Đức tin không cần bằng chứng
Khi tôi hỏi tín đồ Thiên Chúa giáo làm thế nào để chứng minh được những tín điều trong Kinh Thánh là sự thật, thí dụ như về sự hiện hữu của Thượng Đế hay về câu chuyện Maria là một đồng trinh hay về hiện tượng Giê-su chết 3 ngày rồi sống lại chẳng hạn, thì họ bảo rằng những việc nầy chỉ cần dựa vào đức tin mà thôi chớ không thể và không cần bằng chứng gì cả.
Thế mà mỗi khi tôi có lời phê bình, chỉ trích bất cứ điều gì liên quan đến tôn giáo thì cũng chính những tín đồ nầy đòi hỏi tôi phải dẫn chứng với bằng cớ thực tế rõ ràng.
Chỉ cần Kinh Thánh nói là đủ
Khi tôi đề cập đến việc tìm hiểu, khảo cứu về tín ngưỡng và tôn giáo thì các tín đồ Thiên Chúa giáo nói rằng họ chỉ cần đọc quyển sách Kinh Thánh là đủ.
Thật ra thì có vô số người Thiên Chúa giáo suốt đời chưa bao giờ đọc hết cuốn Kinh Thánh. Họ chỉ biết những đoạn Kinh Thánh mà cha xứ của họ đọc lên trong nhà thờ mỗi Chúa Nhật hay trong những lớp dạy giáo lý.
Không những vậy, nhiều tín đồ còn không chịu khó để tự tìm tòi học hỏi thấu đáo về nguồn gốc lịch sử cũng như nội dung chi tiết của quyển sách “thiêng liêng” của họ. Thay vào đó, họ lệ thuộc hoàn toàn vào những người khác để trích dạy họ một phần của quyển sách đó. Các cha xứ, mục sư có toàn quyền lựa chọn những câu nào, những dòng nào thích hợp với họ trong Kinh Thánh để thuyết giải và giảng dạy.
Không được chất vấn hay nghi ngờ Kinh Thánh
Thêm nữa, tín đồ chỉ được nghe và chấp nhận những lời giảng dạy ấy. Họ không bao giờ được phép chất vấn hay phê phán những lời giảng dạy đó. Có thể vì đó mà đại đa tín đồ Thiên Chúa giáo không có thói quen để tự vấn hay khảo nghiệm về nội dung của quyển sách mà toàn thể nền tảng tín ngưỡng của họ dựa vào.
Có lẽ vì quen lệ thuộc vào cách “học hỏi” theo lối “được nhai sẵn rồi mớm” nên họ dần dần không biết và không thể nào dựa vào khả năng riêng của họ để tham khảo các vấn đề tâm linh.
Và cũng có thể là vì những người nầy không muốn tìm hiểu, không muốn phân tích, không muốn biết, không muốn và không dám nghe ai nhắc đến những điều hư xấu trong tôn giáo của họ.
Đó là lý do mà nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo khi thảo luận về tôn giáo đã khẳng định rằng "không ai được chất vấn hay nghi ngờ những gì viết trong Kinh Thánh".
Lý luận vòng tròn
Nếu có tôi đưa bạn một văn kiện. Văn kiện đó viết rằng: 1/ Ông A là một người hoàn toàn có tín nhiệm, do đó những gì ông A nói đều là sự thật, 2/ Bạn, tôi và tất cả mọi người đều thiếu tiền ông A, và 3/ do đó mọi người đều là con nợ của ông ấy.
Bạn sẽ nghĩ gì về tôi và về văn kiện ấy?
Trước hết bạn sẽ cho rằng đây là một lý luận vòng tròn vô lý và lố bịch: Một người tự xưng mình là có tín nhiệm hoàn toàn rồi tuyên bố rằng kẻ khác thiếu tiền mình và muốn kẻ khác do đó phải trả tiền mình!
Sau đó bạn sẽ cho rằng tôi là một kẻ ngốc mới tin và chấp nhận chuyện ấy.
Và bạn cũng cho rằng chỉ có những kẻ hoặc ngốc hoặc có ý đồ lường gạt mới đi truyền bá các câu chuyện lố lăng loại nầy.
Tương tự, nếu có một người đưa bạn một quyển sách. Quyển sách nầy nói rằng: 1/ Có một Thượng Đế toàn năng là chủ tể đã sáng tạo ra vũ trụ nầy và lời của Ngài là sự thật tuyệt đối, 2/ Ngài đã truyền dạy cho môn đồ của Ngài viết ra quyển sách nầy, và 3/ do đó mọi người đều phải tin vào quyển sách nầy.
Bạn sẽ nghĩ gì về người ấy và quyển sách ấy?
Tương tự, tín đồ cũng thường dùng lối lý luận vòng tròn sau đây trong khi thảo luận về sự hiện hữu của Chúa Trời. "Kinh Thánh viết rằng có Chúa Trời hiện hữu và toàn trí, toàn năng. Vì vậy nên lời dạy của Chúa Trời có giá trị tuyệt đối. Kinh Thánh là lời truyền dạy của Chúa Trời, vì vậy Kinh Thánh có giá trị tuyệt đối. Vì vậy nên thật sự có Chúa Trời toàn trí toàn năng”. Và cứ thế mà tiếp tục.
Họ không thấy rằng các lý luận như trên là một trong những lỗi lầm cơ bản nhất trong phép lý luận. Những lỗi lầm nầy gọi là ngụy biện (fallacy).
Tin Chúa an toàn hơn không tin
Nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo nói rằng làm theo những lời truyền dạy như "nếu tôn vinh Thiên Chúa thì khi chết sẽ lên Thiên Đàng, nếu không thì sẽ sa vào hỏa ngục đời đời" của Kinh Thánh thì sẽ có lợi và an toàn hơn là phủ nhận chúng.
Họ cho rằng vì nếu lỡ như chẳng có Chúa Trời hay Thiên Đàng gì hết sau khi chết thì họ cũng chẳng mất mát gì cho lắm. Tuy vậy nếu lỡ như lời Kinh Thánh có thật rồi khi chết đi và phải bị đứng bên ngoài cổng Thiên Đàng nhìn người khác được nhận vào thì sẽ rất tức tối và hối hận.
Tôi đề nghị với những tín đồ nầy rằng nếu muốn an toàn hơn nữa thì họ cũng nên tôn vinh luôn vô số các giáo chủ, thần linh và thượng đế khác như Alah, Brahman, Sai Ba Ba, Thanh Hải Vô Thượng Sư, v.v. vì những tôn giáo nầy cũng hứa hẹn các thiên đàng dành riêng cho tín đồ của họ.
Lý do của tôi là nếu lỡ lời truyền dạy trong các kinh sách của các tôn giáo trên cũng có thật thì sao? Kinh Thánh có khác gì hơn các kinh sách đó?
Chết là được về nước Chúa
Tín đồ Thiên Chúa giáo cho rằng khi chết thì họ được “về nước Chúa”. Tuy vậy ai cũng sợ chết cả.
Khi tôi hỏi nếu được về nước Chúa là một điều tốt lành thì tại sao họ không tự giết chết họ ngay bây giờ đi để thực hiện việc đó, nhiều tín đồ trả lời rằng "vì Thiên Chúa chưa cho phép họ làm chuyện đó".
Câu trả lời nầy đưa đến các thắc mắc sau đây: Làm sao một người có thể biết rằng Thiên Chúa cho phép họ tự giết mình? Thiên Chúa sẽ đưa ra dấu hiệu gì để khi chuyện đó xảy ra? Xưa nay có bao giờ có ai được Thiên Chúa cho phép chết không? Tại sao chúng ta luôn luôn cố cứu sống những người tự vẫn? Làm sao chúng ta biết rằng những người đó có được phép của Thiên Chúa để "tìm đường về nước Chúa" hay không? v.v.
Có người cũng trả lời rằng "vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền lấy mạng sống của một người chớ không ai có quyền đó cả".
Câu trả lời nầy cũng không giải đáp được thắc mắc là nếu đã tin rằng nước Chúa là một nơi tuyệt vời, và Chúa Trời là đấng Toàn Năng vì yêu thương người nào mới gọi người ấy về nước Chúa thì tại sao những tín đồ bị bệnh hoạn hiễm nghèo đều tìm đủ mọi cách chữa trị để chống chỏi lại sự chết? Chẳng phải làm như vậy là cãi lại lời Chúa Trời và phủ nhận ý nghĩa của Thiên Đường hay sao?
Đời sống vô nghĩa nếu không có Chúa
Có nhiều người nói rằng họ không thể từ bỏ Đấng Sáng Tạo vì không có gì khác để nương tựa về mặt tâm linh. Đối với họ thì con người quá bơ vơ trong vũ trụ nầy nếu thật sự không có một Thượng Đế để phù hộ, che chở. Họ cho là đời sống nầy vô nghĩa quá nếu nó không có mục đích gì, tất cả đều vô vọng và kinh hãi quá nếu một ngày nào đó mỗi con người chúng ta chết đi và tan biến hoàn toàn không để lại dấu vết gì cả.
Câu trả lời của tôi là con người không cần cái khái niệm Đấng Sáng Tạo khi họ nhận ra được sức mạnh tâm linh của chính họ trong đời sống và trong vũ trụ nầy. Thay vì tiêu dùng năng lượng tâm thần trí một cách lạc hướng theo những ảo tưởng mơ hồ của tôn giáo, họ nên dùng năng lượng và thời gian nầy để tìm tòi học hỏi thêm về lãnh vực tâm linh của con người.
Theo tôi chỉ có cá nhân mỗi người mới có thể tự tìm thấy ý nghĩa và mục đích của đời sống của chính họ. Tôi cho rằng trong vũ trụ đã luôn luôn có sẵn chung quanh và bên trong chúng ta những giá trị chân thiện mỹ. Chúng ta do đó không cần phải lệ thuộc vào những lý thuyết không hoàn hảo của tôn giáo để đạt được và duy trì giá trị chân thiện mỹ trong đời sống vật chất và tâm linh.
Thiên Chúa có Những Họach Định Thần Bí mà Con Người không Hiểu Được
Khi tôi hỏi tại sao Thiên Chúa từ bi bác ái mà lại để những vô số tai họa thảm khốc xảy ra từ thế kỷ nầy cho đến thế kỷ khác trong lịch sử nhân loại thì các tín đồ trả lời rằng "Thiên Chúa có những lý do riêng không ai hiểu được" (!)
Theo tôi đây là một câu trả lời lấp liếm tiêu biểu để bào chữa cho cái ý niệm Thiên Chúa Từ Bi ngây ngô trong tôn giáo của họ.
Câu hỏi của tôi là nếu trong thực tế có một người cha, một người chủ, một ông vua tuyên bố rằng họ thương yêu con cái, nhân viên, dân chúng của họ vô biên nhưng đồng thời thường xuyên đem đến những sự chết chóc, tàn phá thảm khốc một cách hoàn toàn vô cớ, vô tội vạ thì có ai tin vào lòng từ bi, bác ái của người cha, người chủ, ông vua nầy hay không?
Điều nầy cho thấy các tín đồ nầy a/ mù quáng tin vào những điều mà khả năng lý luận của một người bình thường không cho thể tin được, và b/ tự cố chối bỏ sự thật phũ phàng là không có Thượng Đế nào từ bi, bác ái cả bằng đủ mọi cách và mọi giá.
Và nhiều người cũng tin rằng nếu cầu nguyện mà không được Thượng Đế đáp ứng là vì chẳng qua “Thượng Đế đã có hoạch định rộng lớn, lâu dài cho mỗi người mà chúng ta không hiểu được” và “Thượng Đế chỉ ban cho cái gì tốt nhất cho mỗi người mà thôi”.
Các câu trả lời dạng nầy nầy đến câu hỏi là nếu tín đồ biết Thượng Đế đã có hoạch định cả rồi mà còn cầu xin Thượng Đế thay đổi hoạch định của Ngài thì chẳng phải là ngạo mạn lắm sao? Và nếu Thượng Đế hiểu cao thấy rộng và chỉ ban cho cái gì tốt nhất cho mỗi người thì chúng ta cần gì phải xin cầu cho phí công?
Thiên Chúa cho con người quyền tự do để lựa chọn niềm tin
Tôi thường hỏi tại sao Thiên Chúa không công khai ban phát phép mầu trước mặt mọi người ngày hôm nay ngoài công trường đông đảo của thành phố chẳng hạn để chứng tỏ sự hiện hữu của Ngài.
Câu trả lời tôi nhận được thường là "Thiên Chúa không khoe khoang một cách nhỏ mọn như vậy".
Đây là thắc mắc của tôi: trong khi Kinh Thánh ghi chép rằng Thiên Chúa đã thường xuyên công khai biểu hiện quyền năng của mình qua rất nhiều phép mầu trong quá khứ thế thì tại sao ngày nay Thiên Chúa bỗng nhiên không làm việc nầy nữa?
Có người sẽ bào chữa rằng "Thiên Chúa không áp đặt niềm tin lên con người bằng cách đó vì muốn cho mọi người được tự do lựa chọn niềm tin của mình".
Thế thì tôi xin hỏi rằng không phải là trong suốt Kinh Thánh Thiên Chúa đã lập đi lập lại vô số lần là con người phải tuân phục Ngài, như vậy tại sao tự nhiên bây giờ Ngài đổi ý cho phép con người có sự lựa chọn?
Và cái tôi không hiểu được là tại sao những tín đồ đó biết được ý nghĩ của Thiên Chúa để trả lời 2 câu bên trên?
Vì vũ trụ quá huyền diệu nên phải có một đấng Tạo Hóa
Tín đồ Thiên Chúa giáo thường dùng cấu trúc của con mắt của động vật để biện luận cho sự hiện hữu của Thượng Đế: “Cấu trúc của con mắt tinh vi, huyền diệu vô cùng nên phải có một Thượng Đế đã sáng tạo ra con mắt”.
Vấn đề là khoa học ngày nay tuy đã tiến bộ rất nhiều trong vài trăm năm gần đây những vẫn còn vô số hiện tượng trong vũ trụ và trong đời sống hàng ngày của con người mà khoa học chưa thể “giải mã” được.
Một ngày nào đó khi kiến thức khoa học về cấu trúc của con mắt trở thành “phổ thông” rồi thì tín đồ sẽ dùng một sự vật X khác mà khoa học chưa thấu hiểu được để làm thí dụ cho cái lý luận “X tinh vi, huyền diệu vô cùng nên phải có một Thượng Ðế đã sáng tạo ra X”.
Và cột “gôn” sẽ cứ được các tín đồ tiếp tục dời đi khi đối phương đưa trái banh đến gần.