Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Vatican Điều Tra Căn Hộ Của Hồng Y Tarcisio Bertone, Cựu Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Vatican đang điều tra về tài chánh bất chính của căn hộ rộng lớn trong quốc gia nhỏ bé Vatican mà Hồng y Tarcisio Bertone, cựu Quốc vụ khanh Tòa Thánh đang ở. Ngày 31 tháng 3, Văn phòng báo chí Tòa Thánh xác nhận tin trên của báo Ý Espresso.
Ông Greg Burke, phó giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh xác nhận đang có cuộc điều tra ở Vatican về tài chánh bất hợp pháp của căn hộ Hồng y Tarcisio Bertone đang ở, căn hộ này chỉ cách Nhà trọ Thánh Mácta Đức Phanxicô ở hai bước. Ông Greg Burke cũng xác nhận hai nhân vật chính trong cuộc điều tra là: ông Giuseppe Profiti, cựu giám đốc bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù và ông Massimo Spina, cựu thủ quỹ của hệ thống tiếp tân của Tòa Thánh.

Tiền sửa nhà từ quỹ của trẻ em bị bệnh?

Ký giả Emiliano Fittipaldi của báo Espresso là tác giả quyển sách nói về việc quản trị tài chánh xấu ở Vatican, ông là người đưa ra ánh sáng các việc mờ ám này. Tác giả người Ý này là một trong những người bị tố cáo trong vụ ‘Vatileaks’ chung quanh việc tiết lộ các tài liệu mật, ông cho biết các nhà điều tra đã khám phá tài liệu cho thấy căn hộ của Hồng y Bertone được quỹ của bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù trả, quỹ này là tiền của các ân nhân tặng cho các trẻ em bị bệnh. Ký giả Fittipaldi đã nêu lên vụ này trong quyển sách “Lòng Tham” (Avarice (Feltrinelli) xuất bản tháng 11 năm 2015. Vài tuần sau đó, Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã cải tổ lại một phần hội đồng quản trị bệnh viện, hy vọng “các bóng tối xuyên qua bầu trời bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù sẽ mau chóng được xóa tan”.

Các chuyển khoản không rõ ràng

Hồng y Bertone bị cáo buộc sống xa hoa trong một căn hộ mênh mông ở Vatican từ khi về hưu, cựu Quốc vụ khanh cho biết đã hoàn trả khoảng 300’000 ơrô tiền sửa căn hộ cho Chính quyền Vatican là cơ quan chủ căn hộ này. Sau đó Quỹ Bambino Gesù trả 200’000 ơrô tiền sửa nhà nhưng Hồng y cho biết không được thông báo về việc trả tiền này. Khi vụ này bị báo chí phát giác và làm lớn, Hồng y cho biết đã tặng bệnh viện Bambino Gesù 150 000 Eurô xem như bồi thường thiệt hại.

700 mét vuông với sân thượng?

Đầu năm 2014, báo chí Ý bắt đầu ùm xùm về căn hộ của Hồng y Bertone, một căn hộ rộng 700 mét vuông với sân thượng. Sau đó Hồng y cho biết mình ở căn hộ “được Đức Phanxicô và các cấp cao của Chính quyền Vatican đồng ý” và ngài ở đó với cộng đoàn ba nữ tu và một thư ký. Vụ cáo buộc tài chánh bất hợp pháp của căn hộ này bị khám phá sau đó.

Tháng 2 năm 2015, sau bảy năm làm việc, ông Giuseppe Profiti đã rời chức vụ đứng đầu bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù. Một năm trước đó, Đức Phanxicô đã yêu cầu mở một cuộc điều tra tài chánh và quản trị bệnh viện này, mà trong quá khứ, ông giám đốc đã bị nghi ngờ dính vào vụ tham nhũng của quỹ chung.

Theo: http://phanxico.vn/2016/04/01/vatican-dieu-tra-can-ho-cua-hong-y-tarcisio-bertone-cuu-quoc-vu-khanh-toa-thanh/

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

THANGKA họa phẩm đặc dụng của Phật giáo Kim Cang thừa

Thangka (còn được viết là Tangka hay Thanka) là loại tranh vẽ (hay thêu) treo ở các tự viện hay nơi thờ Phật tại gia đình. Thangka chỉ những họa phẩm cuốn lại được. Điều này chỉ ra rằng Thangka rất tiện lợi cho các nhà sư mang đi đến những nơi hành lễ, mang từ tự viện này đến tự viện khác. Tiếng Tây Tạng từ “thang”  có nghĩa là phẳng, do đó tranh Thangka là họa phẩm thực hiện trên mặt phẳng, có thể cuộn lại khi không cần trưng bày, nó được gọi là “tranh cuộn” là vì vậy.
Cũng có hướng truy nguyên khác: Thangka bắt nguồn từ từ “Thang yig”, tiếng Tây Tạng có nghĩa lả “ghi lại”. Hầu hết tranh Thangka đều có dạng hình chữ nhật. Tranh Thangka được dùng như một công cụ thuyết pháp, thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt ma danh tiếng cùng chư Bồ tát, thánh thần. Một đề tài đặc biệt phổ biến là Pháp luân. Loại Thangka màu thể hiện cả thần và nữ thần Hindu cùng các đề tài Phật giáo: Đức Phật tọa thiền, cuộc đời Đức Phật, Pháp luân, Mạn đà la, Dược Sư Phật...
Đối với Phật tử khi chiêm ngưỡng những bức Thangka treo trên tường họ không chỉ cảm nhận vẻ đẹp trang nghiêm mà còn tin rằng sẽ nhận được những điều mầu nhiệm phát tỏa ra từ đó. Các Thangka vẽ các thần linh được coi là thần bảo hộ hoặc phù hộ tín đồ vượt qua khổ nạn, bệnh tật.
tangka-1.gif

Thangka, khi sáng tạo một cách riêng lẻ, hàm chứa nhiều công năng khác nhau: để tín đồ cầu nguyện và quan trọng hơn thảy, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo này được dùng như một công cụ thiền quán giúp cho hành giả giác ngộ. Những nhà sư theo Phật giáo Kim Cang thừa dùng tranh Thangka  như một hướng dẫn: qua sự quán tưởng mình hóa thân với đối tượng được vẽ trên tranh, nhờ đó mà nhập vào Phật tánh. Thangka được bảo quản trong chính điện, được thánh hóa bằng nước thiêng, đọc thần chú khi mở ra. Thangka chứa một quyền năng bí nhiệm nên luôn được phủ che bằng một tấm kuđa (tấm lụa dài 60 cm).

Lịch sử Thangka
Việc vẽ tranh Thangka ở Nepal bắt đầu vào thế kỷ XI. Thangka phát triển ở các vùng đất thuộc Bắc Himalaya. Tranh Thangka khởi đi khi Phật giáo và Hinđu tạo tượng thờ. Xét về mặt lịch sử, ảnh hưởng của Tây Tạng và Trung Quốc đối với tranh Thangka Nepal (gọi là Paubhas) là hiển nhiên. Paubhas có hai loại: 1/ Palas: Tranh vẽ thần Phật; và 2/ Mandala: Đồ hình huyền bí, gồm những vòng tròn trong hình vuông, mỗi một đều có ý nghĩa đặc biệt.
Thông qua Nepal, Phật giáo Đại Thừa đã truyền sang Tây Tạng trong triều đại Angshuvarma hồi thế kỷ thứ VII. Bởi vậy, bấy giờ đòi hỏi có nhiều tượng thờ và kinh sách cung ứng cho các tự viện mới thành lập trên khắp Tây Tạng. Một số kinh Phật, kể cả kinh Bát nhã Ba la mật đa, được sao chép ở thung lũng Kathmandu cho những tự viện này. Ví dụ bản kinh Astahasrika Prajnaparamita được sao chép ở Patan, vào năm 999, để cho tự viện Sa-Shakya ở Tây Tạng.
Chùa Nor ở Tây Tạng cũng có được hai bản kinh được sao lại từ Nepal: một là kinh Astasaharaskita  Prajnaparamita sao vào năm 1069 và hai là kinh Kavyadarsha năm 1111. Ảnh hưởng của nghệ thuật Nepal lan rộng đến Tây Tạng và thậm chí đến Trung Quốc vào thế kỷ XIII. Nghệ nhân Nepal được vời đến triều đình của Hoàng đế Trung Quốc theo yêu cầu chính thức. Về sau sự đắc dụng của giấy, lá bối trở nên không phổ biến, nhưng chúng còn sử dụng mãi đến thế kỷ XIX. Những bản kinh chép tay, mô phỏng dạng hình chữ nhật được phổ cập rộng hơn so với bối kinh.
Từ thế kỷ XV về sau, loại màu sắc rực rỡ bắt đầu xuất hiện ở tranh Thangka Nepal. Vì tầm quan trọng đang lớn mạnh của tín ngưỡng phù chú giáo (Tantric cult), các khía cạnh khác nhau của Shiva và Shakti (nguyên lý âm/ vợ của nam thần) được vẽ thành tranh trong những tư thế quy ước. Mahakala (Hắc Thiên), Manjushri (Văn Thù), Lokeshwara (Bồ tát Quan Âm) và những vị thần khác cũng được phổ biến và do đó, cũng được thể hiện thường xuyên trên tranh Thangka có niên đại muộn. Khi phù chú giáo thể hiện các ý tưởng về quyền năng huyền bí, các thế lực ma thuật và một đại tập thành biểu tượng đa dạng, sự chú trọng được đặt vào yếu tố nữ và tính dục trong tranh vẽ của thời kỳ đó.
Các tranh vẽ tôn giáo được thờ như tượng thờ ở Newari gọi là Paubha và ở Tây Tạng gọi là Thangka. Nguồn gốc của tranh Paubha hay Thangka có thể quy công cho các nghệ nhân Nepal, chuyên tạo tác một khối lượng tác phẩm kim loại, tranh tường cũng như các bản kinh có vẽ hình minh họa ở Tây Tạng. Nhận thấy nhu cầu to lớn về tượng thờ ở Tây Tạng, những nghệ nhân này đã theo chân các nhà sư và đội ngũ thương nhân. Họ mang theo không chỉ các tác phẩm điêu khắc kim loại mà cả những bản kinh Phật chép tay. Để đáp ứng nhu cầu không dứt, các nghệ nhân Nepal đã khởi xướng một loại tranh tôn giáo mới trên vải có thể cuốn lại dễ dàng để mang đi. Loại tranh này trở nên phổ biến ở cả Nepal lẫn Tây Tạng và như vậy một trường phái mới vẽ tranh Thangka thịnh đạt vào hồi thế kỷ thứ IX hay thứ X và vẫn giữ được sự ưa chuộng đến ngày nay. Một trong những tiêu bản tranh Thangka Nepal có niên đại thế kỷ XIII/XIV vẽ Đức Phật A Di Đà với chư Bồ tát bao quanh. Một bức tranh Thangka khác có đến ba niên đại, được ghi chép trong các văn bản hẳn hoi (niện đại muộn nhất 1369) là bức Thangka cổ nhất mà chúng ta được biết. Bức “Mạn đà la Vishnu” có niên đại 1420 là ví dụ khác về tranh vẽ của thời kỳ này. Các tranh Thangka ban đầu của Nepal rất đơn giản về hình họa lẫn bố cục: vị thần chính, một hình vẽ lớn, chiếm vị trí trung tâm và các vị thần linh thứ yếu, nhỏ bé hơn, bao quanh.
Tài liệu lịch sử có ghi rằng hội họa Trung Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc đến hội họa Tây Tạng nói chung. Khởi đi từ thế kỷ XIV và XV, hội họa Tây Tạng tích hợp nhiều yếu tố từ Trung Quốc và kéo dài suốt thế kỷ XVIII. Theo Giuseppe Tucci, vào khoảng đời nhà Thanh “một nền nghệ thuật mới đã phát triển ở Tây Tạng, trong đó có những ảnh hưởng ít nhiều cái vốn quý của nghệ thuật trang trí thanh nhã”.
Vẽ tranh Thangka là một bộ môn chính yếu của năm bộ môn chính và năm bộ môn thứ yếu của lĩnh vực tri thức. Nguồn gốc của nó có thể tìm lại dấu tích khi quay trở lại thời kỳ của Phật Vương. Đề tài chính của Thangka là tôn giáo. Trong thời đại trị vì của Pháp vương Trisong, Deutsen, các bậc thầy Tây Tạng cải thiện những nghệ thuật đã phát triển tốt đẹp bằng việc tìm tòi và học hỏi từ truyền thống của các xứ sở khác. Nét vẽ, quy tắc trắc lượng nhân thể, trang phục, trì vật và trang sức hoàn toàn dựa theo phong cách Ấn Độ. Việc vẽ hình tướng được dựa theo phong cách Nepal và hậu cảnh của tranh là theo phong cách Trung Hoa. Nhờ đó, Thangka trở thành nghệ thuật độc đáo và cá biệt.
Các loại Thangka
Dựa trên kỹ thuật và chất liệu, có thể chia Thangka làm 2 loại: một là tranh vẽ trên vải britan và hai là làm bằng lụa, bao gồm cả kỹ thuật kết các mảnh lụa hoặc thêu. Thangka cũng có thể phân loại theo các tiêu chí đặc thù như 1/ Tranh sơn màu tson-tang (loại phổ biến nhất); 2/ Tranh khâu kết các mảnh lụa go-tang; 3/ Tranh nền đen: vẽ nét bằng vàng kim trên nền màu đen, gọi là nagtang; 4/ Tranh in từng mảng - thể hiện bằng đường nét trên giấy hay trên vải bằng những bản in khắc trên gỗ; 5/ Tranh thêu, gọi là tshim tang; 6/ Tranh vẽ trên nền màu vàng kim - một biểu tượng kiết tường, được dùng một cách cẩn trọng để vẽ chư thần và chư Phật đạt trình độ giác ngộ viên mãn; 7/ Tranh nền đỏ: vẽ nét tỉ mỉ bằng màu vàng kim, nhưng thường là dùng nét vàng kim trên màu đỏ son - gọi là martang.
Thông thường, tranh Thangka điển hình thường nhỏ khổ có chiều dài hay chiều rộng khoảng 40 cm đến hơn 100 cm, song vẫn có những bức tranh Thangka lễ hội rất lớn, thường là loại tranh khâu kết bằng nhiều mảnh vải/ lụa lại với nhau và vẽ hình tượng trên đó. Loại tranh này thường treo trên vách tự viện trong những lễ lạc đặc biệt. Loại tranh này có chiều rộng lớn hơn chiều cao, có thể rộng đến trên dưới 15 mét và cao hơn 7 mét.
tangka-2.gif
Một bức Thangka vẽ trên lụa mô tả Ngài Tara Xanh

Kỹ thuật
Thangka được tạo tác bằng nhiều loại vải sợi khác nhau. Phổ biến nhất là vải bông được dệt với khổ rộng từ 40-58 cm. Loại tranh Thangka rộng hơn 45 cm thường người ta phải nối vải.
Tranh Thangka vẽ bằng màu pha nước trên nền vải bông hay lụa. Màu được chế tạo từ khoáng và các chất hữu cơ, trộn các loại màu thảo mộc với keo - trong thuật ngữ phương Tây gọi là kỹ thuật vẽ màu keo. Toàn bộ công đoạn vẽ tranh yêu cầu khả năng thành thạo và sự thấu triệt các nguyên tắc trắc lượng đồ tượng, tức các quy pháp tạo hình và tỉ lệ Phật tượng.
Bố cục của tranh Thangka, thành tố chủ đạo của nghệ thuật Phật giáo, là có tính trang trí hình học. Tay, chân, mắt, mũi, tai và các bửu bối/ trì vật mang tính nghi thức đa đạng đều được bố trí trên một mạng kẻ ô gồm những góc và những đường thẳng giao nhau. Một họa sĩ vẽ tranh Thangka tài ba sẽ chọn lựa một cách bao quát từ những đề mục khởi thảo đa dạng để đưa vào bố cục, sắp xếp từ cái bình bát và những con thú đến hình dáng, kích cỡ và những góc vẽ mắt, mũi, miệng của hình tượng. Tiến trình này thực sự rất khoa học, nhưng thường đòi hỏi sự hiểu biết thâm thúy về biểu trưng của hình hoạ trong thực hiện, để nắm bắt được cái cốt lõi, cái tinh thần.
Thangka thường tuân theo những biểu trưng và sự ám chỉ. Vì nghệ thuật minh giải tất thảy các biểu tượng và ẩn ý tôn giáo nên phải tuân theo những quy tắc chặt chẽ được ghi chép trong kinh tạng Phật giáo. Người nghệ sĩ phải rèn luyện tay nghề và phải có đầy đủ hiểu biết tôn giáo, kiến thức và bối cảnh để sáng tạo nên một bức Thangka chính xác và mỹ thuật. Lipton và Ragnubs đã nói rõ điều này trong tác phẩm Kho tàng mỹ thuật Tây Tạng. Nghệ thuật Tây Tạng là một ví dụ điển hình về hóa thân (nirmanakaya), cả hình thể và cả phẩm chất của Phật, được thu tóm vào hình tượng thần thánh. Vì vậy, đối tượng của nghệ thuật phải tuân thủ những chuẩn tắc riêng trong kinh Phật nói về các bộ phận, hình dáng, màu sắc, vị thế của bàn tay (thủ ẩn) cùng các trì vật để khu biệt chính xác đâu là Phật đâu là chư thần. Tất thảy đều yêu cầu người vẽ Thangka phải cố công tu học nghiêm cẩn.
Trong ba năm đầu, các học viên học vẽ phác họa chư thần, Phật, Bồ tát được nêu ra trong kinh Phật. Hai năm sau, họ được chỉ dạy cách thức giã nghiền và sử dụng các màu khoáng chất, vàng ròng để vẽ. Vào năm thứ 6, các học viên nghiên cứu tường tận đến chi tiết kinh tạng và văn bản tôn giáo để chọn chủ đề cho họa phẩm của mình. Để trở thành một họa sĩ vẽ Thangka thành thạo, vào năm học chót thứ mười được một bậc thầy giám sát thường xuyên. Sau khóa tu học, các học viên cần từ năm đến mười năm mới trở thành chuyên gia vẽ Thangka.
Nói chung, Thangka phát triển ở các vùng đất thuộc Bắc Himalaya trong các cộng đồng Lama. Bên cạnh đó, các cộng đồng Gurung và Tamang cũng tạo tác tranh Thangka. Vẽ tranh Thangka cung cấp những cơ hội làm việc cho nhiều người dân ở vùng sơn cước này. Tranh Thangka Newari (cũng gọi là Paubha) đã từng là hoạt động nghệ thuật riêng trong thung lũng Kathmandu từ thế kỷ XIII. Ngày nay, ở đây người ta vẫn còn duy trì nghệ thuật này và chú ý đến các gia đình vẽ tranh Thangka lâu đời, những nghệ nhân đã liên tục thừa kế được di sản của cha ông. Một số tranh tôn giáo và lịch sử cũng đã được nghệ nhân Newari ở thung lũng Kathmandu tạo tác. Nơi đó, đúng là cái nôi đặc biệt của nghệ thuật Phật giáo.  

Tầm nguyên các vụ ly khai trong lịch sử Kitô giáo: Giáo Hội Chính Thống

Trong các ngày từ ngày 18  tới 25 tháng giêng là tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu với đề tài “Được mời gọi để loan báo cho tất cả mọi người các kỳ công của Chúa”. Nhân dịp này kính mời quý vị cùng chúng tôi truy tầm nguồn gốc các vụ ly giáo khiến cho Kitô giáo bị chia rẽ lớn trong dòng lịch sử của mình. Có ba vụ ly giáo trầm trọng nhất: trước hết là vụ ly giáo giữa giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống năm 1054, rồi vụ ly giáo của Giáo Hội Tin Lành do  Martin Luther khởi xướng năm 1517, và vụ ly khai của Anh giáo do vua Henry VIII quyết định năm 1534.
Kitô giáo đã do Chúa Kitô thành lập tại Palestina trong ba năm rong ruổi rao truyền Tin Mừng, xua trừ quỷ dữ và chữa lành tật bệnh. Chúa Giêsu đã tuyển chọn Đoàn Mười Hai Tông Đồ và các môn đệ để các vị cộng tác với Ngài, và truớc khi về Trời Ngài đã truyền cho các vị “ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 2819-20). Sau khi nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, các vị bắt đầu thi hành sứ mệnh này, như kể trong chương 2 sách Tông Đồ Công Vụ. Từ đó Kitô giáo bắt đầu lan nhanh, không chỉ trong đất Palestina, nhưng cả trong nhiều vùng khác nữa bên Tiểu Á, và lan sang cả Roma thủ đô của đế quốc. Năm 313 sau khi hoàng đế Costantino ký sắc lệnh Milano hủy bỏ bắt đạo, Kitô giáo bắt đầu phát triển mạnh và nhanh  hơn. Năm 330 hoàng đế Costantino xây thành phố mang tên mình là Costantinopoli và tuyên bố nó là thủ đô thứ hai của đế quốc với tước hiệu là “Roma mới”. Năm 395 sau khi hoàng đế Teodosio qua đời, đế quốc Roma bị chia  thành hai miền Đông và Tây. Nhưng ngay trong các năm cuối cùng của Đế quốc, quyền bính chính trị, văn hóa và tôn giáo bắt đầu ngày càng di chuyển sang phiá Đông. Thế rồi khi Đế quốc bên Tây sụp đổ năm 476, Đế quốc bên Đông và đặc biệt là Costantinopoli ngày càng chiếm địa vị quan trọng. Sự chia rẽ cũng ngày càng gia tăng, vì bên Tây nói tiếng Latinh, trong khi bên Đông nói tiếng Hy lạp. Tất cả các yếu tố này khiến nảy sinh ra 8 cuộc ly khai trong 8 thế kỷ giữa Roma và Costantinopoli.
Thật ra, ngay trong các thế kỷ đầu đã xảy ra các chia rẽ giữa các kitô hữu. Năm 451 sau Công Đồng Chung Calcedonia đã xảy ra sự chia rẽ đầu tiên, bởi vì vài Giáo Hội Đông Phương không chấp nhận các kết luận của Công Đồng này. Thế là nảy sinh ra các Giáo Hội Đông Phương Cổ gồm Giáo Hội Sirô chính thống Siria, Giáo Hội Assirrô hay Caldea bên Ba Tư, tức Iran ngày nay, Giáo Hội Sirô chính thống bên Ấn Độ, Giáo Hội Armeni bên Armenia, Giáo Hội Copte bên Ai Cập và Giáo Hội Etiopi bên Etiopia.
Năm 691-692 Giáo Hội Bisantin cử hành Công Đồng Trullano đưa ra 102 khoản luật và thực hiện một cuộc cải cách, nhưng không được Giáo Hội Tây Phương chấp nhận. Lễ Giáng Sinh năm 800 khi hoàng đế Carlomagno, vua người Franc bên Pháp từ năm 768 và vua người Longobardi bên Italia từ năm 774,  được Đức Giáo Hoàng  Leo III đội triều thiên đăng quang hoàng đế của Đế Quốc Thánh Roma trong đền thờ thánh Phêrô, thì Đông Phương mất dần quyền tối thượng bênh vực Kitô giáo của mình, và nhường chỗ cho Tây Phương. Vào khoảng năm 1.000 các hiểu lầm ngày càng trở nên sâu đậm, đến độ ĐGH Leo X đã phải gửi một phái đoàn sang Costantinopoli để tái lập các liên lạc giữa Giáo Hội Roma và Giáo Hội Đông Phương. Phái đoàn Roma do ĐHY Umberto da Silva Candida hướng dẫn. Nhưng trong thực tế cuộc gặp gỡ giữa các sứ bộ của Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Costantinopoli Michele Cerulario, đã có các hiệu quả trái nghịch dẫn đưa tới thất bại.
Ngày 16 tháng 7 năm 1054 hai phái đoàn Roma và Costanttinopoli ra vạ tuyệt thông cho nhau. Thế là xảy ra cuộc chia rẽ lớn nhất trong lịch sử của Kitô giáo. Kể từ đó Kitô giáo chia thành hai nhánh: Giáo Hội Công Giáo, tức đại đồng, bên Tây Phương và Giáo Hội Chính Thống, tức trung thành với giáo lý đích thật, bên Đông Phương.
Có hai lý do chính dẫn tới sự chia rẽ này: thứ nhất là vấn đề “Quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng” và thứ hai là từ “Filioque” thêm vào Kinh Tin Kính Niceno-Costantinopoli. Trong hai Công Đồng Chung Nicea năm 325 và Costantinopoli năm 381 Giáo Hội đã đưa công thức Kinh Tin Kinh. Công Đồng Chung thứ ba nhóm tại Êphêxô đã thiết định rằng Kinh Tin Kính không thể được thay đổi nữa. Tại Toledo bên Tây Ban Nha, tức bên Tây Phương, vào năm 587 các kitô hữu đã thêm vào từ “Filioque” để ám chỉ rằng Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, và được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Mục đích của việc thêm vào này là để chống lại lạc thuyết của Ario là đan sĩ, Giám Mục và thần học gia, sống giữa các năm 256-336, cho rằng bản tính thiên chúa của Chúa Con thấp hơn bản tính thiên Chúa của Thiên Chúa Cha, và vì thế đã có một thời trong đó Ngôi Lời của Thiên Chúa đã không hiện hữu, và vì vậy đã được tạo dựng sau đó. Chỉ vào năm 1014 từ này mới được dùng trong Kinh Tin Kính và chỉ vào năm 1274 trong Công Đồng Lyon nó mới được chính thức đưa vào trong Kinh Tin Kính.
Liên quan tới “quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, các văn bản phúc âm cho thấy rõ ràng tông đồ Phêrô  đã có một vai trò hàng đầu so với mười một tông đồ khác. Sau khi Chúa Giêsu về Trời các tông đồ đã hướng tới Phêrô để có một hướng dẫn trong vài thời điểm quan trọng.
Trước khi qua đời các tông đồ đã chọn các người kế vị là các Giám Mục. Trong tất cả các Giám Mục, người kế vị tông đồ Phêrô đã tiếp tục có quyền bính cao hơn và được gọi là Giáo Hoàng để phân biệt với các Giám Mục khác. Như thế Giáo Hoàng là thủ lãnh của Giáo Hội, vì là người kế vị tông đồ Phêrô. Đối với các kitô hữu đông phương trong thời gian trước khi xảy ra vụ ly khai lớn, Đức Giáo Hoàng đã không được coi là đầu của toàn thể Giáo Hội, kể cả Giáo Hội Đông Phương. Đối với họ, nếu phải có một vị lãnh đạo, thì vị đó phải là Đức Thượng Phụ của thành phố quan trọng nhất, nơi hoàng đế sinh sống, tức là Đức Thượng Phụ Costantinopoli. Vì thế họ cho việc Đức Giáo Hoàng đòi có quyền trên 4 toà Thượng Phụ khác là không đúng. Tưởng cũng nên ghi nhận rằng vào thời hai Giáo Hội Đông Tây ra vạ tuyệt thông cho nhau, ĐGH Leo III đã qua đời, quyền bính của ĐHY Umberto, đặc sứ của ĐGH cũng suy giảm, và vì thế đã không thể ra vạ tuyệt thông cho Đức Thượng Phụ Cerulario. Hơn nữa đã không có Công Đồng Chung nào đã ra vạ tuyệt thông cho Giáo Hội kia. Nhiều Giáo Hội Đông Phương khẳng định rằng họ vẫn hiệp thông với Giáo Hội Tây Phương, mặc dù các Giáo Hội này không là thành phần của Giáo Hội Chính Thống. Các biến cố tiếp theo như các các cuộc thập tự chinh lại càng làm cho  Đông và Tây xa nhau hơn nữa. Đặc biệt cuộc thập tự chinh năm 1204 đã gia tăng sự chia rẽ này giữa hai bên, vì các binh sĩ thập tự quân công giáo đã đánh chiếm thành Costantinopoli, cướp bóc và tàn sát các kitô hữu chính thống. Sau cùng biến cố Costantinopoli rơi vào tay quân hồi Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ năm 1453 đã không cho phép các cuộc tiếp cận giữa Roma và Costantinopoli, nghĩa là giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu chính thống. Vì thế bắt đầu từ thế kỷ XV hai Giáo Hội ngày càng xa rời nhau hơn.
Thế rồi từ năm 1917 trở đi, và nói chung từ năm 1944, chế độ cộng sản Liên Xô đã khiến cho các Giáo Hội chính thống của Nga và của vùng Tây Âu châu phải sống dưới sự kìm kẹp và bị điều kiện hóa trầm trọng. Sự kiện này xem ra đã khiến cho người ra nghĩ rằng đông phương đã trở thành vô thần, và đã khiến cho Giáo Hội Công Giáo coi đông phương là đất truyền giáo, đến độ năm 1992 các Thượng Phụ nhóm họp tại Costantinopoli đã phản đối chống lại các hoạt động truyền giáo, cho rằng Giáo Hội Công Giáo tìm chiêu dụ tín đồ gây thiệt hại cho lộ trình hoà giải các kitô hữu đông phương và các kitô hữu tây phương.
Sự kiện đó là cho tới nay Giáo Hội Tây Phương và Giáo Hội Đông Phương vẫn còn chia rẽ và mỗi Giáo Hội tự định nghĩa  là “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Điều này gợi ý rằng với cuộc Ly giáo chính phía bên kia đã bỏ Giáo Hội đích thật. Do đó các tín hữu công giáo gọi cuộc Ly giáo là “Cuộc ly giáo lớn của Đông Phương”, trong khi các tín hữu chính thống thì nói đó là “Cuộc Ly giáo của người Latinh”.
Sau đây là các nét chính yếu diễn tả bản chất của Giáo Hội Công Giáo: Các điểm quy chiếu của Giáo Hội là Thánh Kinh, Truyền Thống, trung thành với các lễ nghi, việc tôn kính Đức Maria và các Thánh, và Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng diễn tả quyền tối thượng của thánh Phêrô, quyền giáo huấn của các Giám Mục và các linh mục. Giáo Hội có các cộng đoàn tu sĩ, các đan sĩ và giáo dân nam nữ. Hàng giáo sĩ và tu sĩ sống độc thân. Có Bẩy bí tích: Rửa Tội, Thánh Thể, Thêm Sức, Giải Tội hay Hoà Giải, Truyền chức thánh, Hôn Phối và Xức dầu bệnh nhân. Tín hữu công giáo tin và sùng kính Đức Maria như là Mẹ Thiên Chúa. Lễ nghi phụng vụ là Thánh Lễ ngày thường và lễ trọng. Tham dự lễ trọng là điều luật, quy chiếu Mười Điều Răn dậy thánh hóa các ngày lễ. Trong Thánh lễ việc thánh hóa hay truyền Phép bánh và rượu được cử hành trước tín hữu, và bánh thánh là bánh không men. Phụng vụ được tất cả mọi tín hữu tham dự tích cực. Các nhà thờ có nhiều ảnh tuợng và hình vẽ diễn tả các chuyện Thánh Kinh, Đức Mẹ và các Thánh.
Và sau đây là các đặc thái của Giáo Hội Chính Thống. Các điểm quy chiếu của Giáo Hội là Thánh Kinh, Truyền Thống, trung thành với các lễ nghi, việc tôn kính Đức Maria và các Thánh. Thánh công đồng quy tụ các Thượng phụ và các Giám Mục. Các linh mục có quyền lập gia đình, nhưng không được làm Giám Mục. Các linh mục nào muốn làm Giám Mục phải sống độc thân. Các cộng đoàn đan sĩ rất đông đảo và quan trọng, các vị không được lập gia đình. Giáo Hội Chính Thống cũng có 7 bí tích như Giáo Hội Công Giáo. Tín hữu cũng tin và sùng kính Đức Maria như Mẹ Thiên Chúa. Thánh lễ chỉ được cử hành ngày Chúa Nhật và không có luật buộc tham dự. Lễ nghi thánh thể rất dài và phức tạp. Trong thánh lễ việc truyền phép được thực thi sau một bức màn, giống như các tư tế do thái khi họ cầu nguyện trước Hòm Bia Giao Ước. Bánh dùng là bánh có men thường. Các nhà thờ chính thống có các ảnh Icone vẽ trên gỗ.
Như thế đâu là  những khác biệt chính giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống?.
Liên quan tới quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội Công Giáo dựa trên việc kế vị thánh Phêrô và tin vào quyền này của người kế vị thánh nhân. Giáo Hội Chính thông không chấp nhận sự kiện này. Mỗi Giáo Hội Chính Thống tự quản trị mình.  Liên quan tới quyền không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng Giáo Hội Công Giáo chấp nhận khi ĐGH tuyên bố các tín điều. Giáo Hội Chính thống không chấp nhận quyền này. Liên quan tới từ “Filioque” Giáo Hội Công Giáo đã thêm vào Kinh Tin Kính trong Công Đồng Toledo năm 587. Trong Kinh Tin Kính cùa Giáo Hội Chính Thống không có từ “Filioque”. Ngôn ngữ sử dụng trong phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo là tiếng Latinh hay các tiếng bản xứ. Giáo Hội Chính Thống dùng tiếng Hy Lạp trong phụng vụ. Trong Giáo Hội Công Giáo hàng giáo sĩ bắt buộc phải sống độc thân. Trong Giáo Hội Chính Thống các linh mục được quyền lập gia đình, ngoại trừ các Giám Mục và các đan sĩ phải sống độc thân. Giáo Hội Công Giáo không chập nhận ly dị. Giáo Hội Chính Thống chấp nhận ly dị. Các linh mục công giáo có thể để râu, các linh mục chính thống thường để râu dài. Trong các nhà thờ công giáo có các tượng ảnh thánh và hình vẽ, trong các nhà thờ chính thống chỉ có các icone, tức các hình vẽ trên gỗ là các cửa sổ mở lên trời.  Giáo Hội Công Giáo có tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và Đức Mẹ hồn xác lên Trời, Giáo Hội Chính Thống không chấp nhận hai tín diều này. Giáo Hội Công Giáo thừa nhận có Luyện ngục, Giáo Hội Chính Thống không thừa nhận Luyện ngục. Giáo Hội Công Giáo có tất cả 21 Công Đồng. Giáo Hội Chính Thống chỉ có 7 Công Đồng đầu tiên. Giáo Hội Công Giáo cử hành Thánh Thể với bánh không men, Giáo Hội Chính Thống cử hành Thánh Thể với bánh mì, tức bánh  có men.
Tưởng cũng nên ghi nhận rằng ngay từ trước vụ ly khai năm 1054 các Giáo Hội Đông Phương đã không thừa nhận quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, từ “Filioque” trong Kinh Tin Kính, Luyện ngục trong giáo lý và bánh không men trong việc cử hành Thánh Lễ.
Mỗi giáo hội chính thống tự quản gồm Công Nghị các Giám Mục do một thượng phụ lãnh đạo của một Giáo Hội quan trọng chủ sự. Các Giáo Hội Chính Thống chính gồm Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli với Đức Thượng Phụ là thủ lãnh danh dự của Chính Thống giáo toàn thế giới, Giáo Hội Chính Thống  Alesandira, Hy lạp, Rumania, Serbia, Nga và Bulgaria.