ DNA “thiện” của đa số nói chung có phần lớn hơn tỉ lệ “ác”) cho thấy tỉ lệ nầy sẽ khá nhỏ hơn 50%.
- Có nghĩa là chỉ một số nhỏ (khá ít hơn 50%) của một số người rất nhỏ vì ảnh hưởng của việc truyền bá phi tôn giáo tín ngưỡng mà từ bỏ niềm tin của họ có thể thay đổi khuôn cách sống từ “thiện” trở thành ra “ác”.
- Nói cách khác, các tác phẩm phổ biến khái niệm “vô tôn giáo tín ngưỡng” nếu có làm gia tăng số người có khuynh hướng làm ác thì sự gia tăng nầy cũng sẽ không đáng kể lắm so với các khuynh hướng chung sẵn có trong xã hội.
- Bù lại trong lúc đó, việc phổ biến khái niệm “vô tôn giáo tín ngưỡng” rất có thể đem lại một ích lợi rất thực tế và dài lâu; đó là sự hiểu biết cần thiết để hạn chế phần nào các tệ nạn tai hại như mê tín dị đoan, đàn áp, khống chế, kiểm soát, lừa gạt, lợi dụng, v.v. đang tràn lan trong mọi tôn giáo.
Tóm lại, theo sự phân tích và lý luận ở trên, tôi có khuynh hướng cho rằng việc phổ biến khái niệm “vô tôn giáo tín ngưỡng” một mặt có thể mang đến một tai hại với tính chất và tầm vóc khó xác định chính xác được, đồng thời ở mặt khác chắc chắn kèm theo một ích lợi với tính chất và tầm vóc có thể xác định rõ ràng.
Theo niềm hy vọng chủ quan của tôi, cái ích lợi vừa kể sẽ lớn hơn (hay tệ nhất cũng là sẽ ngang hàng và quân bình với) cái tai hại tương ứng.
Thêm một điều nữa, tất cả mọi sự việc và hiện tượng trong vũ trụ đều thay đổi không ngừng và trải qua các giai đoạn sinh, tiến, thoái, diệt; trong đó có nhân loại. Đây là một khái niệm cơ bản trong vũ trụ quan của Phật giáo. Đây cũng là một nhận xét có kiểm chứng được trong khoa học hiện đại.
Có nhiều quan điểm khác nhau về tình trạng tiến hóa của nền văn minh hiện tại của nhân loại. Có quan điểm cho rằng con người vẫn còn đang trên đường thăng tiến lên những đỉnh cao mới về mặt nhân văn lẫn khoa học kỹ thuật. Có quan điểm cho rằng dân số và áp lực môi sinh ngày càng gia tăng của con người trên địa cầu đang dẫn đường cho nhân loại đi dần vào ngõ cụt diệt vong. Có quan điểm cho rằng sự hiểu biết mở mang ngày nay về xã hội và thiên nhiên đang giải phóng con người ra khỏi những tệ nạn xuất phát từ định kiến và hủ tục. Có quan điểm cho rằng tư tưởng hưởng thụ vật chất đang đem đến sự suy đồi của đạo đức và cuối cùng là sự tự hũy hoại của nền văn minh hiện có.

Nói cách khác, dù muốn dù không thì nhân loại cũng vẫn luôn nằm trong một quá trình biến đổi không ngừng và hầu như không ai có thể điều khiển được. Cho nên nếu việc phổ biến các ý tưởng vô tôn giáo tín ngưỡng có thật sự đưa đến những thay đổi đáng kể trên tư duy và đời sống của con người thì đây cũng chỉ là một hiện tượng bé nhỏ trong chu kỳ tồn vong của nhân loại dưới định luật vận hành của vũ trụ.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Sau Khi Giải Thoát Dân Chúa Khỏi Ách Nô Lệ Ai Cập, Chúa Lại Hướng Dẫn Dân Chúa Cách Sử Dụng Nô Lệ

Con tàu đầu tiên của Đế quốc Anh đưa nô lệ châu Phi đến Mỹ có tên là "Jesus of Lubeck" dưới sự chỉ huy của thuyền trường John Hawkins.
John Hawkins là một tín đồ ngoan đạo; trên tàu, họ cử hành thánh lễ hai lần mỗi ngày, yêu cầu thủy thủ đoàn phải kính nhớ thiên chúa, và yêu thương lẫn nhau. Tàu Jesus khởi hành từ Anh đến Sierra Leon, rồi rời đi với khoảng 300 người da đen. Có lẽ một số người trong số đó bị bắt bằng vũ lực, nhưng cũng có giai thoại kể rằng Hawkins đã gặp một số đông người, kể cho họ về thiên chúa, và thuyết phục được họ theo đạo; thế rồi ông ta hỏi họ có muốn được cứu rỗi không, và nếu muốn thì hãy lên con tàu Jesus (xem phần tiếng Anh trong ảnh dưới đây.)
[Nghĩa là:
Vào năm 1555, nhà truyền giáo da trắng người Anh tên John Hawkins đến Phi Châu (bang Sierra Leon) nơi có hàng ngàn người dân đang ăn mừng vụ mùa mới gặt. Ông ta, John Hawkins chen vào xưng là Chúa sai ông xuống để giảng về Chúa Jesus. Sau bài giảng, ông hỏi ai muốn "đón nhận Chúa Jesus"? Có độ 500 bàn tay giơ lên. Thế là ông mời xuống thuyền của ông để được "cứu rỗi". Đó là con thuyền nô lệ chở về Tân Thế Giới, nơi đó những người dân da đen vừa được cải đạo sẽ... suốt đời làm nô lệ cho .. "Chúa". (SH)]
Quá hợp lý phải không các bạn? Thế là khá đông người da đen cả tin đã theo lời Hawkins để được "cứu rỗi" ở tân thế giới.
Trước đó con tàu này được nữ hoàng Elizabeth cho phép Hawkins sử dụng với giấy phép là "đưa người đi châu Mỹ một cách tự nguyện". Khi ông ta quay lại Anh, nữ hoàng đã rất tức giận vì những việc ông ta đã làm. Thế nhưng khi nữ hoàng biết được lợi nhuận thu về lớn đến mức nào, bà ta thay đổi thái độ, trao cả con tàu cho Hawkins và từ đó, việc kinh doanh nô lệ càng nở rộ. Riêng Hawkins về sau được phong tước hiệp sỹ vào năm 1588 (vì đã có công trong chiến tranh với người Tây Ban Nha).
Năm 2006, Andrew Hawkins là cháu nhiều đời của John Hawkins, sau khi nhận ra quá khứ đáng xấu hổ của tổ tiên, đã cùng với nhiều người da trắng khác đến châu Phi để xin tha lỗi (http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/5105328.stm). Anh này nói việc cụ Hawkins lấy cái những cái tên như Jesus hay Grace of God (ân sủng của thiên chúa) để đặt tên cho mấy cái thuyền buôn nô lệ thật là tởm lợm trong mắt của chúa.
Điều này cho thấy khá nhiều người hiện đại vẫn tưởng rằng chúa của họ tốt, và chả biết rằng lời chúa (cả chúa cha lẫn chúa con) trong kinh thánh, nếu có liên quan đến chuyện nô lệ hay tự do thì hầu như toàn đồng ý với chế độ nô lệ như là khuyên người nô lệ chấp nhận số phận, khuyên chủ nhân đánh đập nô lệ để giữ kỷ luật, v.v. Xin ví dụ:
- Chúa dạy chỉ được mua nô lệ từ các dân tộc khác, không phải trong dân Do Thái (Levi 25:44), nếu bắt cóc người Do Thái và bán họ làm nô lệ thì phải tội chết (Đệ nhị luật 24:7, Xuất hành 21:16). Tuy nhiên, cũng có thể có nô lệ là người Do Thái, nhất là trường hợp họ phá sản và phải bán mình. Thậm chí, nghèo túng quá bán con gái đi ở đợ cũng được chúa chỉ dẫn tận tình cách làm (Xuất hành 21:1-11)
- Dạy nô lệ nên chấp nhận số phận làm tôi tớ, thậm chí khuyên nếu chủ của họ là tín đồ thì càng phải phục vụ tốt hơn (1 Timothy 6:1, Titus 2:9)
- Nếu nô lệ của mình bị bò hàng xóm húc chết thì con bò bị giết chết và mình được chủ bò bồi thường 30 đồng bạc (Xuất hành 21:32) tức người nô lệ có giá bằng mạng một con bò và 30 đồng bạc.
- Các ông được cái chức ngôn sử thì cũng lại dạy người dân Do Thái hãy chấp nhận làm tôi tớ cho Babylon (Baruch 2:22-24)
- Nên dùng kỷ luật với nô lệ, vì nới tay là họ sẽ đi tìm tự do (Huấn ca 33:26-29) nhưng nếu chỉ có một nô lệ thì nên đối xử với nó thật tốt kẻo nó đi mất thì sợ không biết kiếm đâu ra đứa khác (Huấn ca 33:31-33); Đầy tớ hư hỏng thì cứ việc thoải mái trừng phạt nó (Huấn ca 42:5) nếu đánh nô lệ khiến người ta bị mù mắt hay gãy răng thì cứ thả cho nó đi là xong, mặc kệ việc nó đã mất khả năng lao động (Xuất hành 21:26-27), nếu lỡ đánh nó chết thì mang tội, nhưng nếu nó sống sót sau 2 ngày nằm liệt giường thì lại chả sao cả (Xuất hành 21:20-21)
- Jesus kể dụ ngôn có nói đến chuyện nô lệ nhưng lại không hề có ý lên án chế độ nô lệ mà còn có ý cho rằng chủ muốn hành hạ nô lệ sao cũng được (Matthew 18:25, Luke 12:47, Matthew 24:51)
Xem ra, cụ Hawkins đặt tên Jesus hay Grace of God cho thuyền buôn người, cũng chả có gì là trái ý chúa cả. Cháu Andrew của cụ trách nhầm cụ rồi.
Vince Vince

Một Dân Tộc Xấu Số

Trong bài viết trước đây – Tạ Ơn và Tạ Lỗi →– nhân ngày Lễ Tạ Ơn hay Thanksgiving của Hoa Kỳ, chúng tôi có đề cập đến những người thổ dân ở Hoa Kỳ, đã bị người Anh Di Dân đến lục địa Mỹ châu, rồi người Hoa Kỳ, ngược đãi.
Người Da Đỏ trong y phục cổ truyền
Người Da Đỏ trong y phục cổ truyền
Những thổ dân này trước đây được người Tây Âu (Anh, Pháp, Mỹ) gọi trong tiếng Pháp là “les Peaux Rouges”, hay “dân Da Đỏ”, trong tiếng Anh là “American Indians” hay “người Ấn Độ tại Mỹ châu”. Trong hai danh từ này, có lẽ danh từ người Da Đỏ gần với thực tế hơn, vì như ta sẽ xem dưới đây, thổ dân này có gốc là người Á Châu có nước da ngăm đen lại sống ngoài trời, hay ở trần, nên nước da của họ xẫm hơn nước da người Tây Âu. Còn danh từ “American Indians” chắc chắn là sai lầm, bởi vì khi người Tây Âu mới đến lục địa Mỹ châu, họ cứ tưởng dân bản xứ là người Ấn Độ. Danh từ này không được dùng nữa.
Ngày nay người ta dùng danh từ “Native Americans” hay “Thổ dân Mỹ Châu” để chỉ dân tộc này. Danh từ tương đương được dùng trong bài viết này là “Thổ dân Da Đỏ”, nói lên sự khác biệt với người Da trắng là những người Tây Âu.
Thổ dân Da Đỏ từ đâu đến? họ là dân tộc nào?
Theo một giả thuyết đáng tin cậy hơn cả, cách đây khoảng 12,000 năm, khi ấy eo biển Đối Mã (Bering Strait) trong thời kỳ đông đá và nước  biển ở mức thấp nhất, đã hình thành một dải đất-cầu nối liền Á châu với Mỹ châu. Nhiều giống người từ châu Á đã vượt qua dải đất-cầu đó mà sang Mỹ châu. Giống người này, về hình thể là người châu Á, đã sang Mỹ châu như thế nào, nhiều hay ít, chúng ta không biết.
Nguồn gốc người Da Đỏ từ Á châu
Nguồn gốc người Da Đỏ từ Á châu
Khi người Tây Âu sang Mỹ châu, vào những năm 1770, Thổ dân Da Đỏ Mỹ châu đã có mặt tại vùng Tây Bắc và Đông Nam nước Mỹ ngày nay rồi. Tổng số thổ dân được ước tính khoảng 12 triệu người. Tuy nhiên, người Tây Âu đã mang đến lục địa mới này một chứng bệnh mới mà người thổ dân chưa bao giờ mắc phải, do đó, dể dàng ngã gục: đó là bệnh đậu mùa (variole). Bệnh đậu mùa đã giết chết ít ra là 30% thổ dân Mỹ Châu, nhất là ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ.
Thổ dân Da Đỏ có nhiều bộ tộc khác nhau. Khác nhau không những về nề nếp sinh hoạt, tổ chức xã hội mà đôi khi cả về ngôn ngữ. Trên toàn bộ Hoa kỳ có khoảng 40 bộ tộc. Đông nhất là các bộ tộc Navajo, Cherokee, Choctaw, Sioux, Chippewa, Apache, Blackfeet, Iroquois, và Pueblo. Có những bộ tộc làm nghề nông, chủ yếu họ giồng ngô , khoai, đậu… Có những bộ tộc chuyên săn bắn làm kế sinh nhai. Họ săn những con bò mộng để ăn thịt, lột da để làm quần áo chăn mền hay lều trại để ở.
Mối liên lạc không tốt đẹp giữa Thổ dân Da Đỏ với người Tây Âu.
Trong khi đó, người di dân Tây Âu, phần lớn là người Anh, tiếp tục đến Mỹ Châu, khai khẩn đất đai, tiến dần về phía Tây. Đất đai trở nên một vấn đề quan trọng. Có khi người Tây Âu mua lại hay đổi chác đất với người thổ dân, có khi họ tự động chiếm dụng. Từ đó đã xẩy ra nhiều đụng độ giữa dân bản xứ với dân mới đến. Đây là mầm mống của những cuộc giao tranh, hay chiến cuộc (người Hoa kỳ gọi là war) giữa chính quyền Hoa kỳ và thổ dân Da Đỏ kéo dài từ thế kỷ thứ 18 đến thế kỷ thứ 20.
Năm 1789, sau cuộc cách mạng chống mẫu quốc là nước Anh cát Lợi, nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra đời.  Trong nước thái bình, quốc gia thống nhất, chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ, rảnh tay mới thực sự áp dụng những chính sách quốc gia đối với thổ dân Mỹ châu.
Thoạt đầu, những nhà lãnh đạo Hoa kỳ như George Washington, Henry Knox còn coi thổ dân Mỹ châu là một giống người hèn kém nhưng có thể giáo hóa được. Chính phủ Trung ương chưa có những chính sách rõ rệt hay những biện pháp mạnh tay đối với dân bản xứ.
Tù trưởng Tecumseh
Tù trưởng Tecumseh
Sự bành trướng của người Hoa Kỳ về phía Tây – được gọi là cuộc Tây tiến – đã gặp sự phản kháng của thổ dân mỗi ngày một nhiều. Đầu thập niên 1800, một người thổ dân tên là Tecumseh thuộc bộ tộc Shawnee đã nhìn thấy mối nguy cho cả dân tộc mình. Ông ta đã tập hợp các bộ tộc để gây chiến với người Hoa Kỳ. Cuốc chiến này và nhiều cuộc chiến tiếp theo, kéo dài cho đến năm 1812. Tùy theo cuộc chiến đã xẩy ra ở đâu, với bộ tộc nào, sử sách Hoa kỳ ghi là cuộc chiến Tecumseh, cuộc chiến Seminole, cuộc chiến Creeks. Tất nhiên là phần thắng thuộc về binh sĩ Hoa kỳ với võ khí tối tân: súng ống, gươm giáo của Tây Âu đối đầu với cung nỏ, búa tầm sét của kỵ sĩ Da Đỏ.
Nhiều Thổ dân đã phải đầu hàng, được người Hoa Kỳ chiêu dụ, được trở thành công dân Hoa Kỳ. Năm 1817 bộ tộc Cherokee, khoảng 300 người, kỳ hòa ước với chính phủ Liên bang, để trở nên những công dân Hoa kỳ đầu tiên có gốc là thổ dân Da Đỏ Mỹ châu.
Khi Tổng Thống Andrew Jackson lên nắm quyền vào những năm 1880, chính phủ Liên Bang áp dụng thẳng tay một chính sách mới. Năm 1830 Tổng Thống thứ 7 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ Andrew Jackson ban hành Luật “Indian Removal Act” (Bứng người Da Đỏ). Đạo luật này đã đưa đến những đợt cưỡng bách các Thổ dân Mỹ châu. đi bộ trong gió rét tuyết rơi, từ miến Đông Hoa kỳ sang miền Trung, bây giờ là Oklahoma, khiến cho cả chục ngàn người chết, bỏ thây dọc đường. Hành trình này sau được mệnh danh là  “Trail of Tears” (hành trình trong nước mắt), dịch từ tiếng của người Cherokees: “Nunna daul Tsuny“.  (Chi tiết cuộc hành trình được ghi rõ trong Tạ Ơn và Tạ Lỗi →–)
Sang đến Oklahoma, các thổ dân Da Đỏ được đưa vào một nơi tập trung để dễ bề kiểm soát. Trại tập trung này được gọi là “Indian Reservation”, gọi tắt là “Rez”, tạm dịch là “Vùng Dành Riêng cho Thổ dân Da Đỏ”, gọi tắt là “Vùng Dành Riêng” . Vùng Dành Riêng ở Oklahoma là Vùng Dành Riêng đầu tiên được chính phủ Liên Bang lập nên cho thổ dân Da Đỏ.
Chính phủ Liên Bang Hoa kỳ đặt ra một cơ quan trong Bộ Nội Vụ, là Bureau of Indian Affars (BIA hay là Phòng Da Đỏ Sự Vụ) để trông nom quản lý những vấn đề về người thổ dân Da Đỏ. Cơ quan này đã giúp thổ dân Da Đỏ rất nhiều trong những việc về giáo dục như mở trường dậy Anh ngữ, mở nhà thờ để thổ dân biết đến đạo Thiên Chúa.Tuy nhiên những cố gắng của người Hoa kỳ nhiều khi lại đi ngược với tín ngưỡng, phong tục tập quán của thổ dân Da Đỏ khiến cho những mâu thuẫn giữa đôi bên chẳng giảm thiểu chút nào.
Những thổ dân da Đỏ ở nhiều nơi đã tỏ ra rất bất bình với người Hoa Kỳ và ngược lại binh sĩ Hoa Kỳ cũng không ưa thổ dân Da Đỏ, sẵn sàng ra tay đàn áp khi thấy cần.
Cuộc tàn sát bộ tộc Da đỏ Lakota ở Wounded Knee Creeks
Ngày 29 tháng 12, 1890 một cuộc tàn sát đẫm máu người Thổ dân Da Đỏ đã xẩy ta  tại Vùng Dành Riêng Pine Ridge Indian Reservation, thuộc tiểu bang South Dakota. Câu chuyện đã xẩy ra như sau:
Trước đó mấy ngày, binh đoàn thuộc Đệ Thất Trung đoàn Kỵ binh Hoa Kỳ  (7th Cavalry Regiment) do thiếu tá Samuel Whistside chỉ huy, đã bắt gặp một số người thuộc bộ tộc Miniconjou Lakota vàHunkpapa Lakota tại gần một nơi gọi là Porcupine Butte. Thiếu tá Whitside liền hộ tống tất cả dân Da Đỏ về một chỗ gọi là Wounded Knee Creeks, nơi họ đóng quân. Đại tá James Forsyth, chỉ huy trưởng Đệ Thất Kỵ binh, khi đi tuần tra trở về, liền giam giử họ lại, cho Trung đoàn Kỵ binh vây quanh với súng ống sẵn sáng khi bất trắc.
Sáng ngày 29 tháng 12, quân đội Hoa kỳ tiến vào định giải giáp bộ tộc Lakota. Đến đây một cuộc lộn xộn xẩy ra. Người ta kể rằng lúc đó một người bộ tộc Lakota tên là Black Coyote không chịu đưa súng ra cho binh sĩ Hoa kỳ tước khí giới với lý do là ông ta đã phải mua khẩu súng đó với tất cả gia tài của mình. Thế là có tiếng súng nổ. Bên ngoài nghĩ rằng bên trong người Da Đỏ đã nổi loạn, liền dùng súng máy bắn xối xả, tứ phía vào những người Da Đỏ tập trung trong đó, không phân biệt già trẻ lớn bé, đàn ông cũng như đàn bà. Một số binh sĩ Mỹ vào tước khí giới thổ dân Da Đỏ cũng bị bắn chết. Một số rất ít Thổ dân Da đỏ sống sót chạy thoát khỏi vòng vây, nhưng rồi cũng bị kỵ binh Hoa Kỳ đuổi theo giết nốt mặc dầu họ không còn vũ khí trong tay
Sau khi cuộc chiến chấm dứt, ít ra đã có 150 người Da Đỏ Lakota, đàn ông, đàn bà và trẻ em bị giết chết, 51 người bị thương, một số bị thương nặng đã qua đời sau đó. Về phía quân đội Hoa Kỳ 25 binh sĩ bị giết, 39 người bị thương, phần lớn do vũ khí của quân bạn bắn nhầm. Sau cùng chính phủ Liên Bang Hoa kỳ đã tặng huân chương Danh Dự cho ít ra là 20 binh sĩ của Liên Bang, không đếm xỉa đến nhũng nạn nhân thổ dân Da Đỏ đã bị chết oan.
Lính Hoa Kỳ giám sát Tù binh Da Đỏ
Lính Hoa Kỳ giám sát Tù binh Da Đỏ Lakota
Đây là cuộc chiến lớn bi thảm nhất và cũng là cuộc chiến sau cùng giữa Hoa Kỳ mà thổ Dân Da Đỏ. Sau đó người thổ dân đã biết an phận thủ thường, sống trong hoặc ngoài Vùng Dành Riêng , không còn sức phản kháng nữa.
Thổ dân Da Đỏ trở thành công dân Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ
Ngày 2 tháng 6, 1924 Tổng thống Calvin Coolidge, vị Tổng thống thứ 30 của Hoa kỳ, ban hành đạo luật “Indian Citizenship Act”, cho tất cả những Thổ dân Da Đỏ sinh tại Hoa Kỳ được trở thành công dân Hoa kỳ. Do đó họ có tất cả những quyền Hiến định của công dân Hoa kỳ như bầu cử, ứng cử. Tuy nhiênchính phủ Liên Bang vẫn giữ một số quyền hạn trên những việc có tính cách nội bộ của thổ dân Da Đỏ.
Vì thế những xung khắc giữa thổ dân Da Đỏ với chính quyền Hoa Kỳ vẫn thường hằng xẩy ra, như vụ môt số sinh viên thổ dân Da Đỏ ở San Fransisco đã ra đảo Alcatraz chiếm giữ ít lâu (1969-1971), hay khoảng 300 bộ tộc Ogala Lakota quay lại chiếm giữ Wounded Knee Creeks tháng 2, năm 1973, kỷ niệm cuộc thảm sát bộ tộc Lakota năm 1890, để phản đối chính quyền Liên Bang đã không giữ lời hứa. Nhiều dân Da Đỏ từ nhiều miền đất nước cũng chạy đến Wounded Knee Creeks để ủng hộ bộ tộc Ogala Lakota. Quân đội Hoa kỳ đến bao vây. Hai bên giằng co 71 ngày, một người Mỹ bị thương, hai người Da Đỏ bị bắn chết, Sau cùng những bậc trưởng thượng Da Đỏ quyết định không chiếm giữ nơi đó nữa để tránh đổ máu thêm.
Chưa hết, tháng 6, 1975 hai nhân viên của FBI vào Vùng Dành Riêng Pine Ridge để bắt một số người Da Đỏ bị tố cáo là những kẻ cướp có vũ khí. Trong một cuộc chạm súng trong Pine Ridge, cả hai nhân viên FBI bị tử thương trong lúc còn trong xe hơi. Cuộc điều tra cho thấy có kẻ đã cố ý giết họ bằng những phát súng bắn thật gần.
Sau đó một thanh niên Da Đỏ tên là Leonard Peltier bị chính quyền bắt và kết án hai án tù chung thân với tội danh cố ý đả thương chí mạng hai người. Leonard Peltier kêu oan và mặc dầu được sự hậu thuẫn của nhiều danh nhân thế giới như các ông Nelson Mandela, Desmond Tutu, Đà Lai Lạt Ma thứ 14, Jessee Jackson.., chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ vẫn giữ y án.
Sang đến năm 2010, theo thống kê của chính phủ Liên Bang thì dân số toàn dân Hoa Kỳ là 308 triệu. Trong số này 2.8 triệu (0.9%) là dân thuần giống thổ dân Da Đỏ và 2.3 triệu (0.7%) là thổ dân Da Đỏ lai căng. Tóm lại tất cả dân số Thổ dân Da Đỏ chỉ còn là 5.2 triệu người. Phần lớn dân thuần giống Da Đỏ là bộ tộc Navajo và Cherokee
Cũng vẫn theo thống kê, 78% thổ dân Da Đỏ sống ngoài Vùng Dành Riêng. Người thuần giống Da Đỏ có xu hướng sống trong Vùng Dành Riêng.
Đời sống kinh tế và xã hội trong Vùng Dành Riêng cho người Da Đỏ
Một căn nhà nhỏ chật chội
Một căn nhà nhỏ chật chội
Đời sống trong những vùng Dành Riêng cho thổ dân Da Đỏ rất tồi tệ.
–          Dân chúng khoảng từ 50 đến 80%  không có việc làm.
–          54% học trò bỏ học, chỉ ở trình độ tiểu học.
–          Thanh niên hư hỏng, rượu chè be bét, kéo bè kết đảng. Trong Vùng Dành Riêng Pine Ridge đã có tới 39 băng đảng với khoảng 5000 thanh thiếu niên.
–          Nạn thiếu nữ chửa hoang rất đông.
–          Phụ nữ, thiếu nữ trong Vùng thường xuyên bị đánh đập, hãm hiếp hoặc bởi người quen hay bởi người lạ.Theo thống kê củaTrung tâm Kiểm Soát Bệnh Dịch (Center for Disease Control) thì 46 % phụ nữ trong Vùng Dành Riêng ở trong tình trạng này. 80% nạn nhân nói là kẻ phạm pháp không phải là người thổ dân Da Đỏ mà là những người từ ngoài xâm nhập vào.
–          Nhà cửa thiếu cho nên trung bình có 15 nhân mạng cùng sống trong một nhà, thiếu chỗ thì ra xe hơi mà ngủ. Ít ra là một phần ba căn nhà không có nước hoặc điện.
–          Số trẻ em thổ dân yểu tử nhiều gấp ba lần số trẻ em Hoa kỳ.
–          Một nửa dân số trên 40 tuổi bị bệnh tiểu đường,
–          Lợi tức đầu người của Thổ dân Ogala Sioux là $US 7.000 một năm, chỉ bằng một phần sáu của người Hoa Kỳ. Thanh niên Sioux muốn có việc làm, kiếm ra chút ít tiền thì chỉ có cách là đăng ký nhập ngũ sang đánh nhau tại Afghanistan. Nếu có công việc nào tốt còn sót lại thì lại vào tay những nhân viên của chính quyền Liên Bang hay Hội đồng Thổ dân ở đó.
–          Trung bình tuổi thọ của Thổ dân Sioux tại Pine Ridge là 50 tuổi.
 
Nhà chật phải ngủ trong xe
Nhà chật phải ngủ trong xe
Một nhà báo phóng viên đã viết: “Mỗi làn tôi lái xe đến làng Whiteclay ở tiểu bang Nebraska, ngay sát với Vùng Dành Riêng Pine Ridge, quang cảnh làm tôi rất đau lòng. Rất nhiều người, không sao đếm hết, say sỉn vì rượu, nằm bò bên đường. Đàn bà sẵn sàng hiến thân để được một chai bia. Tất cả đều là thổ dân Da Đỏ, bộ tôc Ogala Lakota”.
Trong Vùng Dành Riêng, những bậc trưởng thượng của bộ tộc cấm bán rượu. Thổ dân Da Đỏ đã có một thoả ước với chính phủ Liên Bang là chỉ được bán rượu ở những nơi cách biên giới Vùng Dành Riêng 10 miles. Tuy nhiên những người Da Trắng (không phải thổ dân) vẫn ngang nhiên mở các cửa hàng bán rượu ngay sát biên giới. Họ biết rằng bộ tộc Da Đỏ đang phải vật lộn với nạn nghiện rượu mà họ vẫn cứ bán, cả cho những thiếu niên chưa đến tuổi trưởng thành, bất chấp luật lệ Liên bang.
Khi hè về, mỗi ngày có bốn năm chục người Da Đỏ kéo nhau ra đường nhậu nhẹt suốt ngày. 25% thanh niên thổ dân uống rượu, 75% người lớn nghiện rượu
Lãnh tụ Da Đỏ đã đâm đơn kiện nhiều lần, rốt cục chẳng đi đến đâu. Họ tổ chức biểu tình trước những cửa hàng bán rượu. Cảnh sát biên phòng tiểu bang Nebraska đến giải tán, xua dân Da Đỏ trở về Vùng Dành Riêng bên South Dakota.
Nhiều nhà hảo tâm và những tổ chức thiện nguyện Hoa Kỳ muốn giúp dân Da Đỏ chống lại nạn nghiện rượu, đối đầu với chính quyền tiểu bang (South Dakota) và Liên Bang nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Nhiều người còn cho rằng chính quyền đâu có muốn thay đổi điều gì khi phải đụng chạm đến những thỏa ước Hoa Kỳ đã ký kết trước đây với thổ dân Da Đỏ.
Thổ dân Da Đỏ tụ họp uống rượu
Thổ dân Da Đỏ tụ họp uống rượu
Có bao nhiêu Vùng Dành Riêng cho thổ dân Da Đỏ?
Trên toàn thể Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, có khoảng 300 Vùng Dành Riêng cho thổ dân Da Đỏ. Những Vùng Dành Riêng lớn nhất và đông dân nhất là những vùng sau:
Tên Vùng                                Tại Tiểu bang                                      Dân s
Navajo Nation                         Arizona, Utah, New Mexico        180,500
Wind River                             Wyoming                                            23,250
Osage                                      Oklahoma                                            44,400
Flathead                                  Montana                                              26,100
Pine Ridge                              South Dakota, Nebraska                 15,500
Rosebud                                  South Dakota                                      20,700
Sang thế kỷ thứ 19 Thổ dân Da Đỏ như Ogala Sioux đã có một nếp sinh hoạt là săn bắn bò mộng. Năm 1874, người ta đã khám phá ra có mỏ vàng tại vùng Black Hills. Nhiều người Hoa Kỳ, người tìm vàng, kẻ buôn bán, đủ các thành phần đã kéo nhau đến những Vùng Dành Riêng Indian Reservations, và thêm vào đó sự thiên vị, bất chấp những thỏa hiệp trước với người Da Đỏ của chính phủ Liên Bang, những Vùng Dành Riêng càng ngày càng bị thu hẹp lại. Năm 1851 Khu Vực Dành Riêng cho bộ tộc Sioux bao trùm môt phần của ba tiểu bang South Dakota, Nebraska và Wyoming kể ra đã khá lớn với 21 triệu mẫu tây.
Bản đồ Vùng Dành Riêng năm 1851.
Da Đỏ-8 map1
Sang đến năm 1889 Vùng Dành Riêng bị cắt ra làm đôi vì 3 tiểu bang mới được thành lập. Hai Tiểu bang North Dakota và Wyoming không muốn có Vùng Dành Riêng cho Thổ dân Da Đỏ. Như vậy chỉ còn Tiểu bang South Dakota là có Vùng Dàng Riêng, tại đây người ta lại chia cắt thêm thành những Vùng Dành Riêng cho các bộ tộc khác nhau.
Bản đồ chỉ còn là:
Da Đỏ-9 map2
Sau nhiều năm từ 1899 đến 2012, chính phủ Liên Bang lần lượt chiếm đất của Thổ dân Da Đỏ khiến cho họ chẳng còn bao nhiêu đất đai. Năm 1980 Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết chính phủ Hoa Kỳ phải bồi thường cho Thổ Dân Da Đỏ những khoảng đất đã chiếm hữu tại vùng Black Hills. Cả vốn lẫn lời, số tiền tính ra lên đến trên một tỷ Mỹ Kim. Thế nhưng bộ tộc Sioux không nhận: họ muốn đất của họ phải trả lại cho họ.
Kết luận
Xem như trên những người thổ dân Da Đỏ đang phải đối diện với một tương lai mù mịt. Thống kê của chính phủ Liên Bang Hoa kỳ cho thấy dân số thổ dân này chỉ còn trên 5 triệu người trong số 308 triệu người dân Hoa Kỳ. Trước thế kỷ thứ 17 khi người Tây Âu mới đến xứ này tất cả các thổ dân Da Đỏ được ước lượng khoảng 12 triệu người.
Chính phủ Liên bang Hoa kỳ quả có ý muốn giúp dân Da Đỏ thật đấy nhưng tất cả đã xẩy ra không tốt đẹp như mọi người chờ đợi hay tưởng tượng.
Họ có trên 300 Vùng Dành Riêng nhưng diện tích các Vùng dần dà bị cắt xén đi, thu hẹp lại. Kinh tế tại những Vùng Rành Riêng không phát triển được.. Vẫn theo thống kê của chính phủ Liên Bang 78% người Da Đỏ không ở trong Vùng Dành Riêng cho họ mà ra ngoài sinh sống vì cơ hội thăng tiến không có, họ muốn hòa nhập với người Da Trắng. Hậu duệ của người thổ dân Da Đỏ trở nên lai căng mỗi ngày một nhiều. Trong Vùng Dành Riêng cho thổ dân Da Đỏ chỉ còn những nhóm dân – tuy là thuần giống Da Đỏ đấy – thấy không thích hợp với lối sống của những người Da Trắng Tây Âu, nên chỉ muốn sống quây quần với nhau, rất nghèo khổ. Họ sinh sống bằng một ít lương thực họ sản xuất ra, trồng trọt ngô khoai đậu. Phần lớn họ phải nhờ vả vào những tấm ngân phiếu là số tiền hàng tháng – rất ít oi – của Chính phủ Liên Bang cấp phát cho họ dưới diện bảo trợ những người nghèo khổ.
Thanh niên Da Đỏ thất nghiệp, rong chơi
Thanh niên Da Đỏ thất nghiệp, rong chơi
Trở lại câu hỏi: tại sao thổ dân Da Đỏ lại rơi vào tình trạng này? Tìm ra manh mối để trả lời câu hỏi này không dễ dàng chút nào. Chúng ta có thể thấy hai nguyên nhân: nội tại và ngoại lai.
Nguyên nhân Ngoại lai thì rất nhiều và khá rõ:
–          Chính quyền Liên bang ở xa muốn giúp người Da Đỏ, nhưng chính quyền Tiểu bang, hay chính quyền sở tại  lại không thật tâm muốn giúp, lờ đi, đôi khi lại làm ngược lại.
–          Nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn, nhất là đối với người Da Đỏ. Chính quyền địa phương thiên vị người Da Trắng, dành những quyền lợi tốt hơn cho người Da Trắng. Một thí dụ nổi bật trong nạn kỳ thị này là vấn đề nhiều dân Da Đỏ nghiện rượu. Theo thỏa ước giữa thổ dân Da Đỏ với chính quyền Liên Bang thì không ai được bán rượu xì ke ma túy gần Vùng Dành Riêng mà chỉ được bán cách xa 10 miles biên giới Vùng Dành Riêng. Trên thực tế, chính quyền tiểu bang và địa phương thả mặc sức cho những người Da Trắng mở tiệm bán rượu ngay trước lối vào Vùng Dành Riêng cho người Da Đỏ. Không những thế, FBI, cảnh sát địa phương lờ đi , coi như không thấy họ bán rượu cho những thiếu niên chưa trưởng thành mà theo luật định là một trọng tội
–          Người Da trắng không muốn đem tiền vào đầu tư vào Vùng Dành Riêng vì không thấy có lợi nhuận cao như ở ngoài.
–          Vùng Dành Riêng cho thổ dân Da Đỏ phần lớn là những vùng đất khô cằn, không mầu mỡ, không có những tài nguyên thiên nhiên như mỏ quặng để khai thác.
–          Những Vùng Dành Riêng lại khuất nẻo, xa thị tứ, đi lại không dễ dàng..
Nguyên nhân nội tại không dễ tìm hiểu.
–          Nhiều người cho rằng đất ít, dân thưa là lý do chính để thổ dân Da Đỏ không phát triển được. Lý do này được viện dẫn ra không có tính cách thuyết phục. Nhiều nước trên thế giới có diện tích quốc gia nhỏ hơn Vùng Dành Riêng và dân số ít hơn thổ dân Da Đỏ như Tiểu quốc  (pricipauté de) Monaco (36,000 người, 1 mile vuông), Liechtenstein (36,000 người, 62 mile vuông), Bahamas (350,000, 5,300 mile vuông), Luxembourg (530,000, 998 mile vuông), nhưng vẫn là những quốc gia độc lập riêng biệt. Singapore, một nước hùng mạnh ở Đông Nam Á cũng có dân số sấp sỉ như thổ dân Đa Đỏ ở Mỹ châu, sống chật chội trên một mảnh đất có diện tích là 267 mile vuông.
–          Nguyên nhân chính có lẽ phải tìm hiểu nơi cá tính người Da Đỏ, trong lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán, và văn hóa của dân tộc này. Trước kia, người Da Đỏ phần lớn là dân du mục, dùng săn bắn làm kề sinh nhai, hợp thành nhiều bộ lạc nhỏ, di chuyển nhiều nơi. Tinh thần “hợp quần là sức mạnh” không cao như các dân tộc khác. Người Da Đỏ sống một cuộc đời rất phóng khoáng, không bị gò bó trong những chuẩn mực đạo đức hay lề lối sống của một xã hội trật tự, có trên có dưới như nhiều dân tộc khác.
–          Hệ quả của những sự việc trên là họ khó đoàn kết lại với nhau, dễ dàng theo bè kết đảng, nội bộ chia rẽ để cho người ngoài khống chế, dễ bị lợi dụng.
–          Dân tộc Da Đỏ thiếu những người lãnh đạo, nhìn xa trông rộng, để lèo lái, dẫn dắt dân tộc ra khỏi những khó khăn, hiểm nghèo, đối đầu được với người Da Trắng.
Trên thế giới đã có nhiều dân tộc không còn có mặt trên địa cầu này nữa. Họ bị đồng hóa. Đã có những nền văn hóa lẫy lừng, dần dà phai nhạt đi, rồi biến mất. Dấu tích chỉ còn thấy trong một số Viện Bảo Tàng. Dân tộc Chàm ở miền Nam Trung Phần nước ta là một thí dụ.
Cho đến nay, dân tộc Da Đỏ còn cưỡng lại được phần nào sức ép kinh tế, văn hóa, xã hội, trong một cơ chế chính trị Tư Bản chủ nghĩa lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam của người Da Trắng Tây Âu, là người Hoa Kỳ.
Tương lai dân tộc Da Đỏ rất ảm đạm.
Có lẽ vì vậy mà ngày 15 tháng 6, 2009, ông Barack Obama, vị Tổng Thống được nhiều người coi là người nhân hậu, đã mời một số lãnh tụ các bộ tộc Da Đỏ vào tòa Bạch Ốc để ông nói chuyện. Trong buổi nói chuyện ông đã tỏ ý quyết tâm đổi ngược lại đường lối của chính phủ liên bang cũ, đã quên và coi thường các bộ lạc Da Đỏ. Ông cũng nói là ông rất hiểu rằng những vị đại diện Da Đỏ đến đây hôm nay đã phải “có một lòng tin tưởng vượt bực” khi họ nghĩ tới những sự dối trá không tuân thủ những hiệp ước đẵ ký kết với các bộ lạc Da Đỏ trước đây của chính phủ Hoa Kỳ.
Kimberly Teehee với Tổng Thống Obama
Kimberly Teehee với Tổng Thống Obama
Tổng thống Obama đã biết rằng trong nhiều trại tập trung “Indian Reservations” tình trạng nghèo đói rất thê thảm. 80 phần trăn dân Do Đỏ không có công ăn việc làm. Bởi vậy ông thấy ông phải làm một điều gì của một người có lương tâm.
Trong chính phủ Obama hiện đã có hai vị gốc Da Đỏ tham gia chánh quyền . Một là cô Kimberly Teehee, thuộc bộ lạc Cherokees. Cô Teehee, tiến sĩ Luật khoa Đại học Iowa, hiện là cố vấn trưởng trong ủy ban
Bác sĩ Yvette Roubideaux
Bác sĩ Yvette Roubideaux
quốc gia về người Mỹ gốc Da Đỏ. Hai là bác sĩ Yvette Roubideaux, 46 tuổi, trước làm giáo sư  Đại Học. Arizona, nay làm giám đốc Da Đỏ Y Tế Sự Vụ, trong Bộ Y Tế và An Sinh Quốc Gia. Bác sĩ Roubideaux là thành viên của bộ tộc Da Đỏ Rosebud Sioux.
Âu cũng là niềm an ủi cho một dân tộc xấu số.
Và cũng là một bài học cho những dân tộc, những quốc gia không biết đến : “Hợp quần gây Sức mạnh, Đoàn Kết thì Sống, Chia rẽ thì Chết”./.